Phúc trình đầu tiên của chính phủ Trump về tự do tôn giáo trên thế giới

Vì Tổng Thống Donald Trump nhiều lần đoan hứa sẽ biến việc bảo vệ tự do tôn giáo thành yếu tố chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nên việc công bố Phúc Trình đầu tiên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được nhiều người mong đợi. 
Phúc trình đầu tiên của chính phủ Trump về tự do tôn giáo trên thế giới

Ai cũng biết các nhà lãnh đạo Công Giáo, ở cả Hoa Kỳ lẫn Rôma, có nhiều vấn đề đối với chính phủ Trump. Nhưng có một vấn đề, cho đến nay, được cả hai bên, ít nhất về phương diện nói năng, đồng thuận khá nhiều đó là tầm quan trọng của việc cổ vũ và bảo vệ tự do tôn giáo.

Một phần vì thế mà việc công bố Phúc Trình đầu tiên của Bộ Ngoại Giaao Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế vào hôm Thứ Ba vừa qua đã tạo được một mức độ lưu ý hơn bình thường, nhất là nơi những người mong được thấy sự thay đổi đáng kể hay định hướng mới mẻ.

Văn kiện của Bộ Ngoại Giao

Nói cho ngay, những mong ước như thế có vẻ hơi quá đáng: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là một cơ quan khổng lồ, một cơ quan khó lòng thay đổi chỉ bằng một đồng kẽm bất kể ai đó mới xuất hiện ở Nhà Trắng. Vả lại, dù sao, thì công việc thực hiện cho phúc trình này đã kết thúc trước khi có sự thay đổi chính phủ.

Linh Mục Thomas Reese, Dòng Tên, một thành viên và là cựu chủ tich Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một ủy ban độc lập, nói với tờ Crux hôm thứ Ba vừa qua rằng:

“Về căn bản, đây là một văn kiện của Bộ Ngoại Giao.Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có bất cứ ảnh hưởng nào từ Nhà Trắng”.

Còn Tom Farr, Chủ Tịch Viện Tự Do Tôn Giáo và là Giám Đốc của Dự Án Nghiên Cứu Tự Do Tôn Giáo của Đại Học Georgetown, thì hôm thứ Ba vừa qua, cho hay: không mấy “có dị biệt đáng kể” nào trong văn kiện này so với các chính phủ trước đây, dù ông ca ngợi việc nó đã mô tả “cách thấu đáo và vững vàng” vấn đề này ở gần 200 quốc gia.

Nói chung, các nhà cổ vũ tự do tôn giáo có xu hướng thích phúc trình này.

Gọi đích danh ISIS phạm tội diệt chủng

Trước hết, nhiều vị cho rằng Ngoại Trưởng Rex Tillerson đã sử dụng một ngôn từ rất rõ ràng đích danh gọi ISIS là kẻ phạm tội diệt chủng. Trong khi cựu ngoại trướng John Kerry, tuy cũng gọi ISIS là kẻ diệt chủng, nhưng coi đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Còn Tillerson cho biết đây là nhận định của Bộ Ngoại Giao và yêu cầu phải “áp dụng luật pháp vào các sự kiện đang có”. Theo Tillerson, ISIS “rõ ràng chịu trách nhiệm tội diệt chủng người Yazidis, Kitô hữu và người Hồi Giáo Shia”.

Edward Clancy, giám đốc chương trình vươn tay và phúc âm hóa của cơ quan Trợ Giúp Các Giáo Hội Tuíng Thiếu của Hoa Kỳ, một cơ quan trực thuộc Đức Giáo Hoàng, nhằm giúp đỡ các Kitô hữu đang bị bách hại khắp thế giới, nhận định rằng: “Điều tốt đẹp là được thấy họ tuyên bố ISIS là kẻ phạm tội diệt chủng, không cần che dấu dưới bất cứ ý kiến cá nhân hay điều gì giống như thế”.

Clancy nới với tờ Crux rằng việc Tillerson không dùng các chữ “nếu, và hoặc nhưng” đối với ISIS có lẽ là “nhấn mạnh lớn lao” trong phúc trình hôm thứ Ba.

