Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần V Thường Niên

Phép lạ

Thứ Bảy Tuần V Thường Niên, T.Scholastica, trinh nữ (N)
Lời Chúa: 

 Mc 8,1-10

1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2 “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” 5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. 8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! 9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!” (Mc 8,2)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Trong quyển Tin Mừng  thánh Mác Cô và thánh Mát Thêu, có tới hai phép lạ hóa bánh ra nhiều, một xảy ra ở vùng đất Do Thái, một xảy ra ở vùng đất lương dân. Phép lạ “lần thứ hai” xảy ra ở vùng đất lương dân có vài chi tiết đáng chú ý:
 
Không nhắc tới con cá, chỉ nhắc tới bánh thôi.
 
Số lượng bánh ban đầu là 7 cái.
 
Số người ăn là 4 ngàn.
 
 Số bánh dư là 7 giỏ.
 
Những con số 7 và 4 là những con số tượng trưng cho lương dân: các thành phố Hylạp có một hội đồng quản trị gồn 7 thành viên, người ngoại thường có “bốn phương trời”, “tứ hải giai huynh đệ”…
 
Như thế ý nghĩa chính của phép lạ này là: Chúa Giêsu không chỉ ban lương thực cho người Do Thái mà còn cho lương dân.
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm) 
 
1. Thấy dân chúng đói khát, Chúa Giêsu động lòng thương, Ngài không muốn họ nhịn đói mà về, sợ họ bị xỉu dọc đường. Tấm lòng của Chúa Giêsu là thế và mãi mãi là thế, ngày xưa là thế mà ngày nay vẫn là thế.
 
Lạy Chúa, con đang đói, con sắo xỉu dọc đường, xin nhìn đến con.
 
2. Phép lạ này là hình bóng của Bí tích Thánh Thể. Và như thế, qua phép lạ “lần thứ hai” này, Chúa Giêsu có ý muốn cho lương dân cũng được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh thể của Ngài. Nhưng thực tế là ngày nay, còn biết bao nhiêu người cưa được hưởng thứ lương thực tuyệt vời ấy!
 
Ý thức xã hội đã tăng, nên ngày nay các Kitô hữu đã biết lưu ý đến những người nghèo đói vật chất, nhưng chúng ta có biết xót xa khi thấy những người đói khát tinh thần, những người chưa được ăn bánh của Chúa không?
 
3. Chúa Giêsu làm phép bánh xong, Ngài không đích thân phân phát mà trao cho các môn đệ để các ông phân phát. Nghĩa là tuy Chúa có thể ban bánh cho lương dân, nhưng Ngài muốn chúng ta góp phần mình vào đó. mỗi khi chúng ta xin Chúa điều gì thì đừng chờ Chúa làm tất cả mà hãy cùng làm với Chúa theo điều ta đã xin.
 
4. “Người cầm lấy bảy chiếc bánh dâng lời tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra, và các ông đã dọn ra cho đám đông” (Mác Cô 8,6)
Một lần nọ, khi dừng xe ở ngã tư vì đèn đỏ, tôi bất chợt thấy hai đứa trẻ nghèo ngồi bên vệ đường, bẻ đôi chiếc bánh cho nhau và cùng ngồi ăn cách ngon lành. bỗng dưng tôi cảm thấy xúc động. Nhìn lại bản thân, tôi mới nhận ra rằng lâu nay mình sống trong “tháp ngà” và bàng quang với mọi chuyện trong thiên hạ. Chỉ tích lũy và thu vén cho bản thân hơn là cảm thông chia sẻ cho mọi người.
 
Tôi thực sự là kẻ nghèo và vẫn nghèo bao lâu chỉ biết thu vén và tích luỹ mà không biết cho đi, dù chỉ là ánh mắt trìu mến, một nụ cười cảm thông hay “bẻ đôi tấm bánh”
 
Lạy Chúa, xin cho con thâm tín rằng mình chỉ thực sự hạnh phúc khi biết học biết “bẻ đôi tấm bánh” hay chia sẻ với mọi người anh em. (Epphata)
 
5. Mầm khác.
Một chút lòng quảng đại
 
Truyện cổ Do Thái kể câu truyện: có ông vua nọ cho tổ chức một bữa tiệc khoản đãi các triều thần, nhưng có một chi tiết mà ông muốn các thực khách biết trước, đó là sẽ không có rượu trong bữa tiệc; bù lại, ông đề nghị mỗi người mang một chút rượu riêng của mình trong một chai nhỏ, chút rượu này sẽ được đổ vào một chum lớn và sẽ được mang ra dùng trong bữa tiệc.
 
Khai mạc bữa tiệc, nhà vua truyền cho gia nhân mang chum rượu ra mời thực khách. Thế nhưng, thay vì rượu, ai ai cũng chỉ nếm được nước lã mà thôi; dù vậy, không thực khách nào tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì đó là nước mà họ đã đổ vào chum. Bởi vì trước khi đi dự tiệc, người nào cũng nghĩ trong lòng rằng một chút rượu nhỏ của mình có thấm vào đâu; ai cũng nghĩ thế, cho nên cuối cùng, ai cũng chỉ đem theo nước mà thôi.
 
Truyện khác
 
Có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng bà góa này cho biết, trong nhà bà không có gì để ăn cả.
 
Người lạ mắt nói:
 
– Không sao, tôi có mang theo một phiến đá. Phiến đá này có thể biến nước lã thành một thứ cháo tuyệt vời. Vậy xin bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn.
Thấy ngưòi lạ mặt nói có vẻ thành thật, bà góa kia đi lấy một nồi lớn, bắc lên bếp, rồi đổ nước đầy nồi. Nhóm bếp lên để nấu nồi nước xong, bà chạy qua các bà hàng xóm kháo láo nhau về hòn đá lạ lùng của người lạ mặt đang ở nhà bà. Thế là người này truyền miệng người kia. Một lát sau, người ta kéo đến nhà bà góa kia đông nghẹt. Trước những đội mắt mở to vì tò mò, người lạ mặt lấy ra từ trong bị của ông ta, một hòn đá, rồi trịnh trọng bỏ vào nồi nước lúc này đang sôi. Ông ta lấy chiếc đũa giá lớn, quậy nồi nước lên. Một lát sau, ông lấy một muỗm nhỏ, múc nước ở trong nồi, đưa lên miệng thổi cho nguội đi để nếm, vừa nếm ông vừa hít hà nói : Thật là tuyệt vời. Nhưng nếu giá có thêm một ít khoai bỏ vào nữa, thì còn tuyệt hơn nhiều.
 
Nghe người lạ mặt nói thế, một người đàn bà có mặt lên tiếng:
 
– Nhà tôi có khoai.
 
Nói xong, bà vội chạy về nhà, đem đến một rổ khoai lang. Người lạ mặt cho những miếng khoai đã được gọt rửa, rồi xắt nhỏ, bỏ vào nồi cháo. Ông ngồi đó để quậy nồi cháo. 
 
Một lát sau, ông lại lấy muỗm múc ra để nếm thử, rồi nói:
 
– Tuyệt lắm rồi. Nhưng giá có thêm một chút thịt thì ngon hơn nhiều.
 
Nghe nói thế, một bà có mặt ở đó, mà nhà làm thịt heo, đã chạy về nhà đem đến mấy miếng xương heo còn ế không bán được. 
 
Người lạ mặt bỏ những miếng xương kia vào nồi, rồi lại ngồi đó quậy nồi cháo một hồi lâu.
 
Trước những con mắt chờ đợi để xem sự lạ, người lạ mặt lại múc cháo nếm thử, rồi nói:
 
– Bây giờ thì chúng ta có thể thưởng thức nồi cháo này được rồi. Nhưng giá có thêm một ít hành ngò và một chút tiêu nữa thì tuyệt hảo.
 
Thế rồi người ta cũng đã đem hành, ngò, tiêu đến..Sau khi đã bỏ những thứ này vào nồi cháo, người lạ mặt bảo bà góa chủ nhà, hãy lấy bát múc cho mọi người ăn thử. Trong khi mọi người đang vui vẻ nếm thử cháo đá, thì người lạ mặt đã lẻn đi mất.
 
Mẩu truyện hài hước trên đây giúp chúng ta xác tín về sự đóng góp của chúng ta vào những phép lạ mà Chúa vẫn không ngừng làm cho loài người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu làm cho 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, hoá ra nhiều, để cho chừng 4000 người ăn no nê mà còn dư  7 thúng nữa.
 
Thực ra, với quyền phép của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể từ không, làm ra bánh và cá để cho dân chúng ăn. Thế nhưng Ngài đã không làm như thế, mà Ngài lại lấy mấy chiếc bánh và mấy con cá của một người nào đó trong đám dân chúng để làm phép lạ bánh và cá hoá nhiều.
 
Hẳn là khi trao những chiếc bánh và những con cá này cho Chúa Giêsu, người chủ của những thứ này phải có một lòng quảng đại, biết nghĩ đến người khác,  chứ không chỉ bo bo giữ cho mình, giữa lúc mọi người đang đói.
 
Thế là với một sự đóng góp nhỏ nhặt của một người, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể là hoá bánh ra nhiều để nuôi cả ngàn người.
 
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 

Xem thêm:

Bài đọc 1: 1V 12,26-32; 13,33-34
26 Vua Gia-róp-am nghĩ bụng rằng: “Rồi vương quốc lại trở về nhà Đa-vít mất thôi! 27 Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ ĐỨC CHÚA ở Giê-ru-sa-lem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Rơ-kháp-am vua Giu-đa, và họ sẽ giết ta để trở về với Rơ-kháp-am vua Giu-đa.” 28 Sau khi quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân: “Các ngươi lên Giê-ru-sa-lem như thế là đủ rồi! Này, Ít-ra-en, Thiên Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” 29 Vua đặt một tượng ở Bết Ên, còn tượng kia ở Đan. 30 Đó là nguyên cớ gây ra tội, vì dân đi tới mãi tận Đan để thờ một trong hai tượng đó. 31 Vua thiết lập những nơi cao và đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con cháu Lê-vi. 32 Vua Gia-róp-am còn lập một lễ vào ngày mười lăm tháng tám, giống như lễ vẫn mừng ở Giu-đa, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế tại Bết Ên mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Bết Ên các tư tế để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập.
33 Sau sự việc này, vua Gia-róp-am cũng không chịu bỏ đường lối xấu xa của mình, nhưng vẫn cứ đặt những người dân thường làm tư tế tại các nơi cao. Ưa ai thì ông phong làm tư tế tại các nơi cao. 34 Sự việc này là nguyên cớ cho nhà Gia-róp-am phạm tội, rồi bị sụp đổ và tiêu ma khỏi mặt đất.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)