Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm B

Lời Chúa: Mc 9,2-10

Biến cố Chúa biến hình trên núi đã trở thành một câu chuyện quen thuộc đối với chúng ta và như thế, chúng ta không còn chú trọng đến nhiều mà chỉ xem như một câu chuyện thông thường. Nhưng nó vẫn là một biến cố không thường, đối với các môn đệ và cho cả chúng ta hôm nay.

Chúa biến hình như một khúc nhạc dạo đầu của một bi kịch độc nhất vô nhị trên trần gian sắp diễn ra trên thập tự.

Chúa Giêsu chỉ chọn ba môn đệ mà thôi. Những môn đệ sau nầy sẽ chứng kiến rõ rệt nhất cuộc khổ nạn của Ngài, những trụ cột quan trọng nhất của Giáo Hội. Ngài đã sống giữa các ông như các ông. Xem ra Ngài tầm thường như mọi người trừ những khi Ngài làm phép lạ. Nhưng hôm nay, trên đỉnh núi, Ngài trở nên như một người không còn thuộc về trần thế nầy nữa. Vinh quang của Ngài rực sáng qua y phục của Ngài và có sự hiện diện của hai nhân vật là tiên tri Êlia và ông Môsê đàm đạo với Ngài. Những việc xảy ra gần như vượt xa khỏi tầm hiểu của các môn đệ, vì thế Phêrô ngây ngất vì thấy vinh quang của Thầy, vừa thấy hai nhân chứng quan trọng nhất của Cựu Ước hiện ra.

Ông xin làm ba lều cho Thầy và cho hai nhân vật kia, để ở lại với các Ngài lâu dài. Thời điểm nầy, dân Do thái đang mừng lễ Lều, nhắc lại thời cha ông của họ lưu lạc trong sa mạc, sống dưới lều tạm. Nhưng ý của Phêrô lại khác, vinh quang của Thầy làm ông choáng ngợp và mong ước cất ba lều để kéo dài những giây phút ngất ngây đó. Thánh Maccô không nói rõ là hiện tượng ánh sáng đó kéo dài bao lâu, và cuộc đàm đạo đó ngắn hay dài. Đối với Phêrô và các môn đệ, đây là một kinh nghiệm không thể quên. Sau nầy Phêrô còn nhắc lại trong thư thứ hai của ngài: “chúng tôi đã thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài”.

Phêrô, trong thư thứ hai cũng nhắc đến lều là thân xác với ý nghĩa là chúng ta chỉ sống tạm trong thân xác mà thôi: “Tôi thiết nghĩ: bao lâu còn ở trong cái lều nầy… vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều nầy…” Khi viết những giòng chữ nầy, chắc thánh nhân cũng nhớ đến ngày nào đó, ông đã xin dựng ba lều cho Chúa và hai vị khách thiên quốc trên đỉnh núi. Giờ đây, ông đã hiểu bài học Chúa Giêsu đã cho ông trên đỉnh núi kia là thân xác chúng ta, dù chỉ là tro bụi, cũng tàng trữ vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta, khi chúng ta dám theo Ngài lên đỉnh núi vinh quang và theo Ngài cho đến đỉnh núi thống khổ Canvê.

Thánh Phêrô cũng nói đến thị kiến trên đỉnh núi: “Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang danh dự, khi có tiếng từ trời phán với Người: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quí mến”. Tiếng nói đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người. Lời chứng của Phêrô trùng hợp với lời tường thuật của thánh Maccô.

Chính Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Chí Ái của Người. Người Con đó, Chúa Cha đã ban cho chúng ta làm giá chuộc cho chúng ta như thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian”. Và hôm nay, Giáo Hội cũng nhắc đến ông Abraham được lệnh Chúa sát tế Isaac, đứa con duy nhất của ông. Một lệnh truyền rất khó thực hiện, nhưng Abraham đã vâng phục. Chúng ta hiểu thế nào là sự vâng phục tuyệt đối của ông. Ông dám vâng phục vì ông đã tin vô điều kiện. Nhưng mệnh lệnh đó đã kết thúc trong niềm vui. Phải chăng đây là hình ảnh của tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta. Abraham dâng con một mình cho Thiên Chúa, Thiên Chúa lại trao ban cho chúng ta Con Một của Người. Hai hình ảnh quyện vào nhau để nói lên mối liên hệ thật sâu đậm giữa Thiên Chúa với chúng ta. Chúng ta hiến dâng cho Ngài cái gì quí nhất của chúng ta và ngược lại, chính Ngài lại ban cho chúng ta cái gì quí báu nhất của Ngài, là đứa con một yêu dấu của Ngài.

