Giáo Hội Zambia mừng 125 năm lãnh nhận hạt giống Tin Mừng

Ngày mùng 6 tháng 8 vừa qua lễ Chúa Hiển Dung, HĐGM Zambia đã phát động năm kỷ niệm 125 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi vào lòng đất này. Năm kỷ niệm có đề tài là “125 năm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

 

Vào tháng 8 năm 1891 các thừa sai đầu tiên đã đến truyền giáo tại Mambwe-Mwela thuộc quận Senga Hill Senga trong tổng giáo phận Kasama ngày nay. Đó đã là cứ điểm truyền giáo đầu tiên của các Cha dòng Trắng, nơi có mộ của Cha Acilles Oost người Hòa Lan, là một trong 3 linh mục dòng Trắng đã đến truyền đạo tại đây. Năm kỷ niệm sẽ kết thúc ngày 15 tháng  7 năm 2017 tại thủ đô Lusaka.

 

 

Giảng trong thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm, ĐC Ignatius Chama, TGM Kasama, đã nêu bật các thách đố khó khăn, mà các thừa sai đã phải đương đầu khi đặt chân tới đây. ĐC nói: “Các vị tìm thấy một dân tộc âu lo sợ hãi vị bị các bộ lạc khác bắt cóc bán làm nô lệ, bao gồm cả người Swahili và người Bemba. Các vị đã tìm thấy một dân tộc có các con trai con gái bị bắt làm nô lệ, và chỉ còn lại người già và trẻ em. Các vị đã tìm thấy những người bị lên án là phù thuỷ và là nạn nhân của các lễ nghi sát tế người. Các vị đã tìm thấy các trẻ em không có trường để đi học, người bệnh không có nhà thương để săn sóc, các tình trạng người ta gả bán con gái làm vợ các người đa thê, cả khi tuổi còn bé, và các vị cũng đã chứng kiến các vụ tranh cãi giữa các bộ tộc đến độ giết hại nhau. Tuy đứng trưóc các tình trạng tiêu cực ấy nhưng các thừa sai đã không nản lòng đầu hàng. Trái lại, các vị đã hăng say rao giảng  Tin Mừng yêu thương hy vọng cho dân chúng địa phương, và giúp họ có cuộc  sống liêm chính và an hoà. Các thừa sai đã đem tin vui của sự biến hình tới cho dân chúng để họ có thể nhìn vào Thiên Chúa là Cha, Đấng nói với họ: “con là con yêu dấu của Cha, hãy bước vào cuộc sống hạnh phúc đã được chuẩn bị cho con”.

 

 

Tuy nhiên, ĐC Chama cũng ghi nhận rằng xã hội Zambia ngày nay cũng có cùng các vấn đề, mà các thừa sai đã gặp phải cách đây 125 năm. Các vết thương xã hội này vẫn còn chảy máu. Thật vậy, ĐC nói: đa số các bộ lạc của chúng ta vẫn còn có thói tục gả bán con gái trong tuổi vị thành niên. Đối với vài bộ lạc nó vẫn được coi như là phần quan trọng của nền văn hóa và phong tục tập quán quốc gia. Chúng ta vẫn còn có nạn nô lệ của tục đa thê, các tố cáo phù thuỷ và săn bắt các phù thuỷ, mà rất tiếc trong vài trường hợp nó dẫn tới việc sát hại những người vô tội. Trong xã hội Zambia ngày nay chúng ta vẫn còn có các trẻ em không được cắp sách tời trưòng, vì thiếu các trường học, hay có các trường học nhưng ở quá xa, và vì không có các cơ sở hạ tầng. Trong xã hội Zambia ngày nay phụ nữ và thiếu nữ vẫn bị bán cho mạng lưới mại dâm.

 

 

** Nhân danh HĐGM Zambia ĐTGM chủ tịch George Mpundu, ĐC Clement Mulenga, GM Kabwe, báo cho mọi người biết ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, sẽ viếng thăm Zambia trong các ngày từ mùng 7 tới mùng 10 tháng 11 năm nay, để tỏ tình liên đới và cùng mừng 125 truyền giáo với Giáo Hội Zambia. ĐHY sẽ tham dự Diễn đàn công giáo quốc gia và chủ sự thánh lễ tại nhà thờ chính toà Chúa Giêsu Hài Đồng trong thủ đô Lusaka.

 

 

Cùng đồng tế thánh lễ khai mạc Năm kỷ niệm có ĐC  Justin Mulenga, GM Mpika, và ĐC Patrick Chíanga, GM Mansa. Hiện diện trong thánh lễ cũng đã có tổng thống Zambia ông Edgar Lungu.
 

