Lời Chúa: Thứ Sáu Tuần XIX Mùa Thường Niên

Có được phép rẫy vợ không?

Thứ Sáu Tuần XIX Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 

 Mt 19,3-12

3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói : “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” 4 Người đáp : “Các ông không đọc thấy điều này sao : “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”, 5 và Người đã phán : “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người : “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?” 8 Người bảo họ : “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết : Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” 10 Các môn đệ thưa Người : “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng Người nói với các ông : “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mt 19,5)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Vấn đề ly dị:
Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”:
 
Khi đó có hai lập trường; lập trường của phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng; lập trường của phái Shammai thì khắc khe hơn, chỉ chấp nhận ly dị trong rất ít trường hợp. Biệt phái biết vấn đề này gay go nên tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài trả lời thế nào thì cũng bị kết án: hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.
 
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”.
 
Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1; Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.
 
Chúa Giêsu nhận định về câu Đnl đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn không hủy bỏ được định chế hôn nhân.
 
Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. Sống độc thân hay lập gia đình không phải thuần túy thuộc ý muốn của con người  nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn độc thân hay lập gia đình. Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra nhưng là tình thương, Là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người (Mỗi ngày một niềm vui).
 
2. Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Rôma thời xưa, đó là đền thờ dâng kính nữ thần hòa giải. Khi hai vợ chồng bất hòa người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (Mỗi ngày một tin vui).
 
3. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
 
“”Rầm”.” cái ti vi vật dụng cuối cùng bị đập vỡ, tiếp đó là tiếng cãi vã, xô sát của hai vợ chồng. Những tiếng khóc đầy sợ hãi của mấy đứa trẻ:
 
Hu, hu! Ba má ơi đừng đánh nhau nữa! ! !
 
Hu, hu! Ba má ơi đừng bỏ tụi con! !
 
Thì ra ba má chúng nò sắp ly dị. Đó là tất cả những gì mà tôi đang chứng kiến ở một gia đình hành xóm.
 
Hôn nhân là một phép Bí tích mà Thiên Chúa ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Đây chính là cái đích thực của hôn nhân và trong, cái đích thực đó con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách chân thiện mỹ.
 
Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân khác nào một cuộc chơi, thích thì lấy nhau không thích thì ly dị.
 
Lạy Chúa, xin cho tất cả những người đang sống đời hôn nhân biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ đã cam kết, và giây phút hôn phối mà Chúa đã kết hợp, ràng buộc họ. (Hosanna).
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ tình hiệp nhất. Qua bí tích Thánh thể chúng con được nên một trong Chúa và hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chúng con cám ơn Chúa đã liên kết chúng con thành một gia đình của Chúa. Xin Chúa gìn giữ tình huynh đệ của chúng con để chúng con luôn sống đùm bọc và yêu thương nhau. Cách riêng trong đời sống hôn nhân, xin cho tất cả những ai đang sống đời hôn nhân biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ đã cam kết, và giây hôn phối mà Chúa đã kết hợp họ nên một gia đình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, như hạt lúa bì nghiền nát để kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu. Xin dâng lên Chúa những hy sinh trong đời sống vợ chồng, những chén đắng chua cay, những gian truân vất vả trong khi chu toàn bổn phận gia đình. Xin cho các gia đình biết dâng hiến lễ hy sinh đời mình để kết hợp với hy tế thập giá của Chúa để sinh ơn cứu độ cho bản thân và gia đình.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn bao dung độ lượng, luôn hy sinh quên mình. Xin cho các đôi vợ chồng biết hy sinh cho nhau, tha thứ cho nhau, hầu thắp sáng niềm tin yêu, hy vọng cho gia đình mãi êm ấm thuận hòa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Xem thêm:

Bài đọc 1: Gs 24,1-13

1 Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa. 2 Ông Giô-suê nói với toàn dân : “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này : ‘Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Te-rác là cha của Áp-ra-ham và của Na-kho, đã phụng thờ các thần khác. 3 Ta đã đem cha các ngươi là Áp-ra-ham từ bên kia Sông Cả mà dẫn đi khắp đất Ca-na-an. Ta đã cho dòng dõi nó nên đông đúc và ban I-xa-ác cho nó. 4 Ta đã ban Gia-cóp và Ê-xau cho I-xa-ác. Ta cho Ê-xau chiếm hữu núi Xê-ia. Còn Gia-cóp và các con thì xuống Ai-cập. 5 Ta đã sai Mô-sê và A-ha-ron đi ; Ta đã dùng những việc Ta làm ở Ai-cập mà đánh phạt nước ấy, rồi Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đó. 6 Ta đã đưa cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập và các ngươi đã tới biển. Người Ai-cập, với chiến xa và kỵ binh, đuổi theo cha ông các ngươi cho đến Biển Sậy. 7 Họ kêu lên ĐỨC CHÚA ; Người cho sương mù sa xuống giữa các ngươi và người Ai-cập, Người cho biển ập xuống vùi lấp chúng đi. Mắt các ngươi đã chứng kiến những việc Ta đã làm ở Ai-cập. Các ngươi đã ở lại lâu ngày trong sa mạc. 8 Ta đã đem các ngươi vào đất người E-mô-ri. Chúng ở bên kia sông Gio-đan. Chúng đã giao chiến với các ngươi, nhưng Ta đã nộp chúng vào tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm đất của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mắt các ngươi. 9 Rồi Ba-lác, con của Xíp-po, vua Mô-áp, đã đứng lên giao chiến với Ít-ra-en. Ba-lác đã cho mời Bi-lơ-am, con của Bơ-o, đến nguyền rủa các ngươi. 10Nhưng Ta đã không muốn nghe Bi-lơ-am. Nó đã phải chúc phúc cho các ngươi, và Ta đã giải thoát các ngươi khỏi tay Ba-lác. 11 Các ngươi đã qua sông Gio-đan và tới Giê-ri-khô. Những người làm chủ Giê-ri-khô giao chiến với các ngươi : đó là người E-mô-ri, Pơ-rít-di, Ca-na-an, Khết, Ghia-ga-si, Khi-vi và Giơ-vút. Nhưng Ta đã nộp chúng vào tay các ngươi. 12 Ta đã thả ong bầu bay đi trước các ngươi ; chúng đuổi hai vua E-mô-ri đi cho khuất mắt các ngươi ; chính ong bầu chứ không phải cung kiếm của (các) ngươi đã đuổi chúng. 13 Ta ban cho các ngươi đất (các) ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn.'”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)