Lời Chúa: Thứ Ba tuần XI mùa Thường Niên

Yêu thương kẻ thù

 
 
Thứ Ba tuần XI mùa Thường Niên
Lời Chúa: 

Mt 5,43-48

43 Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy:  ‘Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù’. 44 Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: 45 để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. 

46 Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? 47 Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? 48 Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con.” (Mt 5,44)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Hôm nay Chúa Giêsu dạy cách đối xử với kẻ thù ghét mình:

– Khuynh hướng tự nhiên là ghét kẻ thù ghét mình.

– Cựu Ước cũng không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.

– Còn Chúa Giêsu dạy:

a/ Hãy yêu thương kẻ thù.
b/ Hãy làm ơn cho kẻ thù.
c/ Hãy cầu nguyện cho họ.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng: con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau nhưng gần đây ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là bạo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì hận thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức được rằng báo thù không phải là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.

2. Trong ngôn ngữ của Kitô hữu không nên có tiếng “kẻ thù của mình”, vì Kitô hữu không được thù ai cả; chỉ có tiếng “những kẻ thù ghét mình” thôi. Và sứ mạng của Kitô hữu là cải hóa những người ấy.

Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ: yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.

3. Có hai người kia đều bị bắn tên. Người thứ nhất bình tĩnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, và ngày sau khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào mình mẩy của mình, đã thế khi gặp người thân anh còn đâm họ bị thương nữa.

Mũi tên chính là lời công kích của kẻ khác. Người khôn cư xử như người thứ nhất, nghe xong bỏ đi. Kẻ dại cư xử như người thứ hai cứ lập đi lập lại lời công kích đó và còn thuật lại cho người thân, làm cho bản thân mình và người thân thêm đau đớn vô ích.

4. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau của sự tha thứ và được tha thứ.

Thật vậy chỉ một thoáng vô tình tôi đã có thể trở nên một đối tượng xấu xa trong cái nhìn của tha nhân. Tâm hồn tôi sẽ ra sao khi bị nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, xa cách, khinh bỉ? Có lần tôi cũng đã nhìn tha nhân bằng đôi mắt ấy.

Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn “cảm hóa” của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối: “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn quảng đại. Một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu; để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án, yêu thương thay cho hận thù, đem niềm vui nâng đỡ cho hy vọng, xóa tan nỗi buồn tuyệt vọng đơn côi, và để trong mọi nơi mọi lúc cả trong lúc nhục nhã đớn đau vì tha nhân, con vẫn bình tĩnh can đảm và thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con được ướp đời mình bằng chính sự sống phục sinh của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống một cuộc đời rập theo khuôn mẫu của Chúa. Xin giúp chúng con cũng biết mang hương vị tình yêu Chúa cho trần gian được hưởng nếm niềm vui và hạnh phúc trong hy sinh phục vụ của chúng con.

Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy trở nên muối và ánh sáng cho trần gian. Chúa mời gọi chúng con hãy thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống toả lan tình bác ái yêu thương mọi người. Dù chỉ là một ngọn đèn hải đăng lập lèo trong đêm tối, cho dù phải đương đầu với biết bao sóng gió nhưng vẫn phải giữ cho ngọn đèn luôn cháy sáng, vì biết đâu xa xa ngoài khơi vẫn còn đó những con người đang chơi vơi trong tuyệt vọng, đang lạc hướng đời người, đang cần một chút ánh sáng để quay đầu trở về, để làm lại cuộc đời.

Nhưng tiếc thay Chúa ơi! Vì lười biếng, vì ích lỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng con đã lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng con đều cảm thấy mặn chát, khô cằn, thiếu sức sống vui tươi. Xin Chúa giúp chúng con dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng:

“Làm thân cây nến vào đời
Càng tiêu hao cháy, càng ngời ánh quang”
. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Xem thêm:

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 8, 1-9

“Vì anh em, Đức Kitô đã nên thân phận nghèo khó”

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô

Anh em thân mến, chúng tôi tỏ cho anh em biết về ân huệ Thiên Chúa đã ban cho giáo đoàn xứ Macêđônia. Trong nhiều nỗi gian truân thử thách, họ được tràn đầy vui mừng, và cảnh cùng cực thẳm sâu của họ lại trở nên kho tàng phúc hậu. Tôi làm chứng rằng: họ đã tự động nài ép tôi cho họ được ân huệ tham dự vào việc phục vụ các thánh, tuỳ sức họ và quá sức họ nữa. Không phải như chúng tôi hy vọng mà thôi, họ còn đã hiến mình, trước tiên là cho Chúa, sau là cho chúng tôi, chiếu theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, chúng tôi cũng đã xin Titô hoàn thành việc nghĩa đó cả nơi anh em nữa, như Titô đã khởi sự trước kia. Nhưng cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này. Tôi nói thế, không phải có ý truyền lệnh đâu, nhưng để nhờ lòng sốt mến của kẻ khác, thử lòng chân thành bác ái của anh em. Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)