Tại sao người Công giáo làm dấu trước khi cầu nguyện?

Nhìn vào một nhóm tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau cùng nhau cầu nguyện, người ta dễ dàng nhận ra đâu là người Công giáo. Thay vì bắt đầu cầu nguyện ngay với những lời thân thưa cùng Thiên Chúa Cha, người Công giáo giơ tay lên phác ra trên thân mình hay trên trán mình một dấu thánh giá .
Tại sao người Công giáo làm dấu trước khi cầu nguyện

Đó là một thực hành mê tín thời Trung cổ?

Tại sao họ làm vậy? Đấy có phải là một nghi lễ mang tính mê tín dị đoan?

Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu lịch sử của nó.

Theo các tác phẩm, sách vở có từ Thế kỷ III, các Kitô hữu đã thực hành việc làm dấu trên thân mình của họ, ngay từ rất sớm, ngay từ thuở khai sinh Kitô giáo. Nhà hộ giáo Kitô, Tertullian vào thời điểm đó đã có những lời mô tả thế này, “Kitô hữu chúng ta mang lấy trên trán mình dấu thánh giá.”

Ông còn viết thêm, “Dù đi đứng hay nằm ngồi, dù đi xa hay trên đường trở về nhà mình, khi xỏ giày, tắm rửa, dùng bữa, hay thắp nến, dù làm gì, chúng ta cũng hãy làm dấu thánh giá trên trán của mình”.

Thánh Cyril thành Giêrusalem, sống ở Thế kỷ IV lưu ý trong các Bài Giáo lý của ngài rằng: “Chúng ta không được ngại ngùng tuyên xưng niềm tin vào Đấng Chịu Đóng Đinh. Thánh giá chính là ấn chứng của chúng ta, hãy xác tín giơ tay làm dấu trên trán; trên của ăn mà chúng ta hưởng dùng, trên chén mà chúng ta uống, trước lúc lên đường, khi đi tới đi lui; trước giờ đi ngủ, khi ngả lưng lúc thức dậy; khi đi chơi hay lúc ngơi nghỉ”.

Thực hành làm dấu thánh giá trên thân mình, một thực hành truyền thống có từ rất sớm này, được cho là đã lấy cảm hứng từ một trích đoạn trong sách Ê-dê-ki-en, “Đức Chúa phán, ‘Hãy rảo khắp thành, khắp Giê-ru-sa-lem. Hãy ghi dấu trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành’” (Ed 9, 4).

Trong một số bản văn, dịch ra là, “Hãy ghi dấu Tau trên trán…” Tau là một ký tự trong bảng chữ cái Hy Lạp được viết giống ký tự T, các Kitô hữu đầu tiên nhìn vào ký tự này và nhận ra có hình dấu thánh giá nơi đó. Các Kitô hữu tin rằng dấu thánh giá làm cho họ trở nên tách biệt và “ấn chứng” họ như dân được đặc tuyển, một dân thuộc về Thiên Chúa Duy Nhất Chân Thật.

Dấu thánh giá mà người Công giáo làm trước lúc cầu nguyện hoặc trước bất kỳ hoạt động nào khác, không phải là một hành động mê tín, nhưng là một cử điệu tuyên xưng đức tin.

Sách Giáo lý Baltimore có giải thích, “Dấu thánh giá là hình thức tuyên xưng đức tin về những mầu nhiệm chính yếu trong đạo chúng ta, vì nó diễn tả mầu nhiệm hiệp nhất Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nhập thể và sự chết của Đức Giêsu… diễn tả mầu nhiệm nhập thể bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm, chịu nạn chịu chết trên cây thập tự”.

Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích thêm: “Kitô hữu bắt đầu một ngày của mình, các kinh nguyện và hoạt động của mình bằng dấu thánh giá ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen’. Người đã chịu Phép Rửa dâng trọn vẹn ngày mình sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Độ ban ân sủng giúp họ hành động trong Thần Khí như một người con của Chúa Cha. Dấu thánh giá làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ và trong những khó khăn” (2157).

Dấu thánh giá chính là trung tâm điểm, là phần cốt tuỷ nội dung đức tin; làm dấu giúp chúng ta nhắc nhở chính mình một cách thường xuyên về cái giá mà Đức Giêsu đã phải trả vì tội lỗi chúng ta. Đó vừa là một hình thức tuyên xưng đức tin vừa là một kinh nguyện đơn sơ nhưng lại hết sức mạnh thế. Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, “bất cứ nơi nào quỷ nhìn thấy dấu thánh giá chúng sẽ vội vã lẩn đi, chúng hãi sợ trước thánh giá, vì thánh giá như là cây trượng đánh chúng”.

Sau cùng, làm dấu thánh giá là một cử điệu đơn sơ, có gốc tích cổ xưa và nền tảng Kinh thánh. Cứ xét bề ngoài, ra như một số người Công giáo đã làm dấu như thể “vẽ bùa” vậy, nhưng thực sự, người ta không nên làm dấu cách bất xứng như thế. Làm dấu là để nhắc nhở về Hy lễ cực trọng mà Chúa Giêsu đã dâng cách đây hơn 2000 năm, và cũng là để tha thiết kêu xin Người ban ơn giúp sức chúng ta trong những thiếu thốn, cám cảnh của mình.

Philip Kosloski
Chuyển dịch: Kim Bình (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org