Giải đáp phụng vụ: Không được thay câu Tung hô sau Truyền phép bằng câu khác.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong mùa Giáng sinh này, nhà thờ của chúng con hát câu “Come let us adore him” (Chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa) trong phần tung hô ‘Đây là mầu nhiệm đức tin’. Đúng không, thưa cha? Hình như là không đúng. Xin cha giải thích lý do tại sao mọi linh mục không được sử dụng câu thay thế cho tung hô “Đây là mầu nhiệm đức tin” trong mùa Giáng sinh? – D. P., North Andover, Massachusetts, Mỹ.

Đáp: Lý do chính tại sao các giáo xứ khác không làm như thế, còn giáo xứ của bạn lại đang làm, là rằng câu “Come let us adore him” không được tìm thấy trong Sách Lễ Rôma, như là một câu tung hô được phép thay thế trong phần “Đây là Mầu nhiệm Đức tin”.

Trong sách lễ Latinh, và trong hầu hết các Sách lễ tiếng Anh, có ba công thức cho lời tung hô này. Tại Ireland, cụm từ “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (My Lord and my God, Ga 20,28, Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ) cũng được Tòa Thánh chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ. 

Việc đưa bản văn mới vào Sách lễ không phải là thẩm quyền của linh mục, cũng không phải là của cá nhân Giám mục. Tỉ lệ hai phần ba của Hội đồng Giám mục có thể chấp thuận các sửa đổi, nhưng chúng chỉ có thể được sử dụng với sự đồng ý của Tòa Thánh. Vì vậy, văn kiện “Sacrosanctum Concilium” (số 22) của Công đồng chung Vatican II nêu ra nguyên tắc cơ bản, vốn được lặp đi lặp lại trong tất cả các văn bản liên quan:

“Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ” (Bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt).

Một lý do khác nữa là rằng sự diễn tả trên thực sự giới hạn phạm vi của lời tung hô, và làm suy yếu giá trị thần học của nó.

Những chữ “Mysterium fidei” (Đây là mầu nhiệm đức tin), mặc dù không được tìm thấy trong các trình thuật của Tân Ước, tạo thành một phần của công thức truyền phép trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma. Theo một số chuyên gia, có thể cụm từ này được chèn vào công thức truyền phép bởi Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả (440-461) để chống lại lạc giáo Manikê (Manichean), vì họ chối bỏ sự thiện của vật chất. Ngài cũng nói tới cụm từ “một hy lễ thánh, một lễ vật không tì vết”, với sự nhắc đến lễ vật của Menkixêđê (Melchizedek). Văn bản này đọc trong một bản dịch không chính thức như sau:

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu: Đây là mầu nhiệm đức tin: sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Sau đó theo dòng thời gian, thành ngữ này được xem là quan trọng để chống lại một số sai lạc liên quan đến sự Hiện diện Thật sự của Chúa, đặc biệt là do các giáo sĩ. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216) đã viết rằng:

“Thành ngữ “Đây là Mầu Nhiệm đức tin” được sử dụng bởi vì ở đây những gì được tin là khác với những gì được thấy, và những gì được nhìn thấy là khác với những gì được tin. Vì cái được nhìn thấy là hình bánh và hình rượu, và điều được tin là Mình và Máu Chúa Kitô và sức mạnh của hiệp nhất và yêu thương”(Denzinger 782).

Sau Công đồng chung Vatican II, với việc giới thiệu các Kinh nguyện Thánh Thể mới và mong muốn có một công thức duy nhất và dựa theo Kinh Thánh cho việc truyền phép trong cả bốn Kinh nguyện, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã quyết định loại bỏ lời “Đây là Mầu nhiệm Đức tin” khỏi công thức truyền phép và ban cho chúng chức năng hiện tại như là lời giới thiệu cho lời tung hô của tín hữu. Điều này thực tế là truyền thống trong một số Giáo Hội phương Đông, đặc biệt là Phụng Vụ Thánh Giacôbê, nhưng lại cấu thành một sự mới lạ trong nghi lễ Rôma. Các lời tung hô này là:

“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

hoặc: “Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.

hoặc: “Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Phụng Tự, HĐGMVN).

Tất cả các lời tung hô, trong truyền thống phụng vụ của Thánh Giacôbê, đều hướng về Chúa Kitô hơn là về Chúa Cha, và qui chiếu đến hành động cứu độ của cái Chết và sự Phục sinh của Ngài, và cũng hướng về việc Chúa đến lần thứ hai (lại đến).

Hai câu tung hô đầu bắt nguồn từ thư 1 Côrintô 11,26: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Còn câu tung hô thứ ba dường như được dựa trên Gioan 4,42, sau khi người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu, các bạn Samaria nói với cô: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Bản dịch, như trên) 

Trong hình thức hiện nay, mặc dù lời tung hô bao gồm đức tin vào sự Hiện diện Thật sự của Chúa, nó được xem một cách nào đó như lời mời gọi các tín hữu, để đáp trả những gì được hàm ý bởi lệnh của Đức Kitô là “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Bằng cách này, họ đi vào gốc rễ của mầu nhiệm Thánh Lễ như một hy lễ thánh và sống động, và nhấn mạnh vào sự liên kết không thể tách rời của cuộc Khổ nạn và Bữa Tiệc Ly, trong ánh sáng của sự cần thiết cho các Kitô hữu là phải kiên trì trong đức tin vào sự Chết, sự Phục sinh và Lên trời của toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Ngoài ra, còn có một sự nhắc đến việc Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét thế giới, vốn một cách nào đó nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Thể cũng là bánh sự sống, vốn nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc hành trình đi về mục đích cuối cùng là sống bên Chúa luôn mãi.

So với lời tung hô này, câu “Chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa”, trong khi sống rất nhiều trong tinh thần Giáng sinh và có lẽ lấy cảm hứng từ bài thánh ca “Adeste Fideles” (các tín hữu hãy đến), là ít phong phú và đầy đủ.

Điều tương tự cũng có thể được nói cho câu “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, vốn đã được phê duyệt cho Ireland. Có lẽ nếu người ta đặt lời này trong ngữ cảnh gốc của lời tuyên xưng đức tin của thánh Tôma vào thiên tính của Chúa Kitô phục sinh, nó nắm bắt một số điều phong phú của các lời tung hô khác. Tuy nhiên, có nhiều khả năng nó được hiểu như là dành riêng cho đức tin vào sự Hiện diện Thật sự của Mình và Máu Chúa Kitô trong hình bánh rượu, và có xu hướng bỏ qua các khía cạnh khác của Thánh Lễ mà các lời tung hô ban đầu nhắm tới. (Zenit.org 22-12-2015)

Nguyễn Trọng Đa