Quyển Kinh Thánh cổ đầy đủ nhất thế giới

Trong số những tài liệu cổ về Kinh Thánh, Codex Sinaiticus được công nhận là bản thảo đầy đủ và lâu đời nhất, với giá trị nội dung và lịch sử tương đương bản Codex Vaticanus ở Tòa Thánh.
Quyển Kinh Thánh cổ đầy đủ nhất thế giới

Sự hiểu biết của con người thời nay về những lời dạy của Chúa Giêsu được góp nhặt từ những bản thảo viết tay có niên đại cách đây nhiều thế kỷ. Trong đó, Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái cổ, còn Tân Ước được diễn dịch bằng chữ Hy Lạp. Có thể nói, không ai dám chắc chắn rằng mình nắm được những bản đầu tiên, nhưng hàng ngàn bản viết tay cổ đã được tìm thấy theo thời gian. Cũng bởi vì viết tay nên có những khác biệt về chính tả, tập hợp chữ và cấu trúc câu giữa những tài liệu này. Dù có những biến thể khác nhau, đa số các tài liệu đều mang nội dung đồng nhất. Trong số khoảng 500 trang của Tân Ước, những chỗ không đồng nhất chỉ chiếm khoảng nửa trang giấy.

Đa phần những bản thảo cổ chỉ chứa những đoạn nhỏ về Kinh Thánh. Trong số những tài liệu ghi chép Lời Chúa được truyền lại đến đời sau được trích từ các đoạn trong giấy cói, cụ thể là những cuộn giấy Biển Chết. Ví dụ, hồi năm ngoái, các chuyên gia của Đại học Kentucky (Mỹ) đã tìm cách đọc được bản Kinh Thánh cổ dưới dạng cuộn giấy En-Gedi đã bị cháy thành than (xem bài Giải mã bản Kinh Thánh cổ nhờ công nghệ mới đã đăng trên CGvDT 2076). Nhóm tư liệu còn lại chính là Uncial, dưới dạng toàn chữ in hoa trên các trang giấy da, cho phép tạo ra bề mặt mịn hơn giấy cói. Các bản thảo Uncial được chấp bút và hoàn thành từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 8, và được đóng thành quyển, tức codex, thay vì cuộn giấy. Một số codex trải qua nhiều khó khăn để tồn tại đến ngày nay, cung cấp một góc nhìn đáng tin cậy về Kinh Thánh đã được Giáo hội thuở đầu sử dụng và truyền lại cho đời sau.

Tổng cộng có 4 bản thảo cổ nhất và tồn tại hoàn chỉnh (hoặc gần như hoàn chỉnh) là Codex Sinaiticus, hay Kinh thánh Sinai, Codex Vaticanus, Codex Alexandrinus và Ephraemi Rescriptus. Dù Codex Vaticanus có niên đại cổ nhất (từ năm 325 đến 350), Codex Sinaiticus lại được công nhận là bản Kinh Thánh cổ số một thế giới vì chứa toàn bộ nội dung của Tân Ước.

Kho báu vùng sa mạc

Không ai biết rõ về xuất xứ của Codex Sinaiticus, còn được gọi là “Aleph”, nhưng nó đã được hoàn thành vào thời của hoàng đế La Mã Constantine Đại đế cách đây hơn 1.600 năm. Theo phân tích, phải có đến 4 người thay nhau viết trên những trang làm từ da lừa hoặc da linh dương, chiều cao 41cm và rộng 36cm, có niên đại từ năm 330-360. Bản thảo vô cùng quý giá đã được bảo quản qua hàng thế kỷ nhờ vào không khí khô ráo của vùng sa mạc, kể từ khi được đưa đến Tu viện thánh Catherine vào thế kỷ thứ 4 ở chân núi Sinai, Ai Cập. Đây cũng là nơi đặt thư viện lớn nhất lịch sử về các bí tịch và tài liệu cổ bên ngoài thành quốc Vatican.

Codex Sinaiticus được phát hiện nhờ vào công của học giả người Đức chuyên về Kinh Thánh là Constantin von Tischendorf (1815-1874), khi ông đến thăm tu viện vào năm 1844. Đó là lý do codex này được đặt theo tên của ngọn núi ở Ai Cập. Những phần của bản thảo được tìm thấy bên trong nơi chứa những vật dụng không đáng giá của tu viện, còn phần lớn quyển sách được một tu sĩ tại đây trao lại cho học giả. Ông Tischendorf đã cất công đi 3 chuyến để mang toàn bộ quyển sách về châu Âu (1815-74). Phần lớn nhất của codex đã trôi dạt đến St Petersburg, và sau đó được chuyển giao cho Bảo tàng Anh vào thập niên 1930 với giá 100.000 bảng Anh (hơn phân nửa số tiền được quyên góp từ công chúng). Hiện quyển Kinh Thánh cổ số một thế giới chỉ còn lại hơn phân nửa số trang từ ít nhất 1.460 trang ban đầu, được lưu trữ tại 4 nơi khác nhau: Tu viện Thánh Catherine, Thư viện Anh, Thư viện Đại học Leipzig (Đức) và Thư viện quốc gia Nga ở St Petersburg. Người Anh may mắn giữ được phần codex chứa toàn bộ Tân Ước. Phải đợi đến năm 2009, toàn bộ 800 trang còn lại đã được tập hợp và công bố trên mạng theo dự án chung của cả bốn tổ chức nói trên (http://www.codexsinaiticus.org/en/).

Tầm quan trọng của Codex Sinaiticus

Đối với các chuyên gia về cổ thư, Codex Sinaiticus đại diện cho một bước ngoặt trong lịch sử văn chương, khi mà các cuộn giấy nhường vị trí cho việc ghi chép bằng sách. Codex được sắp xếp theo từng thếp nhỏ, được đánh theo số thứ tự. Nó được xem là quyển sách đóng gáy cổ nhất, lớn nhất vẫn tồn tại đến ngày nay. “Codex Sinaiticus là một trong những báu vật dưới dạng viết tay vĩ đại nhất của thế giới”, theo học giả Scot McKendrick, chịu trách nhiệm quản lý bản thảo phương Tây của Thư viện Anh. Còn đối với giới học giả Kitô, nó cung cấp những kiến thức then chốt cho thấy nỗ lực của người xưa nhằm truyền lại nội dung Kinh Thánh cho đời sau.

Không những chứa toàn bộ nội dung Tân Ước, Codex Sinaiticus còn ghi lại nửa bản Cựu Ước, và hai văn bản của Kitô giáo không xuất hiện trong các Kinh Thánh thời hiện đại, bao gồm The Shepherd of Hermas và The Epistle of Barnabas. Nó cũng hé lộ những chứng cứ đầu tiên cho thấy vô số công tác hiệu chỉnh, bổ sung và chỉnh lý kéo dài từ thế kỷ thứ 4 đến 12, biến nó trở thành một trong những bản thảo được hiệu chỉnh nhiều nhất trong lịch sử. Nói tóm lại, thông qua Codex Sinaiticus, các Kitô hữu thời nay có thể quan sát được nội dung Kinh Thánh được diễn dịch thành những ngôn từ khác nhau, xuyên suốt các thế hệ tín hữu theo chân Chúa Giêsu sau gần 2.000 năm.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc