Hy tế xưa không bằng Hy tế mới

Chúa Nhật II mùa Chay năm B
St 22, 1-2.9a.10-13.15-18; Tv 116(115),10.15.16ac-17.18-19; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
 
Tại sao câu chuyện Áp-ra-ham hiến tế con mình là I-xa-ác được thuật lại trong Chúa Nhật này? Chúng ta hãy xem lại các bài đọc tiếp theo để thấy được sự kiện xuyên suốt các bài đọc: bài đọc thứ nhất như chúng ta vừa nói: hiến tế I-xa-ác; bài đáp ca thì ca ngợi hy tế tạ ơn; trong lá thư của mình, thánh Phao-lô nhấn mạnh hy tế của Đức Ki-tô; còn trong Tin mừng, sau biến cố biến hình, Đức Ki-tô loan báo cho các môn đệ thân tín đau khổ và sự chết sắp xảy ra với Ngài như là hy tế mới và vĩnh cửu.
 
Một câu hỏi được đặt ra qua các bài đọc hôm nay: tại sao Thiên Chúa lại làm những điều có vẻ thái quá và khát máu? Làm sao có thể hình dung được điều gì khủng khiếp hơn việc I-xa-ác bị cha mình là Áp-ra-ham hiến tế theo lệnh truyền của Thiên Chúa đó. Tại sao ông lại tin vào một Thiên Chúa muốn đặt con người vào trong thử thách đau thương? Ông sẽ bắt con duy nhất của mình chết như là sự phi lý. Trong đời sống du mục, ông gặp được Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại bảo ông hiến tế con một của mình, là đứa con mỉm cười của chính Chúa và của Sa-ra, vợ ông bởi vì Thiên Chúa đã cho họ đứa con trai duy nhất trong tuổi già. Áp-ra-ham đáp lại lệnh truyền của Chúa do sự vâng phục. Đòi hiến tế con trai cũng chỉ thử thánh lòng tin của ông mà thôi. Chính vì thế, ông trở nên con người của đức tin hoàn hảo vì ông tin rằng Chúa đã ban cho nhưng Ngài lại có quyền lấy đi, ông hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Cho nên, người Do thái và Ki-tô có lý khi hát thánh vịnh sau: « Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, con sẽ kêu cầu danh Đức Chúa ».
 
Về phần Phao-lô, hy tế mà ngài thích kể lại, không đơn thuần là hy tế của một người con nhân loại được hiến dâng bởi người cha nhân loại, nhưng chính là hy tế thần linh của Ngôi Lời nhập thể trao ban bởi Cha Trên Trời để cứu chúng ta khỏi tội chết đời đời. Cái chết của Đức Ki-tô Giê-su trên thập giá là hy tế duy nhất của ơn cứu độ. Ngài đã làm cho hy tế này sinh hoa kết trái như hạt lúa thối đi. Khi hiến tế trọn vẹn trong cái chết, Ngài thấy tất cả và Ngài được thấy lại trọn vẹn trong Thiên Chúa. Đó chính là sự phục sinh, là chiến thắng của Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa mà Áp-ra-ham tin thờ là như thế đó.
 
Trước khi thực hiện hy tế này, Chúa Giê-su tỏ cho ba môn đệ đang có mặt biết: Chúa Cha là ai và Ngài là ai. Chúa Cha là tiếng vọng từ Trời cao mà con người nghe được từ khởi đầu sáng tạo đến tận cùng vũ trụ, của lịch sử cứu độ, từ khi sáng tạo ánh sáng trong sách Sáng thế (1, 3). Tiếng đó loan báo cách xác thực vinh quang trong tương lai của một Con người huyền nhiệm sẽ là con vua Đa-vít, con của một Trinh nữ, con Thiên Chúa. Cách rõ ràng hơn, tiếng của Cha đó là: « Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Người ». Con yêu dấu là người yêu mến Cha và trung thành với Cha hằng sống.
 
Còn Chúa Giê-su là ai? Ngài chính là Đấng vâng phục Cha để đi qua con đường của cái chết đau thương khi ban cho chúng ta sự sống đời đời, đó là mục đích của Thiên Chúa. Mục đích của Ngài luôn luôn là sự sống, cho nên Thiên Chúa sai Con Mình để thông truyền sự sống này cho chúng ta. Chính vì thế, Ngài lớn lao hơn Mô-sê, nhà lập pháp; Ngài lớn lao hơn Ê-li-a, ngôn sứ. Ngài có một vị trí lớn lao bên ngai của Chúa Cha.
 
Trước khi mạc khải về cái chết như là một hiến tế tình yêu, Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các môn đệ. Như vậy, biến hình không dành để loan báo sự phục sinh, vì trong Phúc âm không thấy chỗ nào nói đến Đấng phục sinh hiện ra dưới hình thức biến hình, nhưng để kêu gọi các môn đệ sám hối bằng cách mạc khải cho họ phương thế duy nhất để vào trong Nước Thiên Chúa và cũng dành để kêu mời chúng ta sống đức tin không do dự, tin vào Chúa Giê-su Ki-tô đầy quyền năng Thánh Thần: chết rồi sống lại. Ngoài ra, biến hình còn là sự kiện của cầu nguyện, của sự báo trước Cánh chung và cảm nghiệm trước Nước Thiên Chúa, nhưng như Đức Ki-tô cần thiết phải qua đau khổ là con đường tiến đến vinh quang.
 
Xin cho mọi cố gắng của chúng ta trong mùa Chay này canh tân đức tin chúng ta, xin cho đời sống chúng ta chiếu tỏa đức tin ấy, xin cho đời sống này trở nên ánh sáng cho anh chị em xung quanh chúng ta. Amen.

Lm. Vinh Sơn