Lời Chúa: Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, năm A

Chiến thắng cám dỗ

 
 
Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, năm A
Lời Chúa: 

Chúa Nhật thứ I Mùa Chay Mt 4, 1-11

1Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

5Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 

8Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10Đức Giêsu liền nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

 
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi (Mt 4,10)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu là tiêu biểu cho những cám dỗ chính mà ai ai cũng có thể gặp. Cho nên cách Ngài chiến đấu với chúng và chiến thắng chúng cũng là gương mẫu cho mọi người noi theo :

– Cám dỗ thứ nhất (biến đá thành bánh) là tiêu biểu cho cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác. Đức Giêsu chiến thắng nhờ biết rằng “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”.

– Cám dỗ thứ hai (nhảy từ nóc đền thờ xuống) là tiêu biểu cho ý muốn quá ỷ lại vào quyền phép Thiên Chúa, buộc Ngài phải làm phép lạ cho mình. Đức Giêsu nói “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

– Cám dỗ thứ ba (trên núi cao nhìn xuống các nước thiên hạ) là tiêu biểu cho lòng ham muốn quyền hành và vinh hoa lợi lộc với điều kiện là phải thỏa hiệp với sự dữ (thờ lạy Satan). Đức Giêsu nói “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ tờ phương một mình Ngài mà thôi”

B. Suy niệm (… nẩy mầm)

1. Trong tiếng do thái, chữ “cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”, giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Cám dỗ là đi thi : ai thắng cám dỗ là thi đậu, ai sa ngã là thi rớt. Bởi thế cám dỗ là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp”. Tuy nhiên ta đừng khinh địch, hãy nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn “Thứ quỷ này chỉ có thể thắng nhờ ăn chay cầu nguyện”, nhớ lời trong Kinh Lạy Cha “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và nhớ Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này đã chiến thắng được nhờ sự trợ giúp và che chở của Thiên Chúa.

2. Có người nói rằng đạo Công giáo đầy mặc cảm tội lỗi cho nên bao giờ cũng bắt đầu Thánh lễ bằng lời kêu gọi sám hối. Thực ra chính Chúa Giêsu cũng luôn kêu gọi sám hối. Cho nên đây không phải là mặc cảm mà là một thực tế : con người dễ đi lạc, cho nên cần luôn ý thức tình trạng lạc đường ấy để quay về.

3. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” : rất nhiều khi chúng ta bận rộn kiếm ăn đến nỗi không còn nghĩ đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức gì nữa. Như thế là chúng ta chỉ lo cho cuộc sống thân xác chứ không lo cho cuộc sống linh hồn.

4. “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa” : thay vì tìm biết và vâng theo ý Chúa, chúng ta lại thường buộc Chúa phải làm theo ý mình, và khi đòi không được như thế thì giận hờn Thiên Chúa.

5. “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” : rất nhiều khi chúng ta đã tôn thờ những thứ khác thay chỗ Thiên Chúa, như tiền bạc, thú vui, danh vọng v.v.

6. Đức Giêsu đã dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh để tìm được ánh sáng soi dẫn quyết định của mình, nhờ đó mà không vướng cạm bẫy của Satan. Lời Chúa là ánh đèn soi bước con đi.

7. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)

8. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân : 

– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh  không ? 

– Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con. 

– Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ? 

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

– Con còn điều gì khác nữa không ?

– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo : 

– Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

– Ô lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ? 

– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi. 

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”)

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, ước gì Mùa Chay sẽ giúp chúng con tìm lại đúng phẩm giá cao đẹp của chính mình. Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ nâng đỡ và giúp chúng con chiến thắng những cám dỗ đang đeo đuổi và ràng buộc tâm hồn chúng con. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết thanh luyện chính mình để mỗi ngày nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I: St 2, 7-9; 3, 1-7

“Nguyên tổ được tạo thành, và phạm tội”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một vật sống.
Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết thiện ác.

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” Người nữ nói với con rắn: “Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết”.

Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12-19

“Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian.

Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Ðấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra.

Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)