Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 1,21-18

 

Chúa Giêsu khởi đầu rao giảng. Ngài chọn miền Galilê trước hết, và gần như đó là môi trường Ngài chọn để công bố Nước Trời, và cũng nơi đó Ngài chọn những môn đệ đầu tiên của Ngài. Đó là vùng dân ngoại chiếm phần lớn. Nhưng Ngài cũng chú ý đến dân Do Thái vì Ngài đến cho mọi người, mang ơn cứu độ cho mọi người không trừ ai. Ngày sabat, Ngài vào Hội đường và theo thói quen của người Do Thái, một người nào đó được mời lên đọc sách thánh và giải thích. Ngài đứng lên đọc sách Thánh và giải thích Lời Chúa cho mọi người. Thánh Maccô thuật lại: “Mọi người đều sửng sốt vì Ngài giảng như Đấng có uy quyền”. Ngài là Thiên Chúa mà người ta không biết, vì Ngài sống như mọi người, không có gì đáng chú ý. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Ngài hé lộ cho thấy một nét nhỏ của Ngài thôi. Sau này chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi Ngài tuyên bố hiến chương Nước Trời trên núi: “Người xưa dạy rằng, còn Ta, Ta nói…”. Ngài nói như đấng có quyền lập pháp, chứ không chỉ giải thích như mọi người. Tiếng nói của Ngài đi sâu vào tâm hồn người nghe đến nỗi người ta sửng sốt. Từ sửng sốt của thánh Maccô mang một ý nghĩa rất mạnh, vì có lẽ từ trước đến giờ họ chưa thấy ai giảng Lời Chúa như Ngài.

Thêm một biến cố càng làm cho người ta sửng sốt hơn nữa, là trong Hội đường có một tên quỷ ám la lên: “Ông Giêsu Nadaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi. Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Lời của tên quỷ càng cho chúng ta thấy Ngài là ai. Tên quỷ dùng từ chúng tôi, nghĩa là nhiều lắm. Hơn nữa chúng nó lại tuyên xưng Ngài là Đấng thánh của Thiên Chúa. Đó phải chăng là một lời tuyên xưng đức tin? Quỷ cũng nói rõ công việc của Ngài, Ngài đến để tiêu diệt chúng nó.

Chúa Giêsu không cho nó nói và truyền lệnh: “Câm đi! Hãy xuất khỏi người này”. Và chúng ta biết kết quả của lời nói đó. Ma quỷ lay mạnh người đó rồi xuất ra. Dân chúng kinh ngạc và hỏi nhau: “Thế nghĩa là gì? Họ không thể tin được! Từ xưa đến nay, chưa có ai có thể nói một lời mà ma quỷ phải khuất phục! Có lẽ trong Hội đường lúc bấy giờ người ta vẫn còn nhớ tiếng của ma quỷ: Chúng tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng thánh của Thiên Chúa”, tức là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chứng tỏ uy quyền của Ngài trong Hội đường, trước mặt mọi người. Thánh Maccô kết luận bằng một câu:  “Danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê”.

Nhưng hôm nay, chúng ta thấy gì? Một thế giới dưới quyền của Satan, một thế giới tràn ngập tội ác. Tội ác thống trị trong mọi lãnh vực của cuộc sống, ngay cả trong hàng ngũ tu sĩ, giáo sĩ. Chúng ta tự hỏi: quyền năng Chúa hôm nay đâu rồi? Tại sao không thấy quyền năng Chúa thực hiện những kỳ công như thuở xưa?

Hôm nay, Chúa không hiện diện giữa chúng ta như khi xưa, Ngài trao lại cho chúng ta trách nhiệm đó. Phải diệt trừ sự dữ giữa chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài là sức mạnh của Ngài. Đến lượt chúng ta phải hành động nhân danh Ngài. Chúng ta có làm được không? “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nhưng chúng ta có ở với Ngài không? Hay chính chúng ta lại tiếp tay với ma quỷ? Chúng ta cần diệt trừ tội ác trong chúng ta, trong gia đình, trong Giáo xứ, chúng ta mới có thể đẩy lùi sức mạnh của tội ác trong xã hội.

Chúng ta cứ ngồi chờ Chúa ra tay đang lúc chúng ta không tích cực cộng tác với Ngài? Chúng ta cứ than vãn rằng, con người hôm nay không còn lương tri, chỉ biết sống cho tiền bạc đang lúc chúng ta cũng đồng lỏa với những bất công, gian dối.

Chúa Giêsu đến để khai mở Nước Trời, là nước sự thật và tình thương. Chúng ta đã làm gì? Tại sao còn biết bao nhiêu người vẫn xa lạ với Chúa? Phải chăng vì chúng ta chưa dốc toàn lực cộng tác với Chúa?

Thánh Phaolô, sau biến cố ngã ngựa đã khuất phục và đã trở thành con người mới, sống chết cho Đấng đã chinh phục mình, đã trở thành một nhà chinh phục các linh hồn, một chiến sĩ không mõi mệt của Tin Mừng. Thánh Gioan-Maria Vianney, cha sở Họ Ars, một mình trong một giáo xứ nhỏ, chín mươi chín phần trăm bỏ đạo, đã biến thành một thành phố lớn vắng bóng Satan. Người ta tuôn đến để được tha thứ, để tìm lại niềm tin. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trong bốn bức tường của tu viện đã trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo. Chúng ta có thể như thánh Têrêxa, là âm thầm làm mọi việc với tất cả tình yêu. Nhỏ bé nhưng hữu hiệu. Chúng ta không có tầm vóc của các thánh đó, nhưng chúng ta cũng có thể làm việc cho Chúa, làm chứng cho tình yêu Chúa trong phạm vi nhỏ bé của chúng ta, nhưng chúng ta có làm được gì không?

