“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (28.4.2015 – Thứ ba, sau Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh)

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”
(Ga 10, 22-30)

 

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.

24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”

25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”

  1. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi

Người Do thái muốn biết Đức Giê-su có phải là Đấng Ki-tô hay không: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (c. 24); và để trả lời, Đức Giê-su dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên. Nhưng, nếu trước đó trong bài Tin Mừng hôm qua (c. 11-18), Ngài nhấn mạnh đến hành động hi sinh mạng sống của vị Mục Tử nhân lành, thì trong bài Tin Mừng này, ngài nhấn mạnh đến hành động thông truyền sự sống:

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

(c. 27-28)

Như thế, chính khi Người Mục Tử nhân lành hi sinh mạng sống vì đàn chiên, là lúc Ngài thông truyền sự sống đời đời; và sự sống này mãi mãi bền vững và đứng vững trước mọi nguy hiểm. Thế mà, trong mầu nhiệm Thương Khó, Đức Giê-su đã thực sự hi sinh sự sống và thông truyền sự sống của Ngài cho chúng ta rồi. Xin cho chúng ta biết đón nhận và cảm nếm sự sống kì diệu này mỗi ngày khi cử hành và tham dự Thánh Lễ.

Ngoài ra, chúng ta cũng được gọi dừng lại và cảm nếm hình ảnh “con chiên”, là chính chúng ta. Đức Ki-tô là Mục Tử nhân lành, còn chúng ta là “chiên” của Ngài; “con chiên”, tự bản chất cũng hiền lành, như vị Mục Tử hiền lành. Vì thế, tự bản chất, “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

Vì thế, chính khi chúng ta đánh mất “bản chất hiền lành”, nhất là khi chúng ta tự biến mình thành “dê” hay “sói dữ”, thì khi đó chúng ta sẽ không còn nghe được tiếng Đức Giê-su nữa, không tin và theo Ngài nữa. Và đó chính là trường hợp của những người Do Thái, đang chất vấn Đức Giê-su: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (c. 26)

 

  1. “Các ông không thuộc đoàn chiên của tôi”

Đức Giêsu đã nói những gì chân thật nhất và sâu xa nhất về Ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Chúa Cha và với loài người. Nhưng khi nghe những lời này của Đức Giê-su, người Do Thái đã không tin. Ngài cũng đã làm nhiều điều, nhất là các dấu chỉ nhân danh Chúa Cha; và trong bối cảnh mà Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta, dấu chỉ mới nhất và rất lớn là cho người mù bẩm sinh trở nên sáng mắt và nhất là sáng lòng (Ga 9, 1-41); chứng kiến các dấu chỉ, người Do Thái vẫn không tin!

Đức Giêsu nêu ra nguyên do tại sao người Do Thái không có khả năng tin vào Ngài: “vì các ông không thuộc đoàn chiên của tôi” (c. 26). Lí do Đức Giê-su đưa ra thật lạ lùng: phải thuộc về đoàn chiên của Ngài, nghĩa là Ngài biết chúng ta và chúng ta đi theo Ngài, thì khi nghe những gì Ngài nói và chứng kiến những gì Ngài làm, chúng ta mới nhận ta Ngài và tin nơi Ngài. Thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô, là đã tin rồi. Như thế, điều kiện của đức tin là phải tin.

Lạ lùng, nhưng đó lại là kinh nghiệm về hành trình đức tin của chính chúng ta và kinh nghiệm về hành trình đức tin của những người mà chúng ta có sứ mạng đồng hành.

  • Tất cả những ai đi tìm ánh sáng và sống theo ánh sáng (thay vì bóng tối), thì sẽ nhận ra Đức Kitô là ánh sáng.
  • Tất cả những ai đi tìm Sự Thật và sống theo sự thật (thay vì Gian Dối), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Thật.
  • Tất cả những ai ước ao Sự Sống và sống theo năng động sự sống (thay vì sự chết), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Sống.

Cũng vậy, đối với những ai khát khao và sống theo Sự Thiện, Vẻ Đẹp đích thật và những điều thuộc về nhân tính, những điều cao quí. Nói cách khác, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên tất cả những ai sống theo hình ảnh Thiên Chúa vốn có một cách sâu xa ở nơi mình, thì đã thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô rồi, hai bên như đã biết nhau rồi.

 

  1. Hoa trái của niềm tin

Người ta cứ đòi Đức Giê-su nói về căn tính Ki-tô của mình : « Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết » (c. 24), nhưng khi Ngài mặc khải : « Tôi và Chúa Cha là một », thì người ta không chỉ không tin, nhưng còn lên án Ngài phạm thượng : « Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa » (c. 33). Đó chính là “tội danh” trong cuộc xử án của Thượng Hội Đồng, dẫn Ngài đến án tử.

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng cách ném đá, và sau này trong cuộc thương khó, bằng hình phạt khủng khiếp nhất, là đóng đinh vào Thập Giá. Đó là năng động của hành vi không tin: Tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. (x. Tv 22, 9 và Kn 2, 17-20)

* * *

Đức tin của chúng ta được chứng thực, không phải bằng những lí lẽ hay bằng chứng, nhưng bằng những hoa trái sự sống: hiệp nhất, yêu thương, tha thứ, nhìn nhận nhau là con một Cha, là anh chị em của nhau. Xin cho những hoa trái sự sống của đức tin, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô, là Mục Tử nhân lành, là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc