Ngày 14/08: Thánh Maximiliano Kolbe (1894-1941)

 Tiểu sử

Maximilian Kolbe sinh ngày 7 tháng 1 năm 1894 tại Zdunska Wola, Ba Lan với tên cha mẹ đặt là Raymond Kolbe. Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm” — Niepolalanow — mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.

Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

“Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

“Mày là ai?”

“Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày áp lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như những tù nhân khác.

Cha được Đức Thánh Cha Paul VI tôn phong Chân Phước ngày 17 tháng 10 năm 1971 và Đức Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức ghi tên cha vào sổ các thánh tử vì đạo của lòng nhân ái của Giáo Hội ngày 10 tháng 10 năm 1982.

Lời bàn (Đan Sĩ linh mục M. Kolbe Ngô Quang Tuý OC)

Maximilian Kolbe, Vị Thánh Hiện Đại

Trước hết, xin cho được thanh minh một điều. Gọi thánh M. Kolbe là vị thánh “hiện đại” không có nghĩa các vị khác là những thánh đã “lỗi thời”. Thật ra, đây chỉ là một câu nói thốt ra từ miệng của một linh mục cách đây khoảng 17 năm mà tôi thấy là có lý. Thánh M. Kolbe là vị thánh hiện đại vì 3 lý do sau:

* Ngài sống ở thời hiện đại.
* Ngài biết dùng những phương tiện hiện đại cho sứ vụ tông đồ.
* Ngài tử đạo một cách hiện đại.

1. Thánh Maximiliano Kolbe sống ở thời hiện đại

Theo các nhà sử học, lịch sử Giáo Hội được chia làm 4 thời kỳ: thời thượng cổ (từ năm 33-457), thời trung cổ (từ năm 457-1517), cận đại (từ năm 1517- 1789) và thời hiện đại (từ năm 1789- hôm nay).

Thánh M. Kolbe sinh vào ngày 8/1/1894 tại thành phố Zdunska Wola (Ba Lan) và ngài chết thay cho một người tù khác vào ngày 14/8/1941 tại trại tù nổi tiếng dã man Auschwitz.

Tính về nền văn minh thì lúc này nhân loại cũng đã đạt tới một nên văn minh đáng kể. Người ta đã chế tạo được nhiều loại máy: nhất là máy nổ, máy bay. Lúc này chắc người ta đã bắt đầu nghiên cứu đến bom nguyên tử để 2-3 năm sau, hai thành phố Hirosima và Nagasaki đã biến thành hai đống tro sau hai tiếng nổ long trời lở đất với hai cột khói hình cây nấm ở giữa hai thành phố lớn nhất Nhật bản.

Như vậy, xét theo sử học và nền văn minh, người ta gọi thánh M. Kolbe là vị thánh hiện đại là một điều rất đúng.

2. Thánh M. Kolbe dùng phương tiện hiện đại cho sứ vụ

Mới đây Giáo hội ra những thông tư khuyến khích cũng như hướng dẫn các kitô hữu sử dụng những phương tiện hiện đại như truyền thanh, truyền hình, báo chí và Internet để phục vụ cho việc truyền giáo. Chính vì vậy, vào thập niên 40 của thế kỷ XX, việc dùng báo chí để truyền bá tin mừng là việc quá mới mẻ và hiện đại, đến nỗi theo như cuốn sách “Một người chỉ sống cho kẻ khác Maximilian Kolbe” (do Bùi Hữu Thư chuyển ngữ), viết: “cha Kolbe xin bề trên ra một tờ báo, bề trên chấp nhận nhưng với điều kiện là không được đòi hỏi ở nhà dòng một sự trợ giúp tài chánh nào và cũng không được đòi hỏi nhà dòng phải chịu trách nhiệm trang trải một món nợ nào của tờ báo” (trg 31). Có người lẩm bẩm câu tục ngữ Ba Lan ám chỉ cha Kolbe “những người muốn dùng chiếc giầy ném đụng mặt trăng” hoặc chọc ghẹo Ngài là “anh Max ngây thơ” hay “người cuồng tín, mơ mộng viễn vông và quá khích” (trg 32). Quả thật, tờ báo có tên là “Hiệp Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” được phát miễn phí nên chỉ ra được một số là cha Kolbe hết tiền in báo. Thế nhưng, công việc của Chúa thì Chúa sẽ lo. Sau cùng không những cha lập được cơ sở in báo tại Ba Lan mà còn cả ở Nhật bản nữa. Tờ báo của Ngài không những chỉ lưu hành nơi thôn quê mà còn phát hành rộng rãi ở những thành phố lớn nữa. Điều đó chứng tỏ thánh Kolbe có một cái nhìn vừa xa, vừa rộng, vừa sâu về các phương tiện hiện đại, và Ngài không coi đó như là những “khí cụ đáng sợ của ma quỷ”, mà biết dùng nó như nhưng đầy tớ hữu hiệu để phục vụ cho sứ vụ loan báo tin mừng của Ngài. Nếu như Ngài sống vào thời đại chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ là người đầu tiên sử dụng mạng lưới toàn cầu, lập trang web để rao giảng tin mừng của Chúa.

3. Thánh M. Kolbe tử đạo một cách hiện đại

Trong lịch phụng vụ, Giáo hội kể thánh M. Kolbe vào hàng ngũ các thánh tử đạo (xem lịch phụng vụ). Đây quả là một điều lạ. Tử đạo là khi bị những người có thế có quyền bắt bỏ đạo nhưng không chịu bỏ, sau đó bị xử tử hay bị chết rũ tù, thế mới là tử đạo. Trong trường hợp của Thánh Kolbe thì khác hoàn toàn. Thánh nhân (một linh mục) bị bắt làm tù binh bởi những người giáo dân (Đức quốc xã). Không ai bắt thánh nhân bỏ đạo hay làm điều gì tổn hại đến đạo cả. Chỉ vì một người tù nào đó bị kết án chết, thánh nhân thấy anh ta kêu khóc nên tình nguyện chết thay cho anh ta. Đơn giản thế thôi. Vậy mà Giáo Hội lại kính như một vị tử đạo anh hùng. Quả thật đây là một cách tử đạo mới mẻ để làm chứng cho một Thiên Chúa tình yêu.

4. Tử đạo của thế kỷ XXI

Xét việc tử đạo như trường hợp của thánh Maximilian Kolbe chúng ta có thể đưa ra một nguyên tắc tử đạo: “tử đạo là chết thay cho người khác để làm chứng cho Chúa”. Nếu xét theo nguyên tắc này thì ai ai cũng có thể tử đạo được và nhiều người đang tử đạo mà không biết. Tu sĩ được gọi là những người “tử đạo liên lỷ” không chỉ vì họ phải hy sinh hãm mình suốt ngày mà còn vì họ chết cho họ để sống cho Chúa và tha nhân. Trong một ngày Chúa ban cho họ 24 giờ để sống, họ có thể dùng đủ 24 giờ đó để sống cho bản thân họ, nhưng họ đã dùng nhiều giờ để sống với Chúa, nhiều giờ để lo cho công việc của Chúa, nhiều giờ để sống cho tha nhân. Những giờ họ sống cho Chúa và cho tha nhân chính là những giờ họ đang “tử đạo”, đang chết thay cho người khác để người khác được sống dồi dào hơn. Nếu xét như vậy thì không những tu sĩ nam nữ mà rất nhiều giáo dân cũng đang tử đạo hằng ngày bằng việc đọc kinh dâng lễ cách sốt sáng, bằng việc bỏ thời giờ thăm viếng và giúp đỡ nhưng người già yếu cô đơn, bằng việc bỏ công bỏ sức ra rao giảng lời Chúa với phương tiện Internet….

…Thiết nghĩ, thánh M.Kolbe là gương mẫu cho tất cả mọi người đang sử dụng phương tiện hiện đại nhất thời nay là Internet để bàn chuyện, nói chuyện với nhau về Chúa, về tình yêu của Chúa và Mẹ Maria.

Nguồn: 

thanhlinh.net và tinhthan.tripod.com