Trong một giáo xứ, chúng ta thấy gì? Có những giáo xứ rất năng nổ, nhưng cũng có nhiều giáo xứ trì trệ, giáo dân chia rẽ, bất hòa… Trong các giáo xứ, số tín hữu hăng say tham gia vào việc tông đồ, truyền giáo chỉ là thiểu số. Các hội đoàn chỉ là một nhóm nhỏ. Đa số giáo dân chỉ có mặt vào lễ Chúa nhật, gần như chỉ có tên trong sổ chứ không tham gia việc gì cả, trao trọn cho cha sở hay một số người. Như thế làm sao đức tin có thể được loan truyền hữu hiệu? Làm sao đẩy lùi những đợt tấn công của ma quỷ khi chúng nó là đạo binh, vô số, còn chúng ta chỉ là một nhóm quá nhỏ? Các gia đình Công giáo, được mấy gia đình có thể là chứng nhân trong thôn xóm? Giáo xứ là “đường hay pháo đài”?

Muốn chống lại sức mạnh của Satan, chúng ta phải trở thành Lời như Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha. Muốn thế, chúng ta cần hiểu biết Lời Chúa. Quyển sách Tin Mừng phải được sử dụng hằng ngày cho mỗi người, cho cả gia đình. Chúng ta có khao khát lời Chúa như người ta ham tiền không? Lời Chúa có trở thành niềm hoan lạc cho chúng ta như tiên tri Giêrêmia không, hay là cái gì chúng ta loại trừ, như một cái gì làm chúng ta chán ngán? Nếu chúng ta không yêu mến Lời Chúa, có thể nói là ghiền Lời Chúa như người ta ghiền rượu thì làm sao chúng ta có thể chống lại thế lực của ma quỷ? Lời Chúa là sức mạnh cần thiết để chúng ta đủ sức chiến thắng ma quỷ, là lương thực chính yếu nuôi dưỡng linh hồn, củng cố niềm tin và tăng trưởng đức mến. Ăn lấy Lời Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi, ví Lời Chúa là Lời sáng tạo.

Chúa lại cho chúng ta một phương tiện khác hữu hiệu hơn, là ăn lấy thịt Máu Ngài. Ngài đã muốn ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài làm lương thực. Chính Ngài đã nói: “Hãy cầm lấy mà ăn”. “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta sẽ sống trong Ta và Ta sẽ sống trong người ấy”. Ăn lấy Ngài để trở thành hiện thân của Ngài, cùng Ngài chống lại thần dữ, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Chúng ta không thể làm gì mà không có Ngài. Chúng ta đã ăn lấy Ngài suốt bao nhiêu năm rồi, chúng ta có thành hiện thân của Ngài chưa? Nếu chưa, chúng ta làm sao tiêu diệt thần dữ? Nếu chưa, chúng ta làm gì để càng ngày càng gắn bó hơn với Chúa? Chính Chúa tiêu diệt thần dữ chứ không phải chúng ta, nhưng Ngài muốn dùng chúng ta, khả năng của chúng ta, lòng yêu mến, sự nhiệt thành của chúng ta để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã từng nói: “Ta là ánh sáng thế gian”. Nhưng nơi khác, Ngài lại nói: “Anh em là ánh sáng thế gian”, nghĩa là chúng ta phải như Ngài. Thánh Phaolô đã kinh nghiệm điều đó: “Sống đối với tôi là Chúa Kitô… tôi sống nhưng không còn là tôi mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Lý tưởng xem ra cao vời quá, nhưng vẫn có thể đạt được khi chúng ta dám tin vào tình yêu Chúa và dám ra tay hành động. Chúa Giêsu gọi chúng ta vào một cuộc chiến cam go và liên lỉ, nhưng Ngài luôn ở với chúng ta. Ngài chỉ mong chúng ta đem hết thiện chí theo Ngài. Chúng ta sẽ không thất vọng, vì qua những cố gắng nhỏ bé của chúng ta, Chúa sẽ thực hiện những công trình của Ngài. Chúng ta chỉ cần tin, và theo Ngài. Các tông đồ chỉ là những con người dốt nát, quê mùa, nhưng các ngài đã dám theo Chúa và đã trở thành những thợ chài lưới người.

Chúa Giêsu đã thắng thế gian. Điều đó là sự thật chứ không chỉ là một lời hứa. Thần dữ không làm gì được, mặc dù hôm nay xem ra nó đang thắng thế, nó đang thống trị thế giới, nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, Đấng ma quỷ phải khiếp sợ và vâng phục. Chúng ta dám tin không? Tin phải hành động vì “Đức tin không hành động là đức tin chết”. Phải huy động toàn lực, toàn thể tín hữu để xông vào cuộc chiến chống lại thần dữ. Cuộc chiến này không có ranh giới, cũng không bao giờ chấm dứt, sẽ kéo dài cho đến tận thế. Mọi người phải cảm thấy rằng mình là một chiến sĩ của Chúa, phải dám từ chối tội lỗi từng lúc, vì ma quỷ không mõi mệt và luôn nỗ lực xâm chiếm các linh hồn bằng mọi phương tiện. Hãy mặc lấy khí giới của ánh sáng, của tình yêu, Chúa sẽ hỗ trợ và Ngài sẽ nói tiếng nói cuối cùng, vì Ngài chính là Thiên Chúa: “Hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian”.

Lm Trầm Phúc