Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần thứ 25 Thường Niên

Cùng nhịp đập với trái tim người khác

 
 
Thứ Bảy Tuần thứ 25 Thường Niên
Lời Chúa: 

Lc 9,43b-45

Người nói với các môn đệ : 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

 

Đức Giêsu nói với các môn đệ “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó. (Lc 9,44b-45a)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.

– Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.

– Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này, “nhưng các ông không hiểu”

– Dù không hiểu, nhưng “các ông không dám hỏi”.

B. Suy niệm (… nảy mầm)

1. Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái, Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.

Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo.”

2. “Nhưng các ông không hiểu”: chúng con cũng chẳng hiểu. Tại sao con phải đau khổ? Tại sao Chúa để Giáo Hội gặp nhiều khó khăn? Tại sao kẻ làm lành mà lại bị thiệt thòi? Tại sao thế này, tại sao thế nọ? Tuy nhiên chúng con nhớ là Chúa đã bảo phải như thế!

3. “các ông không dám hỏi”: chúng ta đừng làm như các môn đệ xưa. Khi không hiểu về Thập Giá, chúng ta cứ hỏi Chúa. Ngài sẽ trả lời  “Vì Thầy yêu thương chúng con. Thầy muốn chúng con chia sẻ thân phận của Thầy.”

4. Xem chừng như tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác: vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết chết đứa con trong lòng mình; vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ chết cách êm dịu; vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hoả ngục là như thế đó. Đau khổ mà không chấp nhận, không có tình yêu thì chỉ là hoả ngục mà thôi.

5. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ‘Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’. Nhưng các ông không hiểu lời đó” (Lc 9,44-45).

Từ khi vợ mất, ông lão dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Nhưng, hình như ông đã già lắm rồi thì phải. Ít ra, thái độ của cô con gái khiến ông cảm thấy như thế.

Đã thành lệ, mỗi buổi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi một mình. Con gái ông còn bận “ngoại giao” bên hàng xóm hoặc vòng vòng ngắm nghía phố thị. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn. Vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được một người dân chài vớt lên.

Đã bao lần tôi là thế, vô tư với nỗi niềm của người bạn bên cạnh tôi, những Giêsu của ngày hôm nay. Họ cũng đang cần sự cảm thông của tôi như Giêsu ngày xưa, tìm kiếm sự đồng cảm nơi các môn đệ.

Gương tốt truyền giáo

Người ngoại đạo không theo đạo vì người tín hữu Kitô không giống như Chúa Giêsu.

Indira, đến gặp vị đạo sĩ và thưa:

-Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một vị thần linh để tôi tôn thờ và một tôn giáo để sống theo.

Đạo sĩ liền đưa Indira đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một căn phòng riêng. Vị đầu tiên họ gặp là thần Bada, đạo sĩ Makia giới thiệu: đây là vị thần đã hứa sẽ cất mất sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Indira lắc đầu xin được sang căn phòng khác. Đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: đây là vị thần có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Indira khẽ ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác. Cuối cùng, hai người đến trước một người đang bị treo trên thập giá, Indira tò mò hỏi?

– Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế này?

Đạo sĩ chậm rãi trả lời:

– Đây là Chúa Giêsu của những người Kitô.

Với chút xúc động lộ trên nét mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để được trở thành đồ đệ bị treo trên Thập Giá. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi lại:

– Này anh, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần đã gặp lúc đầu, một đề nghị cất bớt sự đau khổ, một đề nghị tránh khỏi đau khổ, anh không thích người nào cả, thế nhưng tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chịu treo nhục nhã trên Thập Giá này?

Đến phiên Indira giải thích cho vị đạo sĩ Makia:

– Hứa cất bớt sự đau khổ trên là lời nói suông. Người ta không thể nào cất mất đi được sự đau khổ trên trần gian này. Dạy con người tránh sự đau khổ là dạy người ta sống khiếp nhược tránh né. Người ta sẽ không bao giờ tránh được đau khổ, tránh được đau khổ này thì đau khổ khác sẽ đến. Nhìn vào vị Chúa của người Kitô, chấp nhận sự đau khổ như vậy, con người được mời gọi hiểu ý nghĩa của sự đau khổ và chấp nhận nó. Và một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ thì niềm vui và an bình có thể trổ sinh trên thế giới không mấy tốt đẹp này. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy bị thu hút bởi Đấng bị treo trên Thập Tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ hãy đưa tôi đến nơi những người Kitô đang sống, để được trở thành người Kitô.

Vị đạo sĩ hướng dẫn Indira đến nhà thờ của những người Công giáo để xin lãnh Bí tích Rửa tội. Nhưng khi bước vào làng, hai người đã thấy cảnh không tốt đẹp: nào là nhóm những người đang cãi lộn với nhau; nơi khác thì cầm dao sắp giết nhau; ngay chỗ công cộng thì vang lên những lời nói tục tằn, vô lễ;  bảng “coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng. Indira hỏi vị đạo sĩ:

– Đây là đâu? Vị đạo sĩ trả lời:

– Đây là làng của người Công giáo.

Vừa nghe những lời này, Indira vội vàng giục vị đạo sĩ: “Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin ở Đấng chịu đóng đinh trên Thập tự, nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô hữu nữa.”

Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình, xem mình đã sống lời dạy của Chúa đến mức độ nào. Mỗi người chúng ta cần ơn Chúa để canh tân đời sống. Công thức canh tân là làm cho người Công giáo trở lại đạo Công giáo, làm cho người Kitô trở lại với Chúa Kitô.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Người ta vẫn thường nói rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Cuộc đời cần có những con người biết hy sinh, biết quên mình tự hiến vì anh em. Cuộc đời sẽ thêm gánh nặng nếu chúng con chỉ biết chọn việc nhẹ nhàng và đùn đẩy trách nhiệm cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa, biết cho đi mà không tính toán, biết quên mình để được phần phúc đời sau, biết quên lợi danh để mua lấy Nước trời mai sau.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho nhân loại chúng con, vì có quá nhiều người thiếu hy sinh mà làm hại tha nhân, mà gây nên bao điều tai ác. Vì thiếu hy sinh mà biết bao bà mẹ đã đang tâm giết hại các thai nhi. Vì thiếu hy sinh mà biết bao người đã bỏ rơi cha mẹ, vợ chồng, anh em đang lâm cảnh bệnh tật, cơ hàn. Vì thiếu hy sinh mà chúng con đã trở nên gánh nặng cho gia đình, cho cộng đoàn chúng con đang sống. Xin Chúa hãy sửa đổi cách sống của chúng con. Xin cho chúng con hiểu rằng giá trị của cuộc sống không phải là những gì mình có, mà là những gì mình cống hiến cho tha nhân. Cuộc đời chúng con càng có giá trị khi chúng con càng biết quên mình phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời hy sinh và phục vụ mọi người. Chúa đã trở nên cao cả qua cái chết cứu độ trần gian. Xin giúp chúng con can trường sống hy sinh và vị tha như Chúa. Amen.

(Lm. Jos Tạ duy Tuyền)

Xin mời xem thêm:

Bài đọc 1:

Gv 11,9;12,8

Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ : cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng : về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử. Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !”

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)