Tại sao lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô chung với nhau?

Kết quả hình ảnh cho young saint with a sword

lavie.fr, Éléonore de Vulpillières, 2017-06-27

Ngày 29 tháng 6, Giáo hội công giáo mừng cùng một ngày lễ cho hai Thánh Phêrô và  Phaolô. Vì sao lịch phụng vụ chỉ có một ngày cho hai thánh lớn?

Theo lịch phụng vụ, lễ Thánh Phêrô và Phaolô là lễ kính trọng thể, có nghĩa là mừng long trọng theo nghi thức phụng vụ. Đây là ngày lễ nghỉ ở Malta… Dù vậy, các ngày lễ kính trọng thể các thánh (đa số là dành cho Chúa Kitô và Mẹ Maria) thì mỗi thánh được dành riêng một ngày. Đó là trường hợp Thánh Giuse ngày 19 tháng 3 và Thánh Gioan-Tẩy Giả ngày 24 tháng 6. Tại sao hai thánh lớn lại mừng chung một ngày?

Trước hết chúng ta trở về với lịch sử. Ông Simon mà sau này Chúa Kitô đặt tên là Phêrô, là ngư dân, người Galilê sống ở Capharnẵm bên Hồ Tibê. Một tỉnh nhỏ được biết đến nhờ nhiều nhân vật trong buổi chiều Chúa Giêsu bị bắt. Còn ông Sa-un, trước khi có tên Phaolô là người do thái pharisêu, có học, công dân la mã của thành phố Tarse, miền Trung Á.

Điểm chung của họ? Chúa Kitô đã làm cho đời họ đảo lộn hoàn toàn, trong cả hai trường hợp, biểu tượng là họ thay đổi tên. Phúc Âm Thánh Matêô nói về việc Chúa kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Còn về Thánh Phaolô thì sách Công vụ Tông đồ thuật lại, ông bị mù trên đường đi Đa-mát, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”.

Phêrô là hòn đá, trên viên đá này Chúa Kitô đã xây Giáo hội; còn Phaolô, ông đi khắp vùng Địa Trung Hải để mang Phúc Âm đến cho lương dân. Tất cả hai đều chết tử đạo, Phêrô bị đóng đinh ngược trên thập giá, còn Phaolô thị bị chặt đầu. Theo truyển kể, Phêrô chôn ở Vatican, gần đường Triomphale năm 64, còn Phaolô thì chôn ở đường Ostia năm 67. 

Như thế Phêrô là nền tảng của Giáo hội, còn Phaolô thì đi rao giảng Lời Chúa suốt đời. Hai định mệnh, một số phận chung như Thánh Âugutinô giảng trong ngày lễ này: “Trong một ngày, chúng ta mừng lễ kính hai thánh tông đồ, nhưng hai mà là một. Phêrô đi trước, Phaolô đi sau. Vì thế chúng ta mến đức tin, cuộc sống, công việc và sự đau khổ của họ! Chúng ta mến mục tiêu của đức tin và của việc rao giảng của họ!” Như thế là có lý cho tầm quan trọng và bổ túc cho sứ mệnh của hai cột trụ Giáo hội được mừng chung với nhau. 

Một lễ chung cho tất cả các tín hữu kitô

Ngày 29 tháng 6 cũng là ngày lịch phụng vụ các giám mục vừa được Đức Giáo hoàng phong sẽ nhận dây pallium ở Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma, dây pallium là biểu tượng chính của chức vị này. Dây pallim ngày xưa được Đức Giáo hoàng trao trực tiếp cho các tân giám mục, nhưng kể từ năm 2015, ngài chỉ làm phép vào ngày 29 tháng 6, sau đó ngài trao lại cho các Sứ thần Tòa Thánh để các Sứ thần sẽ chính thức trao lại cho các tân giám mục sau. Biểu tượng cho chức vụ đặc biệt của giám mục Rôma, có nghĩa nơi các toà giám mục, họ có mối dây liên hệ riêng với Đức Giáo hoàng.

Nơi các người chính thống và tín hữu kitô đông phương, lễ Thánh Phêrô và Phaolô đánh dấu ngày kết thúc ăn chay của các tông đồ. Các tín hữu tham dự buổi canh thức đêm hay đọc kinh chiều với phần Phụng vụ Lời Thánh.

Phong trào đại kết hiện đại cũng mừng lễ này, nhân dịp này Đức Giáo hoàng và Thượng phụ Constantinople cử hành lễ để cùng hiệp thông và gần nhau giữa các giáo hội. 

“Cởi áo Thánh Phêrô để mặc cho Thánh Phaolô”

Câu chuyện có tính cách huyền thoại, hai tông đồ lớn liên hệ người này với người kia qua một thành ngữ truyền thống, “cởi áo Phêrô để mặc cho Phaolô”. Vào thời đầu tiên của kitô giáo, các giám mục thường lấy các đồ vật ở các nhà thờ cũ để cho các nhà thờ mới đang thiếu. Họ biện minh cho việc làm của mình bằng cách dựa trên câu của thư thứ hai Thánh Phaolô gởi tín hữu Corintô (11, 8) : “Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em”.

Động từ “mặc áo” (habiller) thường hay dùng khi mặc áo và trang hoàng ảnh tượng các thánh, một phong tục vẫn còn áp dụng ở một số nước, nhất là những lần rước kiệu. Khi giáo xứ nào thiếu đồ trang hoàng cho một ảnh tượng, thì có thể tưởng tượng họ sẽ choàng qua về giữa các ảnh tượng với nhau… nhưng lấy áo của Thánh Phêrô để cho Thánh Phaolô mặc nhân dịp lễ chung của họ thì hoàn toàn không có lợi, vì làm như vậy là đẩy vấn đề mà không giải quyết vấn đề! Vậy phải chính xác trong nghĩa của thành ngữ bình dân này!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch