Nhật Bản là quốc gia có nhiều người dân trên 60 tuổi nhất và Italia là nước thứ hai

Hôm thứ ba 03.10.2017, tổ chức OMS Sức Khỏe thế giới ước lượng rằng trong vòng năm 2050 tới đây, con số người già trên 60 tuổi sẽ chiếm 1/5 tổng số dân số toàn trái đất và sự kiện số người gia gia tăng này sẽ là một thách đố hoàn vũ lớn. Nhật Bản là quốc gia có nhiều người dân trên 60 tuổi nhất và Italia là nước thứ hai.

Nhat.jpgTheo bác sĩ Flavia Bustreo, phó tổng giám đốc OMS đặc trách sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em, “hướng nhìn về tương lai, chúng ta phải vui mừng vì tuổi đời của người già gia tăng mạnh, nhưng cần phải làm sao để những năm tháng tuổi già được sống trong sức khỏe đầy đủ và phẩm giá của người già được đặc biệt tôn trọng. Một hội nghị về tuổi già sẽ được triệu tập ngày 04.11 tới đây tại Milano, bắc Italia, bên lề hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng sức khỏe của khối G7 để hoạch định những đường hướng và chính sách bảo vệ tuổi già.

Hồi năm 2015, tổ chức Sức khỏe thế giới OMS đã ước lượng rằng tổng số người già trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi, từ 900 triệu lên tới gần 2 tỷ người, đồng thời vượt quá con số trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2020. Lúc ấy, thế giới sẽ có 21,4% tổng số dân số trên 65 tuổi và trong số này 6,4% trên 80 tuổi.

Italia là nước đứng  hàng thứ hai trên toàn thế giới về tuổi thọ của người dân, chỉ sau Nhật Bản, nhưng lại đứng hàng đầu trong số các nước Tây Âu, trên cả Đức và Bồ đào Nha. Phẩm chất cuộc sống trong tuổi già tại đây cũng rất cao nhờ cách thức ăn uống đều hòa và có chất lượng mẫu mực, song song với hệ thống bảo hiểm sức khỏe đứng vào hàng tốt nhất thế giới. Trong lãnh vực này, Italia có thể được xem như là gương mẫu cho nhiều nước trong khối các quốc gia đang trên đường phát triển.

Một dữ kiện khác cũng được tổ chức OMS nhấn mạnh trong thống kê mới công bố; đó là hiện nay, có đến 101 triệu người già cần được điều trị thuốc men trên toàn trái đất. Ở nhiều nơi, người già bệnh tật không được săn sóc thuốc men đầy đủ, và nhất là các hệ thống bảo hiểm sức khỏe nhiều nước không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ, đặc biệt trong lãnh vực phòng ngừa và trợ giúp khi người già mất dần khả năng tự túc tự cường, cũng như đào luyện y tá làm việc tư gia để dễ dàng săn sóc họ.

(Mai Anh, RadioVaticana 10.10.2017/ ANSA 03.10.2017)