20-11, Thầy trò bận tâm luận bàn (1)

miệng thường là: chúc trò trở thành con ngoan trò giỏi, chúc thầy công tác tốt. “Con ngoan” có ý nói về đạo đức, “trò giỏi” có ý nói về tài năng. Trộm nghĩ, giỏi cho ra giỏi chính là đạo đức lắm, nên thầy trò sẽ bàn luận về “giỏi”. “Công tác” có ý nói về công việc, về nghề nghiệp. Thoáng thấy, giáo dục đúng là một nghề, nhưng nếu chỉ là một nghề mà thôi, thật không đáng gọi là giáo dục, thế nên thầy trò luận bàn xem: để giỏi cần làm gì?

(1) Muốn giỏi cần học nhiều dạy nhiều?

Cả thầy và trò đều thấy, người ta đi học từ sáng sớm đến đêm khuya. Học ghê gớm, dạy khủng khiếp. Có lẽ, người ta nghĩ rằng, càng nhiều càng tốt. Đúng là cần phải học, cần phải luyện tập; học đúng nghĩa đòi hỏi phải khổ công nhiều, đòi hỏi sự đầu tư rất công phu. Thế nhưng, “nhiều” cũng có thể đồng nghĩa với ngốc, với mù quáng, với tham lam.

Nếu học chỉ để thu thập càng nhiều kiến thức càng tốt, thì thật uổng. Sách vở quý giá trên thế giới nhiều “vô kể”, thông tin trên internet dường như “vô tận”, các phim ảnh kinh điển trình chiếu “khắp nơi”, ổ cứng và máy tính có bộ nhớ “vô hạn”.

Nếu học nhiều chỉ để lấy danh tiếng, thì thật phí. Chỉ có một số ít người là thông minh kiệt xuất, chỉ có một số ít người là có thế giá con ông cháu cha để được xưng tụng. Xã hội vẫn thường chuộng danh hơn thực, nên nếu lấy thực với mục đích tạo danh, thì đó là loại ước mơ tầm thường và thiếu thực tế.

Nếu học nhiều chỉ vì ham học, thì học có khác gì một bản năng giữa các bản năng khác. Nếu học nhiều chỉ để làm một nghề nào đó, có một vị thế nào đó trong xã hội, thì cũng tốt, nhưng đó là việc học thường. Nếu học nhiều chỉ vì nhu cầu kinh tế, thì cần phương pháp để đạt mục đích cách chính đáng, hơn là học kiểu “cù lần”.

Người ta thường kể, có anh chàng chặt cây mà không chịu bỏ giờ để mài dao. Anh ta cứ nghĩ làm nhiều, là sẽ đạt kết quả nhiều. Anh ta thấy bỏ thì giờ cho việc mài dao là lãng phí. Kết quả, anh ta làm việc với cái dao cùn và hiệu quả tệ hại. Có người học và dạy “như điên”, không chịu nghỉ ngơi. Kết quả là, có những người “ngơ ngơ” hoặc bị đột quỵ. Có những công nhân phải nhập viện do làm việc tăng ca quá sức. Có người tiếc nuối thời gian dành cho đời sống nội tâm, tiếc nuối thời gian dành cho gia đình, tiếc nuối thời gian dành cho bạn bè; kết quả là những khủng hoảng về tâm lý, những đổ vỡ trong gia đình, sự cô lập trong xã hội.

Người ta lại kể về anh chàng đợi thỏ, anh chàng chờ sung rụng. Kết quả sẽ chẳng đến với những ai chỉ nói mà không làm, hoặc chỉ làm bộ mà không làm thật. Thầy trò đều thấy, những người có trách nhiệm càng cao, càng dễ có xu hướng này. Trở lại câu chuyện thực tế của thầy trò. Nhiều trường lớp chỉ làm như lấy lệ: dạy ít dỗ nhiều, học hành ít mà hành hạ nhiều.

Nói như thế không phải chỉ là để phê bình, nhìn như thế không phải chỉ là thấy cái tiêu cực, thầy trò chỉ muốn xuất phát từ hiện trạng để không nói trạng kiểu hoa mỹ, để không nhìn kiểu đóng kín của thái độ sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Giáo dục không chỉ là trách nhiệm riêng của mỗi cá nhân, mà còn là của cộng đồng, nên việc thảo luận trong tôn trọng, bình đẳng và tự do là rất cần. Thầy trò nhìn nhau cười nhẹ.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.