Chúa Giêsu được trao ban cho chúng ta, chính Chúa Cha đã xác nhận như thế: “Nầy là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Ngài là lời nói duy nhất của Chúa Cha. Nghe lời Ngài chính là nghe lời Chúa Cha. Nghe lời Ngài không phải chỉ nghe bằng lỗ tai, cũng không như một tiếng nói, một âm thanh, mà là chấp nhận chính bản thân Ngài vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, vì thế Ngài là sự sống. Tin vào Ngài sẽ được sống. Chúng ta nhận được một quà tặng hết sức quí báu là chính Con Một Thiên Chúa. Ngài đã được trao tặng để sống với chúng ta, và chính Ngài lại gánh vác tội lỗi chúng ta, mang lại cho chúng ta ơn tha thứ và hạnh phúc thiên đàng. Ngài làm người để biến trần gian nầy thành thiên quốc. Nhưng chúng ta không bước theo Ngài, không mấy người tin vào Ngài, không sống như Ngài, làm sao biến trần gian nầy thành thiên quốc được? Nhiều người có thể xem điều nầy chỉ là mơ mộng viễn vông, nhưng chỉ vì họ không thể thực hiện được. Chúng ta có dám sống như Ngài không? Dám hy sinh cái gì quí nhất là bản thân mình để phục vụ Chúa không? Abraham, xưa đã dám liều, và hôm nay cũng có những kitô hữu cũng đang liều mình cho Chúa và anh em trên khắp thế giới. Những người đó mới thực sự là Kitô hữu, là những chứng nhân can đảm cho tình yêu Chúa.

Chúa Giêsu đến trong trần gian, mang thân con người, sống như con người để biến hóa mọi sự. Ngài làm cho trần gian nầy mang một ý nghĩa. Trước tiên, “Ngài sẽ chết cho chúng ta… sẽ biến đổi thân xác hư hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài”.Tất cả thực tại trần gian sẽ mang lấy ánh sáng của Ngài, sẽ được biến hình trong vinh quang như Ngài, chúng ta cũng sẽ được biến đổi như Ngài để thành con ánh sáng. Trần gian đang cần những con người mang ánh sáng vì càng ngày bóng tối của tội lỗi đang phủ lấp thế gian và con người càng lún sâu vào một cuộc sống vô nghĩa, không có ngày mai, không một ánh sáng hy vọng nào.

Hãy mang lấy ánh sáng của tình yêu, như Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Ngài đã đến thắp lên ngọn đèn hy vọng, chúng ta đừng để nó tắt đi.

Mùa Chay chính là lúc chúng ta nhìn về Chúa với tất cả lòng tin cậy, nhìn về tâm hồn chúng ta để hoán cải vì nhiều lúc chúng ta cũng trở thành bóng tối. Chúng ta đã được gọi từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Chúa để thành con cái ánh sáng. Thánh Phaolô cũng nói: “Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái…” Ngài cũng bảo chúng ta hãy mặc lấy khí giới của ánh sáng. Đó chính là ơn gọi của Kitô hữu. Giữa một thế giới mịt mù anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên trời, thánh Phêrô cũng căn dặn như thế.

Chúng ta chỉ có một chọn lựa là theo Chúa chúng ta trên con đường Ngài đã vạch ra cho chúng ta. Phải từ bỏ những hành vi ám muội và sống thánh thiện. Muốn như thế, chỉ có một con đường :đóng đinh con người cũ vào thập giá, đi vào cuộc tử nạn với Chúa.

Nói thì nghe rất dễ, nhưng thực tế không dễ. Chúng ta vẫn thích an nhàn, sống không có vấn đề. Đặt lại vấn đề đã là khó rồi, thực hiện càng cam go hơn. Con đường nên thánh không loại trừ hy sinh và can đảm. Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã run lên sợ hãi đến nỗi mướt mô hôi máu, nhưng Ngài đã đi đến cùng, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Từ bỏ những tật xấu là một điều ai cũng muốn, nhưng dám can đảm đi đến cùng là một điều không dễ. Chúng ta ngại ngùng, điều đó là điều không thể tránh. Đó là cái giá phải trả. “Xác thịt thì nặng nề”. Chúa không bảo chúng ta ngồi bóng mát ăn bát vàng, mà ngược lại dấn thân quyết liệt vào con đường hoán cải, tín thác vào tình yêu. Chỉ có tình yêu mới đủ sức vực chúng ta dậy để bước tới mỗi ngày.

Chúa Giêsu đã đi đến cùng, đã dám đối mặt với mọi đau đớn nhục hình chỉ vì ngài đã yêu Chúa Cha và Ngài đã chứng minh tình yêu của Ngài bằng sự vâng phục triệt để như thế. Chúng ta không thể nên thánh nếu không biết yêu mến Chúa và yêu mến Chúa chính là giữ lời Người. Đó là điều Chúa Cha đã dạy chúng ta. Đó cũng chính là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến hạnh phúc Thiên đàng.

Hôm nay, trong giờ phút nầy, Chúa Giêsu có mặt bằng Tấm Bánh nhỏ, tấm bánh tình yêu. Chỉ vì yêu mà Ngài đã chấp nhận thân phận một chiếc bánh nhỏ. Và chính đó là dấu hiệu rõ rệt nhất của tình yêu vô biên của Ngài. Ngài không từ chối một điều gì để yêu mến chúng ta. Chúng ta từ chối Ngài chăng?

Trong mùa Chay thánh nầy, hãy đến với Ngài thường xuyên, ăn lấy Ngài để cùng với Ngài, trở nên ánh sáng cho trần gian như Ngài đã mong ước.

Lm Trầm Phúc.