Ân Huệ Sau Cùng: Lòng Thương Xót Chúa Thông Điệp cho các tín hữu Công Giáo

“Chúa Giêsu hiện diện ngay trong tòa giải tội”

Mặc dù ma quỷ đã tìm mọi cách gây nhiều tai tiếng làm mất thể diện, và tín nhiệm cho nhiều linh mục Công Giáo, do đó nhiều người Công Giáo đã bỏ đạo nhưng –một ngày gần đây- họ sẽ trở về để củng cố lại đức tin của họ. Lý do là Giáo hội mừng một ngày lễ mới vào Chúa Nhật đầu tiên ngay sau lễ Phục Sinh. Nhiều người có thể thắc mắc “Ngày Lễ mới đó là gì?” Đó là lễ “Kính Lòng Thương Xót Chúa”. Giáo hội Công Giáo đã mừng ngày lễ này trong nhiều năm qua, kể từ khi tòa thánh Vatican đã chính thức công nhận vào ngày 30 tháng 4 năm Đại Xá 2000. Nhiều người tự hỏi: “Tại sao các tín hữu Công Giáo lại muốn trở lại đạo?” Vì chính Chúa Giêsu đã hứa sẽ hoàn toàn tha thứ tất cả mọi tội lỗi và hình phạt trong ngày lễ này, kể cả những tội được coi là đáng ghê tởm nhất. Lòng nhân từ khoan dung bao la của Thiên Chúa là ban cho nhân loại một cơ hội cuối.

 

Chúa Giêsu đã hứa điều này khi nào và làm thế nào để nhận biết được? Chúa Giêsu đã trao mệnh lệnh của Chúa Cha qua Thánh Faustina. Vào năm 1930, Thánh Faustina đã ghi lại đầy đủ chi tiết trong cuốn nhật ký. Nhiệm vụ của chị là ghi lại tất cả mọi điều mà Chúa muốn nhân loại nhận biết về lòng khoan dung, nhân từ của Chúa trước khi Chúa trở lại vào ngày phán xét. Để  đón nhận đặc ân này, chúng ta phải đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa trong ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày lễ mang tên Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa mà giáo hội trên toàn cầu sùng kính. Chúa Giêsu phán, “Những ai tìm đến Nguồn Mạch Sự Sống trong ngày này sẽ nhận được ơn tha thứ triệt để – cả tội lẫn hình phạt.” (nhật ký, số 300) Để xứng đáng rước Mình và Máu Thánh Chúa thì tâm hồn chúng ta phải trong sạch  và không mắc tội trọng. Hiện nay, có bao nhiêu người rước Mình và Máu Thánh Chúa trong khi linh hồn vẫn vướng tội trọng? Khi chúng ta chưa đi xưng tội để linh hồn được thanh sạch mà lên rước Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, thì linh hồn chúng ta sẽ vướng tội càng nặng hơn nữa. Những người đã quá lâu không đi xưng tội thì đây chính là dịp Chúa khuyến khích chúng ta đến với Chúa để được đón nhận ơn đại xá mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta, với lòng tin tưởng và phó thác tuyệt đối trước khi Chúa trở lại trong một ngày gần đây.

 

Trong nhật ký  Thánh nữ Faustina đã ghi lại rằng, Chúa Giêsu đã cho chị biết chính Chúa sẽ hiện diện ngay trong tòa giải tội. Chúa phán cùng chị, “Khi con vào trong tòa giải tội, thì hãy biết rằng, chính Ta đang hiện diện ở đó và đang chờ đón con. Ta sẽ ẩn mình qua vị linh mục ngồi tòa, nhưng chính Ta sẽ tác động trên linh hồn con. Đây là lúc mà các linh hồn bất hạnh nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy cho các linh hồn biết đây là nguồn mạch sự sống, nếu họ biết đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ta thì lòng nhân từ của Ta cũng sẽ không có giới hạn.” (số 1602)

 

Chúa Giêsu biết ngày hôm nay, nhân loại rất cần đón nghe những lời này của Chúa, vì thế Chúa tiếp tục phán: “Hãy đến dưới chân vị đại diện của Ta với lòng tin… và hãy xưng tội trước vị linh mục mà Ta đang dùng họ; hãy mở rộng tâm hồn ra như là con đang xưng tội với Ta, thì Ta sẽ chiếu tràn ngập ánh sáng chân lý của Ta trên con.” (số 1725) “Đây là lúc linh hồn khốn khổ được Thiên Chúa rộng lượng khoan hồng.” (số 1602)

 

Nhiều người nghĩ rằng tội của họ không thể tha thứ được, nhưng Chúa Giêsu đã phán, “Cho dù linh hồn giống như xác chết mục nát, qua cái nhìn của loài người, họ không còn có hy vọng phục hồi và mọi sự đã hoàn toàn vô phương cứu chữa, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải như vậy. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa sẽ phục hồi trở lại những linh hồn đó một cách toàn diện. Trong tòa án thương xót (tòa giải tội), nhiều phép lạ trọng đại vẫn thường  xảy ra.” (số 1448) “Đây là lúc linh hồn khốn khổ được Thiên Chúa rộng lượng khoan hồng.” (số 1602) Tất cả mọi tội lỗi vượt ngoài sự tưởng tượng đều được Chúa lượng thứ!

Rất nhiều người bị mặc cảm tội lỗi đè nặng và vì lòng kiêu hãnh, tính tự phụ đã khiến họ trốn tránh đến tòa cáo giải để xưng tội. Họ sống trong trạng thái đau khổ, bất an. Chúa Giêsu phán, “Ôi! thật là đau buồn cho những ai không biết lợi dụng cơ hội đón nhận sự màu nhiệm từ lòng khoan dung của Ta! Họ sẽ phải kêu van vô hiệu quả, nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn.” (số 1448) “Hãy nói với những linh hồn đang đau khổ tìm đến nương tựa vào trái tim khoan hồng của Ta, thì Ta sẽ ban cho họ tràn đầy bình an.”(số 1074) “Không có một đau khổ tội lỗi nào có thể lớn hơn lòng khoan dung của Ta.” (số 1273) Chúa Giêsu đến để tha thứ cho những ai phạm tội và thật là dại dột cho những ai chối từ Ngài.

 

Vào chiều ngày Chúa Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ và việc làm đầu tiên của Chúa là ban cho họ quyền năng để tha tội (Gioan 20:19-31). Điều này đã được thể hiện qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Điều này chắc chắn thể hiện Thánh Ý của Chúa là không phải Ngài dành riêng cho các tông đồ đặc ân được quyền tha tội mà thôi, nhưng hơn thế nữa, cho thấy quyền năng đó được ban xuống qua Chúa Thánh Thần đến trên các linh mục ngày nay. Vì thế việc ăn năn tội là một cảm nghiệm như tâm hồn được nâng cao lên; chúng ta thật sự được chính Chúa ban cho nhiều hồng ân từ trời và mọi tội lỗi đều được tha thứ!

 

Phần đông chúng ta không dành nhiều thời giờ để nghĩ đến tương lai. Có thể nhiều người nghĩ rằng họ tài giỏi, lỗi lạc và thành công trong cuộc sống, nhưng điều gì có thể so sánh được với sự vĩnh cửu? Cha của sự gian dối (ma quỷ) đã khiến cho con người chỉ chú trọng vào đời sống tạm bợ mà không nghĩ đến những gì sẽ xảy ra về đời sống vĩnh cửu. Nếu bạn thật sự muốn là người khôn ngoan, thì hãy nghĩ đến chiều hướng mà bạn đang tiến đến để có được đời sống vĩnh cửu. Chúng ta sẽ ở nơi đó muôn đời. Nhiều người đã không tin có lửa hỏa ngục. Thật rất đáng tiếc, chính họ thường sẽ là những người đến và ở lại nơi đó. Hãy khôn ngoan sáng suốt, suy nghĩ về điều này!

