Nạn bạo hành nữ giới

Ngày 30 tháng 9 vừa qua hàng trăm ngàn phụ nữ đã biểu tỉnh tại 100 thành phố trong toàn nước Italia để chống lại nạn bạo hành nữ giới, đồng thời để đòi hỏi tự do và quyền lợi cho phụ nữ.

Cuộc biểu tình do Tổng Liên Đoàn Lao Công Italia tổ chức có khẩu hiệu là: “Chúng ta hãy dành lại sự tự do” với mục đích nói “không” với bạo lực chống lại phụ nữ, nói không  với việc không trừng phạt tội bạo lực này, và yêu cầu thay đổi thứ ngôn ngữ tường thuật các vụ hãm hiếp và sát hại các phụ nữ và biến chúng thành một vụ án chống lại các nạn nhân.

Phát biểu trong cuộc biểu tình tại Roma bà Susanna Camusso, tổng thư ký liên đoàn khẳng định rằng sự kiện hơn 80 phụ nữ bị sát hại từ đầu năm tới nay là một báo động nạn bạo hành phụ nữ lan tràn. Cần  phải chấm dứt việc sử dụng lời nói như vũ khí, đổ lỗi cho các nạn nhân thay vì lên án các thủ phạm giết người. Ám chỉ vụ hai nữ sinh viên Mỹ tại Firenze và một nữ sinh viên tại Milano bị cảnh sát hãm hiếp, bà Camusso nhấn mạnh: người ra thường dùng loại từ ngữ bạo lực chống lại một người di cư nếu họ phạm tội này, trong khi lại không tin lời các phụ nữ nạn nhân của hãm hiếp tố cáo kẻ phạm tội là nhân viên công lực mang quân phục hay khi đó là người Italia. Tại sao một vụ hãm hiếp này lại bị coi là nghiêm trọng hơn một vụ hãm hiếp khác? Có người coi các lời kêu gọi của chúng tôi là các lời xỉ vả. Và nó đúng như thế. Các lời kêu gọi chống lại bạo hành nữ giới của chúng tôi cho tới nay đã không được lắng nghe. Cần phải thay đổi kiểu thảo luận các đề tài này.”

Trong lời kêu gọi tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước, Tổng Liên Đoàn Lao Công Italia xin các tham dự viên đem theo mũ, giầy, dép, khăn quàng, sắc tay hay bất cứ vật gì khác mầu đỏ, biểu tượng cho máu của nữ giới đã đổ ra vị nạn bạo hành chống lại họ. Năm ngoái tại Italia đã có 120 phụ nữ bị chồng, chồng cũ hay tình nhân hoặc nam giới sát hại. Tại Parma bắc Italia cuộc biểu tình của chị em phụ nữ thuộc phong trào toàn quốc tố cáo nạn bạo hành nữ giới và yêu cầu nam giới, các nhà chính trị, giới truyền thông, các thẩm phán và các lực lượng công lực ý thức các trách nhiệm của họ hơn trong cung cách nói năng hành xử, và phải làm sao để trừng phạt thích đáng các tội phạm bạo hành nữ giới.

Bà Patricía Maestri, dân biểu thuộc đảng Dân chủ tỉnh Parma, nhấn mạnh trong bài phát biểu: Tôi kết hiệp với sáng kiến do Tổng Liên Đoàn Lao Công Italia phát động trên toàn nước mời gọi xuống đường biểu tình chống lại nạn bạo hành nữ giới, và tranh đấu cho một nền văn hoá  khẳng định phẩm giá của phụ nữ, bắt đầu từ việc tường thuật các vụ bạo lực. Tôi ủng hộ phong trào đỏi hỏi thay đổi kiểu dùng từ ngữ và nói năng, khi kể lại các vụ bạo hành nữ giới. Tôi tin rằng cần phải yêu cầu nam giới nói chung và các giới chức chính trị, truyền thông, thẩm phán và các nhân viên an ninh công lực, cũng như thế giới học đường thay đổi cung cách hành xử và cách dùng từ vựng, và yêu cầu nền văn hoá lãnh lấy trách nhiệm của mình đối với thảm cảnh bạo hành nữ giới. Bởi vì bạo lực của nam giới trên các phụ nữ không phải là một vấn đề của nữ giới, là những người không muốn để cho sự sợ hãi chiến thắng, và không muốn giam hãm mình trong nhà.

** Vì thế theo bà Patricia Maestri cần phải thực thị Thoả hiệp Istanbul đã được phê chuẩn liên quan tới việc phòng ngừa và chống nạn bạo hành nữ giới và bạo hành trong gia đình, củng cố các dụng cụ  chống lại tội phạm này, tạo ra các điều kiện, gia tăng ngân khoản làm sao để chị em phụ nữ bị đe dọa hay là nạn nhân của bạo lực có thể tìm được nơi tiếp đón, sự trợ giúp và nương tựa, cả trong việc bắt đầu một cuộc sống mới và một nghề nghiệp mới tự lập. Đó là các mục đích mà chúng tôi nhắm tới và dấn thân hoạt động tại Quốc hội trong các năm qua. Rất tiếc là các kết quả chưa được đầy đủ và còn rất nhiều điều phải làm trên bình diện giáo dục và văn hoá đối với người trẻ và nam giới. Chính vì thế cuộc biểu tình hôm nay tại quảng trường Garibaldi này của thành phố Parma là dịp giúp mời gọi chú ý, khích lệ suy tư trong dư luận công cộng, để mạnh mẽ kêu lên tiếng “Không” xác tín của chúng ta đối với mọi hình thức bạo hành nữ giới.

Chỉ riêng tại Italia hàng năm có hơn 100 phụ nữ bị nam giới sát hại, những người luôn luôn nói yêu họ. Đây quả là một tai ương, một bệnh xã hội như tống thống Matarella định nghĩa. Nhưng nếu phải kể tới các vụ bạo hành trong các gia đình, thì con số nạn nhân lên tới hàng  trăm ngàn. Thật vậy số phụ nữ bị sách nhiễu, bách hại, tấn công, đánh đập, lừa đảo lên tới hàng triệu. Theo các dữ kiện của Học viện thống kê quốc gia Italia, hầu như có tới 7 triệu phụ nữ đã gánh chịu một hình thức làm dụng bạo lực trong cuộc sống của mình. Bạo lực và sát hại nữ giới cũng không buông tha các thiếu nữ rất trẻ tuổi, như trường hợp của Noemi Durini 16 tuổi bị giết ngày mùng 3 tháng 9 vừa qua bởi người bạn trai đính hôn của mình 17 tuổi. Và vụ trả thù tàn bạo của người chồng cũ của bà Donatella Rago trên đứa con gái là Nicolina Pacini 15 tuổi, bị bắn chết ở một góc đường gần nhà.

Con số các phụ nữ bị sát hại không chắc chắn và có thay đổi, nhưng điều hiển nhiên là số phụ nữ bị giết chết bởi một người đàn ông mà họ đã có thời sống chung hay có các liên lạc tình cảm, không thuyên giảm. Trong năm 2016 đã có 120 phụ nữ bị sát hại. Cả trong năm 2017 tính trung bình cứ ba ngày lại có một phụ nữ  bị giết. Trong 10 năm qua tại Italia đã có 1.740 phụ nữ bị sát hại trong đó có 1.251 người bị giết trong gia đình, tức chiếm 71,9%. Theo Học viện thống kê Italia các vụ sát hại trong gia đình giảm từ 117 vụ năm 2014 xuống 111 năm 2015 và 108 năm 2016. Lý do của các vụ giết vợ này là các không hiểu và căng thẳng giữa vợ chồng,  ước muốn ly dị ly thân, và việc không được giữ con cái. Bà Maria Carla Bocchino, đặc trách phân bộ nữ giới và trẻ vị thành niên của Trung tâm cảnh sát quốc gia Italia, khuyên chị em phụ nữ đừng bao giờ chấp nhận “cuộc hẹn lần cuối”, vì nó là cái bẫy khiến cho phụ nữ bị chồng cũ hay tình nhân giết chết.

Hiện tượng theo đuổi sách nhiễu phụ nữ cũng là một tệ nạn gây âu lo. Tại Italia có 3 triệu 466 ngàn vụ phụ nữ bị một người nam theo dõi sách nhiễu bách hại trong cuộc sống. Trong số đó 16% thuộc lứa tuổi 16 tới 70. Trong số này có 2 triệu 151 ngàn bị chồng cũ sách nhiễu. Nhưng 78% các phụ nữ bị sách nhiễu, tức 8 trên 10 trường hợp, không kêu cứu tổ chức nào, và không tìm trợ giúp. Các cử chỉ vũ phu của nam giới gây ra các vết thương trầm trọng trên thân xác và âm hưởng đau đớn sâu đậm trong tâm hồn chị em phụ nữ. Thống kê cho biết 79,6% phụ nữ đã phải chịu các giao hợp tính dục họ không muốn, 77,8% bị tát, đấm, đá và cắn. Và trong rất nhiều trường hợp bạo hành trong gia đình ngay cả khi phụ nữ đang mang thai cũng không được thương xót, trái lại có tới 7,5% vì người vợ đang mang thai nên người chồng giận dữ hành hạ họ và đứa con trong bụng mẹ. Các thống kê cho biết việc bạo hành nữ giới là một hiện tượng lan tràn rộng rãi và da dạng, thường đi kèm các xúc phạm tâm lý, hay một tình trạng bị ức hiếp và xúc phạm đối với 4 trên 10 phụ nữ.

** Trong một đại hội về đề tài này ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá, cho biết hiện tượng giết phụ nữ nảy sinh từ một ý tưởng hiểu lầm về sự chiếm hữu. Với các sự vật người ta chiếm hữu, và nếu nó gây phiền hà thì người ta có thể đánh đuổi hay loại trừ. Ngày nay chúng ta hầu như không có khả năng có một tương quan giữa tôi và bạn, và tất cả trở thành  tôi và nó nơi tha nhân trở thành một đồ vật, và nếu họ quấy rầy tôi, thì tôi có thể loại trừ và chà đạp họ”.

Vẫn theo Học viện thống kê Italia có tới 21% phụ nữ, tức hơn 4,5 triệu người đã phải chịu các cử chỉ tình dục hạ thấp phẩm giá và gây nhục, các tương quan không đuợc mong muốn, và bị coi như bạo hành, lam dụng hay sách nhiều tình dục trầm trong như bị hãm hiếp và thử hãm hiếp. Một triệu 157 ngàn trong các hình thức trầm trọng nhất trong đó có 653 ngàn trường hợp bị hãm hiếp và 746 ngàn trường hợp bị thử hãm hiếp. Có tới 20,2 % các phụ nữ tuổi từ 16 tới 70, tức 4,3 triệu đã bị bạo hành thể lý, bị đe dọa, bị tát, bị đấm và đá. Có 1,5% đã mang thương tật nặng và vĩnh viễn vì bị bóp cổ, cháy bỏng và nghẹt thở. Trong số các phụ nữ đính hôn và là vợ có 37,6% đã phải mang các vết thương và 21,8% bị đau nhức thường xuyên.

Ngoài các bạo hành thể lý, chị em phụ nữ còn bị bạo hành trên bình diện tinh thần qua nhiều hình thức khinh rẻ, đánh giá thấp, và các dấu vết trên thân thể, và nhất là trong tâm thần. Một phần tư nữ giới nạn nhân không còn có thể tập trung đuợc nữa và mất trí nhớ. Nếu có tới 31,5% phụ nữ, nghĩa là hầu như một phần ba, đã chịu một hình thức bạo hành thể lý hay tính dục trong cuộc đời mình, thì sự mất quân bình quyền bính giữa nam nữ cũng đưa tới các hình thức kỳ thị trầm trọng, khiến cho nam giới đánh giá thấp, hạn chế, kiểm soát thể lý, tâm lý và kinh tế chị em phụ nữ. Có tới 40,4%, tức 8,3 triệu phụ nữ, đã là nạn nhân của bạo hành tâm lý từ phía chồng hay chồng cũ của mình. Bạo hành kinh tế bên trong gia đình từ phiá người chồng liên quan tới 4,5% nữ giới.

Bà Maria Teresa Amici, phó thư ký Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá, cho biết trước khi đi tới bạo hành luôn luôn có các triệu chứng. Và điều này lộ hiện ngay trong thời còn đi học, với sự thoái hoá trong tương quan giữa học sinh nam nữ. Vì thế hiển nhiên là cuộc chiến chính yếu chống nạn bạo hành nữ giới phải bắt đẩu từ học đường, và phải dậy cho học sinh biết xã hội bao gồm nữ giới và nam giới, với phẩm giá và các quyền bình đẳng như nhau.

** Nạn bạo hành phụ nữ cũng ảnh hưởng tiêu cực trên con cái. Sự kiện hằng ngày phải chứng kiến cảnh cha mẹ xung khắc, chửi bới, cãi nhau và đánh nhau khiến cho trẻ em bị chấn thương tâm thần có thể so sánh với việc lạm dụng thể lý và hành hạ tâm lý. Bà Simonetta Gentile, đặc trách tâm lý nhà thương Nhi đồng Chúa Giêsu Hài Đồng, cho biết số trẻ em phải chứng kiến cảnh người cha bạo hành trên bà mẹ gia tăng nhiều. Một đàng có khiá cạnh tồi bại từ phiá phụ huynh làm như thể cố ý cho các con chứng kiến cảnh bạo hành, mặt khác có hiện tượng thông truyền bạo hành, vì kẻ bạo hành đã là nạn nhân của các cảnh bạo hành trong gia đình. Trẻ em có thể phản ứng bằng nhiều cách thế như rút lui, tự cô lập. Nếu còn bé, nó cảm thấy như có lỗi vì không thể giải thích được phản ứng của mình, nhưng nếu nó lớn hơn một chút, thì sẽ có nguy cơ đồng hoá mình với kẻ bạo hành là người cha, và có các cung cách hành xử chống xã hội. Các trẻ em khó mà nói lên các tâm tình cuả chúng, và các bà mẹ không có khả năng xin trợ giúp, nhưng các thầy cô phải tinh ý, khi thấy các em không chú ý được, hay gặp khó khăn không hội nhập được với các trẻ em khác, hoặc có các thái độ khác thường, cần phải lượng định triệu chứng tâm lý, tình trạng tâm tình và tương quan trong gia đình của các em.

Các thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã bị bạo hành thể lý hay tính dục từ chồng mình hay từ một người đàn ông khác.  Thống kê cũng cho biết hai phần ba các nạn nhân các vụ giết người trong gia đình là phụ nữ. Trên thế giới chỉ có 119 nước đã phê chuẩn các  luật lệ chống bạo hành trong gia đình và 125 nước phê chuẩn luật lệ chống sách nhiều tình dục. Thống kê cũng cho biết sự kỳ thị giới tính trong công ăn việc làm. Số phụ nữ thất nghiệp bao giờ cũng cao hơn nam giới. Và nữ giới cũng lãnh lương chỉ bằng 70 tới 90% lương của nam giới, tuy họ làm cùng một việc như nhau.

Để chống lại nạn bạo hành phụ nữ chính quyền Italia đã thành lập các Trung tâm chống bạo lực và dành ngân khoản cho hoạt động này. Nhưng chỉ có 7 vùng có sổ sách chi tiêu rõ ràng cho các cơ cấu bảo vệ phụ nữ, còn các vùng khác rất mập mờ. Cũng không thiếu các luật chống lại nạn bạo hành nữ giới như luật số 93 sau đó trở thành luật 119 ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2013. Tuy nhiên, theo bà Cotrina Madaghiele, chủ tịch Hiệp hội nữ giới, cần xây dựng một nền văn hoá cách mạng, bắt đầu từ học đường. Ngày nay người ta có ý thức lớn hơn liên quan tới quyền của nữ giới, nhưng cũng có nhiều bạo lực ngấm ngầm, không bị tố cáo, vì sợ hãi hay vì thiếu ý thức. Nạn bạo lực trong gia đình phổ biến hơn người ta tưởng nghĩ, nhưng nó vô hình và không bị tố cáo. Luật 107 ban hành hồi tháng 7 năm 2015 khẳng định việc giáo dục sự bình đẳng giữa phái tính phải được dậy dỗ trong các trường học và mọi cơ sở giáo dục, để giúp các học sinh sinh viên biết tôn trọng và không kỳ thị nữ giới.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 04.10.2017)