Đừng phó mặc việc giáo dục con cái cho “thần tài”!

Sống trong giao-ducbối cảnh xã hội hiện đại, “vật chất” dường như rất được xem nặng và thu hút sự tập trung của mọi người. Quả vậy, ai ai cũng bận rộn lao đầu vào kiếm tiền để xây dựng cuộc sống ấm no và sánh tầm “cao” với mọi người. Điều này quả là tốt đẹp biết bao, nhưng cũng chính vì thế mà thời gian mỗi người dành cho nhau, gia đình và con cái cũng ngày một ít đi. Thực tế này đã dẫn đến một hệ lụy là những phút giây phút ấm áp để gia đình quây quần bên nhau và việc nuôi dạy con cái trở nên mong manh và thách đố rất lớn. Và tất nhiên là nó sẽ đặt ra những vấn nạn lớn cho đời sống của giới trẻ trong xã hội hiện nay, khi họ thiếu đi sự quan tâm và giáo dục trực tiếp từ gia đình.

Nhìn vào cuộc sống hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị, người ta dường như không có nhiều thời gian để dành cho gia đình và con cái. Bởi công việc mưu sinh đã chiếm phần lớn thời gian, và khi trở về nhà thì thân xác đã rã rời, chỉ muốn tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục chiến đấu cho ngày mai. Chính vì thế, công việc giáo dục con cái phần lớn do cho nhà trường, những người giúp việc và xã hội đảm nhận.

Do vậy, mới có những chuyện cười ra nước mắt: Đứa con trẻ thơ òa khóc khi mẹ ẵm trên tay, bởi con trẻ quen thân và vui chơi với vú nuôi nhiều hơn người mẹ! Hay người cha không có thời gian để chơi đùa với con mình, bởi khi ông đi làm thì đứa con chưa ngủ dậy, còn lúc ông trở về nhà thì nó đã đi ngủ từ lúc nào.

Một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm nữa là chăm sóc và giáo dục con cái ngày nay của các bà mẹ đang giảm đi rất nhiều, nhất là trong trong thời buổi kinh tế hiện nay, các bà mẹ cũng trực tiếp lao vào làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bởi sức nặng của kinh tế trong xã hội hiện đại không hề nhẹ, và chính điều này đã để lại một “lỗ hổng” lớn trong việc giáo dục con cái.

Hậu quả là nhiều trẻ em bỏ học, nghiện game online hay mắc chứng bệnh tự kỷ ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân chính là những trẻ em đó không được lắng nghe, không được dạy bảo và chia sẻ một cách đúng đắn từ phía gia đình. Vì không có thời gian đồng hành để hiểu và nắm bắt nhu cầu của con cái của mình, nên cha mẹ đã không thể khỏa lấp sự thiếu thốn về mặt tinh thần của con em mình. Thay vào đó, đôi khi cha mẹ cứ nghĩ là cung cấp đầy đủ nhu cầu vật chất cho con cái mình là đủ. Nhưng liệu rằng điều này có ổn chăng?

Có thể nói, việc nuôi dạy con cái bằng tiền bạc mà thiếu đi đời sống tinh thần là một điều hết sức tai hại. Và một trong những hệ quả của việc này là con trẻ dễ bị cám dỗ đi vào con đường xấu và tai hại. Trong thực tế, nhiều con em xin tiền đóng học phí đi học thêm nhưng thực tế lại dành lén lút chơi game hay tiêu sài phung phí hoặc vui chơi với bạn bè mà chẳng quan tâm tới việc học hành. “Sự phát triển nhanh, mạnh của các trò chơi điện tử trên mạng internet (game online) đã kéo theo hệ lụy rất nặng nề cho nhiều gia đình và toàn xã hội, đó là bệnh nghiện game. Nhiều học sinh, sinh viên và người dân vì nghiện game mà bỏ bê học hành, học lực sa sút, giảm năng suất lao động, sức khỏe suy yếu về mặt cơ thể lẫn tâm thần”(Nguồn: http://bvtthan.thuathienhue.gov.vn/?gd=5&cn=232&newsid=14-0-1059, ngày cập nhật 15/07/2014). Tiếc thay nhiều bậc cha mẹ đôi khi chẳng hề hay biết điều này!

Chính vì thế, nếu chỉ biết đáp ứng nhu cầu vật chất cho con cái mà không có sự quan tâm, chăm lo về mặt tinh thần, thì vô tình đã vẽ nên một con đường tưởng rằng êm ái và bình an cho những đứa con thân yêu của mình, nhưng vô tình đã đưa chúng dần đến một chân trời “đen tối”. Do đó, nếu chỉ biết cho con tiền khi chúng cần mà không hề xem xét hay quan tâm xem con mình sử dụng như thế nào và có đúng mục đích hay không? quả là một tai hại rất lớn.

Từ những nhìn nhận thực tế trên, chắc hẳn để con mình sống hạnh phúc và triển nở về mọi mặt, thì các bậc cha mẹ không chỉ đáp ứng cho con em đầy đủ các nhu cầu vật chất, nhưng còn cần trực tiếp quan tâm và hướng dẫn chúng về mặt tinh thần. Mong sao hai vế của phương trình cuộc sống: tinh thần và vật chất, được giữ cho cân bằng, bởi đó là bệ phóng cho con trẻ vững bước vào đời.

Paul Khuê, S.J.