Đấng Phục Sinh- Chứng nhân Phục Sinh

Chúa Nhật III Phục Sinh B

 

ĐẤNG PHỤC SINH – CHỨNG NHÂN PHỤC SINH

Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48

 

 

Trong vở kịch “The Royal Hunt of the sun” (Hoàng gia đi săn mặt trời) kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây ban nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và bảo ông rằng: “ Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”.

 

Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh Kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó và áp sát vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết.

 

Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất.

 

 Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ:”Vậy chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa như thế nào” ?  Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn… (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 166-167).

 

            Chúa Giêsu phục sinh khẳng định Ngài là trung tâm của lịch sử cứu độ, cũng như Trung tâm của Kinh Thánh – Lời của Thiên Chúa cho con người… Chúng ta thành tâm lắng nghe, nghe lời dạy của Thiên Chúa và tiếng gọi của Ngài: Chứng nhân phục sinh – sự kiện Chúa phục sinh trung tâm của Kinh Thánh.

 

Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện hai môn đệ đi Emmau vội vàng trở về và kể cho 11 tông đồ và cho các môn đệ chuyện vừa xảy ra với họ trên đường Emmau: Chúa Kitô Phục sinh hiện ra và trao đổi với họ về sự kiện của Đấng Messia chịu chết và phục sinh là trung tâm điểm của Kinh Thánh và họ đã nhận ra Người thế nào khi Người bẻ bánh. Các môn đệ đang khi nghe những chia sẻ của bạn hữu mình với lòng đầy hồ nghi thì Đức Giêsu lại một lần nữa hiện đến với các môn đệ. Lần hiện ra này là bằng chứng rõ ràng về sự kiện Ngài đã từ cõi chết sống lại. Khi được chiêm nghiệm Thầy Phục sinh, chính các môn đệ không tin Ngài sống lại vì cuộc hiện ra bất ngờ và lời chào của Người khiến họ “kinh ngạc và sợ hãi, vì họ tưởng là thây ma hiện hình”.

 

So với trình thuật Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ ở nhà tiệc ly của Tin Mừng Gioan (x. Ga 20,19 – 29), Tin Mừng Luca nhấn mạnh thêm: Do thấy Chúa Phục sinh, Nhóm “Mười Một” bắt đầu run sợ và nghi ngờ (x. Lc 24,37). Tin Mừng Gioan nói đến tác động “thổi hơi” trao ban Thánh Thần (Ga 20,22)… Tin Mừng Luca nhấn mạnh và lưu ý tới sự kiện Đức Giêsu phải “mở trí lòng” họ vì họ vẫn còn không hiểu gì cả. Theo Luca, chỉ ngắm nhìn thì chưa đủ còn phải được “mở trí lòng” tới mầu nhiệm sự chết và phục sinh của thầy.

 

Nhà chú giải Kinh Thánh Roland Meynet giải thích: “Đấng hiện ra với các môn đệ không phải là một cái chết hiện hình, cũng không phải là hồn ma bóng quế. Đó chính là Đức Giêsu, Người đã từng ăn uống với họ, tay Ngài đã từng đụng chạm đến họ trước khi chịu khổ hình. Hoàn toàn không phải là một ảo ảnh. Họ có thể thấy Người, đụng chạm đến Người cơ mà, đúng là Người”, là Người đã sống lại thật từ cõi chết..

 

Cơ thể Đức Giêsu Phục sinh  không còn là cơ thể trước ngày vào cuộc khổ nạn. Người có cho họ xem tay, chân cũng chỉ vì tay chân còn hằn dấu đinh. Dấu hiệu ấy cốt để họ xác minh mà vững lòng tin tưởng; Phục sinh không xoá hết dấu vết khổ nạn. Đức Kitô mãi mãi vẫn là Đấng Mêsia chịu đóng đinh (‘Tin Mừng thánh Luca’, Phân tích từ ngữ, chú giải, Cerf, trang 238).

 

Theo Kinh Thánh, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Madalena (x. Mc 16,9), rồi với hai môn đệ đi làng Emmau ( Lc 24,13-25; Mc 16,2) và lần này với các tông đồ tại nhà Tiệc ly (x. Lc 24,36 -42; Ga 20,19 – 29), Đấng Phục sinh vinh hiển tỏ mình ra, giảng dạy Kinh Thánh về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh cho các môn đệ. Đồng thời Chúa cũng trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân, để họ sám hối và được ơn tha tội, bởi vì “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Sau này, khi Đức Giêsu về Trời, Ngài vẫn luôn là trung tâm điểm của chứng nhân, đã được tông đồ Phêrô và các tông đồ rao giảng cho thế giới như trình bày trong Công Vụ Tông Đồ: Trưng dẫn Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, rao giảng sự sám hối và ơn tha tội, Nhóm Mười Hai được trao sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Giêsu (x. Cv 2,14-41; 3,12-26; 13,16-43). Các ông đã chứng kiến tận mắt, sứ mạng được trao trực tiếp từ Đấng Phục sinh nên lời chứng của các ông rất đáng tin.

 

Chúa Kitô Phục sinh khẳng định: Tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Ngài đều phải được ứng nghiệm. Cựu ước đều hướng về Ngài. Mọi chương trình của Thiên Chúa, mọi công cuộc chuẩn bị đều nhằm đến “việc hoàn tất” mà Ngài thực hiện. Cho nên Đấng Phục sinh  mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh về sự hoàn tất này: sự hy sinh và vinh quang phục sinh của Đức Giêsu vì tình yêu cứu độ.

 

Tác giả R.Meynet bình giải:

 

“Kinh Thánh, trọn bộ Kinh Thánh, đều nói về Đức Giêsu. Kinh Thánh loan báo những việc Người sẽ làm và những việc các môn đệ sẽ làm nhân danh Người. Đức Giêsu chẳng nói gì ngoài những điều Kinh Thánh đã nói, nhưng Người không chỉ lặp lại và chú giải Kinh Thánh như các luật sĩ thường làm. Người hành xử Kinh Thánh, người thực hiện Kinh Thánh, Người hoàn tất Kinh Thánh. Chính vì Người hoàn tất Kinh Thánh mà Người có thể giải thích Kinh Thánh cho người ta hiểu. Rồi đến phiên các môn đệ, họ sẽ phải công bố rằng Đức Giêsu đã hoàn tất các lời Kinh Thánh. Các môn đệ công bố điều này khi chính bản thân các ông hoàn tất lời Kinh Thánh và khi các ông làm cho Kinh Thánh được hoàn tất nơi những người mà các ông được sai đến, cho đến tận cùng trái đất” (Sđd, trang 238).

 

Cho nên, Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta đang lắng nghe Thiên Chúa nói, trung tâm điểm hướng về Đấng Phục sinh, Đấng nói với chúng ta qua ân sủng, tình yêu bằng con tim mở rộng của mình (x. Ga 19,20).

 

Chúng ta cũng lắng nghe Lời của Đấng Phục sinh trong Kinh Thánh. Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh Kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại. Chúa Phục sinh luôn là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Cho nên, như các môn đệ ở nhà tiệc ly, sau khi chiêm nghiệm được Chúa Phục sinh, chúng ta cũng được mời gọi sẽ loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh cho những người chung quanh bằng cuộc sống đầy niềm vui, tình yêu, hạnh phúc, tinh thần vượt khó, vượt khó trong cuộc sống thường ngày với ánh sáng Tin mừng Phục sinh, Các bài thơ về Người Tôi Tớ trong sách Ngôn sứ Isaia và nhiều Thánh vịnh minh chứng : “đau khổ của người công chính, không phải là uổng công vô ích, nhưng luôn đạt tới một sự phong phú phi thường”. Phải vượt qua đau khổ vươn tới giây phút tạ ơn và thời gian loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa cho mọi dân tộc, “sứ vụ” truyền giáo cho khắp hoàn vũ như đã hiện diện trong các bản văn đó (x. Is 49 – 50).

 

Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là mẫu gương sống chứng nhân Phục sinh. Tinh thần Phục sinh của Chúa Giêsu làm ngài sống niềm hy vọng phục sinh trong mọi hoàn cảnh và loan báo : Khi cô đơn đen tối trong trại cải tạo. Khi lúc mệt mỏi vì chiến đấu với cơn bệnh hiểm nghèo. Khi bị hiểu lầm vu oan. Khi thành công vinh quang lên đến tuyệt đỉnh. Không lúc nào ngài đánh mất niềm hy vọng. Trong phòng biệt giam, Đức cha vẫn nghĩ ra chuyện vui. Trên giường bệnh, Đức cha vẫn kể chuyện vui cho mọi người cười thỏa thích. Không hoàn cảnh nào có thể ngăn cản ngài tung gieo niềm hy vọng.

 

Đức cha Phanxicô yêu thương bạn hữu cũng như những người thù ghét ngài. Bằng cách sống bao dung và tình thương, Đức cha làm cho những bạn tù có niềm vui, ngài cảm hóa cả cai tù. Đến nỗi người ta phải thường xuyên thay các lính canh ngài vì sợ ở bên ngài lâu, ngài cảm hóa họ…

 

Bước đường đi đầy Hy vọng trong cuộc sống Đức cha Phanxicô mời gọi chúng ta mang tâm tình của thánh Phêrô:

 

“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thể theo lòng hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Đức Giêsu Kitô” (1P 1,3).

 

     Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn…