Trình thuật Thương Khó theo thánh Marcô

Vài nhận xét mở đầu.

Tác giả sách Tin Mừng thứ hai dùng nghệ thuật kể chuyệnđể đưa người nghe / đọc vào mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Do đó Mc lặp đi lặp lại nhiều lần lệnh “cấm nói”: Chúa cấm quỉ nói ra Chúa là ai và cấm cả những người đã được chữa lành, cứu sống không được nói ra, thậm chí cấm cả nhóm Mười Hai không được nói ra rằng Ngài là Đấng Ki-tô sau khi ông Phê-rô tuyên xưng điều đó. Đơn giản là phải để cho người nghe tự mình hiểu ra và đi tới chỗ tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa. Đang kể chuyện mà có kẻ “mách lẻo” tiết lộ đoạn kết thì người kể và người nghe đều mất hứng, người nghe cũng không cảm nghiệm được cái sâu sắc, thâm thúy của câu chuyện, và không xác tín về cái kết luận do người khác nói giùm. Những người được chữa lành, được cứu mà nói ra thì người ta sẽ chỉ có cái nhìn phiến diện, tức là chỉ thấy một khía cạnh của Đức Ki-tô. Khi ông Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô” thì cũng mới chỉ thấy một nửa sự thật, nên Chúa cấm nói ra. Rồi lập tức Chúa bắt đầu tiết lộ cho Nhóm Mười Hai  biết “Hồi thứ hai” của câu chuyện:  cuộc đời Chúa trên trần gian sẽ kết thúc như thế nào… Vừa nghe thế ông Phê-rô đã kéo Chúa ra một bên mà cằn nhằn! Nhưng đó cũng là lúc Chúa bắt đầu nói về điều kiện làm môn đệ: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà đi đàng sau Chúa”.  Chúa còn phải lặp lại hai lần (9,30-31 vả 10,33-34) lời loan báo về “Hồi thứ hai”, mỗi lần lại “bắt quả tang” các môn đệ đang đi ngược chiều với Chúa: trong khi Chúa đi tới thập giá thì họ chỉ lo cãi cọ, tranh giành ngôi thứ, địa vị, và Chúa thẳng thắn sửa dạy. Dù các ông chưa hiểu, nhưng cũng bắt đầu run: “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông sững sờ, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (10,32).

Cách kể chuyện của Mc giống cách vẽ tranh ảnh (icon) của phương Đông. Các yếu tố diễn tả chủ đề được trải lên mặt phẳng với những đường nét, màu sắc và cách phối trí giúp người xem có thể tự mình nối kết mà tìm ra ý nghĩa. Không chỉ những yếu tố hiển lộ trên mặt phẳng gợi lên ý nghĩa, mà còn có những yếu tố tiềm ẩn trong văn hóa, tâm thức người xem, được gợi lên từ những yếu tố hiển lộ này. Với người Ki-tô hữu đã thấm nhuần Cựu Ước những nét hiển lộ trên mặt tranh của Mc, gợi lên những cảnh tương ứng trong Cựu Ước. Sự đối chiếu này mới giúp người nghe đi sâu vào ý nghĩa của “câu chuyện” đang nghe. Ta có thể tạm ví như người đọc chuyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… mà không biết điển tích trong văn học Trung Hoa thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nói “tạm ví”, bởi lẽ tương quan giữa Tân và Cựu Ước sâu xa hơn nhiều, theo cách nói của các Giáo phụ: “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước, Cựu Ước sáng tỏ trong Tân Ước” (Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet). Tác giả sách Phúc Âm thứ nhất thì hay nói rõ: “chuyện ấy xảy ra để ứng nghiệm lời này…” Còn Mc thì vạch vài nét làm cho người nghe / đọc phải liên tưởng tới chuyện, hay lời nào đó trong Cựu ước, chứ không cắt ngang câu chuyện để giải thích.

Theo cách kể chuyện này thì ta có thể nhận ra ngay trong chương đầu, với cách thức Chúa chữa người phong cùi và hậu quả, Mc đã gợi cho ta nghĩ tới người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách Isaia 52,13-53,12. Chúa Giê-su giơ tay ra chạm vào người cùi và cho ông ta được lành sạch. Ông ta đi rao việc này khắp nơi khiến “Chúa Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (1,40-45). Vậy là Chúa đã thế chỗ cho người cùi. Nhưng ngược lại, người ta lại kéo ra với Chúa ở nơi hoang vắng. Người Tôi tớ mang lấy tội lỗi của dân, trở nên như người phong cùi, nhưng lại “được đám đông làm phần gia nghiệp” (theo bản Hy Lạp). Việc đám đông kéo ra với Chúa ở nơi hoang vắng còn gợi lên chuyện trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa đưa dân ra khỏi Ai-Cập vào nơi hoang địa, tại đó Thiên Chúa lập Giao Ước, ban Lề Luật để họ sống làm dân của Chúa.

Ngay sau chuyện người phong cùi, Mc kể chuyện người bại liệt, trong đó Chúa Giê-su tuyên bố Ngài có quyền tha tội. Sau đó Ngài đi ra bờ hồ, gọi một người thu thuế tên là Lê-vi làm môn đệ, rồi vào nhà ông này ngồi ăn uống với những người bị nhóm Pha-ri-sêu coi là “phường tội lỗi”. Câu chuyện này gợi cho thấy Chúa Giê-su là Đấng thực hiện lời Thiên Chúa hứa tha tội khi thiết lập Giao Ước Mới (x. Gr 31,31-324 và Ed 36,18-26).

Tiếp theo là hai cuộc tranh luận về ăn chay và ngày Sa-bát, đụng tới những điều căn bản trong Luật Giao Ước. Chúa Giê-su không bãi bỏ việc ăn chay, nhưng cho nó một ý nghĩa mới trong tương quan với Cuộc Thương Khó. Chúa Giê-su cũng không bãi bỏ ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát trong Cựu Ước là để tưởng nhờ việc Thiên Chúa tạo dựng và việc Thiên Chúa  giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai-Cập. Nay Chúa Giê-su khẳng định Ngài là chủ ngày Sa-bat và cho nó một ý nghĩa mới : để cứu sống con người. Ngày Sa-bát từ nay ghi nhớ cuộc tạo dựng mới và Xuất Hành mới do Chúa Giê-su thực hiện để cứu sống con người.

Ngay sau đó thì hai phe vốn đối địch nhau là Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê phối hợp với nhau để giết Chúa Giê-su. Nhưng đám đông đến với Chúa lại nhiều hơn trước và Chúa Giê-su thiết lập nhóm Mười Hai để tiếp tục công trình của Chúa: rao giảng và trừ quỷ. Các dụ ngôn mở ra viễn tượng về tương lai của Nước Trời: chính Chúa Giê-su là hạt giống; vì thế mà Chúa nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (4,13). Ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa cũng như viễn tượng phát triển của Nước Thiên Chúa đã được gói trong các dụ ngôn rồi vậy.

