Milan: Lời nhắn cho các linh mục, hãy giảng dạy phân định cho tất cả

Xin anh em giữ niềm vui rao giảng Tin Mừng

Đức Phanxicô dặn dò các linh mục: “Chúng ta hãy giữ niềm vui rao giảng Phúc Âm”. Ngài trích lời của Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) , ngài nói về niềm vui này, niềm vui của Giáo hội là niềm vui Phúc Âm. Trước đây, Đức Phaolô VI là Tổng Giám mục giáo phận Milan và Tông huấn Loan báo Tin Mừng của ngài là tài liệu mục vụ lớn nhất hậu-Công đồng, bây giờ tài liệu này vẫn còn hợp với thời sự.

Đức Phanxicô nhận xét cho thấy, các thách đố là tốt vì chúng bảo vệ đức tin khỏi rơi vào ý thức hệ. Ngài mời gọi chúng ta phân biệt giữa hiệp nhất và độc dạng (unité et uniformité), giữa đa dạng và thuyết nhiều thể (pluralité et pluralisme) và phải tin tưởng vào Thần Khí, “Đấng là thầy của sự khác biệt”. Và nhất là ngài khuyên bảo các linh mục phải dạy phân định cho dân Chúa ở tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt cho người trẻ ngày nay để họ biết phân định trong nền văn hóa dồi dào các khả thể, để họ nhận ra đâu là điều thật sự tốt đẹp và có giá trị.

Sau khi thăm các gia đình ở khu phố bình dân, Đức Phanxicô đến nhà thờ chính tòa Milan, cùng đi với ngài có Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục giáo phận Milan. Trước hết ngài đến viếng mộ Thánh Charles Borromée (1538-1584), sau đó ngài chào các tôn giáo khác nhau có mặt trong buổi họp này.

Tiếp đó một linh mục, một thầy phó tế vĩnh viễn, một nữ tu đã lên đặt câu hỏi cho ngài.

Linh mục Gabriele Gioia ở Milan đã nêu lên các thách đố của xã hội “đa nguyên, đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo”. Vậy đâu là các ưu tiên của xã hội? Hỏi xong cha Gioia nói: “Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con yêu cha, chúng con cầu nguyện cho cha”.

Sau đó Đức Phanxicô ra trước thềm nhà thờ đọc Kinh Truyền Tin với giáo dân, rồi ngài đến nhà tù San Vitore để ăn cơm trưa với các tù nhân. Ngài nghỉ một lát và tiếp tục chương trình, ngài dâng thánh lễ và gặp các người trẻ tại công viên De Monza.

Niềm vui của Giáo hội là rao giảng Tin Mừng

Đức Phanxicô đã trả lời bằng lời mở đầu ứng khẩu, sau đó ngài trả lời trên ba điểm đã chuẩn bị nhưng mỗi lần có thay đổi chút ít.

Trước hết ngài nói: “Cám ơn. Cám ơn. Ba câu hỏi đã được gởi đến cho cha. Chúng ta thường làm theo thủ tục như vậy. Bình thường, cha trả lời tự phát, nhưng lần này cha nghĩ với chương trình quá bận rộn của ngày hôm nay, tốt hơn cha nên viết trước để trả lời. Cha đã nghe câu hỏi của linh mục Gabriele Gioia. Cha đã đọc trước, nhưng khi nghe con nói, có hai ý tưởng đến trong đầu cha. Một là “bắt cá”. Con hiểu, rao giảng phúc âm không phải luôn luôn đồng nghĩa với “bắt cá”: là ra đi, ra khơi, làm chứng… Và rồi chính Chúa nói “bắt cá”. Khi mà chúng ta không biết ‘làm thế nào và ở đâu’. Đó là điều rất quan trọng. Và khởi đi từ thực tế này, chúng ta là những khí cụ, những khí cụ vô dụng. Một chuyện khác mà cha nêu ra, sự quan tâm mà cha nói ra cũng là sự quan tâm của tất cả anh em tu sĩ: đừng đánh mất niềm vui rao giảng Phúc Âm. Bởi vì rao giảng Phúc Âm  là niềm vui. Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Phaolô VI cao cả nói đến niềm vui này: niềm vui của Giáo hội là niềm vui rao giảng Phúc Âm. Tông huấn Loan báo Tin Mừng của ngài là tài liệu mục vụ lớn nhất hậu-Công đồng, bây giờ tài liệu này vẫn còn hợp thời. Và chúng ta phải xin ơn để đừng mất ơn này. Gần cuối tài liệu, Đức Phaolô VI nói với chúng ta: “Chúng ta hãy giữ niềm vui rao giảng Phúc Âm; chúng ta không phải là những người rao giảng chán nản, buồn hiu, như thế không ai nghe; một người rao giảng buồn hiu là người không tin chắc Chúa Giêsu là niềm vui, mà Chúa Giêsu lại mang đến cho mọi người niềm vui, và khi Ngài gọi mình, Ngài thay đổi đời mình và cho mình niềm vui, và Ngài gởi mình đi trong niềm vui, mà cũng trên thập giá, nhưng trong niềm vui để rao giảng Phúc Âm. Cha cám ơn con, Gabriele, đã nhấn mạnh những điểm con trình bày”.

Các thách đố giải phóng khỏi ý thức hệ

Sau đó Đức Giáo hoàng trả lời câu hỏi các thách đố: ngài thấy đây là phương thuốc chữa bệnh ý thức hệ.

“Một trong các suy nghĩ đầu tiên đến trong đầu cha là chữ “thách đố” mà con dùng: con nói có “quá nhiều thách đố”. Mỗi thời buổi lịch sử, từ thời đầu tiên của kitô giáo đến bây giờ, đều liên tục có các thách đố gấp bội. Các thách đố trong nội bộ hàng giáo sĩ, cho đến quan hệ với xã hội nơi từ đó đức tin được hình thành. Chúng ta nhớ lại thời Thánh Phêrô trong nhà ông Cornêlô ở Xêdarê (Cv 10, 24-35), hoặc các bất đồng ở Antioche rồi ở Giêrusalem về sự cần thiết hoặc không cần thiết phải cắt bì cho người lương dân (Cv 15, 1-6). Chính vì vậy chúng ta không nên sợ các thách thức. Có bao nhiêu lần chúng ta đã nghe các lời than phiền kiểu: “Thời buổi này có quá nhiều thách thức. Thật là buồn…” Không, chúng ta đừng sợ. Các thách thức phải xử lý như xử lý con bò, nắm bằng sừng. Đừng sợ thách thức. Và có thách thức là một điều tốt. Chúng là dấu chỉ của một đức tin sống động, một cộng đoàn sống động đi tìm Chúa với quả tim và đôi mắt mở rộng. Chúng ta nên sợ một đức tin không có thách thức, một đức tin được xem như hoàn hảo, trọn vẹn hoàn toàn: tôi không cần gì hết, tất cả đã được làm  xong. Và đó là điều chúng ta phải sợ. Và nó được xem như trọn vẹn, như thử tất cả đều đã được nói, được thực hiện. Các thách thức tác động để đức tin của chúng ta không trở thành ý thức hệ. Chúng cứu chúng ta khỏi một tư tưởng khép kín cố định, mở ra cho chúng ta một sự thông hiểu rộng lớn hơn cho điều đã được mặc khải. Như Hiến Chế Tín lý về Mạc Khải (Dei Verbum) đã khẳng định: “Như thế Giáo hội, khi các thế kỷ trôi qua, luôn hướng về sự sung mãn của sự thật thần thánh, cho đến khi hoàn tựu Lời Chúa trong Giáo hội” (8b). Và vì thế các thách thức giúp chúng ta mở ra với mầu nhiệm được mạc khải”. Và đó là chuyện đầu tiên cha ghi nhận khi nghe con nói.

Thần Khí là Thầy của sự khác biệt

Sau đó Đức Phanxicô đưa ra chìa khóa để hiểu thế giới đương thời, ngài “không lên án cũng không vinh danh”, ngài mời gọi chúng ta đừng lẫn lộn giữa “hiệp nhất và độc dạng”, cũng không lẫn lộn giữa “khác biệt và thuyết nhiều thể”: độc dạng và thuyết nhiều thể “không đến từ Thần Khí”.

“Suy nghĩ thứ nhì. Con nói đến một xã hội “ đa nguyên, đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, cha nghĩ Giáo hội, trong tất cả quá trình lịch sử của nó, đã nhiều lần dạy cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu về một văn hóa đa dạng dù chúng ta không ý thức.

