Lời Chúa: Thứ Ba tuần XV Mùa Thường Niên A

Chứng kiến

Thứ Ba tuần XV mùa Thường Niên
Lời Chúa: 

 Mt 11,20-24

20 Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: 21 “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. 22 Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.

23 “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.” (Mt 11,22)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khônradin, Bétsaiđa và Cáphácnaum.

Các thành này đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao? vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn (x. câu 23: “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?”). Khi thấy sự kiêu căng đã khép lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”. (Câu 25).

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Khi ấy Chúa Giêsu khiển trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà không chịu sám hối”: Phép lạ này là để khơi dậy lòng sám hối, vì phép lạ cho người ta thấy việc kì diệu của Chúa, rồi vì nhìn lại thấy mình bất xứng với Chúa nên phải sám hối để xứng đáng với Chúa hơn.

2. Thời vua Luis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne dAutriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà: “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ”.

Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp: “Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent được Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.

Ngày nay vẫn xảy ra những phép lạ tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kì diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không?

3. Những thành ven biển hồ được nghe Lời Chúa và được chứng kiến các phép lạ của Ngài nhiều hơn những vùng khác. Lẽ ra họ phải tin Chúa hơn những nơi khác. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ nặng hơn những nơi khác. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.

Tôi cũng nhận lãnh nhiều nén bạc hơn nhiều người khác. Đó là đặc ân của tôi nhưng cũng là trách nhiệm của tôi.

4. Có nhiều kiến thức về Chúa chưa hẳn đã ích lợi hơn là không có kiến thức nhưng lại có tâm hồn biết ngưỡng mộ những kì công của Chúa.

5. Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng đưa lộn, lương tâm tôi nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Hơn  nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.

Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên “Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết đinh trở lại hiệu sách và đưa số tiền cho chị. Nhìn chị cười tươi sau tiếng cám ơn tôi cảm thấy nhẹ cả người.

Lạy Chúa, đó không phải chỉ là niềm vui của Chúa mà còn là niềm hạnh phúc của con. Xin cho con luôn can đảm thực thi những Lời Chúa đòi hỏi, vì Chúa là Đấng công mình. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

“Như mưa từ trời sẽ thấm vào lòng đất”, sức sống của Chúa cũng thẩm thấu trong chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã luôn bổ dưỡng cho chúng con qua ơn thánh của Chúa. Xin giúp chúng con biết gìn giữ món quà Chúa ban bằng đời sống tránh xa những cám dỗ tội lỗi, và tử bỏ những thói hư tật xấu.

Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã xót xa khi nhìn thấy lối sống dẫn đến diệt vong của con dân thành Caphanaum. Vì tự mãn nên đã không nhận ra sứ điệp sám hối. Họ chai lì trong tội nên không quyết tâm thay đổi lối sống cho phù hợp Tin Mừng. Nhưng Chúa ơi, có lẽ Chúa cũng đang xót xa nhìn đến phận người chúng con. Vì thế giới hôm nay vẫn còn đó biết bao tệ nạn xấu đang gặm nhấm linh hồn chúng con. Biết bao bạn trẻ đang bị mê hoặc bởi sách báo, phim ảnh xấu đã làm mất đi sự trong trắng của tâm hồn. Họ đã để cho những tư tưởng xấu làm chủ đầu óc họ, khiến họ lao vào con đường tội lỗi. Biết bao người đang vùi sâu đời mình trong những đam mê lầm lạc khiến họ đánh mất nhân tính, và phẩm giá làm người của mình.

Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động chúng con biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp Tin Mừng. Xin giúp chúng con thắng vượt những tư tưởng, ước muốn tội lỗi, để chúng con luôn sống trong sạch và cao thượng trong cuộc sống hôm nay. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Xem thêm:

BÀI ĐỌC I: Xh 2, 1-15a

“Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em”

Bài trích sách Xuất Hành

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào. Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: “Đây là đứa trẻ Do-thái”. Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: “Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?” Công chúa đáp: “Đi tìm đi”. Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: “Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị”. Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: “Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên”.

Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: “Tại sao anh đánh người bạn của anh?” Anh ta trả lời: “Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?” Môsê lo sợ và nói: “Việc này người ta đã hay biết rồi sao?” Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)