Không trừ một quốc gia nào

Ngoài ra, vì các động thái trong chính sách ngoại giao của Trump, vốn tỏ ra thân thiện hơn chính phủ Obama đối với các lãnh tụ nặng tay trên thế giới như Tập Cận Bình của Trung Quốc, Vua Salman bin Abdul-Azis của Saudi Arabia, Abel Fattah el-Sisi của Ai Cập, và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ – ấy là chưa kể Vladimir Putin của Nga – người ta rất bỡ ngỡ khi thấy phúc trình lên án các lạm dụng tự do tôn giáo trong từng quốc gia vừa kể bằng những hạn từ hết sức chi tiết và minh nhiên.

Cũng cần nói thêm rằng cả những nước đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ như Úc Châu, chẳng hạn, cũng không thoát được ngòi bút phê phán của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Thực vậy, theo tờ Canberra Times, Đảng One Nation của Pauline Hanson là Đảng duy nhất của Úc nâng ly chúc mừng ngày Donald Trump thắng chức tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng Đảng này bị Phúc Trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê phán nặng nề về tự do tôn giáo, qua bài diễn văn đầu tiên tại Quốc Hội năm 2016 của Đảng Trưởng Pauline, trong đó bà này cho rằng đất nước Úc “đang có nguy cơ bị tràn ngập bởi người Hồi Giáo”.

Bản Phúc Trình cho rằng cả bốn thượng nghĩ sĩ của One Nation đều được bầu dưới “cương lĩnh bao gồm việc chấm dứt di dân Hồi Giáo, tổ chức một ủy ban điều tra hoang gia về Hồi Giáo, ngưng các việc xây dựng đền thờ Hồi Giáo, thiết lập các máy hình thám thính tại các đền thờ Hồi Giáo, cấm việc mặc burqa và niqab ở các nơi công cộng, và cấm thành viên quốc hội tuyên thệ trước kinh Kôrăng”.

Thành thử người ta cho rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thiên vị khi giải quyết vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới. Linh mục Reese cho hay: “tôi rất có ấn tượng đối với Tillerson”.

Vẫn thất vọng

Dĩ nhiên, phúc trình vẫn làm nhiều người thất vọng. Như việc Bộ Ngoại Giao từ khước khuyến cáo xếp Nga vào số các nước “bị quan ngại đặc biệt”. Ngoài Nga ra, Bộ Ngoại Giao cũng bác bỏ đề nghị của Ủy Ban Độc Lập xếp các nước Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Syria và Việt Nam vào số các “quốc gia bị quan ngại đặc biệt”.

Cách riêng, Clancy cho biết điều làm ông ngỡ ngàng là Pakistan, vì ông cảm thấy nước này “tự động” phải được xếp như thế. Nhưng theo linh mục Reese, Bộ Ngoại Giao phải quân bình hóa tự do tôn giáo với các quan tâm khác thuộc an ninh quốc gia, nhất là vai trò của Pakistan trong cuộc đấu tranh chống các nhóm khủng bố Hồi Giáo, vả lại nó còn là nước có khả năng hạch nhân.

Xét trong căn bản, các quan sát viên nói rằng phúc trình này có nhiều điều đáng lưu ý, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi này: sau khi đã nêu rõ được vấn đề, thì ta sẽ phải làm gì với nó?

Ba đề nghị

Phần lớn các quan sát viên trên cho rằng nếu chính phủ Trump nghiêm túc với vấn đề tự do tôn giáo và muốn biến nó thành viên đá góc trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, thì họ nên làm ít nhất ba điều.

Thứ nhất, theo họ, chính phủ Trump phải thỉnh thoảng tỏ ra sẵn sàng áp đặt một số trừng phạt nào đó lên các bên vi phạm.

Dân Biểu Chris Smith của New Jersey, thuộc đảng Cộng Hòa, đứng đầu ủy ban Hạ Viện về nhân quyền và là dân biểu lớn tiếng nhất về tự do tôn giáo, đã ca ngợi ngôn từ của Ngoại Trưởng về ISIS, và cho rằng Ngoại Trưởng đi đúng hướng khi lên án các lạm dụng tự do tôn giáo tại Việt Nam, Pakistan, Nigeria và Syria.

Nhưng ông cũng cho rằng “bước khó khăn hơn sẽ là việc đặt các quốc gia trên hay các tác nhân phi quốc gia như ISIS và Boko Haram vào sổ đen của Hoa Kỳ gồm các nước vi phạm tự do tôn giáo cách trầm trọng”. “Việc chỉ định này sẽ bao gồm các trừng phạt” theo đạo luật năm 1998.

Không phải ai cũng tin vào sự thích đáng của trừng phạt, nhung cần phải tìm cách bày tỏ sự bất mãn chứ không chỉ nói xuông.

Thứ hai, coi tự do tôn giáo như đá góc có nghĩa phải nghiêm chỉnh coi nó không chỉ như một bổn phận luân lý, mà phải coi nó như một ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia, như chính lời của Ngoại Trưởng Tillerson nói. Hôm thứ Ba, ông nói rằng “các nước nào duy trì hữu hiệu thứ nhân quyền này đều ổn định hơn, sinh động về kinh tế hơn, và hòa bình nhiều hơn. Sự thất bại của các chính phủ trong việc bảo vệ quyền này chỉ nuôi dưỡng bất ổn, khủng bố và bạo lực”.

Theo Farr, nếu tin điều trên, thì ta phải để tiền bạc ở những nơi miệng ta hiện diện. Ông nói: “Thí dụ, ta nên huấn luyện các nhà ngoại giao của ta, và tài trợ các chương trình có thể nói lên các luận điểm tư lợi đối với các chính phủ và những người có liên quan hiện coi tự do tôn giáo như đang bị đe dọa”.

Theo ông, ta nên “có một chiến lược tự do tôn giáo quốc tế toàn diện lồng vào chiến lược an ninh quốc gia của ta. Hiện tại, ta chưa có được bất cứ điều gì gần với chiến lược này”.

Thứ ba, các quan sát viên cho rằng việc tập chú thực sự vào tự do tôn giáo cũng phải có các cố gắng nghiêm chỉnh trong việc trợ giúp các nạn nhân bị kỳ thị khi việc này diễn ra, và nó cũng phải triển khai ảnh hưởng của Hoa Kỳ để các nạn nhân này không rơi vào nguy hại một lần nữa.

Clancy cho rằng trên hết, cần phải thực thi các giải pháp thử nghiệm này ngay bây giờ tại Iraq và Syria. Ông nói:

“Ta nên cung cấp sự trợ giúp trực tiếp cho các nhóm thiểu số đang cố gắng tự giúp họ, theo hướng tái lập họ, trở lại những nơi họ vốn có một lịch sử lâu dài. Chúng ta cũng cần sử dụng ngân khoản cần thiết của Hoa Kỳ để nói với Iraq và Syria rằng ‘chúng tôi nhấn mạnh những điều đang diễn ra này, những con người này không thể đơn giản bị gạt qua một bên’”.

Clancy cảnh cáo rằng các Kitô hữu ở Iraq cách riêng đang đối diện với một “trận chiến cực kỳ khó khăn nếu họ không có một đồng minh mạnh mẽ nơi Hoa Kỳ. Ta có sẵn lòng làm điều này không, tức dùng áp lực cần thiết để bảo đảm tự do và hòa bình cho những con người này?”

Farr thì cho rằng: phần lớn tùy thuộc cựu Thống Đốc Kansas, Sam Brownback, trong vai trò mới làm Đại Sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, kể cả mức độ ông có thể gây ảnh hưởng ở bên trong Nhà Trắng của Trump.

Farr cho rằng “Brownback là chìa khóa”.

Clancy cũng đưa ra lời kêu gọi phải canh chừng: “Họ (nhóm của ông Trump) từng hứa hẹn những điều này. Nay là lúc ta phải giữ nóng bàn chân họ, bảo đảm họ giữ lời hứa”.

Cha Reese cho hay theo ngài, hy vọng làm điều đó trước hết tùy thuộc một giới cử tri. Ngài bảo: “Đó là cái nền tin lành của ông ta. Chỉ đơn giản có thế”.

Vũ Văn An