Tam nhật Thánh

Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy đồng hành với Ngài trong cuộc khổ nạn, thập giá, và hy sinh. Hãy học nơi Ngài lòng yêu thương, tha thứ. Ý thức được sự dữ là tội lỗi để quyết tâm thống hối ăn năn. Và cùng Ngài phục sinh trong ân sủng và bình an. Alleluia. 

 

Thứ Năm

Tiệc ly – Thánh Thể

RỬA CHÂN

 

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Tại sao Ngài không rửa mặt hay rửa tay các ông mà chỉ rửa chân?

 

Theo quan niệm thông thường chân, nhất là đi chân đất phản ảnh một cái gì dơ bẩn hoặc dễ dơ bẩn, và vì thế rửa chân có ý nghĩa làm cho sạch sẽ không chỉ riêng cho đôi bàn chân, mà cả con người nữa. Do đó, người được rửa thì sạch sẽ, thơm tho, và thoải mái hơn. Riêng người rửa thì phải hạ mình xuống và chấp nhận cái dơ bẩn qua hành động rửa chân ấy. Tóm lại, nếu người được rửa thoải mái, nhẹ nhàng và hãnh diện bao nhiêu, thì người rửa phải chấp nhận khom lưng, cúi mình, và vất vả lau chùi bấy nhiêu. Và người rửa là người đầy tớ hay đóng vai kẻ hầu hạ, vì kẻ làm công, người giúp việc mới rửa chân cho chủ mình, cho người trên. Người được rửa đóng vai chủ nhân hay kẻ cả, vì người chủ, người trên không bao giờ cúi mình rửa chân cho người làm công, giúp việc hoặc người dưới mình.

 

Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều khác với những gì mà con người thường làm. Ngài rửa chân cho các môn đệ. Ngài làm việc này không những vì yêu thương, mà còn là một bài học giáo dục cần thiết Ngài muốn dậy các ông, và qua các ông, dậy dỗ hết mọi kẻ muốn theo Ngài: “Anh em gọi ta là Thầy, là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật ta như vậy. Vậy nếu ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Vì ta đã làm gương để anh em cũng bắt chước mà làm như ta đã làm cho anh em” (Gioan 13:13-15). Tóm lại, hành động rửa chân của Chúa Giêsu mang 3 ý nghĩa rõ ràng: 1) Làm sạch những đôi chân dơ bẩn. 2) Phản ảnh tinh thần phục vụ. 3) Phản ảnh đức ái cao cả của Thiên Chúa.

 

– Làm sạch những đôi chân dơ bẩn:

 

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ là Ngài rửa sạch những dơ bẩn của đôi chân các ông. Chúa không rửa cho có lệ, và cũng không rửa kiểu hình thức như nghi lễ Rửa Chân mà chúng ta thường thấy vào các dịp Thứ Năm Tuần Thánh. Trong nghi thức này, các linh mục, giám mục, hồng y, hoặc giáo hoàng chỉ “rửa lại” những đôi chân đã được “rửa sạch” trước đó. Những đôi chân ngày hôm đó đã được xức nước hoa, và đi giầy, đi dép sạch sẽ.

 

Tuy nhiên, khi rửa những đôi chân dơ bẩn của các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ nhằm đến những kết quả thể lý, những kết quả có tính cách vật chất. Vì nếu cần, Chúa Giêsu chỉ bảo các ông hãy tự mình đi rửa lấy, bởi vì tất cả đã trưởng thành và đã lớn tuổi. Do đó, ý nghĩa của hành động rửa chân ở đây, hiển nhiên mang tính cách siêu nhiên, luân lý và đạo đức. Chúa Giêsu có ý nói với các môn đệ và chúng ta rằng, những gì làm cho con người ra dơ bẩn bao gồm chân, tay, thân mình, và cả tâm hồn, trí khôn, lòng muốn nữa, tất cả đều phải được rửa, phải được lau lọt và làm cho sạch.

 

Riêng để rửa những tội lỗi của con người, Chúa Giêsu đã phải dùng đến mồ hôi, nước mắt, và máu mình. Ngài đã phải hấp hối trong vườn Cây Dầu, mồ hôi nhễ nhãi vác thập giá lên Núi Sọ; nhất là chịu chết treo trên thập giá đổ đến giọt máu cuối cùng. Những hình ảnh này cho thấy để rửa sạch, gột sạch và xóa tan vết tích tội Nguyên Tổ, tội của từng người chúng ta, Chúa đã chấp nhận hạ mình, hy sinh và chịu chết.

 

– Tinh thần phục vụ:

 

Ngoài hình ảnh rửa cho sạch đôi chân, việc Chúa Giêsu tự thắt lưng, bưng nước đến và quỳ gối trước mỗi môn đệ đã nói lên tinh thần phục vụ và tôi tới của Ngài. Ngài tự mình trở thành tôi tớ và kẻ hầu hạ như Ngài đã nói với các ông: “Anh em gọi ta là Thầy, là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật ta như vậy” (Gioan 13:13).

 

Việc Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly cũng là việc mà Ngài đã làm trong suốt cuộc sống dương thế của Ngài. Trước mặt Thiên Chúa Cha hay giữa anh chị em Ngài là chúng ta, luôn luôn lúc nào Ngài cũng là “Non ministrari set ministrarae” –  Phục vụ không hưởng thụ (Mt 20:28).

 

Tại sao Ngài lại tự ý trở thành người phục vụ? Vì Ngài biết cuộc đời con người trên dương thế vui ít, buồn nhiều, đau khổ và nước mắt. Do đó, Ngài muốn tự trở nên kẻ hầu bàn, người rửa chân để chia sẻ và cảm nhận một cách rốt ráo những oan kiên và đau khổ của kiếp người, hầu mang lại cho nó cái giá trị cứu rỗi.

 

Chúa Giêsu là “tôi tớ” của Chúa Cha. Chúng ta là tôi tớ của người “tôi tớ” này. Nhờ đó, việc phục vụ của chúng ta đồng nghĩa với hành động phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta tìm được ý nghĩa phục vụ này trong Tin Mừng khi nói về ngày Chung Thẩm trong đó kẻ lành, người dữ đều bị phán xét về một hành động: hành động phục vụ: “Khi ta đói các ngươi đã cho ăn, khát cho uống. Khi ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, mình trần cho áo mặc. Khi ta đau ốm các ngươi đã yên ủi, tù tội đến viếng thăm” (Mt 25: 35-36). Một điều ngạc nhiên là cả người lành và người dữ đều không ngờ là mình đã làm những việc ấy cho Chúa. Họ chỉ biết được điều này khi Ngài nói với họ: “Ta bảo cho các ngươi hay, khi các ngươi làm những việc ấy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta” (Mt 25:40).

 

– Ðức Ái của Thiên Chúa:

 

Chúa đã làm gương và dậy chúng ta làm như vậy: “Vì ta đã làm gương để anh em cũng bắt chước mà làm như ta đã làm cho anh em” (Gioan 13:15). Đây không chỉ là một lời khuyên, nhưng là một lệnh truyền. Việc chúng ta phục vụ – rửa chân cho nhau – là một hành động diễn tả và phản ảnh tình yêu cao cả của Thiên Chúa.

 

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 2:8). Do đó, Ngài không làm gì hơn là ban phát, chia sẻ, và dậy chúng ta về tình yêu. Nhưng tình yêu lại là một cái gì thiêng liêng, cao cả, nên con người chỉ nhận ra tình yêu qua những dấu chỉ của nó, đó là sự phục vụ.

 

Chúng ta làm gì biết và thấy được tình yêu Thiên Chúa nếu không thấy Chúa Giêsu – Thiên Chúa mặc xác phàm. Và chúng ta cũng không thể khám phá ra Chúa Giêsu nếu như không có những hành động phục vụ rõ ràng của Ngài. Ngài rao giảng, chữa lành, nuôi dân chúng, thực hiện những phép lạ, và nhất là trao ban chính mình Ngài cho nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể và sự tự hiến trên thập giá. Ðó là cách thức Thiên Chúa phục vụ con người.

 

Ngài cũng muốn chúng ta phục vụ Ngài, và phục vụ nhau. Phục vụ trong yêu thương bằng những hành động bác ái, chia sẻ và chấp nhận. Một hành động nói lên tình yêu Thiên Chúa có trong chúng ta và hiện diện giữa chúng ta.

 

THÁNH THỂ

 

Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ trước rồi mới ban Thánh Thể cho các ông sau. Ngài như muốn nói với các ông và chúng ta hôm nay là để tham dự một bàn tiệc linh đình trọng thể, người tham dự cần phải sạch sẽ, thơm tho và ăn mặc lịch sự. Phải rửa chân, tay, mặt mày sạch sẽ. Nếu cần còn phải trang điểm, son phấn và xức nước hoa nữa. Nhất là khi chúng ta đến với Chúa trong bàn tiệc Thánh Thể.

 

Việc Chúa Giêsu rửa sạch các môn đệ Ngài bằng tình yêu là dấu chỉ đức ái thực hành mà Kitô hữu chúng ta phải thực hiện mỗi khi tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa. Nếu không thực sự trong sạch, và nếu không được đức ái liên kết, chúng ta không có đủ tư cách đến với Chúa, đón nhận Chúa vào t rong tâm hồn mình. Chỉ có đức ái, chỉ có lòng yêu mến – yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh chị em – mới làm cho chúng ta xứng đáng đến tham dự và rước lấy Mình Máu Thánh Chúa.

 

Ðến với Chúa mà lòng đầy giận hờn. Ðến với Chúa mà trong lòng còn thù ghét, ghen tị, và nuôi ý muốn báo thù. Ðến với Chúa mà lòng còn đầy tham lam, dâm ô, gian dối. Ðến với Chúa mà trong lòng đang còn tìm cách hãm hại anh chị em mình tức là đến với Ngài bằng đôi chân dơ bẩn.

 

Không những chỉ có những khuyết điểm về mặt tiêu cực. Một khi chúng ta có khả năng, có nghị lực, có cơ hội nhưng lại khóa cửa lòng mình lại trước những đau khổ tâm hồn cũng như thể xác của anh chị em quanh ta, là đến với Chúa bằng đôi chân dơ bẩn. Là đến với Ngài bằng trái tim lạnh giá thiếu sức nóng tình người.

 

Trong những trường hợp ấy, nếu chúng ta ngồi vào bàn với anh chị em mình, rước Thiên Chúa tình yêu vào lòng mình, là chúng ta đã đón tiếp Ngài vào một căn nhà hôi hám, bẩn thỉu, và bằng đôi chân dơ bẩn.

 

Tóm lại, khi đã rửa chân cho các môn đệ và sau đó mời gọi các ông tham dự bàn tiệc Mình Máu Thánh Ngài, Chúa Giêsu có ý cho các ông và chúng ta biết rõ điều này, là không ai có thể đến với Ngài và đến với anh chị em mình nếu không có tâm hồn sốt sắng và yêu mến. Không có tinh thần phục vụ. Vì chúng ta không thể tiếp nhận Mình Máu Thánh Ngài với tấm lòng ích kỷ, thiếu bác ái yêu thương.

 

“Ðâu có tình yêu thương. Ở đó có Ðức Chúa Trời”. Xin Chúa cho con biết rửa chân mình và chân anh chị em mình cho sạch sẽ thơm tho, tức là yêu mến và phục vụ. Nhờ đó, con được tràn đầy lòng tin cây mến tiếp rước Chúa vào tâm hồn. Vì Chúa chính là Rượu Bánh nuôi sống con trên đường về quê hương vĩnh cửu. Và Chúa cũng chính là sự phục sinh của con. Amen.

 

Thứ Sáu

Thập giá và khổ nạn

 

R.I.P.

 

Ngày còn nhỏ giúp lễ, mỗi lần có “lễ mồ” – lễ an táng, quan tài người mới qua đời được phủ bằng một tấm vải đen với hình thánh giá nổi bật và 3 chữ RIP. Đó là 3 chữa đầu của câu “Requiem In Pace” – Hãy nghỉ yên trong bình an. 

 

Trong thánh lễ an táng thường đọc tiểu sử của người quá cố. Nếu người đó là những nhân vật tên tuổi và có địa vị thì tiểu sử dài hơn bao gồm các bằng cấp, chức vị, huy chương, và bằng tưởng lục. Sẽ có nhiều bài điếu văn, lời phân ưu của đại diện giáo quyền, chính quyền, đồng nghiệp hoặc bạn hữu ca tụng và đề cao công đức. Ðối với những người chết trẻ hoặc chưa có sự nghiệp, công danh gì thì tiểu sử thường được kết bằng câu tương tự như: “Ông, bà, anh, chị, hoặc em đó ra đi một cách tốt lành và nhẹ nhàng” mặc dù đó là những cái chết vì tự sát, vì bị đâm, chém, hay bị thanh toán trong một vụ ân oán giang hồ.

 

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo và tất cả hầu hết những người tin theo Ðức Kitô cũng tham dự một “lễ mồ”, lễ an táng của một người, đó là một thanh niên mới tròn 33 tuổi đời. Tiểu sử thanh niên này không có gì là vẻ vang lắm, và nếu đem tóm gọn lại thì chỉ vỏn vẹn gồm mấy dòng như sau:

 

            Tên gọi: Giêsu.

            Ngày và năm sinh: 01.

            Nơi sinh: Chồng bò tại Belem.

 

Cha: Giuse.

Me: Maria.

Nghề nghiệp: Rao giảng.

Ði sâu vào nguyên nhân cái chết, thì thanh niên ấy bị xử tử bằng hình phạt bị đóng đanh trên thập giá do các trưởng lão, kinh sư, ký lục, và thượng tế thời đó đã gán cho tội danh “phạm thượng”, và “khuấy động dân chúng”. Một tội danh mà nếu dùng bằng từ ngữ hiện nay có nghĩa là phản loạn, chống lại chính quyền, hoặc giáo quyền. Tóm lại, tiểu sử của thanh niên Giêsu chỉ có thế. Không có học vị đại học. Không bằng cấp. Không nghề nghiệp rõ ràng. Không địa vị xã hội. Không huân chương hay bằng tưởng lục. Chết như một tử tội vì phản loạn.

 

Tuy nhiên, theo tường thuật, sau khi đã gục đầu tắt thở, người tử tội trẻ tuổi này cũng được lòng xót thương của vài người mộ mến, và đã được an táng tươm tất nhờ vào lòng hảo tâm của mấy vị này: “Giuse tháo xác người xuống, bọc trong khăn liệm và đặt người trong ngôi mộ đã được khoét vào đá. Sau đó, ông lăn tảng đá chắn lối ra vào mộ” (Mac 15:46).

 

Nếu được an táng như ngày nay, chắc chắn tử tội Giêsu cũng được một vài người, hoặc một số đoàn thể, hội đoàn bác ái họp nhau xin lễ cầu nguyện cho. Nhiều người, nhất là các bà mẹ sẽ khóc vì cảm thương thân phận và tuổi đời quá ngắn ngủi. Nhất là phải chết một cách rùng rợn và dã man. Và trong niềm xót thương đó, nhiều người sẽ thầm thĩ: “Requiem in Pace” – Giêsu hãy nghỉ trong bình an.

 

R.I.P – Requiem in pace! Bài hát này mà mấy thượng tế, Pharisiêu, mà luật sỹ thời đó nếu có được thì chắc là họ sẽ hát to và hát rất hùng hồn. Không phải vì cảm tình chia sẻ với cái chết tức tưởi và tuổi đời quá trẻ, mà là họ muốn chù ẻo người đã chết “đã chết cho chết luôn”. Ngủ đi. Ngủ yên đi. Ðừng dậy nữa. Vì khi còn sống quậy quá! Phá quá làm nhiều người mất ăn, mất ngủ.

 

Nhiều Kitô hữu hôm nay có lẽ cũng có cùng một ý tưởng như mấy luật sỹ, Pharisiêu, trưởng lão, và thượng tế thời đó. Họ cũng muốn cho người chết ấy đừng dậy nữa, và tốt hơn là “hãy ngủ yên”. Hãy an nghỉ đừng thức dậy nữa. Nhưng dù Giêsu có ngủ yên, thì mấy thượng tế, trưởng lão, luật sỹ, và Pharisiêu cũng không ngủ yên, vì họ biết rằng linh hồn người chết đó sẽ không vui vì đã bị chết oan, bị cưỡng bức, và bị xử vô tội. Họ rất áy náy và sợ người chết sống lại mà tố cáo họ. Thánh Kinh đã ghi lại sự sợ hãi, áy náy và gian dối của họ: “Hôm sau, sau ngày chuẩn bị mừng lễ, những thượng tế và Pharisiêu đã đến dinh Philatô. Họ nói với ông rằng: Thưa ngài, lúc còn sống tên lưu manh ấy đã tuyên bố, ‘Sau ba ngày ta sẽ sống lại’. Xin ngài ra lệnh canh mộ cho đến ngày thứ ba. Nếu không đồ đệ hắn có thể ăn trộm xác hắn rồi phao đồn hắn đã sống lại từ cõi chết” (Mt 27: 62-64).

 

Cùng với Giáo Hội và toàn thể những tâm hồn thiện tâm đang xúc động và thành tâm cúi đầu trước cái chết tức tưởi và bi thương của Giêsu – Ðấng Cứu Ðộ nhân trần – hôm nay, chúng ta có muốn Ngài nghỉ yên trong bình an như lối nhìn và ước muốn của mấy ông Pharisiêu, mấy thượng tế, mấy trưởng lão, và ký lục thời Ngài không? Chúng ta có thật sự mong Ngài được nghỉ yên trong bình an, hay mong Ngài đừng chỗi dậy như Ngài đã nói. Và nếu thực sự niềm cảm xúc và nỗi thương đau của chúng ta lúc này phản ảnh những tâm tư thành kính trước cuộc khổ nạn của Ngài, thì chúng ta cũng phải tự hỏi mình:

   

– Chúa chết vì ai?

 

– Tại sao Ngài lại phải chết?

 

– Tôi có can dự gì vào cái chết của Ngài không?

 

Chúa chết vì ai? Câu trả lời này thì ai cũng đã rõ. Chúa chết cho mọi người, và trong đó có tôi. Chúa chết cho phần rỗi của chúng ta.

 

Nhưng tại sao Ngài lại phải chết? Bởi vì Ngài đã nói, đã làm, và đã hết mình với chúng ta, mà chúng ta vẫn không đón nhận Ngài. Chúng ta vẫn nghi ngờ và xa lánh Ngài. Ngài đến vì phần rỗi chúng ta, vì hạnh phúc nước trời của chúng ta, nhưng chúng ta vì đam mê và chôn bám vào thế giới vật chất này, nên đã không chấp nhận Ngài. Chúng ta vẫn coi Satan và thế gian hơn Ngài, nên Ngài chỉ còn có cách “chết đi” để chúng ta thấy mà tin.

 

Tôi có can dự gì vào cái chết của Ngài không? Dĩ nhiên là có. Không thể như Philatô rửa tay trước bản án bất công mà ông đã ra cho Chúa. Chúng ta không thể chối rằng chính tôi, tôi cũng có phần trong cái chết của Ngài. Do tội lỗi và dục vọng xui khiến, tôi đã có mặt trong đám đông hôm đó và cũng đã hô to “Ðóng đinh nó đi. Ðóng đinh nó vào thập giá”.

 

Vì những tội tôi đã phạm. Vì tôi đã để cho những đam mê và trần gian chiếm ngự và chi phối lòng trí và cuộc sống của mình. Tôi đã bỏ Chúa, đã không thực hành bác ái như Chúa dậy, đã không kính mến Thiên Chúa như Ngài đáng kính mến. Chính tôi đã giơ tay đả đảo Ngài, và kêu án cho Ngài.

 

R.I.P – Requiem in pace! Giêsu rất đáng yêu mến. Con hết lòng thống hối vì những lỗi lầm và tội lỗi con đã gây nên cái chết của Chúa. Chính con là người đã có mặt trong đám đông hôm kêu án cho Chúa, và muốn cho Chúa chết. Bởi vì con đã phạm tội, và bởi vì con sợ rằng bao lâu Chúa còn sống và còn nhìn thấy con thì bấy lâu con phải áy náy, cắn rứt, và không phạm tội được.

 

Vâng, lạy Chúa xin hãy nghỉ yên. Con nay đã thống hối và quyết tâm quay về với Chúa.  Xin sự bình an của Chúa thống trị tâm trí và cuộc sống của con, để con không bao giờ xúc phạm đến Chúa, xua đuổi Chúa, và làm cho Chúa phải chết nữa.

 

 

*******************

Chúa Nhật Phục Sinh

 

SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT

 

Mỗi lần tham dự một thánh lễ an táng, tôi lại thấy xao xuyến cho thân phận và số kiếp con người. Tôi phân vân tự hỏi: “Không biết giờ này thì linh hồn người quá cố ở đâu?”. Và rồi đêm nay, sau khi nằm dưới lòng đất lạnh, những người đó sẽ có cảm giác gì? Một mình giữa nghĩa trang đìu hưu, nắng mưa giã giầu, đêm về nghe những tiếng nỉ non của côn trùng. Trí tưởng tượng còn đưa tôi nghĩ xa hơn về thân xác kia sau khi bắt đầu nứt nẻ, rữa nát, tiêu hao đi để rồi còn lại một bộ xương trắng phau. Với tháng năm, thì những nắm xương tàn ấy cũng trở về hoàn toàn và hòa tan trong cát bụi. Rồi tôi lại nghĩ đến tôi, một ngày nào đó, đến phiên mình, khi những gì tôi đang thấy, đang nghĩ hôm nay đây cũng sẽ trở thành một sự thật cho chính mình. Vẫn biết rằng, theo đức tin thì sau khi chết linh hồn sẽ về với Chúa, thân xác nằm tạm trong lòng đất để chờ ngày sống lại. Nhưng tự nhiên, những hình ảnh và tư tưởng kia vẫn cứ theo tôi mấy ngày liền, và làm tôi thấy rờn rợn, hoang mang và sợ hãi. 

 

Ðời người vui ít, buồn nhiều. Ít nụ cười mà lại nhiều nước mắt. Như vậy thì thân phận con người sinh ra, lớn lên, và chết có nghĩa lý gì. Sắc đẹp, danh vọng, học thức, quyền bính, và giầu có để làm gì. Có khác chi một giấc chiêm bao?!!! Mà tại sao chúng ta lại phải sinh ra. Nhưng có một người mà cái chết của người ấy không đem lại cho chúng ta những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và thất vọng, ngược lại đã cho chúng ta niềm hy vọng và sức mạnh khiến lạc quan tin tưởng vào giá trị của đời mình.

