Tại sao người Ý yêu mến Đức Phanxicô

ROMA – Một ngày nọ, khi rời Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, một nhà khách kiểu Sparta ở Vatican, là nơi ở mà giáo hoàng ưa thích hơn căn hộ giáo hoàng sang trọng nhưng cô độc, giáo hoàng Đức Phanxicô bắt gặp một giám mục đang đợi tài xế của mình. Giáo hoàng mỉm cười với ông và nói, “Anh không thể đi bộ à?”

Pope-Francis-children.jpg

 

Câu chuyện này là một trong nhiều chuyện được truyền miệng khắp Vatican từ khi ĐứcJorge Mario Bergoglio được bầu kế vị Đức Joseph Ratzinger làm Giáo hoàng kể từ ngày 13 tháng 3. Chuyện này có thật hay không, chẳng thành vấn đề. Vấn đề là con số những giáo sỹ kỳ cựu cứng nhắc thừa thãi đã tụt xuống đáng kể.

 

Nếu Đức Gioan Phaolô II là một ngôi sao nhạc rock của Giáo hội Công giáo La Mã, và Đức Benedicto XVI là một nhà huấn giáo, thì giáo hoàng Phanxicô  là một người đổi mới, một Steve Jobs của giáo hội.

 

Trong một bài phỏng vấn gần đây, ngài đã nói rằng: “Tôi thấy giáo hội như một bệnh viện dã chiến sau trận đánh. Hỏi xem người thương binh về lượng đường máu của họ chẳng có nghĩa lý gì hết! Bạn phải nhắm tới vết thương của người đó.”

 

Và có nhiều điều phải nhắm tới. Tân giáo hoàng hứa sẽ có những cách xử trí mới về vấn đề tình dục đồng giới, về những cặp li dị và tái hôn, về mối liên hệ với các tôn giáo khác, và về tầm quan trọng của lương tâm.

 

Đức Phanxicô đã phải gác lại sự miễn cưỡng của mình – một sự miễn cưỡng đã dẫn đến việc các hồng y bầu cho hồng y người Đức, Ratzinger, trở thành Đức Benedicto XVI vào năm 2005 – để nhận lấy ngai giáo hoàng với sự năng động không ngừng và sự chân thành thu phục hết thảy mọi người. “Các lãnh đạo của giáo hội đã thường rơi vào tính ái kỷ, bị những kẻ nịnh nọt tâng bốc và rung động. Thói tranh thủ vận động là thứ bệnh hủi của cương vị giáo hoàng”, Đức Phanxicô đã nói thế với nhà báo 89 tuổi (và là người vô thần), Eugenio Scalfari.

 

Và ngài không chỉ nói mà thôi. Vài ngày trước, Ngân hàng Vatican đã đóng cửa tài khoản của khoảng 900 tổ chức và tòa đại sứ, với một số trong đó bị nghi ngờ có dính líu đến hoạt động rửa tiền. Việc Đức Phanxicô, một người Ý-Argentina, thời trẻ đã từng làm bouncer, người quản lý trật tự quán bar, có lẽ gợi lên được đôi điều.

 

Những người Ý, mà giáo hoàng xem là người thân cận, đều lặng người đi. Nén mình để nhìn xem các giáo sỹ cấp cao nói nhẹ cho sự vô độ của Silvio Berlusconi, một mẫu lãnh đạo tồi tệ nhưng là một đồng minh nịnh bợ, những người Ý đầy kinh ngạc khi thấy giáo hoàng tự tách mình khỏi môi trường chính trị. Người Ý đã quen với kiểu tinh thần vị kinh doanh của các phong trào phổ biến trong giáo hội, như tổ chức Hiệp thông và Giải phóng (Comunione e Liberazione), và họ cố gắng để tin rằng Đức Phanxicô  thật tâm thích những việc tốt hơn là lợi nhuận.

 

Các cha xứ Ý đặc biệt hài lòng về ngài. Với chỉ dưới 30 phần trăm dân đi lễ ngày chúa nhật, các giáo xứ nhanh chóng chào đón tân giáo hoàng, một con người khiến các tín hữu hân hoan và những người vô tín ngưỡng cũng tôn trọng.

Đức Phanxicô yêu thích người dân, ít nhất cũng ngang với lòng yêu thích sách vở của Đức Benedicto XVI. Vị giáo hoàng người Đức đã cho các tín hữu Công giáo một bài học thần học triền miên không dứt. Còn vị giáo hoàng Argentina cho họ sự bảo đảm và thông hiểu. Tất cả những gì bạn cần là tình yêu thương. Đừng ngạc nhiên nếu Đức Phanxicô bắt đầu trích dẫn những lời của John Lennon.

 

Vị giáo hoàng này rất hòa đồng. Không phải bởi ngài hay nói chuyện này chuyện nọ, người quyền lực nào cũng làm vậy. Không phải bởi ngài gọi điện thoại trực tiếp cho những người xa lạ. Không phải bởi ngài trả hóa đơn tiền phòng Nhà trọ Quốc tế Phaolô VI cho những ngày lưu trú trong thời gian Mật nghị. Năng lực hòa đồng của Đức Phanxicô  xuất phát từ lòng cảm thông, chứ không phải từ những hành động đơn lẻ. Chỉ có Bill Clinton và Barack Obama thời kỳ đầu, mới thể hiện được một năng lực đi vào lòng dân như ngài mà thôi.

 

Khi Đức Phanxicô đi giữa đám đông, ngài bắt lấy những tặng phẩm mà họ ném cho ngài và ra dấu tán đồng. Ngài tạo dáng chụp hình với các sinh viên Khi ngài găp đội bóng đá Argentina và một trong các cầu thủ, Ezequiel Lavezzi, nhanh nhẩu ngồi vào ngai giáo hoàng, Đức Phanxicô  cười đùa, “Dân tộc của tôi đó”, rồi thêm rằng, “Giờ bạn thấy vì sao tôi thích chiếc ghế này rồi chứ?”

 

Đức Phanxicô  biết cách cười, và biết cách làm người khác cười. Ngài hiểu rằng sự hóm hỉnh là người chị em trần thế của lòng cảm thương: nó cho phép bạn đón nhận sự bất toàn của thế gian. Khi được hỏi xem vị thánh yêu thích của mình là ai, Đức Phanxicô  trả lời: “Bạn muốn tôi xếp hạng họ, nhưng bạn chỉ có thể làm điều này trong những chuyện như thể thao mà thôi. Nếu hỏi về những cầu thủ hàng đầu Argentina là ai, thì tôi có thể nói được.” Cuối cùng, ngài nhận rằng vị thánh yêu thích của ngài là Augustinô và Đức Phanxicô . (và không nhắc gì đến Lionel Messi trong dịp đó)

 

Đức Phanxicô làm người Ý nhớ về giáo hoàng Gioan XXIII, một giáo hoàng với tư duy xã hội, trị vì từ 1958 đến 1963, và hình tượng chân chất của ngài vẫn còn nhuộm thắm quê hương họ, một người miền núi đã khai mào Công đồng cải cách Vatican II. Đức Phanxicô  đã nói với Scalfari rằng, “Những tội ác nghiêm trọng nhất trên thế giới, là để những người trẻ thất nghiệp và những người già phải sống trong cô đơn.”

 

Có lẽ bạn sẽ nói rằng giáo hội thì tất nhiên phải nói những lời như thế rồi. Tất nhiên là giáo hội nên nói thế. Nhưng vấn đề là, trước khi có Đức Phanxicô , giáo hội với ý muốn công bố những nguyên tắc không thể phủ nhận, đã không nói những chuyện như thế.

 

Khi xuất hiện trước toàn thế giới vào ngày 13 tháng 3, Đức Phanxicô  đã nói bằng tiếng Ý rằng: “Thân chào anh chị em! Các bạn biết trọng trách của Mật nghị Hồng y là chọn ra giám mục thành Roma. Các hồng y huynh đệ của tôi có vẻ như đã đi đến tận cùng địa cầu để chọn ra một người, và giờ chúng ta có người đó ở đây.” Ai ai cũng đoán phỏng xem ngài sẽ dẫn dắt giáo hội đến đâu.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 02.01.2015/
Corriere della Sera | Beppe Severgnini | 03-10-2013)