Hướng đi

Chọn cho mình một hướng đi là việc rất quan trọng. Việc chọn lựa ấy quyết định số phận của ta. Nó định hướng cho cả cuộc đời. “Điều quan trọng không phải là nơi ta đứng, mà là hướng ta đi”(L.Tolstoy).

Hướng đi của cuộc đời nào ai biết được thế nào. Mình chỉ biết chọn thế nào cho phù hợp với mình, khi mình nhắm thấy mục đích là tốt đẹp. Bên cạnh việc chọn lựa đòi hỏi sự dấn thân quyết liệt. Tức là đặt mình trong sự chọn lựa của mình. Mình trở thành bệ phóng và hoả tiễn luôn. Bởi vì hễ chọn lựa rồi thì phải dấn thân.

Tương lai luôn ở phía trước. Tương lai là cái mình chưa thấy. Tương lai luôn mời gọi người ta cách này hay cách khác. Chọn một hướng đi tức là chọn lấy một tương lai. Chọn một hướng đi tức là mơ về tương lai chẳng biết có thực hay không. Đôi khi cả những cái viển vông, hão huyền người ta vẫn cắm đầu lao theo như con thiêu thân vậy. Tương lai mời gọi. Tương lai hấp dẫn đến thế. Hướng đi của cuộc đời ta cũng luẩn quẩn trong những quỹ đạo ấy. Nó không thể thoát ra khỏi sự chi phối của sức hút tương lai. Ta thường quan niệm rằng sống phải có tương lai. Sống mà không có tương lai thì buồn và rất vô nghĩa. Hướng ta đi tức là hướng về tương lai. Nếu không hướng về thì không chuyển động và sẽ dậm chân tại chỗ.

Xem ra hướng đi dẫn ta tới một tương lai rất hấp dẫn và luôn cần phải có. Mỗi giai đoạn cuộc đời, mỗi lứa tuổi nhắm một tương lai khác nhau, dài hay ngắn. Cái đó hình thành nơi ta một kế hoạch, một quan niệm sống. Rõ ràng con người ta luôn có một mơ ước triền miên. Mơ ước mà chẳng biết bao giờ đạt được. Mơ ước để mà mơ ước. Nhiều khi mơ ước cho vui. Hướng đi cuộc đời ta cũng vậy đấy. Có khi đầu tư rất nhiều rồi chẳng đạt được gì, chưa đạt tới đích nhưng vẫn mơ ước. Có khi chọn hướng đi không được thì lại chọn tiếp. Sự đan dệt chồng chéo các chọn lựa làm nên một cuộc đời với bao thăng trầm, thành công thất bại rồi trưởng thành vươn lên. Đó là một thực tế đáng suy nghĩ.

Người ta bước vào đời, bước vào xã hội như bước vào một gian hàng để chọn lựa mua đồ. Người ta có quyền chọn lựa, có quyền trả giá, có quyền mua hay không mua. Gian hàng của cuộc sống mở ra trong tâm trí và tầm mắt người ta mơ ước và sự chiếm hữu. Chiếm hữu cho cá nhân hay tập thể đều là chiếm hữu có chọn lựa.

Hoạt động của trí óc con người luôn diễn ra cách có ý thức trừ lúc ngủ và bị bệnh. Cái có ý thức nó gắn với khuynh hướng bản năng con người thì khó dứt bỏ. Một chọn lựa đã trở thành nỗi đam mê thuộc loại này. Vì thế, có thể chọn lựa đã thành thói quen đến mức nhờn không cần ý thức nữa. Nó trở thành hoạt động máy móc, thuộc lòng. Còn chọn lựa cho một hướng đi thì không phải là động tác đã được thực hiện rồi lặp đi lặp lại nhiều lần mà nó để giục giã người ta đi tới, đi tới mãi mãi. Hướng đi là hướng sẽ phải đi và đi đến. Nhiều khi ta cứ lẫn lộn giữa hướng đi và nơi phải đến. Nếu bị lạc lối, hỏi người đi đường về một hướng nào, họ sẽ chỉ cho ta theo hướng đó với một địa điểm A, B, C cụ thể. Biết bao người xác định cho mình một mục tiêu để sống rồi thất bại, mà đạt rồi chán nản, vì nó là điểm dừng, điểm kết thúc chứ không phải là điểm phải đi nữa để mà sống tiếp. Nếu mình mơ ước trở thành bác sĩ là mục tiêu duy nhất trong đời, thì khi đã là bác sĩ rồi mình sẽ không hành nghề nữa hay sao?!

Cuộc đời ta còn đang sống là không có điểm dừng. Không có điểm dừng về mọi phương diện chứ không riêng gì cái lý tưởng. Động lực sống và phấn đấu cũng nằm ở đó.  Sự sáng tạo cũng nằm ở đó. Điểm quy chiếu và hội tụ của tài năng, sức phấn đấu luôn vuợt ra khỏi cái hiện tại để phóng về phía trước như thể đòi vượt ra khỏi chủ thể. Vì cái hướng nó nằm trong tương lai.

Lạy Chúa, 
chính Chúa mặc cho cuộc sống chúng con một ý nghĩa,
Chính Chúa lôi cuốn chúng con về tương lai,
Chính Chúa tạo cho chúng con 
một động cơ để phấn đấu 
làm cho giây phút hiện tại không bị nhàm chán.
Chính Chúa đưa chúng con vào quỹ đạo của chọn lựa 
để chúng con không ngừng tìm tòi, khám phá 
nơi nguồn Chân, Thiện, Mỹ là một hướng duy nhất 
chúng con chưa thể đạt tới 
khi chưa được ở trong Chúa. Amen.

Lm. Phêrô Bùi Trọng Khẩn