Xúc tiến tôn phong chân phước cho hồng y người Ý yêu Trung Quốc

Tiến trình xúc tiến án phong thánh cho Đức Hồng y Celso Costantini sẽ bị chậm do mối quan hệ Giáo hội Trung Quốc – Vatican bất ổn định

China-loving-Italian-cardinal.jpg
Đức Hồng y Celso Costantini được bổ nhiệm làm Đại
Diện Tông Tòa đầu tiên tại Trung Quốc năm 1922 và
là thư ký Thánh bộ Truyền giáo từ năm 1935 đến
1953, năm ngài được nâng lên hàng hồng y.
Ảnh được cung cấp

Tiến trình phong chân phước cho Đức Hồng y Celso Costantini (1876–1958), Đại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Trung Quốc, sẽ sớm được tiến hành.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiến trình này sẽ bị chậm do mối quan hệ Giáo hội Trung Quốc – Vatican bất ổn định.

Giáo phận Concordia-Pordenone, Ý, quê nhà của Đức Hồng y Costantini, sẽ thông báo tiến độ.

Tiến trình dự kiến chính thức bắt đầu vào ngày 17-10 tại nhà thờ chính tòa ở Concordia, nơi đức hồng y phục vụ.

Các thỉnh nguyện viên phụ trách tiến trình này nói Giáo hội tại Trung Quốc có thể hoạt động trong âm thầm và mạnh mẽ sau cuộc cách mạng của cộng sản chủ yếu là nhờ công lao của Đức Hồng y Costantini, tờ Catholic News Agency đưa tin hôm 10-8.

Việc tiến hành tiến trình tôn phong chân phước cho ngài trong lúc đang nối lại các cuộc thảo luận về mối quan hệ khó khăn hiện nay giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, theo bản tin của tờ Catholic News Agency.

Dòng Môn đệ Chúa, dòng tu nam đầu tiên tại Trung Quốc do Đức Hồng y Costantini sáng lập năm 1927, không trực tiếp phản ứng về bản tin này.

Cha John Chia, cựu tổng bề trên nhà dòng, cho biết tiến trình đã được giải thích tại hội thảo ở Đài Loan hôm 8-7.

Tuy nhiên, một nguồn tin Giáo hội yêu cầu giấu tên cho ucanews.com biết các thành viên dòng Môn đệ Chúa tin rằng tiến trình tôn phong chân phước sẽ không được hoàn tất sớm.

Phát biểu tại hội thảo, Đức ông Bruno Fabio Pighin, chuyên gia về tiểu sử của đức hồng y lưu ý ngày khai mạc tiến trình tôn phong chân phước 17-10 cũng là ngày giỗ thứ 59 của Đức Hồng y Costantini.

Thánh bộ Phong Thánh chấp nhận đơn xin mở án phong thánh của giáo phận Concordia-Pordenone và tôn phong đức hồng y là “Tôi Tớ Chúa” ngày 24-6-2016.

Do mối quan hệ bất ổn định giữa Trung Quốc và Vatican, nên luôn có trở ngại trong việc tôn phong thánh cho thánh nhân mới của Trung Quốc.

Năm 2000, khi Vatican tôn phong thánh cho 120 vị tử đạo Trung Quốc ngày 1-10, ngày quốc khánh Trung Quốc, đã làm dấy lên phản ứng tiêu cực từ phía chính quyền Trung Quốc.

Để tránh làm cho mối quan hệ với Trung Quốc xấu thêm, Vatican đã hoãn lại (từ năm 2002-2012) tiến trình tôn phong chân phước cho cha Gabriele Allegra, tu sĩ dòng Phanxicô người Ý phát hành bản dịch đầy đủ quyển Kinh Thánh Công giáo bằng tiếng Trung Quốc.

Người đã có đóng góp to lớn cho Giáo hội Trung Quốc

Đức Hồng y Costantini sinh năm 1876 và chịu chức linh mục năm 1899. Ngài được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Trung Quốc năm 1922 và làm thư ký Thánh bộ Truyền giáo từ năm 1935 đến 1953, năm ngài được nâng lên hàng hồng y.

Ngài được tuyên dương vì nỗ lực đưa Giáo hội Trung Quốc trở thành một Giáo hội địa phương đích thực khi xúc tiến tấn phong 6 giám mục Trung Quốc tiên khởi năm 1926.

Trước đó, Đức Hồng y Costantini triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục đầu tiên tại Trung Quốc năm 1924. Ngài quảng bá nghệ thuật Kitô giáo Trung Quốc và thành lập các giáo phận do giáo sĩ Trung Quốc quản lý.

Alex Chen Tsung-ming, giám đốc nghiên cứu tại Viện Ferdinand Verbiest ở Bỉ, cho biết tôn phong chân phước cho Đức Hồng y Costantini là nêu gương tốt cho tất cả các thành viên trong Giáo hội Trung Quốc và ngay cả Giáo hội Hoàn vũ.

Ông nói thêm nếu được Tòa Thánh xác nhận, việc Đức Hồng y Costantini được xem xét tôn phong chân phước sẽ chứng tỏ cho Trung Quốc thấy Vatican yêu thương Trung Quốc như đức hồng y.

Chen nói người dân có thể tưởng nhớ công lao của Đức Hồng y Costantini trong việc xây dựng Giáo hội địa phương trong khi chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh một Giáo hội “Trung Quốc hóa”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo quan điểm “Trung Quốc hóa” dựa trên hệ tư tưởng chính trị cộng sản, vốn khác với khái niệm “hội nhập văn hóa” mà Giáo hội nói đến. Hội nhập văn hóa nghĩa là làm cho cách trình bày giáo huấn của Giáo hội phù hợp với văn hóa ngoài Kitô giáo.

(UCAN 01.09.2017)