Vatican cần thận trọng trong thương thảo với Trung Quốc

Các cuộc tấn phong hai giám mục Trung Quốc tuần trước, Đức Cha Giuse Tang Yuange ở tỉnh Tứ Xuyên và Đức Cha Gioan Baotixita Wang Xiaoxun ở tỉnh Sơn Tây, cả hai đều được Vatican chấp thuận, có vẻ xác nhận thông tin cho rằng Trung Quốc và Vatican đang tiến gần tới một thỏa thuận về vấn đề rất quan trọng là việc bổ nhiệm các giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma.

papa-sobre-china.jpgKể từ những ngày đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã ép Giáo hội Công giáo không được “can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc, trong khi Vatican nhấn mạnh rằng việc bổ nhiệm giám mục là một vấn đề của Giáo hội.

Năm 1957, Đảng Cộng sản đã tạo ra Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc để kiểm soát người Công giáo của quốc gia. Kể từ đó, Vatican lo lắng về một Giáo hội ly giáo ở Trung Quốc. Gần đây, ly giáo là một vấn đề được Đức Thánh Cha Phanxicô chú ý. Vào cuối tháng 10 vừa qua, ngài bắt đầu một loạt sự kiện sẽ kéo dài cả năm để kỷ niệm 500 năm Cải Cách Tin Lành do Martin Luther khởi xướng năm 1517.

Hiện nay, có 9 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, chủ yếu là các thành viên của Hiệp hội yêu nước chính thức. Tuy nhiên, trog số đó vẫn có hơn 3 triệu tín hữu của Giáo hội “hầm trú” và công nhận thẩm quyền của Đức Thánh Cha. Cả hai Giáo hội “yêu nước” và Giáo hội “hầm trú” đều có các giám mục, một số được Vatican công nhận, một số chỉ được Trung Quốc công nhận và một số được cả Rôma lẫn Bắc Kinh công nhận.

Trong khi chi tiết của thỏa thuận Vatican-Trung Quốc không được công bố, Đức Hồng y John Tong, Tổng Giám mục Hồng Kông, trong lá thư mục vụ ngày 31/7 tiết lộ rằng “chính phủ Trung Quốc hiện đang sẵn sàng để đạt được một sự hiểu biết” về vấn đề này.

Đức Cha Tong nói về khả năng Vatican trong tương lai sẽ công nhận tính hợp pháp của một hội nghị các giám mục tại Trung Quốc, “có quyền và trách nhiệm giới thiệu ứng cử viên giám mục mà họ coi là phù hợp với Đức Giáo hoàng.”

Một hội nghị như vậy sẽ bao gồm cả các giám mục “yêu nước” và các giám mục “hầm trú”. Giáo hội “hầm trú” đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong những năm qua, sẽ có thể xem thỏa thuận này như là một sự phản bội lòng tin của họ. Chưa kể vấn đề những sự kết án hiệp hội Công giáo yêu nước mà các Đức Giáo hoàng trước đây đã đưa ra.

Vị tiền nhiệm của Đức Cha Tong trong chức vụ Tổng Giám mục Hồng Kông, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, là một người thường công khai phê bình một hiệp ước Vatican-Trung Quốc, như báo Guardian dẫn lời, đã nói rằng một thỏa thuận như vậy sẽ “phản bội Chúa Giêsu Kitô.” Đức Hồng y 84 tuổi cũng nói rằng các giám mục “chính thức” “không thực sự rao giảng Phúc Âm” mà là “rao giảng sự vâng phục chính quyền Cộng sản.”

Trung Quốc, với dân số khoảng 1,4 tỷ người, và Vatican, với 1,2 tỷ tín hữu trên toàn thế giới, từng nghĩ về những vấn đề thiên niên kỷ. Không mấy ngạc nhiên khi họ đã không đạt được thỏa thuận trong hơn 65 năm về một vấn đề mà mỗi bên đếu cẩn thận cân nhắc các lợi ích của mình.

Giáo hội Công giáo đã chia sẻ thẩm quyền với chính quyền cộng sản trong việc bổ nhiệm các giám mục của mình, ở Đông Âu trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và ở Việt Nam hiện nay. Nhưng Vatican vẫn phải cẩn thận hơn trong đối phó với Trung Quốc.

Vatican có thể suy luận rằng, cuối cùng, Vatican sẽ quyết định xem có nên bổ nhiệm một ứng cử viên trong danh sách ngắn do Trung Quốc lập. Và trên lý thuyết Vatican có thể từ chối bổ nhiệm bất kỳ ai trong số họ. Nhưng Rôma phải nhận ra rằng đó là cho phép các tay chân của một đảng chính trị có thể hoàn toàn kiểm soát việc đề cử các giám mục của Giáo hội. Có đáng giá không?

Hơn nữa, Giáo hội không nên nhầm lẫn giữa Đảng Cộng sản với người dân Trung Quốc. Trong thư mục vụ của mình, Đức Hồng y Tong nhiều lần sử dụng khái niệm “nhân dân Trung Quốc”, nói rằng Giáo hội Công giáo tôn trọng “người dân Trung Quốc” và muốn dành thời gian cho “người dân Trung Quốc” đến chỗ hiểu biết Giáo hội, để họ sẽ hiểu rằng “Giáo hội không phải là một kẻ thù của quốc gia hay một kẻ xâm lược từ bên ngoài.”

Cho đến nay, cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Vatican dường như được giới hạn trong các vấn đề bổ nhiệm các giám mục, chứ không phải là bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Vatican là chính phủ cuối cùng còn lại ở châu Âu – thực ra, ở phương Tây – vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc sẽ làm một cuộc “đảo chính” ngoại giao nếu Vatican cắt đứt liên hệ với Đài Loan.

(Vũ Minh, dcctvn.org 09.12.2016/ The Japan Times)