 

Người ấy và cái chết của người ấy đã đổi mới quan niệm và cái nhìn về giá trị cuộc sống và giá trị sự sống của chúng ta. Một cách nào đó, con người này cũng không khác gì bao nhiêu người khác đã từng được sinh ra, lớn lên, và chết. Có khác chăng là con người này sinh ra trong một gia đình nghèo. Vì gia cảnh nghèo mà tuổi thơ đã không một ngày cắp sách đến trường. Ngược lại, ngày ngày giúp đỡ song thân bằng nghề thợ mộc. Trưởng thành vào đời, người này mang lý tưởng cao, muốn rao giảng cho anh chị em mình chân lý cứu rỗi. Nhưng vì tư tưởng và đường lối đi ngược lại với quan niệm, lối sống của con người và những người đang sống chung quanh. Kết quả bị nhóm thượng tế, ký lục và Pharisiêu thù ghét, cuối cùng thì bị một môn đồ phản trao nộp cho những người ghen tức. Bị kết án bất công, và bị đóng đinh vào thập giá.

 

Cái chết coi như bất công, vô lý và nhục nhã ấy, mỗi năm vẫn được nhắc nhở. Trải qua hơn 2000 năm, cái chết của con người này đã mang lại một luồng sinh khí mới, một sức sống mới, và tràn trề hy vọng về một tương lại sáng lạn. Nó không ủ dột và đau thương như thân phận và cái chết của con người, nhưng đã trở nên nguồn mạch mang lại sự giải thoát cho nhân loại. Ðó là cái chết của Giêsu Nazareth.

 

Gọi đây là cái chết giải thoát, cái chết mang niềm hy vọng, vì không như những thụ tạo khác, sau khi chết thân xác trở thành cát bụi, và linh hồn trở thành đối tượng của phán xét lành dữ, tội phúc dựa theo những gì đã làm khi còn sống. Trái lại Giêsu đã chết, đã được chôn táng trong mộ đá, nhưng ngày thứ ba đã sống lại. Ðiều này đã do chính miệng Ngài loan báo, và được làm chứng do những nhân chứng đáng tin cậy: “Rồi Chúa Giêsu bắt đầu nói với các môn đệ mình rằng ngài phải lên Giêrusalem và chịu đau khổ ở đó do tay những trưởng lão, tư tế và ký lục và sẽ phải chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21).

 

Thánh Máccô trong trình thuật về biến cố này đã viết về những gì mà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê, và bà Salômê đã thấy trong buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần. Chi tiết bản tường trình này bao gồm tảng đá che mồ đã được đẩy qua một bên, và khi bước vào trong, các bà đã thấy một thanh niên nói với các bà: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Giêsu Nazareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Ðây là chỗ người ta đã đặt ngài. Các bà hãy nói với các môn đệ ngài, nhất là với Phêrô rằng: “Ngài đến xứ Galilêa trước các ông. Ở đó các ông sẽ gặp ngài như ngài đã từng nói trước” (Mc 16:6-7).

 

“Các bà đi tìm Giêsu Nazareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại, không còn ở đây nữa”. Để xác tín niềm tin này, theo Thánh Phaolô, nếu thân xác của Chúa Giêsu cũng rữa nát và tan biến vào lòng đất như mọi người, thì niềm tin của chúng ta “sẽ trở thành vô ích” (1 Cor 15:17). Ngoài ra, những lời rao giảng của ông sẽ “trở thành vô nghĩa” (1 Cor 15:14). Nhưng nhìn vào cuộc đời của Phaolô và cái chết của ông, cũng như cuộc đời của Phêrô, của các Tông Ðồ và sau này từng đoàn đoàn, lớp lớp người đã anh dũng chấp nhận cái chết chứng minh sự sống lại ấy, đủ thấy rằng việc Chúa Giêsu sống lại không những đem lại ơn giải thoát, mà còn ban cho con ngươì sự sống trường sinh khiến nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận và đánh đổi sự sống tạm bợ này để được sự sống ấy. Ðây là lý do tại sao các vị tử đạo, những tâm hồn đạo đức sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, dù phải chết miễn sao bảo vệ được niềm tin nơi Ðức Kitô. Và đó cũng là điều mà chính Chúa Giêsu đã nói với Mátta và Maria khi các bà khóc lóc, thương tiếc người em trai vừa mới qua đời. Các bà đã trách Chúa vì xem như ngài lơ là và không quan tâm đến một người bạn thân của mình, và lợi dụng trường hợp ấy, Ngài đã nói với các bà về niềm tin và sư phục sinh: “Ta biết nó sẽ sống lại” (Gioan 11:24). Ngài bảo các bà: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta dù đã chết cũng sẽ được sống; còn ai sống mà tin ta, sẽ được sống đời đời” (Gioan 11:26).

 

Chúa Kitô là sự sống và là sự sống lại. Đây là một mầu nhiệm cao cả và trọng đại, nên những gì chúng ta cảm nghiệm được qua Tin Mừng, thì trí khôn con người không thể giải thích được. Nó cần phải được khám phá qua cặp mắt đức tin. Chúa Giêsu đã hỏi Mátta trước khi cho em hai bà sống lại “Con có tin như thế không” (Gioan 11:26), và chỉ sau khi bà vững mạnh trả lời: “Lạy Chúa con tin” (Gioan 11:27), lúc đó bà mới được nhìn thấy em mình sống lại.

 

Giáo lý sống lại của Ðức Kitô dựa trên nền tảng Ngài là Con Thiên Chúa. Việc Ngài chịu thương kho và chết là do tình yêu, và vì muốn trả cái nợ Tổ Tông thay cho nhân loại. Và vì thế, sau khi người ta đã đóng đinh Ngài, đã mai táng Ngài trong mộ, thì Ngài đã chỗi dậy. Thánh Phaolô gọi đó là chiến thắng sự chết hay chiến thắng tội lỗi. Cũng theo thánh nhân, vì tội lỗi không có trong Ðức Kitô, nên mầm mống sự chết không có trong Ngài. Và việc Ngài sống lại vì thế, đem lại cho nhân loại sự sống ân sủng và trường sinh.

 

Tuy nhiên, con người chúng ta ai cũng phạm tội, và mầm mống sự chết đã có sẵn nên khi thời gian qua, thì bằng cách này hay cách khác mọi người đều phải chết. Mà một trong những hệ quả của sự chết là thân xác con người sẽ thối rữa trong mồ, và theo tháng năm, thân xác ấy sẽ trở về với cát bụi. Nó chỉ được cho phép sống lại bằng vào quyền năng và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng tội lỗi, và chiến thắng sự chết.

 

Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Ngài đã chiến thắng sự chết và ban cho nhân loại ơn giải thoát và sự sống trường sinh. Nhưng như Thánh Phaolô đã cho biết, cái ảnh hưởng của sự chết kia tiềm ẩn trong ta bằng tội lỗi và đa mê tội lỗi của chúng ta. Vậy để đón nhận sự sống đời đời, và để được sống lại trong ngày sau hết, chúng ta không còn cách gì hơn là chế ngự thói hư, tật xấu, và tránh xa tội lỗi. Chỉ có thế, dù thân xác này có bị thối rữa trong lòng đất nó vẫn được phục sinh toàn thắng cùng với Chúa Giêsu ngày Ngài ngự đến trong vinh quang, như dấu chỉ sự phục sinh của Ngài được mừng kính hôm nay.

 

Chúa đã phục sinh. Ngài sống lại cho tôi và vì tôi. Cũng như Ngài đã nói với Phêrô và các môn đệ sau khi sống lại, là Ngài sẽ đến Galilêa trước và đón các ông, Chúa Giêsu cũng sẽ đến trong vinh quang trong ngày thế mạt để đón tôi về Thiên Ðàng với Ngài, nếu trong cuộc đời này, tôi biết đón nhận và sống với niềm tin phục sinh nơi Ngài. Và thực tế nhất, bằng cách xa tránh và chừa bỏ tội lỗi, vì tội lỗi là mầm mống của sự chết, khác với nhân đức là hoa trái của sự sống trường sinh và hạnh phúc Thiên Ðàng.

 Tác giả:  Trần Mỹ Duyệt