Lời Chúa: Thứ ba tuần thứ 26 Thường Niên C

Ra khỏi chính mình

 
 
Thứ ba tuần thứ 26 Thường Niên C – T. Vinh Sơn Phaolô, linh mục – Lễ nhớ
Lời Chúa: 

Lc 9, 51-56

51Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. 52Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. 53Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. 54Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông.56Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

Người nhất quyết đi lên Giêrusalem (Lc 9, 51-56)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt Giống…)

Đi sang làng khác

Với lòng quả cảm, Đức Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem, vì Người biết rõ sắp tới ngày chịu nạn chịu chết. Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Cha Người, nên không bao giờ lùi bước. Người không sống cho chính mình, trái lại sống phụng vụ thánh ý Cha với tấm lòng vui vẻ của người con thảo. Người gởi sứ giả đi trước dọn đường đi qua Samaria, họ hận thù với dân DoThái.

Dân Samaria bị coi là kẻ ly giáo đối với thành thánh Giêrusalem kể từ khi họ xây đền thờ trên núi Garidim. Cả hai dân tộc đều khinh ghét nhau, nên những đoàn hành hương khi đi ngang qua ranh giới, đều phải chịu những quấy nhiễu đủ thứ. Những Tông Đồ bị từ chối không cho qua làng Samaria để lên Giêrusalem.

Giacôbê và Gioan nổi khùng, muốn dùng biện pháp mạnh thiêu đốt làng đó ngay lập tức. Các ông nói với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không.” Người ta có thể nghĩ xem Đức Kitô, Đấng nhân lành xử thế nào đối với sự chống đối của các môn đệ. Người cần cho các ông một bài học nhân lành về thái độ ngạo ngược này, và chỉ cho các ông phải lấy lửa nào mà đốt tật xấu của mình đi. Đức Kitô đã nhìn Giacôbê và Gioan với giọng khiển trách ngay thẳng, hẳn tâm can Người khá thất vọng không biết đến chừng nào các ông hiểu được một chút lời dạy của Người: cần kiên trì đến bao giờ đối với các ông và với mọi người khác. Dầu đang sống với chính Người, đang nghe chính Người nói, đang nhìn thấy chính Người hành động, các ông vẫn chưa nuốt được ý nghĩa cần thiết phải có thời giờ chờ đợi cho mọi thứ ăn năn trở về, không nên dùng sức mạnh cưỡng bách Thiên Chúa xâm nhập vào những con tim loài người. Chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, muốn một Giáo Hội bị xé nát do nhiều Kitô hữu tự lên án phạt vạ tuyệt thông nhau, đối xử tệ với những người trễ nải, hay bất mãn với những gánh nặng của Giáo Hội đề ra. Họ còn chống đối cả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.

Đức Kitô chỉ nói đơn giản rằng: “Chúng ta đi sang làng khác.”

B. Suy niệm (… nảy mầm)

Ra khỏi chính mình

Ðể lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: “Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời.”

Có thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu.

Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.

Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.

Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao “đi qua khỏi mình” chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.

Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con thật hạnh phúc được cùng nhau quây quần bên Chúa. Chúng con cùng được chia sẻ bàn Tiệc Thánh chan chứa tình nghĩa anh em một nhà. Xin giúp chúng con cũng biết chia sẻ, liên đới với nhau trong bàn tiệc cuộc đời. Xin cho chúng con đừng vì miếng ăn, đừng vì danh vọng mà loại trừ lẫn nhau.

Nhưng Chúa ơi! ở bàn tiệc cuộc đời chúng con lại ít nhường nhịn nhau. Chúng con tranh giành nhau từng hạt gạo, từng miếng đất… Chúng con muốn loại trừ nhau theo kiểu dân gian vẫn nói “cá lớn nuốt cá bé”, để “thưa ao béo cá.” Đôi khi chúng con còn lạm dụng quyền hành để loại trừ lẫn nhau. Xin tha thứ cho thái độ bất khoan dung của chúng con. Xin giúp chúng con loại bỏ tính nóng nảy muốn loại trừ anh em, thay vào đó là tính nhẫn nại và bao dung. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa khi biết dùng tình yêu để xóa bỏ hận thù, để chữa lành vết thương tan vỡ tình người. Xin cho sự hiện diện của chúng con giữa anh em luôn mang lại tình hiệp nhất, tình liên đới yêu thương, như chính Chúa đã nói: “Con Người đến không phải để giết chết mà là cứu sống.”

Lạy Chúa, Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Xin ban cho chúng con quả tim của Chúa để chúng con cũng biết kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau, và chấp nhận những khác biệt của nhau trong yêu thương, tôn trọng. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Xin mời xem thêm:

Bài đọc 1:

Bài trích sách Gióp

Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói : Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo : “Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi !” Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm ? Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn, đã an giấc nghỉ ngơi cùng các bậc vương hầu khanh tướng đã xây lăng xây mộ cho mình, hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà. Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu, khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn, hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng. Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi. Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng,  ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng ? Họ là những người mong chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ. Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề ?

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)