Thần dược Lòng Thương Xót Chúa

THẦN DƯỢC  LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Chuyển ngữ từ nguyên bản Tiếng Anh Divine Mercy’s Prescription for Spiritual Health

của Lm George W. Kosicki. C. S. B

Chuyển ngữ: Matthias M. Ngọc Đính C. M. C

than-duoc-long-thuong-xot-chua

  • Lòng Thương Xót của Cha còn lớn lao hơn tội lỗi của con và toàn thế giới (Lời Chúa Giêsu NK 1485).
  • Con cái Người, nọc độc mãng xà cũng không thắng nổ, vì Lòng Thương Xót Ngưới đáp cứu và chữa lành (Khôn ngoan 16:10)
  • Chúa Giêsu  là thần dược cho tất cả – Thánh nữ Faustina (NK 447).

 

NỘI DUNG

Lời đầu

Dẫn nhập

Cách xử dụng cuốn sách này

Sợ hãi

Xấu hổ

Nổi loạn 

Ích kỷ

Tục hóa

Khốn cùng

Kiêu ngạo

Yếu nhược tinh thần

Tội lỗi

Vô năng bất tài

Kiệt quệ

Bất an

Lời cuối

VỊ THÁNH MỚI CHO MỘT THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Vào Chúa nhật ngày 30 tháng 4 năm 2000, nữ tu Faustina Phép Thánh Thể đã trở thành vị Thánh đầu tiên của Đại Năm Thánh mở đường tiến vào thiên niên kỷ thứ ba. Là Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, Thánh nữ Faustina đã hiểu biết sâu xa về Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu và ý thức minh là một khí cụ của Lòng Thương Xót chữa lành của Chúa. Chúa Giêsu đã phán với Thánh nữ: 

  • Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân  tuất của Cha (x. NK 588)
  • Vào ngày Đại lễ của Cha, ngày lễ kính Lòng Thương Xót Cha, con hãy rảo khắp thế giới và đem các linh hồn đang lả mệt về với suối nguồn thương xót của Cha. Cha sẽ chữa lành và bổ túc cho họ (NK 206).

 

THANHTAM_0

 

LỜI ĐẦU

Thần Dược Lòng Thương Xót Chúa cung cấp những phương thuốc đặc trị cho tình trạng căng thẳng và đau khổ không thể tránh được đầy dẫy trong cuộc sống, cho những khuynh chiều và những thái độ thiếu lành mạnh thường quấy quất, ăn lan như nọc độc khắp mọi hệ thống của chúng ta.

Cha Kosicki liệt kê 12 chứng tật thường gặp nơi con người mười hai “căn độc” có thể làm suy yếu, hoặc thậm chí còn hủy hoại đầu óc, thân thể, trái tim, và linh hồn chúng ta.

Cho mỗi chứng tật ấy cha Kosicki đã kê ra một phương thuốc, trích từ đường lối sống thánh của Thánh nữ Faustina. Chẳng hạn để điều trị chứng tật có tên là “sợ hãi”, phương thuốc đặc trị của thánh nữ Faustina sẽ là tín thác.

Trong mười hai phương thuốc ấy, công hiệu của mỗi phương thuốc đều được tăng thêm nhờ những đoạn Thánh Kinh và những đoạn trích từ Nhật Ký thánh nữ Faustina. Cha Kosicki cũng đóng góp những tri thức riêng của ngài, minh chứng những phương thuốc kia có thể được sử dụng, không những để chống lại thảm trạng tiêu cực trong cuộc sống chúng ta, mà còn như những nấc thang giúp chúng ta vươn lên sự thánh thiện.

Với quyển sách này, xin bạn đừng chỉ đọc lướt qua. Từng ngày một, bạn hãy dùng để tìm biết bạn cần được Chúa chữa lành ở đâu, và liều lượng phương thuốc bạn cần dùng thông thường là bao nhiêu.

VINNY FLYNN

Các anh em linh mục hành hương đã thách thức chúng tôi soạn một quyển giáo lý nói về Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa để giải thích những gì Đức Thánh Cha đã thực hiện qua việc phong thánh kép đôi ấy. Chúng tôi đã hoàn thành điều này dưới hình thức một quyển sách nhỏ gồm những câu hỏi đáp với tựa đề “Why Mercy Sunday?” và đã được nhà Maran Press tại Stockbridge Massachussets xuất bản.

Trong quyển sách nhỏ ấy, chúng tôi đã giải thích sự khẩn thiết của sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa như lời Đức Gioan Phaolo II đã công bố trong bài giảng thánh lễ phong thánh cho nữ tu Faustina .
Trong bài giảng hôm đó, Đức Thánh Cha đã ba lần nhấn mạnh rằng sự kiện tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina và sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa là “tặng ân Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta”. Ngài còn nói tặng ân Lòng thương xót đặc biệt cần thiết cho thiên niên kỷ thứ ba. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nhận định rằng  Lòng Thương Xót Chúa tạo nên “chiếc cầu nối từ thiên niên kỷ thứ hai sang thiên niên kỷ thứ ba” và mô tả đó là sứ điệp dành cho “thời đại chúng ta”.

Trong dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina ngày 22 tháng 4 năm 2001, Đức Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ Chúa nhật kính thờ Lòng Thương Xót Chúa tại quảng trường Thánh Phêrô, và gọi đó là “ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa” 

Lòng Thương Xót Chúa Sứ điệp

quan trọng cho thời đại chúng ta

fgp2Vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh năm 2000, nhằm ngày 30 tháng 4, Đức Gioan Phao lô II đã tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina. Quảng trường Thánh Phêrô kín chật với khoảng 250.000 người.

Nhân chuyến hành hương dịp năm thánh, chúng tôi đã được diễm phúc hiện diện trong buổi lễ hôm ấy . Cùng đi với chúng tôi là 14 linh mục đến từ Hoa kỳ, đều là những cổ động viên Lòng Thương Xót Chúa. Đoàn hành hương chúng tôi đặc biệt chúc mừng người anh em là cha Bohdan, trùng vào ngày kỷ niệm ngân khánh thụ phong linh mục của ngài. Cha Bohdan đã dùng hình Chúa Thương Xót để in trên những tấm ảnh trong dịp thụ phong linh mục của ngày, nhiều năm trước lòng sùng kính ấy được phổ biến như ngày nay.

Trước sự ngạc nhiên hồ hởi của chúng tôi, trong thánh lễ phong thánh hôm ấy, Đức Gioan Phaolô II không những phong thánh cho nữ tu Faustina, mà còn “phong thánh” cho sứ điệp và việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, đồng thời công bố Chúa nhật sau lễ Phục sinh sẽ là Chúa nhật kính thờ Lòng Thương Xót Chúa trong toàn thể Giáo Hội.

Về quyển sách này

Ý tưởng dùng sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa ban cho Thánh nữ Faustina như một phương thuốc đã nảy sinh cách đây vài năm. Vào lúc ấy chủ bút của tờ Marian Helper Bullentine là Vinny Flynn đã yêu cầu viết một bài báo về đời sống thiêng liêng của thánh nữ Faustina dựa theo cuốn Nhật Ký của chị thánh. Ban đầu bài báo khảo luận về sáu đặc điểm trong đời sống của thánh nữ Faustina. Dần dần, chúng tôi triển khai mười hai đặc điểm. Trong một lúc hứng khởi chúng tôi nhận thấy mỗi đặc điểm ấy là một câu trả lời cho mỗi căn bệnh trong thời đại tục hóa của chúng ta.

Một lần khởi hứng khác lại đến với chúng tôi trong khi đọc Thánh Kinh. Trong sách khôn Ngoan, Lòng Thương Xót Chúa được trình bày như một phương dược chữa lành vết cắn do những loài rắn độc mà Moses và con dân Israel đã gặp phải trong hoang mạc:  

Còn con cái Người, nọc độc mãng xà cũng không thắng nổi, vì Lòng Thương Xót Chúa của Người đáp cứu và chữa lành (Kn 16:10)

Cũng trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi đã tham khảo với các vị cố vấn cho sinh viên đại học Steubenville của dòng thánh Phanxico để biết các sinh viên tại đó thường vướng mắc vấn đề nào nhất. Theo những vị này, vấn đề giới sinh viên thường gặp hơn hết là các thứ sợ hãi: sợ tai ương, sợ thất bại, sợ thành công, sợ dĩ vãng, và bảng liệt kê cứ thế kéo dài.

Đâu là bài thuốc chữ trị chứng sợ hãi? Tín thác! Phương thuốc này đã được tìm thấy trong Thánh Kinh và trong sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa. Vậy đề mục “Sợ hãi & Tín thác” sẽ đứng đầu bảng liệt kê mười hai độc căn và các phương thuốc đặc trị.

Việc đọc nội dung của quyển sách này và duyệt lại bảng liệt kê các độc căn và những phương thuốc đặc trị giống như việc hồi xét lương tâm. Chúng tôi vẫn thường đọc cho một số người nghe qua bảng liệt kê các chứng tật trong phần nội dung, và nhiều người đã thừa nhận.“Con vướng tất cả ?”. Có thể trường hợp ấy cũng xảy đến với các bạn vào thời điểm này.

Đây là một cuốn sách soạn cho nhu cầu. Các bạn có thể đọc liên tiếp mười hai chương. Mỗi chương đều có những lời khuyên và sự hỗ trợ để giúp giải quyết vấn đề các bạn đang phải chiến đấu trong hiện tại. Các bạn hãy đọc bất kỳ phương thuốc nào cần thiết cho sức mạnh thiết cho sức mạnh phần hồn của bạn vào lúc này.

THẦN DƯỢC LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT 

CHO SỨC MẠNH TINH THẦN

Quyển sách này minh chứng sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa là một phương thuốc đặc hiệu dành cho thời đại chúng ta và cho toàn thế giới. Sứ điệp và sùng kính Lòng Thương Xót Chúa là một thần dược hiệu qủa dành cho thời đại chúng ta mà cũng là công việc thánh nữ Faustina đáp ứng và sứ mạng loan báo Lòng Thương Xót Chúa của ngài.

Chúa đã ban cho thánh nữ Faustina một sứ mạng để:

Loan báo Lòng Thương Xót Chúa cho toàn thế giới (x. N K 1142)

Khuyên giục các linh hồn tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa (x. NK 1690)

Kêu gọi nhân loại đau thương hãy đến với trái tim Nhân Lành Chúa Giêsu (x. NK 1074).

Nói cho nhân loại biết rằng chỉ khi nào quay về với Lòng Thương Xót Chúa, họ mới được bình an (x. NK 300).

Nói cho tội nhân khốn cùng biết họ có thể đạt đến sự thánh thiện cao vời nếu như biết tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa (x. NK 784)

Chuẩn bị thế giới cho Chúa đến lần thứ hai (x. NK 429,635).

Hãy xem xét từng độc căn của thời đại tục hóa này và các bạn sẽ thấy mình cũng cần đến thần dược chữa lành của Lòng Thương Xót Chúa cho sức khỏe tinh thần của các bạn.

Lễ Đức Maria Hồn Xác lên trời

Ngày 15 tháng 8 năm 2001

Linh mục George W. Kosicki, CSB

le-duc-me-hoc-xac-len-troi

CÁCH  SỬ DỤNG QUYỂN SÁCH NÀY

f-gp2Đây là một cuốn sách hướng dẫn. Nó chỉ dẫn về cách đáp ứng sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa theo điều kiện cuộc sống thường nhật, và cách để trở nên một tông đồ Lòng Thương Xót Chúa như thánh nữ Faustina.

Ngày nào các bạn cũng ở trong một điều kiện hoặc một trạng thái khác biệt, và đòi hỏi một cách đáp ứng khác biệt. Quyển sách này có thể trở nên một người bạn đồng hành giúp các bạn nhận ra, dưới ánh sang của Chúa Thánh Thần, cách đáp ứng hiệu qủa nhất với giây phút hiện tại.

Những phương thuốc đặc hiệu được trình bày ở đây có thể được xử dụng như những viên thuốc mỗi khi cần đến, hoặc những viên thuốc đề kháng, đem lại một khả năng kháng liên tục cho chúng ta. Những phương thuốc này tăng sức cho hệ thống miễn nhiễm thiêng liêng và bảo vệ chúng ta khỏi cuộc tấn công do bản năng yếu đuối nhân loại và tội lỗi.

Mỗi phương thuốc là một quyết định, một hành vi của ý chí, để thực hiện hoặc kiêng lánh một việc nào đó. Đôi khi, đó là một lời kinh hoặc một câu than được lặp đi lặp lại tận đáy tâm hồn. Đôi khi đó là một lời kêu nài hoặc hiến dâng tự do cho Thiên Chúa để Người toàn quyền hành động. Hoặc có thể là sự hiện diện âm thầm của một con tim trước Thiên Chúa, Đấng cư ngụ trong tâm hồn chúng ta. Một quyết định để hợp nhất con tim chúng ta với Trái Tim Người….một giây phút luyến kết yêu mến với Chúa, Đấng yêu thương và cư ngụ nơi chúng ta, nhờ Thánh Thần của Người. Đó luôn luôn là một hành vi của Lòng Thương Xót  bằng việc làm, lời nói hoặc lời cầu nguyện (x. NK 742 ).

Trong những thời gian và hoàn cảnh khác nhau, chúng ta cũng có thể kết hợp nhiều phương thuốc với nhau. Để đối phó với những trạng huống trong mình, việc chúng ta thay đổi từ phương thuốc này sang phương thuốc khác không phải là một điều lạ, tất cả chúng ta đã từng trải qua những giờ phút tăm tối và yếu đuối, lúc ấy đồng thời chúng ta cần đến tất cả mười hai phương thuốc! Tất cả những phương thuốc ấy luôn sẵn sàng cho chúng ta, bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là những quà tặng để cho chúng ta xử dụng.

