Công nghị Hồng y thường lệ với nghi thức trao mũ cho các tân Hồng y

 Consistory_2015_1

WHĐ (15.02.2015) – Tiếp theo Công nghị Hồng y ngoại thường diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Hai, lúc 11g00 sáng thứ Bảy 14-02-2015, tại Vương cung thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ toạ Công nghị Hồng y thường lệ và công khai để trao mũ, nhẫn hồng y và chỉ định tước hiệu nhà thờ cho các tân Hồng y đã được ngài công bố hôm 04-01.

Trong số 20 tân Hồng y được vinh thăng trong Công nghị lần này, vắng mặt Đức Tổng giám mục Pimiento Jose de JesusRodriguez, nguyên Tổng giám mục Manizales, Colombia, vì lý do sức khỏe. Vị Hồng y thứ chín của Giáo hội Công giáo Colombia năm nay 96 tuổi, sẽ nhận tước vị hồng y tại Colombia trong vài ngày tới.

Nghi thức trao mũ hồng y được cử hành dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa.

Tham dự nghi thức có Hồng y đoàn, khoảng 100 giám mục và 8.000 tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tân Hồng y. Đặc biệt, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đến tham dự theo lời mời của Đức Phanxicô.

 Consistory_2015_2

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, Đức tân Hồng y Dominique Mamberti, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Toà Thánh, thay mặt cho các tân Hồng y chào và cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài cũng chào Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô.

Buổi cử hành phụng vụ tiếp tục với lời nguyện và bài trích thư thứ nhất của thánh tông đồ Phaolô gửi tín hữu Côrintô (12,31–13,13), thường gọi là bài ca đức ái. Dựa vào bài đọc này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tân Hồng y: Trở thành hồng y là đượctháp nhập vào Giáo hội Rôma, Giáo hội đứng đầu cộng đoàn bác ái hoàn vũ – theo kiểu nói rất đẹp của thánh Inhaxiô Antiôkia.Như thế chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình và những thói quen dễ dãi của mình để phục vụ sứ mạng của Giáo hội, một sứ mạng vươn tới những chân trời xa hơn…

Đức Thánh Cha nói: “Tước vị hồng y chắc chắn là một phẩm tước cao quý, nhưng không phải là địa vị vinh dự. Từ cardinale(hồng y), có nghĩa là bản lề, nói rõ điều đó: vì thế đó không phải là điều gì phụ thuộc, trang trí, làm cho ta nghĩ đến tấm huy chương, nhưng là một cột trụ, một điểm tựa và động lực thiết yếu đối với đời sống của cộng đoàn. Anh em là cột trụ và anh emđược tháp nhập vào Giáo hội Rôma, là Giáo hội đứng đầu cộng đoàn bác ái hoàn vũ. Trong Giáo hội, mọi chức vụ thủ lãnh đều xuất phát từ đức bác ái, phải được thực thi trong đức ái và lấy đức ái làm mục đích. Cả trong lĩnh vực này, Giáo hội tại Rômađóng một vai trò gương mẫu. Theo cách thức của Giáo hội Roma, mỗi Giáo hội địa phương cũng được mời gọi, trong phạm vicủa mình, đứng đầu trong đức ái. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bài ca đức ái trong thư thứ nhất của thánh tông đồ Phaolô gửi tín hữuCôrintô là lời hướng dẫn chúng ta trong nghi thức này và cho sứ vụ của anh em, đặc biệt là đối với những người trong anh em sẽ gia nhập Hồng y đoàn ngày hôm nay. Và chúng ta sẽ thật khôn ngoan khi để cho mình được hướng dẫn, trước hết là tôi và anh em cùng với tôi, bằng những lời linh hứng của Thánh Tông đồ Phaolô, đặc biệt trong đoạn mà ngài kể ra những đặc tính của đức ái”.

“Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết lắng nghe. Mẹ đã trao tặng thế giới Đấng là Con Đường tuyệt hảo, chính là Chúa Giêsu, là Tình yêu nhập thể; xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận lời này và luôn đi trên con đường này. Xin Mẹ giúp chúng ta, qua thái độ của người mẹ khiêm nhu và dịu dàng, để đức bác ái, hồng ân của Thiên Chúa, được lớn lên ở nơi nào có khiêm nhu và dịu dàng” …

 Consistory_2015_3

Sau bài huấn dụ là nghi thức chính yếu. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng yđoàn, để các vị được hiệp nhất với Toà thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Rôma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi. Mang phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng y sẽ là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài tại thành Rôma cũng như tại những nơi xa xăm nhất”.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha xướng tên 20 vị tân Hồng y. Sau đó, các Hồng y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Toà Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn sự hiệp thông với Giáo hội Công giáo; không bao giờ tiết lộ những điều cần giữ kín; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các nhiệm vụ được giao phó.

Từng tân Hồng y lần lượt tiến lên quỳ trước Đức Thánh Cha để nhận mũ đỏ, nhẫn và sắc chỉ cùng với tước hiệu thánh đườngđược Đức Thánh Cha chỉ định. Các tân Hồng y trao đổi cử chỉ bình an với Đức Thánh Cha Phanxicô, đến chào Đức Bênêđictô và các Hồng y khác, rồi trở về hàng ghế dành riêng.

 Consistory_2015_4

Nghi thức trao mũ, nhẫn hồng y kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của Đức Thánh Cha xin cho các tân Hồng y kiên trì xây dựng Giáo hội với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.

Công bố quyết định tuyên thánh cho 4 Chân phước

Cũng trong Công nghị này, Đức Thánh Cha đã công bố quyết định tuyên thánh cho 4 Chân phước.

Trước hết, Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh Giáo hội cùng với các Hồng y và Giám mục đang hiện diện, xin Đức Thánh Cha ghi tên 3 vị Chân phước sau đây vào Sổ bộ các Thánh của Giáo hội Công giáo:

– Chân phước Jeanne-Emilie Villeneuve (1811–1854), người Pháp, sáng lập Dòng các Nữ tu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở thành phố Castres, miền Nam nước Pháp.

– Chân phước Maria Alphonsa Danil Ghattas (1843–1927), người Palestine, sáng lập dòng Mân Côi Rất thánh tại Thánh Địa.

– Chân phước Maria Chúa Giêsu Chịu Đóng đinh (Maria Baouardy) (1846–1678), người Palestine, nữ đan sĩ dòng Cát Minh.

Đức Thánh Cha đã chấp thuận và quyết định ghi tên ba vị Chân phước này cùng với Chân phước Maria Cristina Brando vào Sổ bộ các Thánh trong một nghi lễ long trọng vào ngày 17 tháng Năm sắp tới.

Chân phước Maria Cristina Brando còn gọi là Maria Cristina Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (1856-1906), người Ý, sáng lậpDòng các Nữ tu Hy tế Đền tội cho Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

 

Minh Đức