Quá trình phong thánh cho nữ tu Rani Maria Vattalil, người bị sát hại cách đây 22 năm tại Ấn Độ, bước vào giai đoạn cuối khi các viên chức Giáo hội thông báo quyết định tuyên bố nữ tu là chân phước tử đạo.
Hôm 23-3, Đức Thánh cha Phanxicô “ký đơn đề nghị” của Bộ Phong Thánh công bố “sắc lệnh tử đạo” đối với nữ tu dòng Franciscan Clarist và phong chân phước cho nữ tu, theo thông tin từ Đức Hồng y George Alencherry của Ernakulam-Angamaly thuộc Kerala, bang miền nam Ấn Độ. Ngày phong chân phước cho nữ tu sẽ được thông báo sau, đức hồng y cho biết.
Nữ tu dòng Franciscan Clarist, hiện nay được nhiều người gọi là Sơ Rani, bị đâm chết trên xe buýt ngày 25-2-1995. Một kẻ giết mướn đã đâm sơ ít nhất là 50 nhát dao. Sơ làm việc nơi người nghèo không có đất canh tác, và việc này khiến một số địa chủ trong giáo phận Indore thuộc Madhya Pradesh, miền bắc Ấn Độ, tức giận.
Nữ tu lúc đó 41 tuổi, làm việc trong làng Udainagar thuộc giáo phận Indore. Trên đường về nhà ở Kerala, sơ đi đến Indore, trung tâm thương mại của bang Madhya Pradesh.
Đức cha George Anathil của Indore lúc đó khởi xướng án phong thánh cho sơ Rani năm 2001 bằng cách thành lập hai ủy ban thần học và lịch sử nghiên cứu cuộc đời của sơ. Sau đó hai ủy ban này trình kết quả cho ban điều tra gồm 3 thành viên của giáo phận do Đức cha Anathil thành lập tháng 6-2005 nhằm xúc tiến quá trình phong thánh.
Một người được đề nghị phong thánh được tuyên bố là Tôi tớ Chúa sau khi ban điều tra cấp giáo phận nhìn nhận người đó đã sống một cuộc sống anh hùng theo nhân đức Kitô giáo. Sau đó Bộ Phong Thánh xét duyệt thông tin được thu thập và có thể trình Đức Thánh cha tuyên bố người đó là “đấng khả kính”.
Giai đoạn tiếp theo là phong chân phước, với điều kiện là phải có một phép lạ được xác nhận là do người đó chuyển cầu, trừ khi người đó được tuyên bố là tử đạo. Để được tôn phong thánh cần có một phép lạ nữa với điều kiện giống như thế.
Để phong chân phước tử đạo, Giáo hội không đợi xác minh phép lạ, mà chỉ cần Đức Thánh cha tuyên bố người đó tử vì đạo, nhấn mạnh người đó cống hiến cuộc đời làm chứng cho đức tin cách anh hùng và tự nguyện hay hành động bác ái anh hùng.
“Sơ được Đức Thánh cha quyết định phong chân phước tử đạo là niềm hân hoan và tự hào đối với Giáo hội tại Kerala”, Đức Hồng y Alencherry nói.
Sơ Rani là thành viên cộng đoàn Syro-Malabar Franciscan Clarist. Thánh Alphonsa, người phụ nữ đầu tiên của Ấn Độ được tôn phong thánh năm 2008, cũng thuộc cộng đoàn này. Cộng đoàn đã thành lập nhiều trung tâm truyền giáo trong các làng mạc ở miền bắc Ấn Độ.
Ngoài công tác truyền giáo, nữ tu bị sát hại “còn tham gia giáo dục và trao quyền cho dân làng nghèo khổ” nhằm giải thoát họ khỏi tay những kẻ cho vay tiền và địa chủ ở địa phương, theo văn phòng của Đức Hồng y Alencherry.
Samunder Singh, kẻ sát hại nữ tu đang thụ án chung thân, hối hận và xin gia đình nữ tu tha thứ. “Đó là điều đáng chú ý”, đức hồng y nhận định.
Đức Tổng Giám mục Leo Cornelio của Bhopal, sống ở Madhya Pradesh, nói việc phong chân phước cho sơ Rani một lần nữa “chứng minh công việc vất vả của các thừa sai không phải là vô ích”.
Ngài nói với ucanews.com rằng phong chân phước “rõ ràng sẽ thúc đẩy tinh thần của các vị thừa sai làm việc trong vùng”, nơi Kitô hữu thường xuyên đối mặt bạo lực từ phía các nhóm cực đoan cáo buộc người trong Giáo hội cố tình cải đạo người theo Ấn giáo.
Nữ tu bị giết hại vì làm việc xóa bỏ “tình trạng làm việc để trả nợ vốn là hình thức nô lệ hiện đại”. Tấm gương của nữ tu sẽ “tiếp tục truyền cảm hứng” cho các thừa sai làm việc cải thiện đời sống người nghèo, đặc biệt trong “những hoàn cảnh khó khăn”, Đức cha Cornelio phát biểu.
Christopher Joseph và Saji Thomas từ Bhopal, Ấn Độ
Nguồn tin: UCAN