Khi mười hai phương thuốc này được dùng để chống lại tình trạng khốn cùng của con người chúng ta, chúng trở nên những bậc thang giúp chúng ta thăng tiến, vượt qua vũng lầy của tình trạng con người đạt đến chỗ trưởng thành và an bình nội tâm. Chúng từng bước biến đổi chúng ta thành những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa – trở thành bánh thánh sôi động – để có thể chiếu giải Lòng Thương Xót Chúa bằng đời sống chứng tá của chúng ta. Những phương thuốc đặc trị này được tinh lọc từ quyển Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi của Thánh nữ Fauistina, và đúc kết linh đạo của chị thánh tiềm tàng trong đó. 

Đây không phải là những đặc điểm riêng biệt của thánh nữ Faustina; nhưng là căn bản của đời sống kết hợp với Chúa Kitô, và nhiều tín hữu đã nhờ đó mà được biến đổi. Tuy nhiên trong tư cách là Thư ký của Lòng Thương Xót Chúa. Thánh nữ Faustina độc hữu một địa vị cá biệt. Qua việc ghi chép những điều Chúa truyền dạy, và sự đáp ứng với những giáo huấn ấy, thánh nữ Faustina không những mô tả những giây phút được ngất trí, mà còn cả những giờ phút tăm tối và khốn cùng. Xin cảm tạ Chúa vì tài liệu ghi lại những hoàn cảnh và sự đáp ứng của thánh nữ Faustina, bởi vì tất cả điều ấy giúp chúng ta đồng nhất với chị thánh ngay trong cuộc chiến đấu và thăng tiến của bản thân chúng ta. Việc trung thực ghi chép của thánh nữ Faustina về cách thức chị thánh đã sử dụng phương thuốc này như liệu pháp hiệu quả chống lại các thái độ và hoàn cảnh tiêu cực và những bậc thang đưa đến sự thánh thiện, là một khởi hứng và một thách đố cho tất cả chúng ta, những người muốn được biến đổi trở nên tông đổ của Lòng Thương Xót Chúa.

CHƯƠNG MỘT

SỢ HÃI

  • Lo lắng, áy náy, ưu tư, sợ chết, sợ tương lai, sợ bấp bênh, sợ bệnh tật, sợ bạo lực, sợ tha nhân  

TÍN THÁC

  • Tin sống động vào Chúa Giêsu, vì biết Người hằng quan tâm, và yêu thương chúng ta.

LỜI THÁNH KINH

  • ” Đừng sợ, chỉ cần tin ” (Mc 5:36)
  • “Thầy đây. Các con đừng sợ” (Mt 14:27) 
  • “Đức Ái trọn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (1 Ga 4:18) 

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Những ân sủng của tình thương Cha chỉ được kín múc bằng một chiếc bình duy nhất: đó là lòng tín thác, Linh hồn nào càng tín thác, càng được lãnh nhận nhiều. Những linh hồn tín thác vô hạn sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho Cha, bởi vì Cha trào đổ tất cả những báu tàng của Cha cho họ (Lời Chúa Giêsu, NK 1578).
  • Nhân loại sẽ không được bình an  cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót  của Cha với niềm tín thác (Lời Chúa Giêsu, 300).
  • Khi linh hồn sầu khổ, tôi chỉ nghĩ thế này: Chúa Giêsu nhân lành và đầy lân ái, cho dù đất dưới chân tôi có lún xuống đi nữa, tôi cũng không thôi tín thác nơi Người (NK 1192).

LÒNG TÍN THÁC LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Tín thác là niềm tin sống động vào Chúa, tin rằng Người thực sự là Thiên Chúa, Người hằng quan tâm và yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô cùng nhân ái.

Lòng tín thác trao cho Thiên Chúa toàn quyền hành động để Người có thể thi thố Lòng Thương Xót  cho tất cả chúng ta (x. Rm 11:32 ). Tình trạng thiếu tín thác là một ngãng trở rất lớn không để cho Thiên Chúa hành động, và điều ấy khiến Người rất phiền lòng, các linh hồn không tín thác vào Thiên Chúa không thể tiếp nhận Lòng Thương Xót của Người. Chúa đã phán dạy thánh nữ Faustina rằng: “Các linh hồn tội lỗi nhất cũng sẽ đạt đến mức thánh thiện cao vời nếu như họ tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha” (NK 1784). Hai chữ “Nếu như” chính là chiếc chìa khóa. Nếu như biết tín thác, các linh hồn sẽ thắng vượt những trở ngại của hoàn cảnh sống và sẽ cất bước thăng tiến trên đường thiêng liêng.

Ngãng trở lớn nhất cho thân phận nhân loại là sự sợ hãi. Sợ hãi làm cho chúng ta bị tê liệt và trói buộc chúng ta lại. Bảng liệt kê những thứ gây sợ hãi và áy náy có thể đầy một quyển sách! Tuy nhiên, Chúa đã phán trong phúc âm, “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mt 5:36).

Làm sao chúng ta có thể tín thác giữa những sợ hãi? Chúng ta xử dụng Lòng tín thác như một phương thuốc để chống lại những nỗi sợ hãi và như một bậc thang để vươn tới sự thánh thiện như thế nào? Các bạn và chúng tôi có thể làm được những gì?

Chúng ta có thể lặp đi lặp lại tận đáy lòng, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”. Lời than thở này nói lên tất cả. Đó là cách sống của chúng ta, như những Kitô hữu; đó là sự đáp ứng của chúng ta với Chúa Giêsu. Đấng chính là Toàn Thương, Đấng đứng ngoài cửa sổ tâm hồn chúng ta và chờ chúng ta  mở cửa sổ tâm hồn cho Người, dù chỉ là hé mở một chút (x. Kh 3:20 và NK 1507). 

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” là sự đáp ứng, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta đối với phúc lành do tình yêu thương xót của Người. Chúa yêu cầu bức hình thương xót phải có hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”. Bức hình Chúa Thương Xót là chiếc bình giúp chúng ta “kín múc” Lòng Thương Xót; đó là vật nhắc nhở chúng ta tín thác vào Người.

Vậy chúng ta làm cách nào để thăng tiến trong sự tín thác? Chúng ta hãy năng chiêm ngắm bức hình Chúa Thương Xót. Chúng ta hãy mang bức hình trong mình, bày kính tại gia đình, tại văn phòng, hoặc trong xe hơi – và tận thâm tâm, mỗi khi ngắm nhìn, chúng ta hãy thầm thì “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”. 

Hãy đặt tất cả những nỗi sợ hãi của bạn vào Thánh Tâm đầy thương xót của Chúa Giêsu, và hãy tín thác. Hãy mở rộng cửa sổ tâm hồn của bạn và hãy tín thác vào Chúa Giêsu!

Giữa tiếng hò la xông trận, bạn hãy reo lên

  • Tín thác! 
  • Hoàn toàn
  • Tin tưởng
  • Vào
  • Chân lý
  • Cứu độ

Nếu các ngươi ở trong Lời Ta… các ngươi sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ giải thoát các ngươi… Nếu con người có giải thoát cho các ngươi, các ngươi mới thực sự là những con người tự do” (Ga 8:31-32, 36).

“Hễ ai… nhìn ngắm bức hình Chúa Thương Xót, có trái tim chiếu tỏa ân sủng, và tận đáy tâm hồn ghi nhớ lời thánh nữ Faustina đã dược nghe: Đừng sợ hãi, Cha luôn ở với con” (NK 586).

“Và nếu người này đáp ứng bằng một con tim đơn thành, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” họ sẽ tìm được ủi an giữa mọi ưu tư và sợ hãi của họ” (Đức Gioan Phaolô II).

CHƯƠNG HAI

XẤU HỔ

  • Cảm thấy bất xứng, không thích hợp, không đáng yêu,  tội lỗi, nhớp nhúa, trĩu nặng vì tội lỗi và thất bại quá khứ

LÒNG THƯƠNG XÓT

  • Hướng nhìn và đón nhận Lòng Thương Xót Chúa để nhờ đó mà được biến đổi và chuyển thông Lòng Thương Xót Chúa  cho tha nhân

LỜI THÁNH KINH

  • “Chúng ta phải ăn mừng và hân hoan, bởi vì em con đã chết mà nay lại sống” (Lc 15:32)
  • “Hãy nhân lành, như Cha các con là đấng nhân lành” (Lc 6:36)
  • “Phúc cho ai có Lòng Thương Xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5:7)

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Cha chính là khối toàn thương (Lời Chúa Giêsu, NK 1739, x 281, 300, 1074, 1148, 1273, 1777).
  • Tôi hiểu rằng tình yêu và  Lòng Thương Xót là ưu phẩm cao trọng nhất. Ưu phẩm này liên kết các thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Tính yêu hải hà và lòng xót thương thẳm sâu đã được biểu hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể và công trình Cứu Độ (nhân loại), và chính ở đây, tôi đã nhìn ra lòng xót thương là ưu phậm lớn lao nhất trong mọi ưu phẩm của Thiên Chúa. (NK 180).
  • Cha ban cho con ba phương thế để sống nhân ái với người xung quanh: thứ nhất: bằng hành vi – thứ hai: bằng ngôn từ – thứ ba: bằng cầu nguyện (Lời Chúa Giêsu, NK 142). 

LÒNG THƯƠNG XÓT LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Lòng Thương Xót là tình yêu Thiên Chúa trào đổ xuống cho chúng ta, những tội nhân khốn cùng. Từ Thánh Tâm chịu đâm thâu của Chúa Giêsu, tình yêu ấy tuôn tràn như một suối nguồn thương xót cho chúng ta. Lòng Thương Xót là cái tên thứ hai của tình yêu (x. Đức Gioan Phaolô II. Tông thư Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, 7).

Một câu reo mừng chiến thắng đã tung hô Lòng Thương Xót như chính Thiên Chúa:

  • Giavê
  • Cứu Chúa
  • Uy hùng
  • Yêu thương
  • Muôn đời

 Chúa đã dạy thánh nữ Faustina rằng Người chính là Toàn Thương, Lòng Thương Xót Chúa như một đại dương thăm thẳm bao la, thắng vượt mọi tội lỗi, mọi sợ hãi, mọi ưu tư, mọi tăm tối và mọi cay cực của chúng ta; và luô luôn chờ đón mọi người.

Con hãy hối thúc các linh hồn hãy tín thác vào vực thẳm lòng từ ái vô tận của Cha, vì Cha muốn cứu vớt tất cả. Trên Thập giá, nguồn mạch xót thương của Cha đã được lưỡi đòng khai mở cho hết mọi linh hồn – Cha không loại trừ bất kỳ một ai (NK 1182).

Con hãy viết rằng Cha rộng lòng với các tội nhân hơn với những người công chính (NK 1275). 

Lòng Thương Xót Chúa luôn luôn sẵn sàng. Chương trình và khát vọng của Chúa là thương xót mọi người (x. Rm 11:32) Chúa không muốn một ai không được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dùng ý chí tự do của mình để làm ngãng trở chương trình của Chúa, bằng việc không thèm đón nhận  Lòng Thương Xót của Người.
Một trong những ngãng trở nguy hại nhất đối với việc đón nhận  Lòng Thương Xót Chúa là thói xấu hổ. Trước những tội lỗi và những thất bại quá khứ, chúng ta thấy mình khó thương, bất xứng, nhớp nhúa, khốn nạn, u uất, nghi nan, lo lắng và dằn vặt. Xấu hổ là phản ứng của Adam và Eva sau khi đã phạm tội. Xấu hổ cũng là phản ứng thường gặp nhất nơi những người đã phạm tội và quay lưng lại với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, một điều còn tác hại hơn chính nỗi xấu hổ và tội lỗi của chúng ta: đó là thái độ quay lưng lại với Lòng Thương Xót Chúa sau khi đã phạm tội, Chúa chờ đợi chúng ta quay về, như Cha hiền mong ngóng đứa con hoang đàng (x Lc 15:11:32). Với Lòng Thương Xót Chúa muốn phục hồi phẩm giá, địa vị và giá trị cho chúng ta. Đó là nguyên nhân để chúng ta vui mừng (x. Đức Gioan Phaolô, Tông thư Thiên Chúa Giáu Lòng Thương Xót 5 – 6).

Phương thuốc đặc trị cho căn bệnh xấu hổ là  Lòng Thương Xót –  Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Phương thuốc này trở nên một bậc thang đưa đến sự biến đổi và thánh thiện khi chúng ta quay về với Lòng Thương Xót Chúa, chấp nhận và để cho Lòng Thương Xót Chúa biến đổi chúng ta và qua chúng ta mà chuyển thông cho tha nhân.

Chúa truyền chúng ta phải tận dụng Lòng Thương Xót của Người, phải trở nên nhân lành như Cha trên trời là Đấng Nhân Lành (x Lc 6:36). Chúng ta phải sống nhân lành với tha nhân bằng việc làm, lời nói và cầu nguyện (x NK 742). Khi sống nhân lành với tha nhân, chính chúng ta cũng sẽ được hưởng nhờ lòng nhân lành: “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5:7). Đồng thời chúng ta cũng hãy sống nhân lành với chính Thiên Chúa nữa (x. Mt 25:40 Đức Gioan Phaolô, Tông thư Thiên Chúa Giáu Lòng Thương Xót 8).

Làm cách nào tôi có thể sống nhân ái một cách thực tế? Bằng cách hạ mình thực thi những hành vi nhân ái về phần xác và phần hồn.

Những hành vi nhân ái phần xác là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết.

Những hành vi nhân ái phần hồn là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ để ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Lời cầu xin Lòng Thương Xót luôn luôn là một phương thức thực tế và hữu hiệu để đón nhận và sử dụng Lòng Thương Xót Chúa như một bậc thang vươn đến sự biến đổi và thánh thiện.

  • Lạy Chúa Giêsu, xin ban tràn đầy Lòng Thương Xót Chúa cho con, để con biết sống thương xót và chiếu giải Lòng Thương Xót Chúa. Lạy Chúa.

Lời than “Lạy Chúa Giêsu, ôi Lòng Thương Xót” không những là một lời khẩn nài Lòng Thương Xót cho chúng ta và toàn thế giới; mà còn là một lời chúc tụng và cảm tạ Chúa Gie6su, Đấng chính là Lòng Thương Xót. Lời cầu ấy phát ra từ tâm hồn như một lời không ngớt khẩn nài Lòng Thương Xót, nhất là khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khốn nan trong đời sống riêng mình và trong đời sống của mọi người trên thế giới.

CHƯƠNG BA

NỔI LOẠN

  • Giận dữ, căm hận, bất mãn, xét nét, không tha thứ và hung hãn.

THÁNH Ý CHÚA

  • Gắng sống vui tươi trong việc chấp nhận thánh ý Chúa, ước muốn thánh ý Người trên hết mọi sự.

LỜI THÁNH KINH

  • “Nguyện thánh ý Cha được thể hiện ” (Mt 6:10; 27:42)
  • “Con đến để chu toàn thánh ý Cha” (Dt 10:9)
  • “Không phải mọi kẻ thưa với ta, “Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai chu toàn thánh ý Cha trên trời của Ta mà thôi”” (Mt 7:21)

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Chúa Giêsu cho tôi biết linh hồn nào sống theo thánh ý Thiên Chúa sẽ làm cho Người được thỏa lòng. Vì vậy, họ đem lại vinh quang rạng ngời cho Thiên Chúa (NK 821, x 724,952)
  • Có  một điều lúc nào tôi cũng lưu tâm và suy tư điều ấy là tất cả cho tôi; tôi sống và chết cũng vì đó, đó là thánh ý Chúa. Đó là lương thực hằng ngày của tôi. Trót cả linh hồn tôi chăm chú lắng nghe những ước muốn của Chúa. Tôi luôn thực thi những gì Chúa đòi hỏi, mặc dù tự nhiên tính của tôi thường vùng vằng và tôi cảm thấy tầm mức lớn lao của những việc ấy quá sức tôi. Tôi quá biết tự sức riêng tôi là gì, nhưng cũng biết ơn thánh Chúa nâng đỡ tôi là gì (NK 652).

Nơi gặp gỡ giữa thánh ý Thiên Chúa và ý riêng của chúng ta là điểm tương tác giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của chúng ta. Vinh quang Thiên Chúa chính là ở chỗ Người đã dựng nên chúng ta như những thụ tạo tự do, và Người sẽ không chống lại sự tự do ấy. Thiên Chúa yêu cầu mời gọi, khuyến khích, thuyết phục, gõ cửa, và chờ đợi chúng ta, tự tình suy phục thánh ý Người. Đó là nơi chúng ta tìm được tự do đích thực. Đây chính là nghịch lý của Phúc âm – khi chết đi là khi chúng ta được sinh vào cuộc sống muôn đời. Khi chết cho ý riêng, chúng ta sẽ tìm được sự sống vĩnh hằng trong thánh ý Chúa. 

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta cứ nhất mực giữ lấy ý riêng của mình?Khởi loạn? Thái độ khởi loạn làm vẳng lại tiếng thét của Lucifer: “Tôi sẽ không phục vụ!” Thái độ khởi  loạn biểu lộ qua sự giận dữ, ghen ghét, nguyền rủa, tự cho mình là nhất, chất vấn, tự tín, tự quyết. Thái độ khởi loạn là cội rễ của mọi tội lỗi. 

Đâu là phương thuốcđặc trị cho óc khởi loạn? Thánh ý Chúa, khi tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, chúng ta thực sự bước dần đến chỗ biến đổi và thánh thiện. Điều căn bản là “xin cho ý Cha được thể hiện”. Có hai phần trong điều căn bản này: Thứ nhất là thánh ý Thiên Chúa chứ không phải ý của tôi hay của ai khác; thứ hai là điều ấy thực sự phải được thực hiện theo chương trình và thời giờ của Thiên Chúa.

THÁNH Ý THIÊN CHÚA LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

“Xin ý Cha được nên trọn” (Mt 6:10) là lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy chúng ta và chính Người đã sống: “Lạy Cha, xin cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý Con, nhưng xin ý Cha được nên trọn” (Mc 14:36). Chúa Giêsu  đã đến để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x. Dt 10:9). “Lương thực của ta là làm theo thánh ý của Đấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Người” (Ga 4:34).

Trong ngày Truyền Tin, Đức Maria cũng nói lên tinh thần suy phục thánh ý Chúa của Me: “Xin hãy nên trọn nơi tôi như lời Ngài truyền” (Lc 1:38). Thánh phaolo đã trình bày thái độ suy phục khi nói rằng: “Không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Thánh nữ Faustina đã được Chúa dạy hãy khước từ ý riêng một cách sinh động:

  • Con hãy viết những chữ sau đây trên một trang giấy sạch: “Từ nay trở đi, ý riêng của tôi không còn nữa” và gạch chéo ngang qua trang giấy ấy. Ở trang bên kia, con hãy viết những chữ này: “Từ nay trở đi, tôi thực thi thánh ý Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi sự” (NK 372).

Nhưng một vấn đề quan trọng nữa lại phát sinh: Thánh ý Thiên Chúa là gì? Thiên Chúa muốn gì về tôi, trong từng giây phút cuộc sống hàng ngày của tôi?

  • Người muốn tất cả chúng ta đều được cứu độ và nhận biết chân lý (x. 1 Tm 2:4).
  • Người muốn dủ Lòng Thương Xót tất cả chúng ta (x. Rm 11:32).
  • Người muốn thiết lập vương quốc của Người trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần (x Mt 6:10: Rm 5:5).
    Người muốn chúng ta vâng giữ các giới luật của Người (x. Mt 19: 16-26). 
  • Người muốn chúng ta hãy sống nhân lành như Người là Đấng nhân lành (x. Lc 6:36).
  • Người muốn chúng ta yêu thương nhau như Người đã thương yêu chúng ta (x. Ga 13:34).
  • Người muốn chúng ta hãy ăn Thịt và uống Máu của Người để được sống đời đời (x. Ga 6:54).
  • Người muốn chúng ta hãy vâng phục Giáo Hội (x. Mt 16:19; Ga 20:23).
  • Người muốn chúng ta hãy sống như những thành phần trong gia đình của Người (x.Cl 3:12-21).
  • Người muốn chúng ta hãy thưa với Người “Lạy Cha chúng con, Abba, lạy Cha” (Mt 6:9; Ga 20:17).
  • Người muốn ban cho chúng taThánh Thần của Người (x. Lc 10:13: 24:49; Cv 1:8).
  • Người muốn chúng ta nhìn nhận Đức Maria là Mẹ chúng ta (x Ga 19:26-27).
  • Người muốn chúng ta hãy sống hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (x. Mt 11:28-29).

Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện trong Thánh kinh. Lời diễn tả đẹp nhất được tìm gặp trong các bản văn của Thánh Phaolô, Thánh nhân đã cho chúng ta một phương cách thực thi thánh ý Thiên Chúa trong từng giây phút, bằng cách xử dụng phương thức này như một bậc thang đưa đến sự thăng tiến:

  • Hãy vui mừng luôn
  • Và không ngừng cầu nguyện
  • Hãy tạ ơn trong mọi dịp! Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về hết thảy anh em trong Đức Kitô Giêsu. (1 Tx5:16-18).  

“Đó là thánh ý Thiên Chúa về hết thảy anh em.” Câu này nói ở số nhiều; đó là thánh ý Thiên Chúa đối với mọi người trong mọi lúc, và luôn luôn như thế đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta bắt ý riêng chúng ta phải suy phục thánh ý Chúa, những chương trình và sở thích của Người.

Nhưng giả như trong một trường hợp nào đó, tôi không nhận ra thánh ý Thiên Chúa thì sao? Tôi vẫn có thể bắt ý riêng suy phục thánh ý Chúa bằng cách cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhận biết, và ơn sức mạnh để vâng theo thánh ý Người. Khi chúng ta bắt ý chí tự do của mình suy phục thánh ý Thiên Chúa. Người nhất định sẽ chúc lành cho quyết định của chúng ta bằng cách cho chúng ta nhìn ra thánh ý Người.

Trong cuộc sống, khẩu hiệu của chúng ta, phương thuốc đặc trị cho óc khởi loạn và là bậc thang đưa chúng ta đến sự thánh thiện là: “Lạy Cha, nguyện ý Cha được nên trọn!. 

CHƯƠNG BỐN

ÍCH KỶ

Chỉ nghĩ tưởng, quan tâm đến bản thân tìm mình, tự tôn, tự đại, tìm lạc thú

TÔN VINH LÒNG THƯƠNG XÓT 

  • Hướng về Thiên Chúa thay vì bản thân chúc tụng và loan báo Lòng Thương Xót của Người

LỜI THÁNH KINH

  • “Con hãy về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Thiên Chúa đã làm cho con và Người đã thương xót con như thế nào” (Mc 5:19-20).
  • “Con sẽ ca tụng Người giữa muôn dân, lạy Giavê, giữa các dân nước, con sẽ đàn ca cho Người, vì ơn của Người cao vượt quá các tầng trời, và lòng thành tín của Người thấu tận mây xanh” (Tv 108: 4-5).

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Hãy dâng lời ca ngợi tôn vinh tình thương Cha (Lời Chúa Giêsu, NK 206).
  • Bằng cách này (thực hiện Lòng Thương Xót với tha nhân bằng việc làm, lời nói và lời cầu nguyện) một linh hồn sẽ tôn vinh và sùng kính Lòng Thương Xót Cha (Lời Chúa Giêsu, NK 742).
  • Con nhỏ của Cha ơi, Cha trông đợi từ nơi con rất nhiều linh hồn sẽ tán dương Lòng Thương Xót Cha trong cõi đời đời (Lời Chúa Giêsu, NK 1489).
  • Cha…. đòi mọi người tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha (Lời Chúa Giêsu, NK 742).  

VIỆC TÔN VINH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa là tán dương và nhìn nhận đó là ưu phẩm cao cả nhất của Người (x. Đức Gioan Phaolô, Tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót 14, NK 180). Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa chính là nguyên nhân và mục đích cuộc đời của thánh nữ Faustina. Thánh nữ đã viết: Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa là công việc chuyên biệt của đời tôi (NK 1242). Thánh nữ đã tán dương Lòng Thương Xót Chúa  trong mọi lời nói, việc làm và lời cầu nguyện của Ngài.

Việc tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa có thể được định nghĩa bằng một loạt từ trong tiếng Anh bắt đầu bằng mẫu tự “P”: ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa (praising) cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa (praying) khẩn nài Lòng Thương Xót (pleading) loan báo Lòng Thương Xót (proclaiming) và nhất là thực hành Lòng Thương Xót (practicing) với tha nhân.

Sau khi đã chữa lành cho người bị qủy ám Chúa Giêsu muốn Lòng Thương Xót của Người được tán dương, khi truyền cho anh ta trở về với gia đình và loan báo cho họ biết những gì Lòng Thương Xót Người đã thực hiện cho anh (x. Mc19-20). Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa là cho tha nhân biết những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho bạn, là nói cho gia đình, bạn bè, và bất cứ ai chịu lắng nghe bạn.

Tất cả chúng ta hãy nói cho người khác biết khát vọng của Thiên Chúa muốn trào đổ Lòng Thương Xót của Người, đặc biệt cho các tội nhân và những kẻ khốn cùng (x. NK 723,1275). Chúng ta hãy nói cho họ biết Lòng Thương Xót Chúa còn lớn lao hơn mọi tội lỗi và khốn cùng của chúng ta (x. NK 699). Như thánh nữ Faustina đã ý thức về sứ mạng của chị trong Giáo Hội là luôn luôn khẩn nài Lòng Thương Xót cho toàn thể Giáo Hội và thế giới, và qua đó mà tán dương Lòng Thương Xót Chúa.

Như thánh nữ Faustina chúng ta có thể viết về Lòng Thương Xót Chúa hoặc phân phối các tài liệu về Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng ta có thể hỗ trợ bằng lời cầu nguyện hoặc góp công góp của với những người tán dương Lòng Thương Xót Chúa qua việc trước tác hoặc rao giảng của họ. Đặc biệt, hãy cầu xin cho họ ơn sức mạnh và bình an bởi vì họ đang chiến đấu trên tuyến đầu của mặt trận thiêng liêng (x. NK 412, 520, 1496, 1499).

Qua thánh nữ Faustina, Chúa đã ban các lời hứa trọng hậu cho những ai tán dương Lòng Thương Xót của Người: 

  • “Tất cả những linh hồn tôn vinh và truyền bá Lòng Thương Xót của Cha, khuyến dục người khác tín thác vào Lòng Thương Xót Cha, sẽ không phải chịu nỗi kinh hoàng trong giờ sau hết  Lòng Thương Xót Cha sẽ che chở họ trong cuộc chiến đấu sau cùng” (NK 1540).
  • “Với những linh hồn đến nương nhờ, cũng như những linh hồn tôn vinh và rao truyền Lòng Thương Xót Cha cho những người khác, đến giờ lâm chung của họ, Cha sẽ đối xử với họ theo lòng lân tuất vô cùng của Cha” (NK 379).
  • “Trong quyển sách này có ghi danh tánh những linh hồn đã làm vinh danh Lòng Thương Xót của Cha”(NK 689).
  • Tán dương Lòng Thương Xót Chúa là phương thuốc đặc trị cho thói ích kỷ của con người. Hành vi hướng về Lòng Thương Xót Chúa sẽ chiến thắng thói tìm mình , tự tôn, tự đại và tìm lạc thú của chúng ta. 
  • Khi tán dương Lòng Thương Xót Chúa. chúng ta quy hưởng cuộc đời chúng ta về một mình Thiên Chúa như mục tiêu duy nhất, thay vì bản thân chúng ta. Khi ấy, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa, cứu không phải chúng ta, mới là Chủ Tể đích thực. Với thân phận con người chúng ta hướng lên Thiên Chúa và Người sẽ biến đổi chúng ta thành những bình đựng thánh thiện chuyển thông Lòng Thương Xót bao la của Người.
  • Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa là cánh cử bằng vàng đưa chúng ta đến chỗ kết hợp với Người. Đó là thái độ đáp ứng của Đức Mẹ trong lời kinh Ngợi Khen:
  • “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa, và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại và danh Người là thánh Lòng Thương Xót Chúa tràn trải từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1: 46-47, 49-50).

CHƯƠNG NĂM

TỤC HÓA

  • Sống như thể Thiên Chúa hiện hữu, hoặc thờ ơ với Người (Chủ nghĩa vô thần thực hành).

TÔN VINH THIÊN CHÚA BA NGÔI

  • Sống như con cái Thiên Chúa, vui mừng vì được Ba ngôi Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn.

LỜI THÁNH KINH

  • “Vì anh em là con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Người vào lòng anh em và kêu lên: Abba, lạy Cha” (Gl 4:6)
  • “Hễ ai yêu mến Ta thì vâng giữ lời Ta và Cha Ta sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy….. Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh ta – Người sẽ nhắc cho các con nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các con” (Ga 14:23,26).

LỜI NHẬT KÝ THÁNh NỮ FAUSTINA

  • Tôi được đưa vào tận cung lòng  Thiên Chúa Ba Ngôi (NK 1670).
  • Lạy Chúa Giêsu lúc con hiệp lễ, Chúa đã đến với con, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa đã đoái thương ng vào thiên đàng bé nhỏ cõi lòng con, con cố gắng bầu bạn với Chúa trong cả ngày sống (NK 486). 

VIỆC TÔN VINH THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Khi đọc nhật ký thánh nữ Faustina dù chỉ một phần, ấn tượng sâu sắc nhất chúng ta nhận thấy là thánh nữ đã sống một cuộc đời kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Thánh nữ đã được nhìn thấy, thưa chuyện, lắng nghe, chịu đau khổ và yêu mến Chúa bằng trọn vẹn con tim, trí óc và sức mạnh của mình, Thiên Chúa là tất cả đối với chị thánh.

  • Sđiệp từ cuộc sống của thánh nữ Faustina thật rõ ràng: Thiên Chúa hiện hữu, Người có thật, Người hiện diện, Người yêu thương, và Người muốn chúng ta sống kết hiệp với Người.

Với thân phận kiếp người, chúng ta sống dễ dàng như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Đó là một hình thức của chủ nghĩa vô thần thực hành. Trong thời đại chúng ta, nhiều người đã sống thờ ơ với Thiên Chúa. Họ nhại theo lời kinh Vinh Danh để chúc tụng bản thân: “Vinh danh cho ai giữ địa vị cao nhất, và bình an cho ai có nhiều của cải nhất?’

Phương  thuốc đặc trị cho nếp sống tục hóa và thói sống hững hờ với Thiên Chúa chính là việc tôn vinh Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi chúng ta sống theo niềm tin: Thiên Chúa hiện hữu, Người là Tình Yêu và Người muốn biến đổi chúng ta trong mối liên kết đầy yêu thương với Người. Chúng ta sống với Chúa bằng việc chúc tụng, thờ phượng, tạ ơn và yêu mến – một lòng mến dành trọn vẹn cho Chúa trái tim, trí óc, sức mạnh và một đức ái dành cho anh chị em. Chúng ta t6n vinh Thiên Chúa Ba Ngôi khi đón nhận tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con trào đổ vào linh hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5:5). Chúa Cha tạo dựng chúng ta, Chju1a Con cứu chuộc chúng ta, Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta tất cả là tặng ân của Lòng Thương Xót.

Khi đón nhận những tặng ân ấy của Lòng Thương Xót, chúng ta sẽ biết sống trong tình thân mật thiết với từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh nữ Faustina đã viết: 

  • Một lần kia, sau khi hiệp lễ, tôi nghe những lời này: Con là nơi cư ngụ của Chúng Ta. Lúc ấy, tôi cảm thấy trong linh hồn sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần (NK 451).
  • Và một lần khác trong giờ chầu Thánh Thể: Tôi nhận biết Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần rõ ràng hơn bao giờ hết, những hữu thể, quyền uy và đồng đẳng của Ba Ngôi đều đơn nhất. Linh hồn tôi được kết hợp với Ba Ngôi và nhận thức điều này rõ ràng, nhưng không thể diễn tả được bằng lời. Bất cứ ai được kết hợp với Một trong Ba Ngôi đều được kết hợp với toàn thể Ba Ngôi, vì tính đơn nhất bất phân (NK 472).

Chúng ta phải đáp ứng thế nào trước tặng ân tuyệt vời này? Thánh nữ Faustina giải đáp, chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi bằng việc hãy yêu thương như Thiên Chúa yêu thương? 

  • Chúa Ba Ngôi chí thánh ba cho tôi sự sống sung mãn của Người qua tặng ân Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa sống trong tôi. Khi yêu, Thiên Chúa yêu bằng trót cả Hữu Thể và trót cả quyền năng của Hữu Thể Người. Nếu Thiên Chúa đã yêu tôi như thế, thì tôi – Hiền thê của người – phải đáp ứng lại thế nào đây? (NK 392)

Từ kinh nghiệm được đưa vào cung Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và được đắm đuối, trong tình yêu tinh ròng của Người, thánh nữ Faustina đã dạy chúng ta biết cách xử dụng phương thuốc tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi như một bậc thang để vương đến sự thánh thiện:

  • Hôm nay tôi sống trong niềm tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã đoái thương nhận chúng ta làm nghĩa tử của Người qua ơn thánh (NK 1819)
  • Lạy Chúa Giêsu của con, nên thánh thật dễ dàng biết bao; tất cả những gì cần thiết chỉ là một chút thiện chí…. Trung thành với những sôi động của Chúa Thánh Thần chính là con đường vắn tắt nhất (NK 291) 

CHƯƠNG SÁU

KHỐN CÙNG

  • Bệnh tật, đau đớn, vô năng, bất tài, phiền não, ưu tư, u uất,thiếu khí lực, tội lỗi

KHỐN CÙNG CHỊU ĐAU KHỔ VÌ THA NHÂN

  • Kết hợp với Chúa Giêsu , hiến dâng những đau khổ lúc này, tại đây vì tha nhân.

LỜI THÁNH KINH

  • “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Người, tức là Giáo Hội” (Cl 1:24) 

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Cha ước mong con hãy hiến thân vì các tội nhân, nhất là vì các linh hồn đã mất cậy trông vào Lòng Thương Xót của Thiê n Chúa (Lời Chúa Giêsu, NK 308).
  • Lạy Mẹ Thiên Chúa linh hồn Mẹ đã chìm ngập trong biển đắng cay;  xin nhìn đến và dạy cho đứa con nhỏ của Mẹ chịu đau khổ và yêu mến trong lúc đau khổ (NK 315).
  • Cha sẽ cho con ttham dự vào công cuộc cứu độ nhân loại (Lời Chúa Giêsu NK 310).
  • Ôi giá như một linh hồn đau khổ biết mình được Thiên Chúa yêu dấu thế nào, có lẽ họ sẽ chết vì vui sướngtrong niềm hạnh phúc trào tràn! Một ngày nào đó, chúng ta sẽ biết được giá trị đau khổ, nhưng khi ấy, chúng ta không còn khả năng để đau khổ nữa. Giây phút hiện tại là thời gian của chúng ta (NK 963).

CHỊU ĐAU KHỔ CHO CÁC LINH HỒN LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

            Với thân phận kiếp người, điều rõ ràng nhất ai trong chúng ta cũng gặp phải là những nỗi khốn cùng hoặc đau khổ. Tất cả chúng ta đều đau khổ, không ai có thể thoát được; và dường như đau khổ mãi mãi gắn liền với chúng ta. Vậy chúng ta có thể trốn tránh. Người ta muốn nhanh chóng loại trừ khổ sầu và đau đớn: Tìm một viên thuốc, một bác sĩ, một kỳ nghỉ, một lạc thú làm quên bẵng nỗi đau. Thông điệp của thế gian là: đau khổ thật vô ích và vô nghĩa.

Sự hiện diện của đau khổ trên trần gian có lẽ là cái cớ lớn nhất để người ta khước từ Thiên Chúa. Vì sao có một Thiên Chúa nhân lành mà lại cho phép xảy ra đau khổ như thế? Vì sao có một Thiên Chúa lại muốn co cái vô tội của mình phải chịu đau khổ như thế? Và bảng liệt kê những lời oán trách cứ thế kéo dài mãi mãi.

Tuy nhiên, đau khổ còn một mặt khác. Đau khổ chính là cách thức Chúa Cha đã chọn cho Con của Người là Chúa Giêsu  để tỏ cho chúng ta thấy tình yêu, lòng thương xót và sự hạ mình vô cùng thẳm sâu của Người. Với tình yêu của Người, Chúa Giêsu đã chấp nhận đau khổ để đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Với đau khổ của Người Chúa Giêsu đã “thành toàn…. và được tuyên nhận là Thượng Tế” (x. Dt: 9-10, Đức Gioan Phaolo II, ý nghĩa đau khổ nhân loại theo Kitô giáo, ngày 11/2/1984).

Và rồi Chúa Giêsu đã mở rộng lời mời gọi cho chúng ta được thông phần công cuộc cứu độ, trở nên cộng sự viên của Người bằng cách yêu mến hiến dâng những đau khổ của chúng ta trong sự kết hợp với Người, như nhưng chi thể trong Thân Thể của Người: “Anh em có phúc, chẳng những là tin vào Đức Kitô, mà còn được chịu khó1 vì Người” (Pl 1:29).

Thật đẹp đẽ biết bao những lời Đức Gioan Phaolo II, kêu gọi hơn năm trăm bệnh nhân trên những chiếc cáng, tại vương cung thánh đường thánh Phêrô, hãy hiến dâng những đau khổ của họ để cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội (Ngày 11 tháng 2 năm 1984) Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu đã dạy hai điều liên quan đến đau khổ: thứ nhất  hãy làm điều thiện cho những ai đang đau khổ, thứ hai, hãy cùng với những ai đang đau khổ mà làm điều thiện.

Tha1h Phaoo tìm được niềm vui khi chịu đau khổ vì Giáo Hội như để làm trọn nơi thân xác ngài những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (x. Cl 1:42). Tại sao Thánh Phaolo có thể tìm được niềm vui trong đau khổ. Nó đem Lòng Thương Xót và ơn cứu độ đến cho tha nhân (x Đức Gioan Phaolo II, ý nghĩa đau khổ nhân loại theo Kitô giáo, ngày 11/2/1984).

Điều gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô? Người vẫn chưa đau khổ nơi thánh Phaolo, nơi bạn và nơi tôi. Người đã muốn chứng tỏ một tình yêu tràn đầy, và cho chúng ta một cơ hội để cứu độ. Thật là một  mầu nhiệm Chúa Kitô sống và chịu đau khổ nơi anh em và nơi tôi: mầu nhiệm Chúa Kitô trong anh em, mối hy vọng vinh quang? (CL 11:27).

Chìa khóa để chấp nhận đau khổ là hãy chịu đau khổ cho tha nhân, cho các linh hồn. Khi yêu mến hiến dâng những buồn khổ và đau đớn hiện tại, trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể , chúng ta thực hiên một công việc ý nghĩa, cao quý và hiệu qủa để cầu bầu và cứu độ. Chúng ta đem đem Lòng Thương Xót Chúa và ơn cứu độ đến cho các linh hồn đang cùng khốn, bằng việc chịu đau khổ cho các linh hồn, chúng ta đem đến cho họ Lòng Thương Xót và phần rỗi Chúa Kitô đã sắm cho chúng ta nhờ thập giá. Chúng ta là những sứ giả của Chúa Kitô, đem đến ơn hòa giải của Người (x 2 Cr 5:20).

Chịu đau khổ cho các linh hồn không phải là chịu đau khổ nguyên vì đau khổ. Chúng ta không đi tìm đau khổ chỉ vì đau khổ, nhưng vì lợi ích của tha nhân. Chúng ta không cần phải kiếm thêm đau khổ. Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đã gặp nhiều đau khổ lắm rồi! Chúa chỉ mời gọi một số linh hồn ưu tuyển chịu đau khổ nhiều hơn cho các linh hồn – như một ân huệ đặc biệt – như trường hợp thánh nữ Faustina.Ân huệ này phải được đáp ứng dưới sự hướng dẫn của môt vị linh hướng và trong đức khiêm nhường.

Chịu đau khổ vì các linh hồn không có nghĩa là thờ ơ với sức khỏe bản thân. Chúng ta phải quản lý thân xác cho tốt vì Chúa ban nó cho chúng ta, và chúng ta phải quan tâm đến sức khỏe thể lý, tình cảm, và tinh thần của mình. Việc quan tâm đến sức khỏe giúp chúng ta hoạt động hiệu quả cho nước Chúa và phần rỗi các linh hồn:

  • “Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng lên Chúa niềm đau này, nỗi khốn cùng này, việc đau khổ này vì các linh hồn. Con xin dâng lên với sự kết hợp với cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh của Chúa đang được hiến dâng trong từng thánh lễ”.

Chúng ta có thể dùng nhiều lời cầu khác nhau khi diễn tả nỗi đau khổ. Vấn đề là chúng ta phải yêu mến kết hợp những khổ đau của chúng ta với những đau khổ của Chúa Kitô  – vì các linh hồn. Chúng ta có thể hiến dâng đau khổ với ý cầu cho một số linh hồn nào đó như chúng ta muốn, bằng cách kể ra tên tuổi của người chúng ta quan tâm. Lời nói không phải là điều thiết yếu, điển thiết yếu chính là ý nguyện, muốn cùng với Chúa Giêsu, dâng hiến những đau khổ của chúng ta vì các linh hồn.

  • Lạy Chúa Giêsu, vì các linh hồn
  • Lạy Chúa Giêsu, với Chúa trong cuộc thương khó của Chúa.
  • Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận những đau đớn của con vì các linh hồn
  • Lạy Chúa Giêsu, con xin hiến dâng… trong tình yêu

Hiến dâng buồn khổ và đau đớn không có nghĩa là thoát được đau khổ, nhưng đem lại ý nghĩa và giá trị cho đau khổ. Đức Gioan Phaolo II đã nêu lên câu hỏi: “Chúng ta chịu đau khổ thế nào”. Và ngài tự trả lời, “Đau khổ lớn lao” (Ý nghĩa đau khổ theo Kitô giáo, ngày 11/2/1984).

Thánh Phêrô đã viết: Trong đó, anh em hớn hở vui mừng, dẫu nay còn phải ưu phiền ít lâu, như đương nhiên phải thế, giữa trăn chiều thử thách, ngõ hầu đức tin luyện lọc anh em, quý hơn vàng, (vật sẽ hư đi mà còn phải luyện lửa lò), được trở nên lời ngợi khen, vinh dự huy hoàng, vào thời mặc khải của Đức Giêsu Kitô (1 Pr 1:6-7).

Thánh nữ Faustina đã học được từ nơi Chúa bài học chịu đau khổ cho các linh hồn. Chúa yêu cầu chị thánh hãy hiến mình, trong sự kết hợp với cuộc thương khó của Người vì phần rỗi các linh hồn, nhất là các tội nhân (x NK 135, 136, 137, 138, 186, 187-190, 205,206, 308, 309, 726). Chúa muốn thánh nữ được biến đổi nhờ tình yêu:

  • Cha ước mong con được hoàn toàn được biến đổi trong tình yêu và bừng cháy nồng nàn như một hiến lễ tinh tuyền cho tình yêu (NK 726).

Với tinh thần đức tin và vâng phục hoàn toàn, thánh nữ Faustina đã chấp nhận đau khổ và hiểu được giá trị của nó:

  • Đau khổ là một hồng ân trọng đại; qua đau khổ linh hồn sẽ được nên giống Đấng Cứu Độ; trong đau khổ, tình yêu sẽ được tinh luyện; đau khổ càng lớn lao; tình yêu càng tinh ròng (NK 57).

Chúa đã mặc khải cho thánh nữ mầu nhiệm cao sau về đau khổ, “Cha cần những đau khổ của con, để cứu các linh hồn” (NK 1612).

Thiên Chúa lại cần những đau khổ của chúng ta hay sao? Phải Thiên Chúa muốn tiếp tục trào đổ nguồn tình yêu thương xót của Người, qua bạn và qua tôi. Dường như lượng tình yêu Chúa Kitô.  Đã trào đổ trên thế giới này  vẫn chưa chứng tỏ được sự sâu thẳm và phong phú của họ Lòng Thương Xót Chúa, Chúa muốn – qua bạn và qua tôi, tỏ ra tình yêu thương xót Người dành cho các linh hồn! “Anh em có phúc…. vì anh em chịu đau khổ vì Chúa Kitô” (Pl 1:29).

Như thánh Phaolô và thánh nữ Faustina, chúng ta có thể tìm được niềm vui trong khi chịu đau khổ vì các linh hồn (x. Cl 1:42). Thánh nữ viết: “Từ giây phút tôi yêu mến đau khổ, nó không còn đau khổ đối với tôi nữa”. Đau khổ là lương thực hàng ngày của linh hồn tôi (NK 276). Thánh nữ còn nói đau khổ chỉ có thể trở thành một “niềm vui” khi nào tình yêu đem lại giá trị cho nó (x. Nk 303, 351). Chỉ có tình yêu mới làm đau khổ trở nên giá trị, cao trọng và hoan lạc. Thật là một mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đã cho chúng ta được thông phần!.

Đau khổ vì các linh hồn là phương thuốc đặc trị cho thân phận khốn cùng của nhân loại. Việc chấp nhận đau khổ vì yêu mến các linh hồn đau khổ cùng với Chúa Kitô chịu đau khổ nơi bạn là một bậc thang đưa đến sự biến đổi và thánh thiện.

Đau khổ thật cao quý! Bạn đừng hoang phí! Vì các linh hồn, hãy yêu mến hiến dâng đau khổ của bạn, với Chúa Kitô. Đây là đặc ân của chúng ta: mặc lấy Chúa Kitô  để đem Lòng Thương Xót của Người đến cho các linh hồn.

CHƯƠNG BẢY

KIÊU NGẠO

  • Tự cao, tự đại, tôn thờ bản thân, khởi loạn, chỉ trích, phẫn uất, khoác lác

KHIÊM NHƯỜNG

  • Tôn nhận Thiên Chúa, chứ không phải bản thân – là Chủ Tế , sẵn lòng phục vụ một cách khiêm nhường kín ẩn.

LỜI THÁNH KINH

  • “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29).
  •  “Chúa đã hạ kẻ quyền thế xuống khỏi vị cao, và nâng dậy những người hèn mọn lên” (Lc 1:52)

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Giờ đây, tôi hiểu được vì sao có ít thánh nhân đến thế; chỉ vì có quá ít linh hồnkhiêm nhượng thẳm sâu (NK 1306).
  • Xỉ nhục là lương thực hàng ngày của tôi (NK 92)
  • Không có gì tốt hơn cho một linh hồn bằng những xỉ nhục…… Nếu có một linh hồn thực sự hạnh phúc trên trần gian này thì chỉ có thể đó là linh hồn khiêm nhượng……………… Một linh hồn khiêm nhượng không tự tin, nhưng đặt tất cả sự tín thác của họ nơi Thiên Chúa (NK 593).

KHIÊM NHƯỢNG LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Ngày nay, khiêm nhượng không phải là một nhân đức  được yêu chuộng. Thực vậy khiêm nhường có lẽ là nhân đức bị khinh dể và chế giễu nhiều nhất, bởi vì nó rứt sự kiêu hãnh ra khỏi tâm hồ con người . Là một hữu thể tội lỗi, chúng ta kiêu căng – hợm  mình, tự cao, tự đại, khởi lọan, phẫn uất và hay chỉ trích. Khiêm nhượng là dấu đối nghịch lạithời đại kiêu căng của chúng ta.

Bởi vì khiêm nhượng là phương thuốc đ ặc trị tật kiêu ngạo, nên là nhân đức căn bản trong đời sống thiêng liêng. Không có khiêm nhượng, không có đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu đã chọn cuộc sống khiêm nhượng để mặc khải Lòng Chúa Thương Xót của Cha trên trời và đưa chúng ta đến với ơn cứu độ. Thánh Phaolo đã giải thích: “Người đã tự hạ, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá! Vì thế Thiên Chúa đã suy tôn Người” (Pl 2 : 8-9).

Thánh Augustine, một trong những đại tiến sĩcủa Giáo Hội, đã nhận định khiêm nhượng là con đường đưa đến sự thánh thiện.  

  • Tôi muốn anh em hãy dùng tất cả lòng mến củah em mà đặt mình dưới chân Chúa Kitô , và đừng đi con đường nào khác để đạt đến chân lý ngoài con đường đã được Đấng tuy là Thiên Chúa, nhưng đã biết đến sự yếu đuối của những bước chân của chúng ta. Như vậy,  con đường này trước tiên lá khiêm nhượng; thứ hai là khiêm nhượng, và thứ ba cũng là khiêm nhượng………… Mỗi khi anh em hỏi tôi về những tiêu chuẩn sống của đạo thánh, tôi sẽ cho anh em một câu trả lời duy nhất : khiêm nhượng ( Thư  118, 2, 11).

Trong thời đại chúng ta, Đức Mẹ cũng nhắc lại lời thánh Augustine khi dạy thánh nữ Faustina về nhân đức ấy:

  • Mẹ ước mong con hãy thực hành ba nhân đức rất quý trọng đối với Mẹ – và làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Thứ nhất là Đức khiêm nhượng, khiêm nhượng, và một lần nữa là khiêm nhượng (NK 1415)

Khiêm nhượng là gì? Trước tiên đó là sự nhìn nhận Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta, là Chủ Tế Tối Thượng.

Chìa khóa đưa đến khiêm nhượng là sự “dâng hiến trọn vẹn” – hiến mình và sẵn lòng phục vụ, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người (Ga 3 : 16). Thiên Chúa đã trao ban Con Một Người như tặng ân tình yêu chịu sát tế trên thập gía vì chúng ta. 

. Chúa Giêsu đã thể hiện đức khiêm nhượng của Người qua việc “đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).

Một chìa khóa khác đưa đến sự khiêm nhượng chính là “đối tượng” chúng ta yêu mến và phụng sự; những người chung quang cũng là đối tượng cho chúng ta yêu thương và phục vụ. Phục vụ một cách khiêm tốn, ẩn khuất, âm thầm là trong những phương cách sống khiêm nhượng – chu toàn những công việc đơn sơ phù hợp với bậc sống; không khoe khoang về những cống hiến lớn lao, nhưng làm những công việc nhỏ mọn không được ai biết đến.

Chìa khóa thứ ba đưa đến khiêm nhượng là sự “trong suốt” chúng ta phải trong suốt để tha nhân có thể nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta, và khi nhìn thấy Lòng Thương Xót Chúa từ nơi chúng ta chiếu giãi ra, họ sẽ được đánh động để cảm tạ Người.Sự trong suốt là đặc tính của Chúa Giêsu (khi nhìn thấy Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy Chúa Cha – Ga 14 : 9), và của Mẹ Maria, Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu : “Ngài bảo gì, hãy làm như vậy” (Ga 2:5). Magnificat, luôn luôn chúc tụng và cám   tạ Thiên Chúa về những kỳ công Người đã thực hiện cho những người khiêm nhượng (x. Lc 1 : 46-55).

Chỉ những người khiêm nhượng mới có thể tiếp nhận thấy Lòng Thương Xót Chúa. Chỉ những linh hồn hủy mình ra không mới có thể được đổ đầy. Chỉ khi nào chết đi chúng ta mới được sinnh vào cuộc sống muôn đời.

Khiêm nhượng là điều kiện thiết yếu của sự thăng tiến tinh thần. Tuyệt vời biết bao khi Chúa Giêsu, Đấng chính là Chân Lý đã mời gọi chúng ta theo gương Người để sống khiêm nhượng.

Khiêm nhượng là phương thuốc đặc trị rấn cần thiết đối với nhân loại tội lỗi, đó là tảng đá, nền móng của sự thánh thiện.

CHƯƠNG TÁM

YẾU NHƯỢC TINH THẦN

  • Mỏi mệt, chán chường, nặng nề, ngao ngán, dâm dật, bất nhân, ham hố

THÁNH THỂ

  • Dành thời giờ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để được ban thêm sức mạnh và ơn biến đổi.

LỜI THÁNH KINH

  • “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta sẽ có sự sống muôn đời” (Ga 6: 54)

LỜI NHẬT KÝ THÁNH FAUSTINA

  • Ôi bánh hồng phúc, ẩn chứa thần dược chữa lành mọi yếu đuối của chúng con. (NK 356).
  • Giờ phút trọng đại nhất cuộc đời tôi là giờ phút hiệp lễ, tôi đều dâng lời cám tạ Ba Ngôi Thiên Chúa cực thánh (NK 1804).
  • Đây là nhà tạm của Lòng Thương Xót Chúa, là thần dược cho mọi bệnh tật của chúng con (NK 1747).
  • Mọi sự lành ở nơi tôi đều nhờ hiệp lễ, tôi mắc nợ Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi sự. Tôi cảm nghiệm ngọn lửa thánh thiêng này đã hoàn toàn biến đổi tôi (NK 1392).

THÁNH THỂ LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Rồi Ngươi cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ, bẻ ra, trao cho họ mà phán: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì  các con. Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy. “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn , Ngừơi cũng làm như  vậy mà phán: Đây là chén giao ước mới, lập bằng máu thầy, Máu đổ ra cho các con” (Lc 22:19-20).

 Thánh Thể là phép lạ của Lòng Thương Xót  và lòng khiêm nhường! Thiên Chúa tự hủy mình để hoàn toàn trở nên một quà tặng của tình yêu thương xót cho chúng ta xung mãn sự sống của Ngừơi: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sống nhự  vậy” (Ga 6:57).

Nhờ Thánh Thể, chúng ta được biến đổi, Thánh Thể trở nên được chúng ta ăn uống – đó là Mình sống động của Chúa Giêsu. Thánh Thể là tác nhân biến đổi ta từ đời sống thuần túy nhân loại đến đời sống nhân loại đến đời sống như  một chi thể trưởng thành trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thánh Thể đem đến sự sung mãn cho hạt mầm sự sống đã được ban cho chúng ta khi chịu phép Thánh Tẩy (x. Công đồng Vatican II, sắc lệnh Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục,5.)

 Thánh nữ Faustina, với danh hiệu đầy đủ là nữ tu Faustina Phép Thánh Thể, đã cầu xin ơn biến đổi này:

  • Lạy Chúa Giêsu, cho dù con đớn hèn tội lỗi, nhưng hãy biến đổi con thong chính Chúa (vì Chúa có thể làm được mọi sự), và dâng hiến con cho Chúa Cha Hằng Hữu.Con muốn trở thành một tấm bánh hiến tế trước nhan Chúa, nhưng vẫn là một tấm bánh bình thường trước mặt người ta. (NK 483).
  • Thánh nữ Faustina đã hòan tòan được Thánh Thể biến đổi, và qua việc thánh nữ hiến mình trọn vẹn, Chúa đã phán  với ngài: Con là một Bánh Thánh sốngđộng rất đẹp lòng Cha trên trời (NK 1826).
  • Thánh Thể là thần dược đặc trị cho thân phận con người, là tác nhân biến đổi sự yếu đuối nhân lọai thành một hiến lễ được dâng tiến vì phần rỗi các linh hồn.  Nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được biến đổi nên một Banh Thánh sống động, chiếu giãi Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng ta có thể học tập thánh nữ Faustina về việc kín múc sức mạnh từ Thánh Thể.

Chỉ có một sức nâng đỡ cho tôi, đó là Hĩệp Lễ, từ đó tôi kín múc được nguồn sức mạnh, đó là tất cả sự thư thái của tôi. Chúa Giêsu ẩn ngự trong Bánh Thánh là tất cả cho tôi. Từ nhà Tạm tôi kín múc được sức mạnh, năng lực, can đảm và ánh sáng.

Nếu như không có Thánh Thể trong lòng tôi, tôi không biết phải làm cách nào để tôn vinh Thiên Chúa (NK 1037).

Chúng ta có thể tận dụng Thánh Thể như một thần dược đặc trị cho bản tính ương ngạnh của con người chúng ta, và như một bậc thang đưa chúng ta đến sự thánh thiện trưởng thành như thế nào? Chúng ta hãy biến Hy Tế Thánh Thể của Chúa Giêsu trở thành tâm điểm cuộc sống của chúng ta.

  • Khi tham dự  thánh lễ, nguồn mạch và chớp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy, họ dâng chính mình họ (Công đồng Vatican II, hiến chế  Tín Lý về Giáo hôi II).

Nhờ Bí tích Truyền Chức các linh mục truyền phép Thánh Thể Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta hiến dâng Lễ Vật thần linh và tiếp nhận Người khi hiệp lễ. Nhờ việc hiến dâng và lãnh nhận Lễ Vật Tinh Tuyền ấy, chúng ta được biến đổi.

Chúng ta có thể liên lỉ đươc tham dự phép lạ của Lòng Thương Xót (NK ước sự hiện d1489), và đến với “Nguồn mạch của Lòng Thương Xót” (NK 1817) bằng những phương cách sau: Kết hợp với hiến tế Thánh Thể mà hiến dâng những buồn khổ và đau đớn của bản thân; hiệp lễ thiêng liêng trong tâm hồn, nghênh đón và cảm tạ Chúa Giêsu, chầu kính Chúa Giêsu Thánh Thể hiện  diện trên bàn thờ và trong Nhà Tạm, chúng ta có thể kéo dài những giờ chầu Chúa , làm thành một phần trong cuộ sốngb thiêng liêng bình thường của chúng ta. Chúng ta cần giây phút trầm lặng trước sự hiện diện của Đấng Hiện Diện rạng ngời. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn trước liệu pháp tyệt vời này, liệu pháp sẽ biến đổi phận người của chúng ta.

Như bánh rượu được biến thể thành nên Mình và Máu Chúa, chúng ta cũng được biến đổi như thế. Sau giờ truyền phép, linh mục khẩn nài Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên Thân Mình sống động của Chúa Kitô?.

  • Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, cũng được tràn đầy Chúa Thánh Thần hầu trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô (Kinh nguyện Thánh Thể III).

Nhờ Thánh Thể, chúng ta được biến đổi nên thân mình sống động của Chúa Kitô, và trở thành một dấu chỉ đối nghịch với thời đại của chúng ta; chúng ta chiếu giãi sự thánh thiện của Chúa Kitô như một dấu chỉ chống lại tình trạng đánh mất ý thức tội lỗi; và chúng ta tỏa sáng đức khiêm nhượng và Lòng Thương Xót của Chúa Kitô như một dấu chỉ chống lại một thế hệ ngạo mạn và tự tôn tự đại.

CHƯƠNG CHÍN

TỘI LỖI

  • Tội lụy chia rẽ không tha thứ, cảm thấy bất xứng, bất hảo, cay đắng và ngã lòng

HÒA GIẢI

  • Hòa giải với Thiên Chúa qua việc xưng tội và tha thứ lẫn cho nhau

LỜI THÁNH KINH

  • “Ta cũng không kết án chị. Chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa ” (Ga 8;11).
  • “Anh em hãy giao  hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5:21).
  • “Hãy đối xử tốt với nhau phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:32).

LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Khi đến tòa cáo giải, con hãy biết chính Cha đang ngóng chờ con nơi đó. Cha chỉ ẩn thân nơi vị linh mục, nhưng chính Cha hành động trong linh hồn con. Ở đây nỗi khốn cùng của linh hồn được gặp gỡ Thiên Chúa xót thương (Lời Chúa Giêsu NK 1602).
  • Chúng ta đi xưng tội để được chữa lành. Chúng ta đi xưng tội để được dạy dỗ – như một con trẻ, linh hồn chúng ta lúc nào cũng cần được huấn luyện (NK 377).
  • Con hãy nói cho các linh hồn biết họ sẽ được kín múc các ân sủng từ mạch nguồn xót thương này bằng chiếc bình tín thác. Nếu niềm tín thác của họ mãnh liệt, thì lòng quảng đại của Cha không còn giới hạn nào cả (Lời Chúa Giêsu NK 1602).

HÒA GIẢI LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Nhân danh Chúa Kitô, thánh Phaolo đã lên tiếng kêu gọi chúng ta, “Anh em hãy giao hòa cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5:20), để có thể trở nên những thừa tác viên của sự hòa giải. Những sứ giả cho Chúa Kitô (2 Cr 5:17-20). Muốn trở nên thừa tác viên của sự hòa giải, trước tiên chúng ta phải đón nhận Lòng Thương Xót Chúa và ơn Ngài tha thứ, để rồi chúng ta cũng tha thứ cho nhau, như chúng ta cũng được tha thứ (x Mt 6:12). Bạn không thể cho những gì bạn không có. Sau khi đã lãnh nhận Lòng Thương Xót, tận tâm hồn, chúng ta phải ban phát Lòng Thương Xót (x Mt 18:35).

Hòa giải là điều cần thiết đối với thân phận người của chúng ta! Chúng ta đã phạm tội, lỡ lầm, ngã lòng, u uất và chia rẽ, với những cảm nghĩ, bất xứng và tủi hổ sâu sắc.

Hòa giải làm cho Lòng Thương Xót  có thể tuôn trào. Chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội nhờ bí tích Xá Giải, và hòa giải với anh chị em qua việc tha thứ cho nhau.

Nơi bí tích Xá Giải, trong ngôi vị Chúa kitô, linh mục tha thứ tội lỗi cho chúng ta.Vị linh mục cầu nguyện nhân danh Chúa và Giáo Hội.

  • Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của con Cha mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen (Công thức ban Bí Tích Xá Giải).

Thật là một phép lạ Lòng Thương Xót mà chúng ta được hưởng nhờ nơi tòa Xá Giải! Đây không phải là tòa án cứ dựa theo công lý mà tuyên phạt; nhưng đúnh hơn là tòa án của Lòng Thương Xót, nơi chúng ta đến cáo mình và có trạng sư là Chúa Thánh Thần, có thẩm phán xét xử theo  Lòng Thương Xót là Chúa Giêsu. Chúa đã phán với thánh nữ Faustina:

  • Con hãy nói cho các linh hồn biết tìm kiếm sự ủi an nơi đâu: Ở Tòa Án xót thương của Cha (Tức là Tòa cáo giải). Ở đó, những phép lạ lớn lao nhất hằng xảy ra và không ngừng được tái diễn (NK 1448).

Là thừa tác viên và sứ giả của sự hòa giải, chúng ta hãy sẵn lòng tha thứ cho tha nhân bảy mươi lần bảy trong một ngày (x Mt 18:22). Chúng ta hãy “tuyên bố” tha thứ cho những ai cần được tha thứ bằng lời than thở, “Lạy Chúa Giêsu. Ôi  Lòng Thương Xót” trong những trường hợp cần đến sự hòa giải, tha thứ và  Lòng Thương Xót . Ước chi việc cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu. Ôi  Lòng Thương Xót” trở thành công việc toàn thời gian!

Chúng ta hãy tin tưởng cầu nguyện cho các tội nhân, những người cần đến Lòng Thương Xót  nhiều nhất, Chúa đã phán với thánh nữ Faustina:

  • Tội nhân nào càng khốn nạn, càng có quyền lớn hơn nơi Lòng Thương Xót của Cha… Con hãy cầu nguyện để các linh hồn không phải sợ hãi khi đến với Tòa Án Xót Thương của Cha, Con đừng chán ngại cầu nguyện cho các tội nhân (NK 723, 975).

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay..”. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, và đều có liên đới đến tội lỗi của thế giới, vì thế, tất cả chúng ta cần phải cầu xin Lòng Thương Xót.

Giáo Hội cầu xin Lòng Thương Xót  và ơn tha thứ qua việc cử hành thánh lễ: trong nghi thức sám hối đầu lễ;trong những lời truyền phép trang trọng; trong kinh Lạy Cha; trong kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con “, và trong lơi cầu trước giờ hiệp lễ, “ Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”.

Tội lỗi, và tình trạng chia rẽ đang lan tràn khắp Giáo Hội và thế giới, hơn nữa, thời gian lại rất cấp bách, chúng ta phải lập tức khẩn cầu Lòng Thương Xót Chúa ngay lúc này? Chúng ta cần đến Lòng Thương Xót Chúa để giao hòa với Người, với Giáo Hội, và với nhau.

Đức Gioan Phaolo Iitrong bức tông thư Thiên Chúa giàu lòng Xót Thương (số 15) đã mạnh mẽ kêu gọi chúng ta lúc này hãy khấn nài Lòng Thương Xót Chúa. Những lời Chúa phán với thánh nữ Faustina cũng nhấn mạnh đến công việc khẩn cầu Lòng Thương Xót:

  • Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác…. Con hãy nói cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót của Cha, để toàn thể nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót vô biên của Cha. Đó là một dấu chỉ cho thời đại cuối cùng; sau đó,sẽ là ngày công thẳng. Trong lúc vẫn còn thời giờ, hãy để họ đến nương nhờ suối nguồn thương xót của Cha; và mưu ích từ Máu và Nước đã trào tuôn cho họ. (NK 300, 848).

Đây là thời giờ để giao hòa. Đây là thời giờ để lãnh nhận Lòng Thương Xót Chúa và sống xót thương. Đây là thời giờ để được tha thứ và thứ tha.

CHƯƠNG MƯỜI

VÔ NĂNG BẤT TÀI

  • Lạc lõng, kém cỏi, thiếu mục đích, không được lắng nghe, không còn đức tin, đức cậy và đức ái.

LỜI THÁNH KINH

  • “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ”…. Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11:9,13)

LỜI THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Ôi Thiên Chúa của con, con ý thức được sứ mạng của con trong Giáo Hội. Đó là phải luôn cố sức nài xin Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới (NK 482).
  • Chúa nhân lành đã ủy thác em (em gái của chị thánh Faustina) cho tôi chăm sóc, và trong hai tuần lễ, tôi đã có thể làm việc với em. Chỉ mình Chúa biết linh hồn này đòi tôi phải trả bao nhiêu hy sinh, đau khổ và kinh nguyện như tôi đã dành cho linh hồn em trước tòa Thiên Chúa. Tôi cảm thấy phải nài ép Thiên Chúa ban ơn cho em. Khi suy tư về tất cả điều này, tôi thấy thực sự đó là một phép lạ. Giờ đây tôi có thể thấy tôi cầu nguyện chuyển cầu mạnh mẽ chừng nào trước uy nhan Thiên Chúa (NK202).
  • “Lạy Chúa Giêsu, vì quyền năng vô biên của Lòng Thương Xót Chúa, con xin Chúa cho tất cả các linh hồn qua đời trong ngày hôm nay được thoát lửa địa ngục, mặc dù họ là những tội nhân vô cùng khốn nạn”… Chúa Giêsu ghì sát tôi vào Trái Tim Người và phán, ái nữ cùa Cha ơi, con đã quá hiểu Lòng Thương Xót sâu nhiệm của Cha. Cha sẽ thực hiện điều con thỉnh nguyện, nhưng con hãy liên lỉ kết hợp trái tim thống khổ của Cha và làm việc đền tạ phép công thẳng của Cha (NK 873.)

CẦU NGUYỆN LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Làm thế nào việc cầu nguyện có thể trở nên một phương thuốc đặc trị cho những nhu cầu của chúng ta? Có lẽ lệnh truyền của Chúa Giêsu là câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi này. Chúa chỉ phán rằng: “Hãy xin” Người còn giải thích thêm:

  • “Các con cứ xin thì sẽ nhận được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai gõ thì sẽ mở cho… Phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người” (Lc 11.9-10,13).

Trong thân phận phàm nhân, chúng ta có những nhu cầu bức thiết – nhiều người cảm thấy vô nặng, bất tài, không có mục đích, không được lắng nghe, và nghiêm trọng nhất là không còn đức tin, đức cậy và đức ái. Nhu cầu lớn lao nhất là Lòng Thương Xót Chúa. Lòng Thương Xót đem đến ơn tha thứ, ơn hòa giải, ơn cứu độ và tình yêu của Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Lòng Thương Xót, Đấng ban phát “mọi điều tốt lành” (như được mô tả trong Mt 7: 11) mới có thể đáp ứng những nhu cầu đích thực của chúng ta.

Nhưng việc lãnh nhận Lòng Thương Xót Chúa tùy thuộc vào việc chúng ta tự tình, nài xin, bởi vì Thiên Chúa rất tôn trọng và không cưỡng bức tự do của chúng ta. Người đợi chờ chúng ta thực thi sự tự do của chúng ta bằng cách tin tưởng nài xin những gì cần thiết. Khi làm như thế là chúng ta để cho Chúa tự do hành động. Qua việc cầu nguyện, chúng ta tự nguyện để cho Thiên Chúa thi thố Lòng Thương Xót của Người đối với chúng ta, vì Lòng Thương Xót Chúa sẽ vượt quá những nhu cầu và lời thỉnh nguyện của chúng ta, Lòng Thương Xót Chúa lớn lao hơn những chương trình của chúng ta. Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa hoàn tất chương trình của Người, theo cách thức và thời gian của Người. Và chương trình của Thiên Chúa là dủ lòng thương xót đối với mọi người (x Rm 11:32).

Cuộc đời thánh nữ Faustina là cuộc đời chuyên cần cầu nguyện, và chị thánh luôn luôn khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa cho những người cùng khốn. Một trong những lời kinh Chúa đã dạy cho chị thánh hãy đọc không ngừng là chuỗi Kinh Thương Xót (x. NK 474). Ngạc nhiên trước hiệu năng của lời kinh này, thánh nữ đã viết, “tôi chưa bao giờ cầu nguyện bằng một sức mạnh nội tâm như lần này” (NK 474).

Lời cầu trong chuỗi Kinh Thương Xót là lời cầu nguyện hiến tế, gợi lại lời kinh của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Fatima và  giống như một “thánh lễ nhỏ”, chúng ta có thể than thở suốt ngày:

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha vá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền tội lỗi chúng con và toàn thế giới (NK 476).

Lời than thở: : “Lạy Chúa Giêsu, ôi Lòng Thương Xót” còn là một lời kinh đơn giản hơn nửa để khẩn cầu Lòng Thương Xót Chúa. Như thánh nữ Faustina, chúng ta than thở tận đáy lòng với Chúa Giêsu. Và mở cho chúng ta đến đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Nhờ lời kinh này, không những chúng ta tôn vinh Chúa Giêsu là chính Lòng Thương Xót, mà còn nài xin Người dủ lòng thương xót chúng ta, nhu cầu hiện tại của chúng ta, Giáo Hội, và toàn thế giới. Lời cầu, “Lạy Chúa Giêsu, ôi Lòng Thương Xót” có thể được thốt ra từ tâm hồn và môi miệng chúng ta không ngơi, khi chúng ta vướng vào những nhu cầu của thân phận con người. Lời cầu, “Lạy Chúa Giêsu, ôi Lòng Thương Xót” là một chuỗi kinh Thương Xót tóm lược, cũng giống như chuõi Kinh Thương Xót là một thánh lễ tóm lược.

Cầu xin Lòng Thương Xót Chúa là một bậc thang đưa đến sự thánh thiện. Khi khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cũng cầu xin và lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Thương Xót. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chúng ta được ban tràn đầy, và làm cho chúng ta nên thánh.

Chúa Thánh Thần biến đổi chiếc bình sành của chúng ta, những nỗi khốn cùng của chúng ta, thành nên đền thánh của Người! Sự Thánh thiện không phải là chiếc bình cho rằng là chính nội dung được chứa đựng bên trong chiếc bình, tức là sự hiện diện sống động của Chúa Thành Thần.

Càng khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta càng được biến đổi thành nhưng chiếc bình chứa đựng Lòng Thương Xót cho thế giới khốn cùng. Nhu cầu lớn lao nhất ngay lúc này của thế giới rõ ràng chính là Lòng Thương Xót Chúa!

Sự khẩn thiết ấy là một trong những nội dung của sứ điệp quan trọng Chúa đã ban cho thánh nữ Faustina, một sứ điệp cho toàn thế giới:

  • Con hãy nói cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót của Cha, để toàn thể nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót vô biên của Cha. Đó là một dấu chỉ cho thời đại cuối cùng, sau đó, sẽ là ngày công thẳng. Trong lúc vẫn còn thời giờ, hãy để họ đến nương nhờ suối nguồn thương xót của Cha; và mưu ích từ Máu và Nứơc đã trào tuôn trào cho họ (NK 848)

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

KIỆT QUỆ

  • Cảm thấy bị bách hại, xao xuyến, dằn vặt, mệt mỏi, não nề, cô đơn, lạc lõng, vướng mắc.

THÁNH TÂM NHÂN LÀNH

  • Yên nghỉ và kết hợp vời Thánh Tâm Chúa Giêsu

LỜI THÁNH KINH

  • “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng” (Mt 11:28)
  • “Hãy đặt tay con vào cạnh sườn của Ta… và hãy tin ”(Ga 20: 27).

 LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Hỡi ái nữ của Cha, con hãy biết rằng Trái Tim Cha là Toàn Thương… không linh hồn nào đã đến với Cha mà phải ra đi ngậm ngùi. Mọi nỗi khốn cùng đều bị chôn vùi dưới ngững tầng sâu của Lòng Thương Xót Cha (Lời Chúa Giêsu, NK 1777).
  • Khi nhìn thấy gánh nặng vượt quá sức mình, tôi không chần chừ, đắn đo, hay tìm hiểu, nhưng chạy đến với Trái Tim Chúa Giêsu như một đứa trẻ và chỉ thưa rằng: “Chúa có thể làm được tất cả. :”Và rồi tôi yên lặng… (NK 1033;x. NK1621,1629).

THÁNH TÂM NHÂN LÀNH CHÚA GIÊSU LÀ BẬC THANG ĐƯA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Khi bị tấn công hoặc bách hại, ngay cả với những bè bạn; khi bị dằn vặt, não nề, hoang mang, sợ hãi, mệt mỏi, kiệt quệ, yếu đuối, cô đơn, lạc lõng, các bạn cần có được một chỗ nương ẩn và nghỉ ngơi trong Thánh Tâm từ ái Chúa Giêsu. Ngay cả khi chỉ gặp một trong những hoàn cảnh kể trên, phương thuốc đặc trị ấy vẫn sinh hiệu quả. Thánh Tâm nhân lành Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã

 

được khai mở như một nguồn mạch Lòng Thương Xót, và như một thành trì kiên vững cho chúng ta khi bị tấn công.

Chúa Giêsu đã dạy chị thánh Faustina hãy sống theo mô phạm là Thánh Tâm Người:

  • Ái nữ của Cha ơi, Cha ước mong trái tim con sẽ được đào luyện theo gương Trái Tim từ ái của Cha. Con sẽ được thấm nhuần Lòng Thương Xót của Cha (NK 167).

Chúa đã nói rõ ràng với thánh nữ rằng đời sống và sứ mạng của chị phải được đặt trên nền tảng sự kết hợp giữa tâm hồn chị với Thánh Tâm Chúa:

  • Bạn tình của Cha, hai trái tim của chúng ta được kết hợp vĩnh viễn với nhau(NK 239).

Từ sự kết hợp giũa lòng với lòng ấy, Lòng Thương Xót Chúa sẽ tuôn trào:

  • Ái nữ của Cha ơi, Cha ước mong trái tim con sẽ là nơi thường trú vĩnh viễn cho Lòng Thương Xót Cha. Cha mong ước qua trái tim con, Lòng Thương Xót Cha sẽ tuôn đổ cho toàn thế giới (NK 1777).

Đặc điểm nổi bật nhất trong cuộc sống của thánh nữ Faustina là sự thân mật với Chúa. Mối kết hợp mật thiết giữa lòng với lòng là căn bản của đời sống thiêng liêng và sứ mạng của vị Thư Ký của Lòng Thương Xót Chúa. Trong từng trang quyển Nhật Ký, chúng ta nhìn ra những bằng chứng của cuộc kết hợp thắm thiết với Chúa – Chị Thánh đã yêu mến, đã đau khổ với Chúa, chuyện vãn và cầu nguyện với Người như thế nào? Trọn cuộc đời thánh nữ đều được Chúa bao chiếm và độc hữu, Đấng đã yêu thương chị bằng lòng nhân ái dịu hiền. Chị thánh thường được Chúa cho tựa đầu vào Trái Tim Người như trường hợp Người Môn Đệ được sủng ái trong phúc âm (x. NK 801, 929, 1348).

Đặc ân kết hợp mật thiết với Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu đã được chính Ngươi mở rộng cho cả chúng ta:

“Hỡi tất cả những ai khó nhọc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bổ dưỡng. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được ngỉ ngơi bổ dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

Như thánh nữ Faustina, chúng ta hãy phó thác tâm hồn cho Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu bằng sự tín thác vào Người; và như thế, chúng ta cũng được sống trong sự kết hợp mật thiết với Chúa. Đây là khát vọng và lời mời gọi của Chúa. Vì vậy Thánh Tâm Người đã chịu xuyên trên thập giá  vì chúng ta như một nguồn mạch thương xót. Thánh Gioan, chứng nhân của biến cố cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đâm thâu. Đã kể cho chúng ta biết sự kiện ấy như một dấu chỉ tối hậu, để chúng ta nhìn lên Đấng đã chịu đâm thâu qua, và hãy tin – tin bằng một đức tin chân thành (x. Ga 19:33-37).

Vậy chúng ta hãy cùng Thánh Thomas kêu lên như khi ngài nhìn thấy cạnh sườn chịu đâm thâu và xỏ bàn tay vào vết thương ấy: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi”. (Ga 20:28)

Như thánh nữ Faustina, chúng ta hãy nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, để sống trong Người Đấng hiện diện trong chúng ta bằng tặng ân Thánh Thần của Người (x. Rm 5:5). Chúng ta có một Thiên Chúa nhân lành thương xót vì Người hiện diện nơi chúng ta trong thân phận phàm nhân. Khi đến cùng Chúa với trọn con tim của mình, trong trái tim của Mẹ Maria, tin tưởng và vui mừng, chúng ta có thể sống trong lời cầu nguyện liên lỉ trong sự thân mật không ngừng với Chúa là Đấng yêu thương chúng ta.

Sự mật thiết với Chúa là một tặng ân đang đợi chờ chúng ta cầu xin! Mỗi người chúng ta hãy nài xin, “Lạy Chúa, xin hãy biến đổi trái tim con. Xin hãy làm cho trái tim con được nên giống Trái Tim Chúa . Lạy Chúa xin lôi kéo con, để con được cuốn hút. Xin trào đổ cho con ngọn lửa tình yêu chí thánh của Chúa. Xin trào đổ cho con Lòng Thương Xót Chúa, để con cũng được chiếu giãi Lòng Thương Xót Chúa cho tha nhân. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Lạy Chúa Giêsu!

Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu không những là phương thuốc đặc trị cho thân phận con người bị tấn công của chúng ta; mà còn là bậc thang đưa chúng ta đến sự thánh thiện, đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Nơi Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu, chúng ta học tập và nghiệm thấy Thiên Chúa chính là  Lòng Thương Xót, là tất cả cho mọi người luôn hằng hữu và hiện diện khắp nơi là khởi thủy và cùng đích. Người là lò lửa hun đúc con tim chúng ta bằng một ngọn lửa sống động, biến đổi chúng ta (x. NK 1050, 1140) để “không còn là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).

Kết hợp thắm thiết với Thánh Tâm Chúa Giêsu có nghĩa là hoàn toàn sống phó thác vào Người, tìm kiếm một mình Người. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta  là những hữu thể tự do. Người để chúng ta yêu mến và phụng sự Người bằng trót cả tâm hồn, một cách tự do.

Chúa đã để chúng ta sống trong thân phận con người, để chúng ta hết tâm hồn hướng về Người và lãnh nhận Lòng Thương Xót của Người. Điều Chúa đòi hỏi tất cả chúng ta là hãy tín thác vào Người, để Người thi thố Lòng Thương Xót cho mọi người (x. Rm11:32).

CHƯƠNG MƯỜI HAI

BẤT AN

  • Chới với, bối rối, buồn bã, ân hận, không chắc chắn về bản thân

MẸ THƯƠNG XÓT

  • Đón nhận Mẹ Chúa Giêsu làm Mẹ của chúng ta, để Mẹ an ủi và đào tạo chúng ta

LỜI THÁNH KINH

  • “Này là Mẹ con” (Ga 19:27)
  • “Người bảo gì, các anh hãy làm như vậy” (Ga 2:5)
  • “Hỡi các con, hãy đến nghe Ta; Ta sẽ dạy các con biết kính sợ Chúa”(Tv 34: 1-2).

 LỜI NHẬT KÝ THÁNH NỮ FAUSTINA

  • Hỡi con gái của Mẹ, theo lệnh Chúa. Mẹ sẽ là Hiền Mẫu của riêng con một cách đặc biệt; nhưng Mẹ ước mong con cũng hãy là người cn nhỏ đặc biệt của Mẹ (Lời Đức Mẹ NK 1414).
  • Con gái của Mẹ, điều Mẹ yêu cầu là con hãy cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện cho thế giới nhất là cho quê hương con (Lời Đức Mẹ NK 325).
  • Mẹ đã dạy cho tôi biết yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn và thực thi thánh ý Người trong mọi sự (NK 40).
  • Lạy Mẹ Maria là Từ Mẫu và là Tôn Chủ của con, con xin dâng Mẹ linh hồn và thân xác, cuộc sống và cái chết cùng tất cả những gì sau đó của con. Con xin phó dâng mọi sự trong tay Mẹ (NK 79).
  • Mẹ Thiên Chúa dạy tôi hãy làm những điều trước kia Mẹ đã làm, và ngay cả khi vui tươi, tôi cũng phải luôn chăm chú nhìn lên thánh gia (NK 561).

MẸ THIÊN CHÚA LÀ THANG ĐƯA CHÚNG TA ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN

Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu  và là Mẹ chúng ta. Như một dấu chứng của Lòng Thương Xót, trước lúc tắt thở trên thánh giá. Chúa Giêsu đã trối Mẹ Người làm Mẹ chúng ta. Chúa Giêsu  như phán với từng người chúng ta, qua những lời phán với môn đệ yêu dấu: “này là Mẹ con” (Ga 19:27)

Đức Mẹ đã nói với thánh nữ Faustina:

  • Mẹ không những là Nữ Vương Thiên Đàng, mà còn là Mẹ thương xót và là Hiền mẫu của con (NK 330).
  • Nhờ Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, Mẹ là Hiền mẫu của tất cả các con (NK 449).

Công đồng Vatican II dạy rằng, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa hằng chăm sóc cho chúng ta:

Trên bình diện ân sủng, Ngài là Mẹ chúng ta… Thực vậy, sau khi được về trời, Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với Tình Từ Mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài(Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội 61-62).

Là Hiền mẫu thiên đàng của chúng ta, Đức Maria là thần dược đặc trị cho hoàn cảnh bấp bênh của chúng ta. Với “Tình Từ Mẫu”, Hiền mẫu thương xót giúp đỡ chúng ta là những kẻ cảm thấy bất an, bối rối, buồn bã, ân hận, không chắc chắn về bản thân.

Mẹ Maria có thể giúp đỡ chúng ta, bởi vì Chúa đã chọn Mẹ làm Người cộng tác trong công trình cứu độ Chúa Cha đã tuyển chọn Đức Maria là Mẹ của Con Người, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần vì Thiên Chúa đã kén chọn Mẹ, nên chúng ta không còn quyền tùy chọn Mẹ nữa. Đức Maria mãi mãi là Mẹ chúng ta. Mẹ là đấng bầu cử và trung gian thần thế theo sự tuyển chọn và chương trình của Thiên Chúa. Mẹ thực hiện chương trình của Thiên Chúa nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần là Bạn Cực Thánh của Mẹ. Trong tư cách người Mẹ, Đức Maria triếp tục đào tạo chúng ta nên giống Chúa Giêsu , nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta đến với Chúa Giêsu bằng con đường Người đã đến với chúng ta – đó là qua Mẹ Maria.

Được sớm hưởng nhờ vinh thắng thập giá. Đức Maria được đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội trong lòng thánh nữ Anna, và Mẹ khát khao chia sẻ những hồng ân đặc biệt – kể cả ơn “Vô Nhiễm” – của Mẹ cho đoàn con. Sau nhiều năm kiên trì cầu xin cùng Mẹ Maria, thánh nữ Faustina đã nhận được hồng ân thanh khiết, không bao giờ bị cám dỗ nghịch đức khiết tịnh (x. Nk 40).

Là Hiền mẫu Thương Xót, Đức Maria đào tạo, nuôi dưỡng, hướng dẫn và che chở chúng ta. Mẹ chính là mô phạm cho lòng thương xót và tín thác. Và như Đức Gioan Phaolo II, chúng ta có thể tín thác nơi Mẹ bởi vì Mẹ là “Trung Gian Thương Xót” (Tông thư Mẹ Đấng Cứu Thế, 41).

Như Thánh nữ Faustina, chúng ta cũng có thể trở nên con cái đặc biệt của Mẹ Maria (x. NK 240, 1414). Bằng cách nào? Bằng cách nài xin những gì cần thiết và phó thác cuộc đời chúng ta cho Mẹ Maria, để Mẹ đào tạo chúng ta theo hình ảnh sống động của Chúa Giêsu. Bằng cách phó thác cuộc đời cho Mẹ, chúng ta trao cho Mẹ trọn quyền hành động và đưa chúng ta đến với Thánh Tâm chịu đâm thâu của của Chúa Giêsu trên thập giá,  nguồn mạch Lòng Thương Xót . Đây là ý nghĩa tận hiến cho Chúa Giêsu  nhờ Mẹ Maria. Dưới chân thánh giá chúng ta được biến đổi nhờ ánh sáng của máu và nước. Chúng ta trở nên Bánh Thánh sống động và chiếu giãi Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta có thể học tập nơi Mẹ Maria để sống bài ca Magnificat, tôn vinh Thiên Chúa và loan báo Lòng Thương Xót ấy cho muôn thế hệ(x. Lc 1:50).

Dưới đây là bản kinh tận hiến cho Hiền mẫu Thương Xót có căn bản từ trình thuật Phúc âm (Gioan 19:25-27) chúng ta có thể dùng bản kinh này hàng ngày, nài xin Đức Maria hãy là Mẹ chúng ta và huấn luyện chúng ta như Mẹ đã nhờ Chúa Thánh Thần mà sinh hạ Chúa Giêsu:

KINH TẬN HIẾN CHO MẸ MARIA

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và là Hiền Mẫu Thương Xót,

Vì Chúa Giêsu trên thánh giá đã trối Mẹ lại cho con,

Xin Mẹ hãy nhận con làm con riêng của Mẹ,

Xin hãy làm cho con nên ngoan thảo như Chúa Giêsu trên thánh giá,

Vâng lời Đức Chúa Cha,

Tín thác trong khiêm nhượng và yêu mến,

Lạy Mẹ Maria, Hiền Mẫu của con,

Để noi gương Đức Chua Cha,

Đấng đã ban Con Một Người cho Mẹ,

Con cũng dâng trót mọi sự của con cho Mẹ,

Con xin phó thác toàn thân con cho Mẹ,

Tất cả những gì con có, tất cả những gì con làm,

Xin giúp con suy phục Chúa Thánh Thần,

Mỗi ngày một trọn hảo hơn,

Xin dẫn đưa con vào sâu hơn nữa trong các mầu nhiện  Thánh Giá, Tiệc Ly, và Giáo Hội toàn thể.

Nhờ Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đúc nặn Trái Tim Chúa Giêsu,

Xin Mẹ hãy đúc nặn trái tim con trở nên ngai tòa cho Chúa Giêsu,

Trong cuộc tái lâm vinh quang của Người.

Jesus-Good-Shepherd-14

LỜI CUỐI

ChuaTX2Đâu là chủ điểm của mười hai phương thuốc đặc trị và những bậc thang đưa đến sự thánh thiện? Tất cả mang ý nghĩa gì? Đâu là mục tiêu chúng ta phấn đấu đạt tới?

Mục tiêu tối chung của tất cả cuộc đời chúng ta là sự kết hợp lòng với lòng, hợp nhất tâm hồn của chúng ta thắm thiết với Trái Tim Nhân Lành Chúa Giêsu nhờ ơn biến đổi do Lòng Thương Xót của Người. Vì tâm hồn chúng ta được ban tràn đầy Chúa Thánh Thần nên chúng ta được biến đổi thành nên những Bánh Thánh sống động, và nhờ đó mà chiếu giãi Lòng Thương Xót Chúa cho một thế giới hiện rất khốn cùng.

Chính Chúa Thánh Thần biến đổi nỗi khốn cùng của thân phận phàm nhân của chúng ta nên một sự thánh thiện. Điều này giống như khi vũ trụ được tạo dựng, Thánh Thần Chúa đã bay lượn trên cõi hỗn mang, đem đến ánh sáng và sự sống (x.St 1:2). Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Thương Xót, là tác nhân tích cực cho sự nên thánh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần hằng hữu. Chúa Giêsu đã hiến thân (x. Dt 9:14) hiến thánh đau khổ và nỗi khốn cùng của chúng ta thành lễ hy sinh, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta thế nào, thì nhờ Thánh Thần hằng hữu, chúng ta hiến dâng thân phận con người của chúng ta để được biến đổi và hiến thánh, trở thành bánh thánh sống động cũng như vậy.

Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được thánh hóa, được trở nên những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô. Đó là cuộc biến đổi mà thành nữ Faustina đã được cảm nghiệm và mô tả bằng nhiều cách. Theo lời thánh nữ Faustina, khi thực hiện sự tự nguyện, hiến thân và tất cả những đau khổ cho các linh hồn, đặc biệt là các tội nhân, chị thánh đã cảm nghiệm như được “biến thể” (x. Nk 137). Chị thánh thường nài xin để được trở nên một “Bánh Thánh sống động” (x. Nk 642, 832, 1289, 1392, 1564, 1622, 1826) một tấm bánh bé bỏng, ẩn khuất và được hiến trao trong tình yêu hoàn toàn được biến đổi Lòng Thương Xót Chúa (x. Nk 514, 692).

Làm cách nào chúng ta cũng có thể trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa như thánh nữ Faustina? Bằng việc sống mười hai đặc điểm trong đời sống thiêng liêng và sứ mạng của thánh nữ, và sống lời Chúa như chị thánh đã từng sống. Thánh nữ không viết những bài chú giải về Lời Chúa, nhưng chị thánh chính là một mô hình sống động của Lời Chúa.

Trong thư gửi các tín hữu Do Thái chẳng hạn, chúng ta có thể nhìn thấy căn bản Thánh Kinh của linh đạo và sứ mạng Lòng Thương Xót Chúa như đã được ghi chép trong Nhật Ký của thánh nữ Faustina. Tác giả thánh thư mô tả Chúa Kitô  là vị Thượng Tế khả tín và nhân hậu, nhờ Thánh Thần hằng hữu mà trở nên của lễ và tư tế, tự hiến vì phần rỗi mọi người. Vậy cũng nhờ Lòng Thương Xót. Chúa Kitô được “toàn thành” và được tôn nhận là Thượng Tế – trong tương quan hoàn hảo với Thiên Chúa và nhân loại. Chúa Giêsu đã trở nên nguồn mạch  xót thương cho tất cả những ai đến cùng Người. Thánh nữ Faustina đã tín thác vào vị Thương Tế nhân lành và hoàn toàn được đồng hóa với Người, trở nên một của lễ, một máng chuyển Lòng Thương Xót  của Người cho tất cả những ai khốn cùng. Chúng ta cũng được mời gọi hãy tín thác nơi Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế nhân lành và kết hợp với Người, như những lễ vật của Lòng Thương Xót  vì các linh hồn như Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như thánh nữ Faustina, chúng ta được mời gọi hãy khiêm nhượng vâng phục Thánh ý Đức Chúa Cha.

Là tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa, như thánh nữ Fasustina, chúng ta cũng được hưởng nhờ và loan báo Lòng Thương Xót Chúa (x. Nk 436), và như vậy tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa chính là nguyên nhân và mục đích của cuộc đời chúng ta (x. NK 1242).

Một cách nữa để sống sứ điệp và sứ mạng Lòng Thương Xót Chúa là thực hiện những lời Thánh Phaolô Tông Đồ kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Thessalonica. Mặc dù không chú giải đoạn Lời Chúa này nhưng thánh nữ Fasustinachắc chắn đã được nghe và đã sống theo:

  • Hãy vui mừng luôn luôn, và không ngừng cầu nguyện. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Đức Giêsu Kitô (I Tx 5:16-18).

ChuaTX-faustina01Thánh nữ Faustina quả thực đã “vui mừng luôn luôn”. Các nữ tu từng sống bên chị thánh đã tuyên thệ làm chứng về điều này(chứng cứ của các nhân chứng trong án phong chân phước cho chị Thánh). Họ đã ngỡ ngàng vì sao chị thánh lại có thể vui tươi như thế giữa những công việc nặng nhọc và bệnh tật triền miên.

  • Không ngừng cầu nguyện “Là sứ mạng cuộc đời cùa thánh nữ Faustina (x. NK 482). Đức Mẹ Maria đã dạy chị thánh về tầm quan trọng của việc cầu nguyện không ngừng: “con gái của mẹ, điều mẹ yêu cầu là con hãy cầu nguyện, cầu nguyện. Cầu nguyện” (NK 325). Thánh nữ đã cầu nguyện cho các tội nhân, các linh mục, và các linh hồn trong luyện ngục. Chúa đã truyền cho chị: “Con hãy đọc không ngừng chuỗi mà Cha đã dạy cho con” (NK 687).
  • “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” Những lời này được nhắc đến trong thánh lễ chính là tâm điểm cuộc sống của thánh nữ Faustina.
  • Chị thánh đặc biệt ta ơn chúa khi đau khổ vì các linh hồn (x.NK 343). Khi chịu những xỉ nhục trong cuộc sống thường nhật (x.NK 92, 593), và trong mọi sự (x.NK 1367-69).
  • “Thánh ý Thiên Chúa” là điều thánh nữ Faustina hằng tiềm kiếm bằng trọn vẹn ý chí và cuộc đời (x. NK 374,821,652,724,821,952). Chị thánh đã hoàn toàn hợp nhất ý chí bản thân với thành ý chúa.
  • “Trong Đức Ki tô Giêsu”– Việc kết hợp với Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu là căn bản của sứ vụ làm tông đồ Lòng Thương Xót Chúa của thánh nữ Faustina.
  • “Về tất cả anh em” Thánh nữ Faustina đã được cho biết những gì chị viết về sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa là dành cho mọi linh hồn khắp thế giới, cho mọi linh hồn tìm kiếm Chúa.

Sống vui tươi, cầu nguyện và luôn luôn tạ ơn trong Chúa Kitô Giêsu là sống tín thác vào Đấng Cứu Độ Nhân Lành và kết hợp với Người loan báo và tôn vinh Lòng Thương Xót của Người, như Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, và như thánh nữ Faustina, người chị em của chúng ta, Tông Đồ và Thư Ký của Lòng Thương Xót Chúa. Đó là sống bài ca Magnificat tuyệt vời của Mẹ Maria, trở nên một Bài Thánh sống động chiếu giải Lòng Thương Xót Chúa, và trở thành một tông đồ cho Lòng Thương Xót Chúa.

Do Cha George W. Kosicki. C. S. B soạn 1993 Marian Helper

Thực hiện: Ngọc Huy

Nguồn: Giuse Maria Bùi Tuấn Minh