Các tổ chức tôn giáo đang hoạt động ở Iraq chào đón ĐTC thăm nước này

Các tổ chức Công giáo và không Công giáo đang hoạt động tại Iraq chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Hôm 2/3, 29 tổ chức đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ niềm vui về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và khẳng định sự dấn thân của họ trong việc tái xây dựng một xã hội dựa trên tình liên đới và huynh đệ.

Các tổ chức bao gồm một số tổ chức Caritas, hiệp hội trợ giúp Ki-tô hữu, các hiệp hội Tin Lành Luther, Cơ quan cứu trợ người tị nạn của dòng Tên, Ủy ban Nhân đạo Ankawa và Hiệp hội Viện trợ Assyria Iraq.

Trong tuyên ngôn chung, các tổ chức chào đón chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới nơi sinh của Abraham, cha của nhiều người trong đức tin.

Những thách đố đối với Iraq

Tuyên ngôn nhắc rằng “Iraq là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại và là một đất nước xinh đẹp, phong phú với sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo”, nơi mà từ nhiều thế kỷ, nhiều cộng đồng dân tộc và tín ngưỡng đã sống cạnh nhau. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Iraq đã phải chịu chiến tranh, mất an ninh và bất ổn và gần đây là sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo, “đã làm căng thẳng sâu sắc mối quan hệ giữa các cộng đồng và hủy hoại cấu trúc xã hội của đất nước.”

Các tổ chức nói rằng ngày nay Iraq vẫn còn đối mặt với nhiều thách đố lớn lao: 1,2 triệu người di dân nội địa, 4,8 triệu người hồi hương cần được giúp đỡ, bên cạnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch “đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và làm cạn kiệt những nguồn lực của chính phủ để hỗ trợ người dân.”

Sứ điệp về tình huynh đệ đại đồng của Đức Thánh Cha

Nhắc lại lời Đức Thánh Cha trong Thông điệp Tất cả anh em về vai trò của các tôn giáo trong việc phục vụ tình huynh đệ, các tổ chức tin rằng sứ điệp của Đức Thánh Cha “trình bày cách thức cần thiết để chữa lành các vết thương quá khứ và xây dựng một tương lai cho các cộng đồng khác nhau của đất nước, và kêu gọi cộng tác giúp các cộng đồng hòa giải, tái thiết hòa bình và yêu cầu quyền an ninh, các dịch vụ và sinh kế của cộng đồng.”

Cam kết dấn thân trong tôn trọng văn hóa và tôn giáo

Các tổ chức cũng khẳng định phục vụ dựa trên nhu cầu, không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị văn hóa và niềm tin tôn giáo của người khác, bác bỏ mọi chủ nghĩa bè phái và chiêu dụ tín đồ, thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác để phục vụ những người khốn khổ trong khi sống liên đới với nhau.

Cuối cùng tuyên ngôn kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết hỗ trợ người dân Iraq vượt qua những thách thức hiện tại, trên tinh thần của tình huynh đệ và tình liên đới nhân loại thực sự. (CSR_1522_2021)

Hồng Thủy

(vaticannews.va 04.03.2021)