Trình thuật Cuộc Thương Khó
Mc dẫn vào Cuộc Thương Khó

Mc bắt đầu trình thuật cuộc Thương Khó từ “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh không men”. Hai lễ này kết nối với nhau: Ngày 14 tháng Ni-xan, dọn men ra khỏi nhà và trưa thì đưa con chiên Vượt Qua để được sát tế do tay các tư tế, đến tối (tức là sang ngày 15) thì ăn thịt chiên với rau đắng và bánh không men theo từng nhà, hoặc chung nhau. Tám ngày liên tiếp phải ăn bánh không men. [Tôi sử dụng bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, bản in năm 2008, nhưng đôi chỗ tôi xin mạn phép thay đổi, theo sát bản Hy Lạp hơn]

Hai ngày trước tức là ngày 13: các thượng tế và kinh sư bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su mà giết. Trong âm mưu có tính toán cả thời gian: “đừng làm vào dịp lễ, kẻo dân náo động”.

Chuyện xảy ra trong bữa ăn tại Bê-ta-ni-a

Đang khi ấy thì Chúa Giê-su ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon cùi… dĩ nhiên phải hiểu là ông đã được khỏi. Mckhông trực tiếp liên kết ông Si-mon cùi này với người cùi đã được Chúa chữa ở chương thứ nhất, nhưng để cho người nghe / đọc tự liên kết. Chuyện chữa người cùi dẫn tới liên kết với người Tôi Tớ Đau Khổ, còn hôm nay khi Chúa đang ở nhà ông Si-mon cùi thì cái chết của Chúa đã được quyết định do chính những người có nhiệm vụ giết chiên Vượt Qua. Họ cũng tính toán làm sao cho dân chúng khỏi náo động.

Câu chuyện xảy ra đang bữa ăn:

Có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất, thứ đắt tiền, Cô đập vỡ bình bạch ngọc, đổ dầu thơm trên đầu Người”.

Mc không cho ta biết tên tuổi, chân dung người phụ nữ này.  Xin đừng ai “xào  chung” các sách Tin Mừng để thỏa sự tò mò về những điều tác giả không nói; làm như thế là vẽ rắn thêm chân, làm hỏng bức tranh. Tốt hơn là hãy chú ý tới chính lời người kể, sự tương phản giữa lời mô tả chai dầu:    bình bạch ngọc – dầu thơm – cam tùng – nguyên chất– thứ đắt tiền                                  và hành động:  cô đập vỡ bình bạch ngọc, đổ dầu thơm lên đầu Chúa.                                               Lời mô tả chai dầu kết bằng một chuỗi từ liên hoàn cho thấy chai dầu quý giá chừng nào; còn hành động thì nhanh gọn, như cho thấy con tim nổ tung vì yêu mến quyết liệt, trọn vẹn.

Phản ứng của người chung quanh: vài người thấy thế thì lấy làm bực tức, lên mặt làm thầy khôn và nhân nghĩa: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu thơm đó có thể bán được trên ba trăm quan tiền mà cho người nghèo”. Thật là giọng điệu của kẻ không bao giờ biết hát như chàng trai, cô gái Việt Nam: “Anh còn có mỗi cây đàn, anh đem bán nốt anh theo cô nàng”; hay: “Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi?… – rằng qua cầu gió bay”.

Chúa Giê-su thì trân trọng đón nhận cử chỉ quảng đại này như là nghĩa cử cuối cùng người ta có thể làm cho Chúa và chỉ có thể làm một lần thôi, bởi lẽ Chúa chỉ chết có một lần. Và Chúa tuyên bố từ nay chuyện “người phụ nữ với bình bạch ngọc “ này sẽ gắn liền với Tin Mừng: “Tin Mừng được loan báo ở đâu trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc này mà nhớ tới cô”. Người phụ nữ không tên lại trở thành có tên, cả câu chuyện này là tên của cô. Cô trở thành hình tượng của người môn đệ biết đáp lại tình yêu của Chúa. Mc đặt câu chuyện này ở đầu trình thuật Cuộc Thương Khó như một lời dẫn nhập, chỉ cho chúng ta biết phải nghe, đọc trình thuật này với tâm tình nào: Chúa hiến mạng vì tôi, tôi đập vỡ con tim trút hết tình yêu cho Chúa.

Câu chuyện « người phụ nữ với bình bạch ngọc » xen kẽ giữa sát kế của các thượng tế và mưu phản của Giu-đa cho thấy hai bên đều sẵn sàng: những kẻ muốn giết Chúa đã sẵn sàng ra tay, Chúa Giê-su đã để cho mình được tẩm liệm trước bằng dầu thơm; sự phản kháng của ông Phê-rô (8,32) đã được thay bằng một trái tim môn đệ sẵn sàng đón nhận Chúa chết cho mình.

Chuyện xảy ra trong bữa Tiệc Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem.

Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế Chiên Vượt Qua, Chúa sai  hai môn đệ vào thành chuẩn bị lễ Vượt Qua. Lời căn dặn cho thấy Chúa đã đích thân chuẩn bị nơi ăn tiệc Vượt Qua: “sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?”  Như vậy là Chúa đã thu xếp với chủ nhà trước rồi, thậm chí còn có cả ám hiệu để các môn đệ nhận ra nhà nào: một người đàn ông mang vò nước, [đàn bà đi lấy nước thì mang vò, đàn ông mang bầu da đựng được nhiều hơn]. Cứ đi theo người ấy! như vậy là cứ thinh lặng đi theo, không nói gì cả, vào nhà rồi mới hỏi chủ nhà –  cứ như phim trinh thám vậy! Chúa còn cho biết phòng ấy ở đâu và bày biện như thế nào nữa. Chúa chủ động chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, cũng như Chúa chủ động lên Giê-ru-sa-lem để đón cái chết trên thập giá.

Chiều xuống, Chúa đến cùng với nhóm Mười Hai: chiều xuống tức là tới giờ ăn lễ Vượt Qua, Mc cho thấy hình ảnhChúa đến cùng với nhóm Mười Hai, rồi sẽ cho thấy sự tan rã từ từ xảy ra. Giữa cảnh sum họp của bữa ăn Chúa bắt đầu tiết lộ sự mưu phản của một ngừơi trong Nhóm khiến các ông hoang mang, nhưng Chúa không cho cho các ông biết kẻ đó là ai. Rồi Chúa đi trước kẻ phản nộp một bước, khi Chúa tự tay trao ban Mình và Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể và nêu rõ ý nghĩa cái chết của Chúa: Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Giao Ước Sinai được lập bằng máu các con vật đã sát tế, nay Máu Chúa Giê-su đổ ra là Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Vậy thì Chúa Giê-su lấy Máu mình mà lập Giao ước, nên là Giao Ước Mới, mở ra cho muôn dân chứ không dành riêng cho dân đã qui tụ ở núi Sinai. “Máu đổ ra vì muôn người” gợi lên cái chết của người Tôi Tớ trong sách Isaia 53,1-12.

Trên đường ra núi Ô-liu .

Hát Thánh vịnh là phần kết thúc tiệc Vượt Qua. Các Ngài đi ra núi Cây Dầu : Chúa Giê-su và Nhóm Mười Hai, nhưng bản hy Lạp dùng đại từ ngôi thứ ba số nhiều : “họ” [Các Ngài], không phân biệt. Điều này không phải không quan trọng, chúng ta không biết ộng Giu-đa có còn đó để cùng đi hay không, lát nữa chúng ta sẽ bất ngờ thấy ông cầm đầu bọn người đến bắt Chúa. Trên đường, Chúa Giê-su báo trước sự ứng nghiệm lời sách Thánh: đàn chiên tan tác(Da-ca-ri-a 13,7) đồng thời với việc bắt đầu lại ở Ga-li-lê sau khi Chúa trỗi dậy. Ông Phê-rô, người đã phản kháng khi nghe Chúa báo trước cuộc Thương Khó, bây giờ lên tiếng cam đoan không bỏ Thầy. Chúa nói rõ hơn ông sẽ chối Chúa nhanh hơn gà gáy. Ông cam đoan thà chết không bỏ Thầy. Tất cả các ông đều nói như vậy.

Núi Ô-liu đã được nhắc đến trong chuyện vua Đavit: khi hoàng tử Ap-sa-lom làm phản, vua Đavit ra lệnh cho triều đình và quân đội rút khỏi Giê-ru-sa-lem, “Vua Đa-vit lên dốc núi Ô-liu, vừa đi vừa khóc” (2S 15, 30). Hôm trước khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem, tới triền núi Ô-liu thì Chúa cỡi lừa con, dân chúng cầm ngành lá ra đón, tung hô Chúa:”Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavit, tổ phụ chúng ta” (Mc 11,10). Sau đó, một hôm từ Đền Thờ đi ra, Chúa Giê-su loan báo Đền Thờ sẽ bị phá hủy, rồi “lúc Chúa Giê-su ngồi trên Núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các  ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê hỏi riêng Người: Xin Thầy nói cho chúng con biết: bao giờ các sự việc đó xảy ra…” (Mc 13,1-4). Chúa bắt đầu nói với các  ông về số phận của Giê-ru-sa-lem và cả về ngày Chúa đến phán xét. Cảnh này lại gợi tới sách E-de-kiên, chương  11 kể thị kiến Vinh Quang Thiên Chúa cất lên khỏi thềm Đền Thờ, phán xét Giê-ru-sa-lem rồi “lên khỏi thành và dừng lại trên núi ở phía Đông của thành” (tức là núi Ô-Liu). Như vậy ở chương 11 dân chúng đón rước ở núi Ô-liu và tung hô Chúa Giê-su là triều đại vua Đavit, ở chương 13 thì Chúa Giê-su ngồi trên núi Ô-Liu phán xét Giê-ru-sa-lem, còn ở chương 14 thì Chúa Giê-su lại như vua Đavit bị mưu phản đi lên núi Ô-liu. Nhưng Đavit băng qua núi Ô-liu để trốn đi, còn Chúa Giê-su dừng lại trong thửa vườn có tên là Ghết-se-ma-ni.

Chuyện trong vườn Ghết-se-ma-ni

Tới vườn, Chúa nói với các môn đệ : « Anh em ngồi lại đây trong khi Thầy cầu nguyện ». Chúa đưa các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Ba ông này đã được theo và chứng kiến khi Chúa cho con gái ông Gia-ia đã chết được trỗi dậy (Mc 5,37-43), khi Chúa tỏ vinh quang trên núi (9,2-8). Hôm ngồi trên Núi Ô-liu thì ba ông  này, thêm ông An-rê, hỏi riêng Chúa về thời điểm Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Hôm nay Chúa cũng dẫn ba ông đi theo và thố lộ cho các ông : « Tâm hồn Thầy buồn đến chết được » và xin : « Anh em ở lại đây mà canh thức ». Ở chương 1, Mc kể Chúa đi ra nơi thanh vắng cầu nguyện. Hôm nay Chúa dẫn ba ông theo, xin các ông canh thức, nhưng Chúa đi xa hơn một chút và cầu nguyện một mình. Chúng ta được biết tư thế và lời cầu nguyện của Chúa : « Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói : « Ap-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn ». Chúa Giê-su thưa với Thiên Chúa bằng cách xưng hô của con với cha trong gia đình : Ap-ba, nại đến quyền phép vô cùng của Cha, bày tỏ với Cha ước muốn của mình, nhưng lại xin Cha làm điều Cha muốn.

Ta không biết Chúa cầu nguyện bao lâu, nhưng khi Chúa trở lại chỗ ba ông đã được Chúa xin canh thức, thì thấy các ông đang ngủ. Chúa gọi đích danh ông Phê-rô: « Si-mon, anh ngủ à ? Anh không canh thức nổi một giờ sao ? » Bấy nhiêu đủ cho chúng ta suy nghĩ.  Người đã cam đoan thà chết không bỏ Thầy đấy ! Canh thức một giờ không nổi thì làm sao chết vì Thầy được ! Bây giờ thì Chúa  nói rõ tại sao phải canh thức và cầu nguyện : « Kẻo sa chước cám dỗ ». Lý do là « vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn ».

« Chúa lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trướcRồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn còn ngủ, vì mắt các ông nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người ».

« Lần thứ ba, Người trở lại và nói với các ông : « Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, Ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới ».

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa đã nói với các ông : « Này chúng ta đi lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại » (Mc 10, 33). Nay thì « giờ đã đến ». Chúa đã xin Cha cho khỏi phải qua giờ này, nhưng ý của Cha đã rõ : « Giờ đã đến ! » Chúa như ra lệnh xông vào cuộc chiến : « Đứng dậy, chúng ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới ! »

« Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc …». Từ lúc Chúa loan báo : « Một người trong anh em sẽ nộp Thầy » Các môn đệ không hề có một dấu hiệu nào để suy đoán. Thật là một bất ngờ làm các ông phải choáng váng. Mc cho chúng ta biết « Họ đã được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến ». Thượng tế, kinh sư và kỳ mục là Thượng Hội Đồng có quyền tối cao trong dân Do Thái, nhưng ở dưới quyền Tổng Trấn Rôma. Ta còn được biết cả ám hiệu của Giu-đa : « Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh hãy bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận ». Tại sao Giu-đa còn dùng ám hiệu mà không tới chỉ thẳng vào mặt Chúa cho bọn kia bắt ? Có phải vì sợ Chúa kịp bỏ chạy ? Sợ các môn đệ kịp thời phản ứng để giải thoát Chúa Giê-su ? « Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói : « Thưa Thầy ! » rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt người. » Coi như Giu-đa ôm lấy Chúa mà trao vào tay bọn kia ! Nụ hôn phản bội. Mc vẽ nên sự tương phản quyết liệt giữa « người phụ nữ với bình bạch ngọc » và Giu-đa !

« Một trong những kẻ có mặt tại đó tuốt gươm ra chém… » Mc không cho biết kẻ đó là ai, có phải là một môn đệ hay không. Dù sao hành động đó không xứng với môn đệ. Mc cũng không cho biết phản ứng của Chúa Giê-su về chuyện này nhưng kể ngay phản ứng của Chúa với những kẻ đến bắt Chúa. Chúa không chống cự, nhưng vạch cho thấy ý nghĩa thật của việc này : « Đức Giê-su lên tiếng nói với họ : Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt ? Ngày ngày tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy trong Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là dể ứng nghiệm lời Sách Thánh ».                                                                      Mc không trưng lời Sách Thánh, nhưng chúng ta nhận ra qua câu hỏi của Chúa : « Người đã bị liệt vào hàng phạm pháp » (Is 53,12). Chỉ khi bắt quả tang kẻ phạm pháp người ta mới bắt ban đêm.

« Bấy giờ họ bỏ người mà chạy trốn hết ». Lúc Giu-đa « một người trong Nhóm Mười Hai » xuất hiện dẫn đầu bọn người cầm gươm giáo thì Mc nói đến « một những kẻ đứng gần đó» hay « một trong những kẻ có mặt đó tuốt gươm chém », không nói « môn đệ » hay « nhóm Mười Hai ». Lần cuối ta thấy Mc kể rõ « nhóm Mười Hai » cùng đi với Chúa Giê-su là khi đến ăn tiệc Vượt Qua. Sau đó chỉ dùng đại từ « họ », bao gồm cả Chúa Giê-su khi đi ra núi Ô-liu. Khi Chúa đối diện với kẻ phản nộp là « một người trong Nhóm Mười Hai » thì những người khác trong nhóm Mười Hai chỉ còn là « những kẻ có mặt đó » và một người tuốt gươm chém. Khi người ta tra tay bắt Chúa thì « Họ bỏ Người mà chạy trốn hết », đúng như lời Chúa đã báo trước và đúng như lời trong sách Is 53,6 : «Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, mỗi người mỗi ngả ».

Có một chi tiết riêng của Mc : « Trong khi đó có một người thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng ». Nhiều tranh luận về chi tiết này. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này sau. Xin chú ý tới hai yếu tố : người thanh niên và tấm vải gai. Người thanh niên ở đây không có tên, khoác tấm vải gai rồi trút tấm vải gai lại mà chạy trốn trần truồng. Chúng ta hãy thử nhìn bức tranh khi Chúa bị bắt và dẫn ra khỏi vườn : Người ta tra tay bắt và dẫn Chúa đi ra, tất nhiên là theo lối chính đi vào vườn. Các người khác « có mặt đó » bỏ Người mà chạy thoát thân. Trong số ấy không chỉ có nhóm Mười Hai, mà có cả một người thanh niên. Anh này chậm chân nên bị người ta túm… liền trút tấm vải gai mà chạy đi trần truồng, tất nhiên chạy về một phía khác. Hình ảnh Chúa bị bắt ở giữa và hình ảnh người thanh niên trần truồng chạy trốn ở một góc bức tranh gợi hình ảnh con người đầu tiên bị đuổi ra khỏi vườn sau khi đã nhận ra mình trần truồng. Mc gợi cho chúng ta liên tưởng tới A-đam… như đã gợi lên ở phần mở đầu (1,12-13) : « Thần khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa suốt bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người » (Mc dùng cùng một từ hy-lạp « đuổi » như St 3,24). Mc vẽ bốn bức tranh mà ta có thể đối chiếu với Sáng Thế  2-3 :

A/ Thần Khí đuổi Chúa Giê-su vào hoang địa  –  Thiên Chúa đuổi A-đam ra khỏi vườn

B/ Chúa Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ – A-đam chịu  Xa-tan cám dỗ

C/Chúa Giê-su sống giữa loài dã thú – A-đam sống trong vườn giữa loài dã thú

D/ các thiên thần hầu hạ Người  –   thiên thần giữ cửa vườn không cho vào.
Thần Khí đuổi Chúa Giê-su vào hoang địa, nơi A-đam đang ở và cũng là nơi Xa-tan đang ở. Chúa cũng chịu Xa-tan cám dỗ, nhưng sau đó Chúa ở giữa các loài dã thú như A-đam trước khi bị cám dỗ và Thiên thần đã giữ cửa vườn không cho A-đam vào hái trái cây Sự Sống thì nay hầu hạ Chúa Giê-su. Như vậy Chúa Giê-su bị Thần Khí đuổi vào sa-mạc là để chiến thắng Xa-tan, phục hồi thân phận A-đam, biến sa-mạc thành vườn Địa Đàng. Nhưng để làm được cuộc biến đổi ấy thì Chúa Giê-su phải chịu điều đã xảy ra trong vườn : Chúa là Con Thiên Chúa, có các thiên thần hầu hạ, vô tội, hoàn toàn vâng phục Cha, nhưng phải bị đối xử như kẻ phạm pháp : « Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tộ lỗi của tất cả chúng ta » (Is. 53,6).

Chuyện tại nhà vị thượng tế.

« Họ điệu Chúa đến vị Thương Tế ». Mc sẽ lần lượt kể chuyện xảy ra trong nhà, rồi chuyện xảy ra ngòai sân

Trong nhà, « các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã tề tựu đông đủ ». Hôm trước « họ bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết ». Họ có tính đến thời gian : « đừng làm trong ngày lễ ». Bây giờ đã ăn lễ Vượt Qua xong rồi. Họ tề tựu chờ thuộc hạ điệu Chúa Giê-su tới. Bắt được rồi đây, nhưng làm sao để giết cho « danh chánh ngôn thuận ». « Họ tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình nhưng họ tìm không ra ». Thế ra các cụ trong thượng hội đồng này cũng không thông minh lắm, tính kế bắt để giết mà mới chỉ tính được kế để bắt. Bắt được rồi thì lúng túng tìm cớ để giết mà tìm không ra. Còn Chúa Giê-su thì trong sáng đến nỗi các cụ tìm chứng gian để buộc tội mà cũng không tìm được. Trong khi các cụ tranh nhau hiến kế thì Chúa Giê-su im lặng, đúng như Người Tôi Tớ : «Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng » (Is 53,7).

Cuối cùng vị thượng tế cũng chứng tỏ mình thông minh hơn cả. Ông đặt câu hỏi quyết liệt : « Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng đáng chúc tụng không ? » Thế ra ông lại xác minh giùm chúng ta xem Chúa Giê-su có đồng ý với cái tựa sách của Mac-cô hay không ! Chúa Giê-su mở miệng nhận ngay : « Chính tôi đây ! » Chẳng những vậy, Chúa còn trưng lời sách Đa-ni-ên để giải nghĩa thêm : « Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và đến cùng với mây trời » (Đn 7,14). Ông thượng tế đắc thắng chộp ngay cơ hội : « Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói : « Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng, quý vị thấy thế nào ? » Tất cả đều kết án Người đáng chết ». Các cụ háo thắng quá nên quên một điều cơ bản : xác minh xem lời đương sự nói có đúng không ? Đầu óc đương sự có bình thường không ? Hành xử hấp tấp như thế các cụ lại làm cho ứng nghiệm lời sách Is53,8 : « Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu ». Họ giết Chúa Giê-su chỉ vì Người nhận mình là Con Thiên Chúa và sẽ ngự đến trong vinh quang.

Ngay sau đó thì Mc cho thấy cảnh bát nháo, thượng tế, kinh sư, kỳ mục và đám thuộc hạ cùng một giuộc: « Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói : « Hãy tuyên sấm đi ! » Và đám thuộc hạ tát người túi bụi ».

Chuyện ngoài sân.

« Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong sân dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ ». Những ông khác bỏ chạy thoát thân, ông Phê-rô tỏ ra « lì » hơn ai hết, theo xa xa rồi vào tận trong sân, ngồi lẫn với đám thuộc hạ bên đống lửa cho ấm. Thật tương phản với cảnh Chúa Giê-su phải chịu ở bên trong. Mc để tới lúc Chúa đã bị kết án tử hìn h rồi mới kể tiếp « chuyện phải đến đã đến » như thế nào: « Một người tớ gái của thượng tế đi tới, thấy ông ngồi sưởi, cô nhìn chằm chằm vào ông và nói : Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông người Na-da-ret, ông Giê-su đó ! » Ông liền chối rằng : « Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô nói gì ! » Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. »  Thế là ông bắt đầu rút lui bằng cách đổi chỗ. Và có con gà lên tiếng đếm.

Người tớ gái lăng xăng lại thấy mặt ông, cô « giới thiệu » ông với mọi người đứng đó : « Bác này cũng thuộc nhóm họ đấy ! » Ông lại chối. Nhưng vẫn đứng yên. Những người đứng đó xem ra phản ứng chậm, lát sau họ mới chợt nhận ra và chỉ vào mặt ông : « Đúng rồi, bác cũng là người Ga-li-lê mà ! » Lần này bị bắt chẹt về cái giọng Ga-li-lê, ông Phê-rô thề độc mà chối : « Tôi không biết người các ông nói đó ! » Lại có con gà hắng giọng nhắc cho ông rằng ông nhanh hơn nó rồi đấy. Ông sực nhớ lời Chúa đã nói : « Gà chưa gáy hai lần thì anh đã chối Thầy đến ba lần !» Bây giờ thì trái tim ông cũng nổ tung như chai dầu thơm của « người phụ nữ với bình bạch ngọc » : « Ông òa lên khóc. » Tất cả đã lặng yên trong bóng đêm, để cho tiếng khóc của ông vang lên thay tiếng gà gọi sáng.

Chuyện trong dinh Phi-la-tô.

« Vừa tảng sáng, các thượng tế lại họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng ». Họ còn phải vượt một hàng rào nữa mới giết được Chúa Giê-su, vì đế quốc Rô-ma đã giành quyền kết án tử hình cho tổng trấn. « Toàn thể Thượng Hội Đồng trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô ». Đúng như lời Chúa Giê-su đã báo trước : « Con người sẽ bị nộp cho các  thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người » (Mc 10,33-34).

« Ông Phi-la-tô hỏi Người : « Ông có phải là vua dân Do Thái không ? » Mc không cho chúng ta biết tại sao Phi-la-tô lại hỏi như thế. Câu trả lời của Chúa cũng bí ẩn « Chính Ngài nói đó ! » Phi-la-tô và Thượng Hội Đồng có những quan tâm khác nhau. « Đồng sàng dị mộng ». Và mỗi bên sẽ giữ « mộng » của mình. Chúa Giê-su trả lời thẳng cho thượng tế vì ông nói một điều quá rõ ràng. Còn câu hỏi của Phi-la-tô thì hàm hồ dị nghĩa, nên Chúa cũng trả lời cách bí ẩn.Mc cho biết « Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội », nhưng chẳng có gì rõ ràng, nghĩa là cũng ấp úng như khi « họ tìm lời chứng để buộc tội Người mà tìm không ra ». Họ ngồi với nhau mà không tìm ra thì lấy gì mà tố cáo với nhà cầm quyền Rô-ma ! Chúa Giê-su yên lặng cho Phi-la-tô nghe các lời tố cáo. Phi-la-tô phải kinh ngạc vì sự im lặng của Chúa.

Khi âm mưu bắt giết Chúa, các thương tế muốn tránh đám đông, bây giờ đám đông lại kéo đến xin Phi-la-tô thi hành việc ân xá trong dịp lễ. Mc giải thích phong tục này và cho biết có một người tên là Ba-ra-ba đang bị giam với những những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi loạn. Phi-la-tô muốn thóat khỏi chuyện rắc rối, đề nghị tha « Vua dân Do Thái ». Mc cho chúng ta biết tại sao : « Ông thừa biết vì ganh tị mà các thượng tế nộp Người ». Chúng ta tự hỏi : họ « ganh tị vì cái gì ? » Họ nộp Người vì Người nhận mình là Con Thiên Chúa và sẽ đến trong vinh quang. Vậy thì họ ganh tị vì lý do đó. Thế thì Mc đang gợi cho chúng ta cái tội của A-đam : muốn nên bằng Thiên  Chúa.

Các thượng tế đang lúng túng liền kéo đám đông vào phe mình : « Các thượng tế sách động đám đông đòi thả Ba-ra-ba cho họ thì hơn ». Thế là nồi nào vung nấy ! Họ chọn kẻ sát nhân làm vua của họ. Còn số phận Chúa Giê-su thì Phi-la-tô lại « bán cái » bằng cuộc trưng cầu dân ý tức thời ! « Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ngươi gọi là vua dân Do Thái ». Đến đây ta mới biết  tại sao Phi-la-tô hỏi Chúa Giê-su câu đầu tiên. « Họ la lên : « Đóng đinh nó vào thập giá ! » Phi-la-tô giật mình hỏi lại : « Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ? » Nhưng họ càng la to : «Đóng đinh nó vào thập giá». Đến đây thì chúng ta biết rõ tâm địa của Phi-la-tô, kẻ mị dân : « Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô tha Ba-ra-ba cho họ, truyền đánh đòn Đức Giê-su rồi trao nộp Người để người chịu đóng đinh vào thập giá. » Tuy nhiên câu hỏi của Phi-la-tô và kiểu trả lời bằng cách « to mồm » của các thượng tế và đám đông lại cho thấy rõ hơn : « Người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ » (Is53,12).

Chúa Giê-su và bọn lính.

Phi-la-tô ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su rồi đóng đinh, đó là cách thức hành quyết người Rô-ma áp dụng cho nô lệ và dân bị trị. Mc không kể chuyện đánh đòn mà kể chuyện lính đội mão gai và mặc áo đỏ cho Chúa rồi chế giễu « vua dân Do Thái !» Hôm Chúa vào Giê-ru-sa-lem dân chúng đã tung hô Chúa là « triều đại Đavit ». Hôm nay thì Phi-la-tô giới thiệu Chúa Giê-su là vua dân Do Thái, các thượng tế sách động đám đông xin tha Ba-ra-ba và cho đóng đinh « vua dân Do Thái ». Bọn lính chế giễu « vua dân Do Thái ».

« Chế giễu chán, chúng lột áo đỏ tía ra, và cho Người mặc áo lại như trước ». Mặc áo lại như trước thì Người là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa như Người đã khẳng định trước mặt thượng tế và toàn thể thượng hội đồng.

Chuyện trên đường vác thánh giá.

« Chúng dẫn Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy có một người ở ngoài đồng về, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, người Ky-rê-nê. Ông là cha của ông A-lê-xan-đê và ông Ru-phô. Chúng bắt ông thập giá của Đức Giê-su ». Mc cho thấy ông Si-mon và cả gia đình là những người quen thuộc trong cộng đoàn tín hữu. Các môn đệ bỏ trốn hết. Một người qua đường bỗng trở thành môn đệ theo nghĩa đen của điều kiện làm môn đệ : vác thập giá. Mc làm chúng ta lúng túng khi nói « thập giá của Người [Đức Giê-su] ». Điều kiện làm môn đệ Chúa đưa ra là « vác thập giá của mình ». Chúa mang lấy tội lỗi của tôi và chết cho tôi, nên thập giá trên đó Chúa chịu đóng đinh là thập gía của tôi. Ông Si-mon trở thành hình tượng [icon] đích thật của người môn đệ rồi.

Chuyện trên đồi Gôn-gô-ta.

« Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-ta, có nghĩa là Cái SọChúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. » Từ lúc này chúng ta nghe vọng các thánh vịnh 22 ; 38 và 69 là những thánh vịnh diễn tả nỗi đau đớn khắc khoải của người công chính bị bách hại. Rượu pha mộc dược là thứ để giảm đau, nhưng gợi lên Tv 69,22 : « Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắngcon khát nước lại cho uống giấm chua ».

« Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo người ra bắt thăm mà chia nhau xem ai được cái gì ».  Chúng thực hiện lời thánh vịnh 22,19) : « Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn ».

« Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba (tức 9 giờ sáng). Bản án xử tội Người viết rằng : « Vua dân Do Thái». Thế là Phi-la-tô biến câu chuyện « xử tử bât đắc dĩ » này thành công trạng của ông ta trước mặt thiên hạ : ông đóng đinh được vua dân do Thái ! Để cho trọn lời sách Is 53,12, họ đóng đinh hai tên cướp hai bên Chúa Giê-su. Nhưng trong cái tính toán chính trị, Phi-la-tô lại vô tình xác nhận lời tung hô của dân chúng và lời loan báo Đấng Mê-si-a là người kế vị vua Đavit.

Chúa bị đóng đinh trên thập giá, thì kẻ qua người lại tự do phỉ báng. Họ đem lời Chúa dùng hình ảnh Đền thờ để nói về cuộc thương khó và phục sinh mà chế giễu. Các thượng tế và kinh sư đắc thằng đem danh hiệu « Ki-tô, Vua It-ra-en » ra mà chế giễu, thách Chúa xuống khỏi thập giá. Thậm chí hai kẻ gian phi cùng chịu đóng đinh ở hai bên cũng sỉ vả Chúa. Quả là : « Thấy con ai cũng chê cười –  lắc đầu, bỉu mỏ buông lời mỉa mai » (Tv 22,8).

Giữa những tiếng nhạo cười, chế giễu Chúa Giê-su vẫn im lặng. Nhưng vào giờ thứ sáu bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Nghỉa là từ giữa trưa tới 3 giờ chiều, lúc Chúa Giê-su tắt thở. Trong bóng tối ấy Chúa Giê-su lớn tiếng cầu nguyện bằng câu mở đầu thánh vịnh 22. Những kẻ đứng đó nghe láng máng như Chúa gọi ông Ê-li-a và chế giễu. Có kẻ dùng miếng bọt biển đưa giấm lên cho Chúa uống, nhưng Chúa kêu một tiếng lớn rồi tắt thở. Trước khi đóng đinh họ cho uống rượu pha mộc dược, Chúa không uống. Bây giờ họ đưa giấm lên, vô tình làm trọn câu Tv69,22 : « Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắngcon khát nước lại cho uống giấm chua ». Ba yếu tố quan trọng ở đây là bóng tối, Chúa cầu nguyện bằng lời thánh vịnh 22 và tiếng kêu lớn. Liên kết ba yếu tố này với nhau trước khi Chúa tắt thở rồi sau đó là lời tuyên xưng của viên sĩ quan chỉ huy hành quyết, chúng ta nhận ra sự hiển linh của Thiên Chúa khi Chúa Giê-su ở trên thập giá.

Tiếng kêu lớn trong bối cảnh Chúa chịu đóng đinh thập giá có thể gợi lại Tv 38,9 : « Bị suy nhược, nát tan, kiệt sức, tim thét gào thì miệng phải rống lên ».

Thánh vịnh 18 diễn tả cảnh người lâm cơn ngặt nghèo cầu cứu và Thiên Chúa hiển linh cứu độ : « Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi ; từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người… Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù… Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Người… Chúa nổi sấm vang trời, Đấng tối cao lớn tiếng » (Tv 18,7.12).

Mc cho chúng ta thấy thập giá là nơi vinh quang Thiên  Chúa tỏ hiện và nối với Đền Thờ : Thiên  Chúa đến ôm lấy Con của mình trên thập giá nên bóng tối bao trùm mặt đất. Trong vòng tay của Cha, Con đang đau khổ tột cùng kêu lên : « Sao Chúa bỏ con ! », và chính lúc ấy Con được tôn vinh. Tiếng kêu lớn  không nội dung, là tiếng của Thiên Chúa vang lên từ miệng Con : « Tiếng Chúa thật hùng mạnh ! Tiếng Chúa thật uy nghiêm !… »  Đáp lại tiếng oai hùng của Chúa : « Còn trong thánh diện Người, tất cả cùng hô : Vinh Danh Chúa ! » (Tv  29,4.9) Kết quả : « bức màn trướng trong Đền thờ liền xé ra làm hai, từ trên xuống dưới ». Bức màn trướng xé ra vì từ nay con người và Thiên Chúa đã gặp nhau trong Chúa Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, không còn ngăn cách nữa.

Trong bối cảnh hiển linh của Thiên Chúa thì tiếng kêu lớn còn là tiếng Thiên Chúa rống lên như sư tử để qui tụ con cái bốn phương trong Giao ước Mới, theo lời hức trong sách Hô-sê-a : « Người sẽ rống lên như sư tử. Quả thật Người sẽ rống lên, và từ phía tây, con cái sẽ vui mừng chạy tới. Chúng sẽ chạy tới lẹ như chim từ Ai-Cập, như bồ câu từ Át-sua, và Ta sẽ cho chúng cư ngụ trong nhà của chúng » (Hs 11,10-11).

Viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết là người phải chứng thực tử tù bị hành quyết đã chết (ngày nay người chỉ huy bắn phát súng ân huệ là để bảo đảm chết thật rồi), nên ông phải đứng  đối diện Chúa Giê-su : « Thấy Người tắt thở như vậy liền nói : « Quả thật người này là Con Thiên Chúa ». Thốt ra lời ấy, ông hiểu như thế nào thì chúng ta không biết, nhưng với người tín hữu nghe hay đọc chuyện thì Mc đã trình bày xong « Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa », với hai lời tuyên xưng của thánh phê-rô và của viên sĩ quan.

« Cũng có mấy phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa… Các  bà này đã đi theo và phục vũ Đức Giê-su khi Người còn  ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó ». Vị trí của các bà cũng cho thấy lời thánh vịnh ứng nghiệm : « Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa » (Tv  38,12). Tuy  vậy Mc còn tiếp tục cho thấy nhóm phụ nữ như là cái gạc nối từ Ga-li-lê tới Gôn-gô-ta và ngôi mộ.

Chuyện ở ngôi mộ.

Mc phải kể tiếp chuyện ngôi mộ, vì theo lệ thời đó, người bị đóng đinh chết rồi người ta để đó cho chim và dã thú tới ăn, hoặc quăng cả xác lẫn thập giá xuống một cái hố nào gần đó.  Một nhân vật mới xuất hiện như một sự tình cờ, ông Giô-xép : « vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước Sa-bát  nên ông Giô-xép tớiÔng là thành viên có thế giá của Hội Đồng,  và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa ». Trong cách kể của Mc thì xem ra tuy là thành viên có thế giá, nhưng ông Giô-xép không biết gì về chuyện hội đồng mưu giết Chúa, họ không mời ông vì ông không đồng quan điểm với họ. Mc cũng không cho chúng ta biết  trước đây ông quan hệ với Chúa Giê-su như thế nào.  Tình cờ ông từ A-ri-ma-thê tới thì mới hay Chúa Giê-su đã bị đóng đinh và đã chết. Ông có thế giá tới mức dám « đi ngược chiều », một mình đến gặp Phi-la-tô xin xác Chúa Giê-su.

« Ông Phi-la-tô kinh ngạc vì Người đã chết rồi. Ông cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người chết đã lâu chưa ». Mc không kể cảnh đánh đòn, nhưng kể việc Chúa chết nhanh tới độ Phi-la-tô phải kinh ngạc, thì gián tiếp cho thấy đó là hậu quả của việc bọn lính của Phi-la-tô tụ họp cả cơ đội lại để đánh đòn, khiến Chúa Giê-su đã kiệt sức nên chết mau như thế.

« Sau khi nghe viên đại đội trưởng, ông đã cho ông Giô-xép lãnh lấy tử thi. Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Chúa Giê-su xuống, lấy tấm vải gai ấy bọc Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộCòn bà Ma-ri-a Mac-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xét thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người». Chú ý tới « tấm vải gai » được nhắc hai lần, so với khi Chúa bị bắt : « có một người thanh niên đi theo, trên mình khoác vỏn vẹn một tám vải gai, người ta túm lấy cậu, cậu trút tấm vải gai lại bỏ chạy trần truồng ».

« Hết ngày Sa-bát, bà Maria Mac-đa-la với bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê mua hương liệu để đi ướp xác Đức Giê-su ». Sau khi mặt trời lặn là hết ngày Sa-bát, có thể đi mua bán.

« Sáng  tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời vừa mọc, các bà đi ra mộ ». Mc  đặt bối cảnh « mặt trời vừa mọc », chuẩn bị cho điều các bà sắp chứng kiến. « Các bà nói với nhau : « Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây ? » Các bà cũng vụng tính như các cụ trong thượng hội đồng ! Đã có mặt lúc ông Giô-sép lăn tảng đá lấp cửa mộ, đã mua hương liệu mà đi tới mộ mới sực nhớ là sức các bà làm sao lăn nổi tảng đá lấp cửa mộ ra để vào ướp xác ! Bất ngờ : « Ngước mắt lên, các bà thấy tảng đá đã lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm ! » Thấy thế các bà cũng chẳng thắc mắc, cứ đi thẳng vào trong mộ. Bất ngờ nữa : « Các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các  bà hoảng sợNhưng người thanh niên nói : « Đừng hoảng sợ,  các bà tìm Đức Giê-su Na-da-ret, Đấng chịu đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, Người không có ở đây. Chỗ đã đặt xác Người đây này ! » Người thanh niên áo trắng ngồi bên phải, tức là ngồi trên chỗ đặt xác Chúa và chỉ cho các bà thấy « Người không có ở đây ! ». Cũng người thanh niên áo trắng chuyển cho các bà một nhiệm vụ : « Xin các bà về nói với các môn đệ Người và ông Phê-rô rằng : Người đi đến  Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người, như Người đã nói với các ông. » Sao lại nói các môn đệ Người và ông Phê-rô ? Trong những gì liên quan  tới cuộc Thương Khó, ông Phê-rô luôn  có một vai trò đặc biệt : ông phản đối khi Chúa loan báo ; ông thề chết không chối Thầy ; khi các ông ngủ trong vườn Ghết-se-ma-ni Chúa cũng gọi đích danh ông Phê-rô mà trách và nhắc phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ ; ông Phê-rô chối Chúa ba lần rồi òa lên khóc. Bây giờ thì các bà nhận nhiệm vụ đi báo tin cho các môn đệ và cho ông Phê-rô. Vậy thì ông Phê-rô có một vai trò đặc biệt trong hàng môn đệ mà người đọc, người nghe thời Mc được viết ra thì ai cũng biết rồi. Nhưng « vừa ra khỏi mồ thì các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía, chẳng nói gì với ai ». Dùng một chuỗi từ để tả cảnh các bà ra khỏi mồ chạy mất chẳng nói gì với ai, hẳn là người kể muốn gây cười, một tiếng cười sảng khoái hân hoan vì Chúa đã phục sinh, và chẳng cần các bà phải nói họ cũng đã được biết Chúa đã sống lại rồi. Dầu thơm các bà đã mua cũng chẳng dùng, được sai đi báo tin cũng chẳng đi.

Người thanh niên áo trắng là ai ? Mc không trực tiếp nói ra cho chúng ta. Nhưng hãy gom những chi tiết liên quan tới người thanh niên, tấm vải gai và chiếc áo trắng lại thì sẽ tìm ra. Ở chương 5, chuyện người bị đạo binh quỷ ám : sau khi Chúa đuổi quỷ ra, mấy người chăn heo chạy về kêu dân làng, họ ra xem thì thấy anh mặc đàng hoàng ngồi đó. Rồi anh được Chúa sai đi loan báo những gì Chúa làm cho anh.  Ở chương 10, anh mù  bên đường, vất áo choàng lại, rồi được Chúa cho nhìn thấy và anh đi theo Chúa trên con đường Chúa đi, không quay lại lấy áo choàng. Khi Chúa bị bắt thì người thanh niên trút tấm vải gai lại mà chạy trốn trần truồng. Khi xin được xác Chúa thì ông Giô-xép đi mua tấm vải gai bọc xác Chúa. Bây giờ người thanh niên ngồi trên nơi đã đặt xác Chúa mặc áo trắng và báo cho các bà biết tại sao Chúa không còn ở đây. Người được Chúa giải thoát khỏi đạo binh quỷ ăn mặc đàng hoàng, anh xin đi theo Chúa nhưng Chúa sai anh đi tức khắc để loan báo những gì « Thiên Chúa đã làm cho anh và Người đã thương xót anh như thế nào ». Ta chẳng biết ai đã đem quần áo cho anh mặc ! Người mù được sáng vất áo choàng lại mà đi theo Chúa. Anh thanh niên bị người ta túm bắt đã trút tấm vải gai mà chạy trần truồng. Ông Giô-xép xin được phép lấy xác rồi mới  đi mua tấm vải gai bọc xác Chúa. Các bà đã chứng kiến khi ông Giô-xép đặt xác Chúa vào mộ và lăn tảng đá lấp cửa mộ. Mới 36 tiếng đồng hồ, các bà trở lại thì thấy tảng đá lấp đã lăn ra khỏi mộ. Trên nơi đặt xác Chúa là người thanh niên mặc áo trắng ngồi để chứng thực Chúa không còn đó và giải nghĩa cho các bà tại sao. Các bà hoảng sợ chạy mất chẳng nói gì với ai. Nối các yếu tố lại thì tấm vải gai đã biến thành chiếc áo trắng ; người thanh niên trần truồng gợi lại hình ảnh A-đam bị đuổi ra khỏi vườn, bây giờ trở thành hình ảnh con người đã được cứu chuộc, con người mới, mặc áo trắng và làm chứng Chúa đã sống lại. Nhờ Chúa chết mới có tấm áo trắng. Từ nay mỗi người môn đệ đã được chịu phép rửa đều đã được sống lại với Chúa để đi loan Tin Mừng : Chúa đã chết và đã sống lại vì tôi.

Hậu bàn.

Chuyện đến đây coi như đã kết. Có lẽ lần xuất bản thứ nhất thì cuốn sách kết thúc với tiếng cười sảng khoái của cả người kể lẫn người nghe như thế, nhưng sau đó thì một đoạn kết dài hơn được thêm vào, có vẻ tóm tắt một số câu chuyện trong các sách Tin Mừng khác. Các nhân vật vẫn giữ phong cách như đã gặp.

Chuyện Chúa hiện ra với bà Maria Mac-da-la và bà đi báo tin cho các môn đệ (x.Ga 20,1-2.11-18), « các môn đệ buồn bã khóc lóc… các ông vẫn không tin ».Hai người trên đường về quê được gặp Chúa. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin (x. Lc 24, 13-33).« Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. » Nhóm Mười Hai nay còn Mười Một, Mc không cho chúng ta biết gì thêm về ông Giu-đa. Nhóm Mười Một vẫn cứng lòng như Chúa đã quở trách ở chương 8,14-21. Nay  các ông bị quở trách vì không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Thế là Chúa cũng mắng xéo chúng ta nếu chúng ta không chịu tin Nhóm Mười Một, vì họ đã được thấy Chúa sau khi Chúa trỗi dậy và chính thức sai họ đi loan tin cho chúng ta.
Mc không kể Chúa làm gì để chữa bệnh cứng lòng cho các ông, nhưng lập tức Chúa sai các ông đi : « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, ai không tin, thì sẽ bị kết án ». Điều đáng chú ý ở đây là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Khi con người phạm tội thì đất sinh gai góc (St 3,18) ; « Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra » (St 4,11). Ơn cứu độ do máu Chúa đổ ra cững cứu cả mọi loài thụ tạo : « Muôn loài đã phải phục tùng sự hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Đấng đã bắt chúng phải phục tùng ; tuy nhiên chúng hy vọng cũng sẽ được tự do, thoát khỏi vòng nộ lệ cảnh hư nát, để được hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa… » (Rm8,15-23).

« Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án ». Tại sao không tin  lại bị kết án ? Ai kết án ? Ai cũng cần đến ơn cứ độ. Thiên Chúa ban, nhận thì được, từ chối là tự kết án mình, như người bị rắn cắn mà không chịu chữa thì phải chết thôi.

« Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin… »

« Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa », đúng như Chúa đã tuyên  bố trước mặt thượng tế và thượng hội đồng.

« Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng ». Mc phân biệt những dấu lạ đi theo những người tin và những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời rao giảng. Chúa sai các tông đồ đi rao giảng, có Chúa cùng hoạt động. Các ông rao giảng, Chúa làm các dấu lạ để chứng thực. Mc không kể việc Chúa chữa lành sự cứng lòng của các ông. Chúa quở trách rồi Chúa sai đi, vì từ nay « Chúa cùng hoạt động với các ông ». Mc cho chúng ta một cái nhìn đặc biệt về sứ mạng loan báo Tin Mừng : Chúa cùng hoạt động với chúng ta. Đó là bảo đảm lớn nhất và duy nhất cho sứ mạng.
Giê-ru-sa-lem, Chúa Nhật đầu Mùa Chay 2015
Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J