Zambia rộng hơn 752.000 cây số vuông có hơn 13 triệu dân, trong đó có 75,3% theo Tin Lành, 20,2% theo Công Giáo, 2,5% theo đạo thờ vật linh, 1,8% không theo tôn giáo nào và 0,5% theo Hồi giáo. Tín hữu tin lành theo nhiều hệ phái khác nhau gồm Anh giáo, Pentecotist, Giáo Hội tông truyền mới, Luther, Chứng nhân Giêhôva, Giáo Hội Adventist ngày thứ bẩy, Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô của các thánh ngày cuối cùng vv… Giáo Hội Công giáo phát triển tại mạn Tây Zambia, trong khi Anh giáo phát triển ở miền Nam. Sau khi tông thống Frederic Chiluba là tín hữu Pentecotist trở thành tổng thống năm 1991 Giáo Hội Pentecotist lan nhanh trong nước. Ngoài ra cũng có các tin hữu Bahai, và Do thái theo hệ phái Ashkenazi.

 

 

Trên bình diện chủng tộc Zambia có tới 73 sắc dân, đa số nói tiếng Bantu. 90% trên hơn 13 triệu dân thuộc 9 nhóm chủng tộc: Nyanja-Chewa, Bemba, Tonga, Tumkuba, Lunda, Luvale, Kaonde, Nkoya và Lozi. Mỗi chủng tộc sống trong một vùng đất riêng biệt. Cũng có nhiều nhóm nhỏ khác không được biết tới nhiều. Tuy nhiên, tại Lusaka và Copperbelt người ta có thể tìm thấy đủ mọi sắc dân. Người ngoại quốc đa số gốc Anh và Nam Phi sống trong thủ đô Lusaka và thành phố Copperbelt ở mạn bắc Zambia. Họ là công nhân các quặng mỏ, hay làm việc trong lãnh vực tài chánh hay các sinh hoạt liên hệ hoặc về hưu. Zambia cũng có vài cộng đoàn người Á châu bao gồm 13.000 người Ấn Độ và 80.000 người Tầu. Trong các năm sau này đã có một số các chủ nông trại người da trắng bỏ Zambia vì họ bị chính quyền truất hữu đất đai tài sản. Các tình hình chính trị bất ổn cũng khiến cho gần 90.000 người tỵ nạn, đa số đên từ Cộng hoà dân chủ Congo, Angola, Zimbabwe và Rwanda, Cũng có một số gốc   Zambia chạy trốn Nam Phi vì lý do kỳ thị.

 

 

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Zambia đuợc dùng trong lãnh vực hành chánh thương mại, truyền thông và giáo dục. Tuy nhiên, dân chúng cũng nói các thứ thổ ngữ như: Bemba 33,5%, Nyanja 14,8%, Tonga 11,4% Lozi 5,5%, Chewa 4,5% và 30,3% tổng số dân nói các thứ tiếng khác.

** Trên bình diện lịch sử cho tới cách đây 2.000 năm Zambia là vùng có dân Khoisan chuyên sống về săn bắn và hái trái. Khi làn sóng di cư của các nhóm dân khác có kỹ thuật  tân tiến hơn tuốn đến, người Khoisan bỏ đi nơi khác. Số còn lại trộn lẫn với các sắc dân di cư. Các làn sóng di cư quan trọng nhất là của người Bantu bắt đầu từ thế kỷ XII. Tiếp theo đó tiếng Bantu thắng thế trong vùng. Trong số các nhóm Bantu những người đầu tiên tới Zambia là nhóm Tonga hay Batonga từ mạn đông Phi châu và Nkoya có lẽ thuộc các vương quốc Luba-Lunda đến từ mạn bắc. Các nhóm di cư trong hai thế kỷ XVIII-XIX cũng có nguồn gốc Luba và Lunda đến từ Congo và Angola. Ở miền nam trong thế kỷ XIX có người Ngoni.

 

 

Các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã là những người đầu tiên đặt chân lên đất Zambia, nhưng không biến nó thành thuộc địa. Chỉ vào hậu bán thế kỷ XIX người Anh từ miền nam mới tới Zambia, nhưng không nhiều. Đa số họ là các nhà thám hiểm, các thừa sai và thương gia. Năm 1855 vị thừa sai thám hiểm David Livingstone là người đầu tiên viếng thăm thác Zambesi, mà ông gọi là thác Victoria. Để vinh danh ông thành phố Maramba được gọi  là Livingstone-Maramba. Năm 1888 thương gia gia người Anh Cecil Rhodes tìm cách mở rộng tầm hoạt động từ Nam Phi đã được phép của một tộc trưởng Lozi cho khai thác các quặng mỏ vùng tây Zambia, sau này gọi là Rhodesia Tây Bắc. Người Ngoni sống trong vùng dông Zambia từ chối không thoả hiệp với ông Rhodes, nên bị ông dùng quân đội đánh bại và kiểm soát vùng này, sau đó gọi là Rhodesia Đông Bắc. Năm 1911 cả hai vùng được hiệp nhất thành Rhodesia miền Bắc, Năm 1923 công ty của ông Rhodes nhượng quyền kiểm soát vùng này cho chính quyền Anh quốc, và năm sau nó trở thành vùng bảo hộ của Anh. Sau đó  Rhodesia miền Nam cũng được nhượng cho chính quyền Anh. Năm 1953 hai vùng được hiệp nhất với Nyassaland, ngày nay là Malawi, làm thành Liên bang Rhodesia và Nyassaland, mặc dù có sự chống đối của dân chúng địa phương. Các năm đầu thập niên 1960 người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình và thành lập các đảng phái chính trị tranh đấu chống lại liên hiệp, với hai nhân vật nổi tiếng là ông Harry Mwaanga Nkumbula thuộc đảng Quốc đại, và ông Kenneth Maunda thuộc đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia.

 

 

Trong các cuộc bỏ phiếu năm 1962 hai đảng liên minh thắng cử và quyết định giải tán Liêng bang. Năm 1964 Bắc Rhodesia độc lập và trở thành Cộng hoà Zambia. Ông Kaunda trở thành tổng thống dầu tiên của Zambia và đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia trở thành đảng duy nhất. Chính quyền của tổng thống Kaunda khước từ chính sách kỳ thị chủng tộc, khuyến khích mọi thành phần xã hội chung xây đất nước. Nhưng chính quyền phải đương đầu với tình trạng kinh tế và chính trị khó khăn vì dân chúng không có học và thiếu các chuyên viên điều hành các cấp, nhất là trong kỹ nghệ khai thác quặng mỏ.

 

 

** Trên bình điện đối ngoại lập trường không kỳ thị chủng tộc khiến cho Zambia găp khó khăn với các nước láng giềng theo chế độ kỳ thị như Nam Rhodesia, nay là Zimbabwe, và Tây Nam Phi  nay là Namibia, do chính quyền da trắng Nam Phi cai trị. Zambia cũng từ chối ủng hộ các đảng phái da đen quá khích, và khích lệ các đảng phái ôn hoà hay bài Liên Xô. Chính các lập trường này khiến cho Zambia găp khó khăn trong tương quan thương mại với các nước khác. Vào cuối thập niên 1960 các nước Mozambic, Angola và Zimbabwe được độc lập, nhưng lại rơi vào các cuộc nội chiến, khiến cho làn sóng người tỵ nạn tràn vào Zambia. Ngoài ra, quân đội Nam Phi liên tục tấn công các phiến quân Đảng quốc đại lẩn trốn trong vùng giáp giới với Zambia. Trong khi đó giá thị trường quốc tế của đồng, là quặng mỏ chính của Zambia, lại xuống thấp khiến cho Zambia ngày càng nợ nhiều hơn.

 

Vào đầu thập niên 1990 chính quyền độc đảng của ông Kaunda bị khủng hoảng và ông bị truất phế. Ông Frederick Chiluba sáng lập Phong trào đa đảng và dân chủ lên nắm quyền và thẳng tay đàn áp các thành viên của chính quyền trước khiến cho ông Kaunda phải sống lưu vong bên Malawi. Luật mới cũng cấm những ai không phải là người gốc Zambia được ứng cử. Chính ông Chiluba cũng sẽ là nạn nhân của luật mình đưa ra vì ông là người gốc Zair. Chính quyền của ông Chiluba vững vàng, nhưng rất gian tham thối nát. Năm 2001 ông phải nhường chức cho ông Levy Mwanawasa. Tân tổng thống phát động chiến dịch bài tham nhũng chưa từng thấy tại Zambia. Nguyên tổng thống Chiluba cũng bị mắc vào nhiều vụ hối lộ tai tiếng và bị xử án. Vài người trong gia đình, kể cả bà vợ hai của ông, đã bị bắt vì tội gian tham hối lộ. Năm 2008 tổng thống Mwanawasa qua đời vì sức khoẻ yếu kém. Nhưng trưóc đó ông dã chuẩn bị cho phó tổng thống Rupiah Banda lên thay. Trong cuộc bầu cử năm 2011 ông Michael Sata thuộc mặt trận ái quốc thắng cử.

 

 

Trước các tình hình chìm nổi đó của quốc gia Giáo Hội Zambia đã tận lực góp phần mình vào việc xây dựng đất nước, nhất là trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội.

 

 

Linh Tiến Khải, RadioVaticana