Lời Chúa: Thứ Bảy đầu tháng. Tuần 1 Mùa Vọng năm A

Hãy đi rao giảng Tin Mừng

 
 
Thứ Bảy Tuần Thứ I Mùa Vọng, thánh Phanxicôxavie, linh mục, lễ kính
Lời Chúa: 

Mt 9,35 – 10,1.6-8

35Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 36Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

1Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 6Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. 7Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. 8Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
 
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

 

Hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần (Mt 10,7)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích ( Hạt giống …)

Đoạn Tin Mừng hôm Thứ Tư (Mt 15,29-37) đã cho ta biết 2 hoạt động của Chúa Giêsu vì “chạnh lòng thương” dân chúng, đó là cứu chữa những người bệnh và nuôi những người đói.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết thêm một hoạt động nữa của sự “chạnh lòng thương” ấy, đó là sai các tông đồ của mình đi truyền giáo cho dân chúng.

B. Suy niệm ( … nảy mầm)

1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn Tin Mừng: “Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin.”

2. Khi thấy dân chúng lầm than như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” nên sai các tông đồ đi loan Tin Mừng cho họ. Chỉ khi nào chúng ta “chạnh lòng thương” trước những người lương thì chúng ta mới hăng say loan Tin Mừng cho họ.

3. “Chúa Giêsu phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân.”

4. “Thấy đoàn lũ bơ vơ”: Cái thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đáng chúng ta chiêm ngắm. Một cái nhìn bao la bát ngát, “mình vì mọi người”, khác hẳn cái nhìn thiển cận, bo bo ích kỷ chỉ lo thu quén cho bản thân của chúng ta.

5. “Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)

“Trước đây tôi không phải là một kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi bệnh AIDS. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại.”

Chính sự cảm thông đã bừng lên niềm hy vọng và làm sống lại một cuộc đời tưởng như đã bế tắc.

Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng.

6. Hồi đó, Hoàng Đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và được toàn dân rất mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo khổ, lần mò các bậc thang để xuống tận dưới hầm tối của lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hàng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.

Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ: ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:
– Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân ngèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất qúi mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.
– Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp:
– Tâu Hoàng Thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng Thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao qúi nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là Hoàng Thượng đừng bao giờ lấy lại món qùa quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tình yêu. Trái tim Chúa luôn động lòng trắc ẩn trước biết bao cơ cực của nhân trần. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để có cái nhìn cảm thông, yêu thương với tha nhân. Xin Mình Máu Thánh Chúa hòa tan trong chúng con để chúng con mang hơi ấm tình thương của Chúa đến cho những mảnh đời bất hạnh bên lề đường.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, mùa Vọng luôn mời gọi chúng con sửa lại lối đi. Lối đi có những cỏ dại ven đường là những đam mê bất chính. Lối đi có những đá tảng gồ ghề là những kiêu căng tự mãn. Lối đi có những ngã rẽ không đến được với tha nhân, khiến chúng con chỉ sống trong ngõ cụt của ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con can đảm sửa lại cách sống của mình cho phù hợp với lối đường của Chúa. Xin giúp chúng con biết ra khỏi lòng mình để đến với tha nhân. Xin cho lối đường chúng con đi luôn tìm đến với tha nhân trong sự cảm thông nâng đỡ, trong bác ái dấn thân và trong yêu thương phục vụ.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con biết bao ân huệ hồn xác, xin giúp chúng con biết quảng đại với anh em. Xin cho chúng con một con tim rộng mở để gieo yêu thương trên mọi nẻo đường chúng con đi. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin mời xem thêm:

LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

BÀI ĐỌC I:

1Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Phúc Âm, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm. Giá nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm tròn nghĩa vụ đã giao cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Phúc Âm, tôi đem Phúc Âm biếu không, tôi không dùng quyền mà Phúc Âm dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Phúc Âm, để được thông phần vào lợi ích của Phúc Âm.

PHÚC ÂM:

Mc 16, 15-20

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thày, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)