Đức Phanxicô nói về nghĩa vụ chính trị

Trích từ sách Từ trên trời xuống dưới thế [Sobre el cielo y la tierra ] các bài mạn đàm của Đức Hồng y Bergolio và Giáo sĩ Skorka.

…Chúng ta tất cả là những động vật có tính chính trị, chính trị trong một nghĩa rộng. Chúng ta hết thảy đều được mời gọi vào các hoạt động chính trị để xây dựng dân tộc chúng ta. Việc giảng dạy về các giá trị nhân bản và tôn giáo đều có một tầm vóc chính trị, dù chúng ta có thích hay không. Khó khăn của việc giảng dạy là phải trình bày các giá trị này mà không xen vào đó các thứ nhỏ nhen mang tên chính trị đảng phái.

pope2.jpg

Trong buổi lễ kỷ niệm vụ hỏa hoạn Repúplica de Cromanon6, tôi nói Buenos Aires là một thành phố mục nát, phù phiếm và tham nhũng, có người đòi tôi chỉ đích danh, nhưng tôi muốn nói đến toàn bộ thành phố này. Chúng ta tất cả đều có khuynh hướng tham nhũng. Khi cảnh sát chặn xe chạy quá tốc độ, câu đâu tiên ông sẽ nói là: “Anh muốn dàn xếp thế nào đây?” Chúng ta có tính tham nhũng trong lòng, chúng ta phải chiến đấu chống khuynh hướng này, đó là khuynh hướng lạm dụng quyền thế, muốn dàn xếp cho nhanh. Chúng ta có khuynh hướng tự nhiên muốn tham nhũng.

Trong bài giảng đó, tôi nói đến khiếm khuyết của thành phố, tôi không làm chính trị đảng phái. Nhưng báo chí luôn luôn nói trại các phát biểu của chúng ta theo ý họ. Họ thích câu độc giả: họ bóp méo thông tin. Những gì chúng ta giảng trên tòa giảng là nói đến chính trị theo một nghĩa rộng, chính trị của các giá trị, nhưng báo giới thường đem những lời đó ra khỏi ngữ cảnh và khai thác nó cho những mục đích chính trị đảng phái. Tôi còn nhớ sau thánh lễ Tạ ơn, anh khen tôi “Thật dũng cảm!” Đối với tôi, nói như thế là chuyện bình thường, còn anh, trong đầu anh, anh đã có diễn giải của báo chí. Ngày hôm sau, các nhật báo diễn giải đủ kiểu và gán cho lời nói của tôi là nhằm đến chính trị gia này chính trị kia, trong khi tôi dùng chữ “chúng ta” bao hàm tất cả7.

…Cách đây vài năm, các giám mục Pháp có viết một thư mục vụ với tựa đề “Phục hồi Chính trị” vì họ hiểu chính trị không còn uy tín và tôi nghĩ đất nước chúng ta cũng vậy. Phải lật ngược khuynh hướng này: chính trị là hình thức cao nhất của nhân đạo xã hội. Tình thương xã hội được thể hiện trong các hoạt động chính trị vì công ích.

Tôi sinh năm 1936, mười năm trước khi Perón lên nắm chính quyền. Bên mẹ tôi thuộc phái cấp tiến. Ông ngoại tôi là thợ mộc, mỗi tuần một lần, có một ông có bộ râu trắng đến bán sơn gỗ. Họ ngồi nói chuyện với nhau, bà tôi dọn lên trà và rượu. Một hôm bà hỏi tôi có biết ông đó là ai không. Bà cho tôi biết, đó là ông Elpidio Gonzalez, cựu phó tổng thống của đất nước này. Hình ảnh một cựu phó tổng thống kiếm sống bằng bán sơn gỗ ghi khắc trong tâm trí tôi, một biểu tượng của ngay thẳng.

Chính trị của chúng ta đã lầm lạc, xa các tưởng tượng, xa các đề nghị… vv. Các cương lĩnh chính trị thành các quan niệm chạy theo mỹ học: hình ảnh bên ngoài của chính khách quan trọng hơn nội dung nghị trình. Trong quyển Cộng Hòa, Platon đã nói rằng, thuật hùng biện – mỹ học – trong chính trị giống như phấn sáp cho sức khỏe, thật phù phiếm. Chúng ta đã thay thế những điều thiết yếu bằng những thứ lòe loẹt bên ngoài, chúng ta để thống kê và khuyến mãi trên bệ thờ.

Có thể đó là lý do tôi đã không làm bổn phận công dân: lần cuối cùng tôi đi bỏ phiếu là năm 1958, thời bầu chính phủ Frondizi8. Tôi thường trú ở tỉnh Santa Fe, nơi tôi dạy học. Khi đến Buenos Aires, tôi không thay đổi địa chỉ thường trú, danh sách cử tri của tôi vẫn ở Santa Fe. Và khi tôi bảy mươi tuổi, tôi nghĩ tôi không còn nghĩa vụ phải đi bầu nữa9. Người ta có thể chỉ trích hoặc khen quyết định không đi bầu của tôi, nhưng xét cho cùng, tôi ở địa vị là cha của mọi người, tôi không thể dấn thân cho riêng đảng phái nào. Tôi thấy khó để thoát ra mỗi khi cuộc tuyển cử đến gần, nhất là khi có người đến gõ cửa xin tôi ủng hộ vì họ nghĩ họ là người đáng được bỏ phiếu nhất.

Là linh mục, tôi khuyên giáo dân đọc các cương lĩnh chính trị trước khi đi bầu. Trên bục giảng, tôi luôn luôn khuyên họ suy nghĩ về các giá trị, và chỉ thế mà thôi.

…Nên có phân biệt giữa Chính trị viết hoa và chính trị viết thường. Bất kỳ hành động nào của một giới chức tôn giáo đều là một hành động Chính trị viết hoa, nhưng trong đó có một số bị lẫn vào chính trị viết thường. Tu sĩ có bổn phận giảng dạy về các giá trị, các đường hướng đạo đức, và giáo dục, họ có quyền lên tiếng nếu người ta yêu cầu họ phản ứng trước một thực trạng xã hội.

Ngày 30 tháng 12 năm 2009, tôi dâng thánh lễ tưởng niệm năm năm biến cố Cromanon, đó là nghi lễ mang tính xã hội, nên tôi cần phải nói đôi điều. Có những trường hợp ngoại lệ chúng ta phải làm. Tôi không lên tiếng vì các lý do chính trị nhưng vì các giá trị quan trọng bị đụng chạm, vì đã có những bất hạnh đã xảy ra. Linh mục có bổn phận phải bảo vệ các giá trị, nhưng lãnh vực chính trị phản ứng một cách khác: khi nghe một mục tử lên tiếng, họ nghĩ rằng ông đang muốn nói đến người này, người kia. Chúng tôi không nhắm một cá nhân nào, chúng tôi lên tiếng vì chúng tôi nghĩ các giá trị đang bị nguy hiểm và phải được bảo vệ. Ngay lập tức truyền thông kích động: “Công kích nặng nề ông A, ông B…”

…Khi tiếp nhiều chính khách, một vài người có thiện ý, họ chia sẻ tín lý xã hội của Giáo hội. Có một số người đến để được bảo trợ về mặt chính trị. Câu trả lời của tôi luôn luôn là: nghĩa vụ đầu tiên của các chính trị gia là bảo vệ tính đồng nhất của quốc gia, nghĩa vụ thứ nhì là phải đối thoại với nhau. Đất nước là nói về mặt địa lý, quốc gia là nói về mặt chính thể hay pháp chế, nơi tạo nên đời sống xã hội. Một đất nước hay quốc gia có thể rơi vào chiến tranh hay bị chia lìa và tái gầy dựng. Nhưng quê hương là di sản của cha ông lập quốc, là những gì chúng ta nhận được từ những người thiết lập đất nước này. Nó gồm những giá trị chúng ta phải gìn giữ, nhưng không gìn giữ trong hộp khóa kín, mà là di sản giúp chúng ta đối phó với những khó khăn của hiện tại và trong tương lai.

…Ngày nay việc giữ gìn quê hương được giao phó cho các chính trị gia. Thiên Chúa giao cho con người trách nhiệm quản lý sự tiến bộ của đất nước mình, quê hương mình, và quốc gia mình. Còn tôn giáo là các tiêu chuẩn luân lý và đạo đức, mở ra con đường đến với siêu việt.

Video trích từ bộ phim Phanxicô – Cha Jorge [Francisco El Padre Jorge – 2015] chuyển thể từ quyển sách Phanxicô: Cầu nguyện cho cha của ký giả Elisabetta Píque

(Nguyễn Thái Hòa, phanxico.vn 11.10.2017)