Thần Khí là Thầy của sự khác biệt. Chúng ta hãy nhìn các giáo phận, các linh mục, các cộng đoàn của mình. Rất nhiều đặc sủng, rất nhiều cách để thể hiện kinh nghiệm sống đức tin. Giáo hội là Hiệp Nhất, trong kinh nghiệm đa hình thức khác nhau. Phúc Âm có bốn bản Phúc Âm. Như thế các phúc âm cho các cộng đoàn chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú thể hiện tác động của Thần Khí. Truyền thống giáo sĩ có rất nhiều kinh nghiệm để “xử lý” vô số chuyện trong lòng lịch sử và cuộc sống của mình. Chúng ta đã thấy và chúng ta đang thấy bao nhiêu là chuyện phong phú cũng như bao nhiêu là chuyện kinh hoàng và sai lầm. Và tại đây, chúng ta có một chìa khóa tốt để giúp chúng ta hiểu thế giới hiện đại. Không lên án nó cũng không vinh danh nó. Nhưng là biết các khía cạnh sáng cũng như tối. Và để giúp chúng ta phân định các quá độ của độc dạng hay thuyết duy tương đối: hai khuynh hướng tìm cách xóa đi sự hiệp nhất các khác biệt và sự tương tác lệ thuộc qua về. Bao nhiêu lần chúng ta đã lẫn lộn hiệp nhất với độc dạng? Đó không phải là cùng một chuyện. Bao nhiêu lần chúng ta lẫn lộn đa dạng và thuyết nhiều thể? Đó không phải là cùng một chuyện. Độc dạng và thuyết nhiều thể không đến từ tinh thần tốt: nó không đến từ Thần Khí. Ngược lại hiệp nhất và đa dạng đến từ Thần Khí. Trong hai trường hợp này, điều chúng ta đi tìm là làm giảm căng thẳng, xóa đi mâu thuẫn hay mập mờ mà thân phận con người của chúng ta thường hay bị. Tìm cách loại một trong các lực gây căng thẳng là loại đi cách Chúa muốn mặc khải cho nhân loại qua Con Thiên Chúa. Tất cả những gì không cáng đáng được bi kịch con người có thể là một lý thuyết rất rõ ràng và riêng biệt nhưng nó không nhất quán với Mặc khải và vì thế là không tưởng. Đức tin, để là đức tin kitô và không hão huyền và ở trong khuôn tiến trình này: tiến trình con người mà không làm giảm thiểu chúng. Và đó cũng là một căng thẳng đẹp và đòi hỏi mà Chúa giao phó cho chúng ta, cái “đã có và chưa có” của Ơn Cứu Rỗi. Và điều này rất quan trọng: hiệp nhất trong các khác biệt. Đó là một căng thẳng, nhưng một căng thẳng làm chúng ta lớn lên trong Giáo hội.

Dạy cho trẻ con, người trẻ, người lớn biết phân định

Trong phần thứ ba câu trả lời của ngài, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc dạy phân định cho toàn dân Chúa.

“Một chuyện thứ ba. Có một chọn lựa mà trong cương vị mục tử của chúng ta, chúng ta không thể trốn tránh: đó là đào tạo phân định. Phân định những chuyện có vẻ như chống đối, hay bị chống đối để biết khi có một căng thẳng, một chống đối, cái nào đến từ Thần Khí, cái nào đến từ thần dữ. Như cha có thể hiểu trong câu hỏi, sự đa dạng có thể rất khó nhận diện. Văn hóa thừa mứa cho chúng ta rất nhiều khả thể, giới thiệu chúng như tất cả đều tốt, đều có giá trị. Các người trẻ của chúng ta liên tục thay đổi trang mạng (zap). Các em có thể lướt trên hai hay ba màn hình cùng lúc, có thể tương tác cùng lúc qua các mạng ảo khác nhau. Dù muốn hay không, đó là thế giới các em trẻ bây giờ thấm nhập vào, bổn phận mục tử chúng ta là giúp các em đi qua thế giới này. Chính vì vậy cha thấy phải dạy cho các em phân định, để chúng có các yếu tố, các dụng cụ giúp chúng hành trình trong đời sống mà không làm tắt đi Thần Khí trong lòng các em. Trong một thế giới không có khả năng chọn lựa hay có ít khả năng chọn lựa, có thể những chuyện sẽ rõ hơn, cha không biết. Ngày nay, các tín hữu của chúng ta và cả chính chúng ta, chúng ta đứng trước thực tế này và vì vậy, cha tin chắc, hàng ngũ giáo sĩ chúng ta phải tăng thói quen phân định. Và đây là một thách thức, chúng ta cần ơn phân định để học thói quen phân định. Ơn này, trẻ con người lớn tất cả đều cần. Khi còn nhỏ, việc này dễ dàng vì cha mẹ chỉ thị cho chúng ta những gì phải làm, ngày nay cha nghĩ không còn dễ, vào thời của cha thì dễ, bây giờ thì cha không biết, nhưng dù sao thì cũng không còn dễ. Nhưng dần dần khi chúng ta lớn lên, giữa vô số tiếng nói mà bề mặt có vẻ như tất cả đều có lý, phân định những gì dẫn đến sự Sống Lại, đến Sự Sống, chứ không phải dẫn đến văn hóa của sự chết, là điều tối quan trọng. Chính vì thế cha nhấn mạnh đến sự sự cần thiết này. Đó là dụng cụ cho giáo huấn và cũng cho sự sống. Trong các bài học giáo lý, trong hướng dẫn thiêng liêng, trong các bài giảng, chúng ta phải dạy phân định cho trẻ em, cho người trẻ, cho người lớn, cho giáo dân biết phân định. Và dạy cho họ xin được ơn phân định.

Về vấn đề này, cha xin các con đọc đoạn “Sứ vụ thể hiện trong các giới hạn của con người” (40-45) trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Và đây là điểm thứ ba cha trả lời cho con. Đây là những chuyện nhỏ, có thể giúp con suy nghĩ về các câu hỏi và đối thoại giữa các con. Cha cám ơn con rất nhiều”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch