Lời Chúa: Thứ Bảy tuần 24 Thường Niên năm C

Gieo giống

 
 
Thứ Bảy tuần 24 Thường Niên năm C
Lời Chúa: 

Lc 8, 4-15

4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng : 5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng : “Ai có tai nghe thì nghe.” 9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp : “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. 11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. (Lc 8,15)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Dụ ngôn người gieo giống:

Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí của người gieo giống: gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng hạt giống nảy mầm rất ít.

Cũng hãy để ý đến loại đất xấu:

a/ Đất vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay;

b/ Đất đá sỏi là người không kiên trì trong gian nan thử thách;

c/ Đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

Đất tốt là “những người nghe với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy Lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

B. Suy niệm (…Nẩy mầm)

1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này: không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nên nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc quan, hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.

2. Hãy suy nghĩ kỹ những điều kiện làm cho hạt giống nảy mầm:

  – “Nghe Lời với tấm lòng tốt và thiện hảo”: lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.

  – “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn”: Không bỏ cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách; không để mình phân tâm vì những đam mê việc đời.

3. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc: bàn tiệc Thánh Thể và bà tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải chỉ trong Thánh lễ, mà còn trong lúc suy gẫm, lúc đọc Thánh kinh.

4. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đọan kinh trong Bagayad Gita. Người phụ trách đọc đoạn kinh này là một nhà đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho nhà vua nghe. Và ngày nào ông cũng hỏi: “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa giải thích không?”. Nhưng lần nào vua cũng trả lời: “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”. Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi điều đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết định từ bỏ mọi sự mà lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với vua: “Tâu bệ hạ, thề là cuối cùng hạ thần đã hiểu được” Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý là thực thi chân lý”. (Góp nhặt)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ở cùng chúng con luôn mãi qua bí tích Thánh Thể. Chúng con cảm tạ Chúa đã gieo vào cuộc đời chúng con biết bao tình thương và ân sủng của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa còn gieo vào tâm hồn chúng con sự sống phục sinh vĩnh cửu của Chúa. Chúng con xin cảm tạ và tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những sỏi đá, gai góc, nắng hạn trong cuộc đời chúng con. Tâm hồn chúng con còn những sỏi đá như ung nhọt đang làm băng hoại tâm hồn chúng con qua những mối tội đầu. Tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những đam mê mù quáng, những hưởng thụ bất chính. Và cuộc đời chúng con còn những lối mòn của thói quen phạm tội, những bước chân lầm lạc đã dẫn chúng con xa rời tình thương của Chúa. Xin Chúa hãy mưa xuống hồng ân làm mới lại tâm hồn chúng con bằng ân sủng của Chúa. Xin giúp chúng con biết cải thiện đời mình như thuở đất tốt để hoa trái thánh thiện, công bình, bác ái được triển nở trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu, xin tình yêu Chúa hướng dẫn chúng con đi trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Amen.

(Lm. Jos Tạ duy Tuyền)

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 35-37. 42-49

“Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng. Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: “Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
 

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)