 

Hãy nhớ lời Chúa Giêsu phán, “Ta mong muốn ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa sẽ là nơi ẩn náu và nương tựa cho tất cả các linh hồn, và đặc biệt là những kẻ tội lỗi. Trong ngày lễ này, Ta sẽ mở tận đáy lòng thương xót của Ta ra. Những linh hồn sốt sắng đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa sẽ được nhận ơn tha thứ triệt để – cả tội lỗi lẫn hình phạt.” (số 699) “Những linh hồn hư mất vì bất chấp cuộc Khổ Nạn cay đắng của Ta. Ta ban cho họ niềm hy vọng cuối cùng để được cứu thoát; đó là, ngày lễ Kính Lòng Thương Xót. Nếu họ không tôn kính lòng thương xót của Ta, họ sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn… hãy nói cho các linh hồn biết về lòng thương xót rất vĩ đại của Ta, bởi vì ngày đáng kinh sợ, ngày Ta đến để phán xét đã gần kề.” (số 965) Thế gian hãy thức tỉnh, và thống hối nhìn nhận những tội lỗi của mình, đây có thể là cơ hội cuối cùng để chúng ta được cứu rỗi.

Xin hãy liên lạc với nhà thờ Công Giáo tại vùng địa phương và sắp đặt thời giờ để đi xưng tội càng sớm càng tốt, nhờ đó chúng ta có thể luôn luôn sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể, đặc biệt là trong ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, khi đó mọi tội lỗi lẫn hình phạt của chúng ta sẽ được Chúa hoàn toàn tha thứ!

 

Thánh Nữ Faustina Thị Kiến Hỏa Ngục

 

“Tôi là một nữ tu, tên Faustina Kowalska, vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, đến tham quan vực thẳm hỏa ngục để tôi có thể tường trình lại cho các linh hồn biết về nơi này và làm chứng nhân cho sự hiện hữu của hỏa ngục… Quỷ dữ đã oán ghét tôi tột cùng, nhưng chúng phải vâng lời tôi vì đó là mệnh lệnh của Chúa. Tất cả những gì tôi viết lại đây chỉ là một bóng mờ ảo so với những điều mà tôi đã được chứng kiến. Tôi nhận thấy một điều: đó là hầu hết những linh hồn đang ở đó đều là những người đã từng không tin là có hỏa ngục.” (Nhật ký số 741)

“Hôm nay, tôi được thiên thần dẫn đi cho nhìn thấy vực thẳm của hỏa ngục. Đây là chốn luyện hình rất đáng ghê sợ; nơi này rộng lớn và tràn ngập những cảnh tượng kinh hoàng! Những loại hình phạt tra tấn mà thôi đã nhìn thấy như:

Hình Phạt Đầu Tiên Mà Hỏa Ngục Tạo Ra Là:

– Sự mất Thiên Chúa hoàn toàn.

Thứ hai là:

– Sự dằn vặt hối hận của lương tâm.

Thứ ba là:

– Tình trạng của họ vĩnh viễn không thay đổi.

Thứ tư là:

– Ngọn lửa sẽ thiêu đốt linh hồn nhưng không tiêu hủy nó. Một sự đau đớn khủng khiếp vì đó là lửa thiêng liêng tinh tuyền, đốt cháy bởi cơn thịnh nộ của Chúa.

Hình phạt thứ năm là:

– Bóng tối triền miên vây bủa chung quanh và mùi hôi hám ngột ngạt rất kinh tởm, bất chấp bóng tối, quỷ dữ và những linh hồn bị đọa đày vẫn nhìn thấy nhau và thấy tất cả những điều nhơ nhớp, xấu xa của nhau và của chính họ.

Hình phạt thứ sáu là:

– Lúc nào quỷ Satan cũng ở kề bên.

Hình phạt thứ bảy là:

– Nỗi tuyệt vọng tột cùng, lòng căm hờn Thiên Chúa, họ thốt ra những lời nguyền rủa cực kỳ đê tiện, và phỉ báng.

Đó là những hình phạt đày đọa cực kỳ đau đớn, nhưng đó chưa phải là những nỗi đau đớn tột cùng.

Những sự đau đớn không ngôn ngữ diễn tả:

Có những hình phạt đặc biệt dành riêng cho nhiều linh hồn. Đây là những hình phạt thuộc về tri giác. Mỗi linh hồn phải trải qua sự hành hình và điều này tùy thuộc vào những tội mà họ đã gây ra (khi ở thế gian), những hình phạt rất kinh khủng không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được.

Tôi tưởng mình đã chết

Có những hang động và những vực sâu tra tấn và những nơi mà những hình thức đau đớn cùng cực khác biệt nhau. Nếu không có Thiên Chúa nâng đỡ cho tôi, thì tôi đã chết khi phải đối diện với những hình ảnh tra tấn này.

Không ai có thể khẳng định là không có hỏa ngục

Hãy kể cho những ai phạm tội biết họ sẽ vĩnh viễn chịu sự hành hạ, tra tấn bởi những tội mà họ đã thường xuyên gây ra. Mệnh lệnh của Chúa là muốn tôi viết lại những điều này, để không một linh hồn nào có thể bào chữa và khẳng định là không có hỏa ngục hoặc cho là chưa bao giờ có ai đã đến đó, vì thế không ai có thể tuyên bố đã biết hỏa ngục là như thế nào… Thật là ghê gớm cho những linh hồn phải chịu sự hành hạ đau đớn tại đó! Vì thế, tôi đã cầu nguyện bằng tất cả lòng nhiệt thành để những linh hồn tội lỗi biết ăn năn thống hối. Tôi không ngừng kêu nài lòng thương xót của Chúa đổ tràn trên họ. Lạy Chúa Giêsu, con thà phải chịu trải qua sự đau đớn cho đến ngày tận thế, ngay cả giữa những đau khổ nhất, còn hơn là xúc phạm đến Ngài dù là tội rất nhẹ.” (Nhật Ký số 741)

 

Lễ Kính Lòng Thương Xót

 

Trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót, qua Thánh Nữ Faustina, Chúa đã yêu cầu ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa phải được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Thánh ý của Chúa đã được tỏ ra cho biết trong lần mặc khải đầu tiên với thánh nữ. Trong đó, tất cả 14 mặc khải có liên quan đến những điều mà Chúa mong muốn về ngày lễ này.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã đích thân chỉ định theo ý muốn của Ngài cho từng ngày trong tuần Cửu Nhật để cầu nguyện chuẩn bị cho ngày lễ này một cách trọng thể. Ngài nhấn mạnh, “Hãy làm tất cả những điều mà các con có thể làm cho công việc của Lòng Thương Xót. Ngài nói tiếp: “Trái tim Ta hoan hỉ trong ngày lễ này.” Thánh Faustina đã kết luận: “Qua những lời này, tôi nhận thức được rằng không điều gì có thể phân tán nghĩa vụ mà Chúa đã đòi hỏi nơi tôi” (Nhật ký, số 998)

 

Ý muốn của Thiên Chúa thể hiện rõ về việc Ngài muốn ngày lễ này phải được cử hành vào ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh. Ngài liên kết ngày lễ này vào Chúa Nhật đã được chỉ định qua 8 lần mạc khải: Nhật ký số 49,88,280,299,341,570,699, và 742. Ngụ ý của Chúa về sự liên kết giữa ngày lễ với ngày Chúa Nhật được thể hiện đôi lần và được ghi lại trong cuốn nhật ký của vị Thánh này (xin xem nhật ký số 420, 89).

 

Ngày “Chúa Nhật đầu tiên ngay sau lễ Phục Sinh”- đã được chỉ định trong sách các Giờ Kinh Phụng Vụ và cử hành Thánh Thể, cũng như “Ngày bát nhật Phục Sinh” đã được chính thức gọi là Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh sau việc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II. Ngày nay, sắc lệnh của Công Đồng về Phụng Vụ Thánh và giới luật các Bí tích, tên phụng vụ của ngày này đã đuợc thay đổi là: “Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, hay Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa.”

Đức Giáo Hoàng John Paul II cũng đã tuyên bố về sự thay đổi này trong bài diễn văn của ngài trong buổi lễ phong Thánh cho Thánh nữ Faustina vào ngày 30 tháng 4 năm 2000. Hôm ấy, ngài tuyên bố: “Một điều rất quan trọng là chúng ta nên công nhận toàn bộ thông điệp đã đến với chúng ta qua Lời của Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, vì thế từ đây trở đi toàn thể giáo hội sẽ tuyên xưng ngày này là “Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa”.

 

Qua những lời của “toàn bộ bức thông điệp”, Đức Thánh Cha đã ám chỉ về sự liên kết chặt chẽ giữa “Mầu nhiệm Phục Sinh của sự Cứu chuộc” – sự đau khổ, sự chết, sự mai táng, sự phục sinh, và sự thăng thiên của Chúa Cứu Thế, kế đó là việc gởi Chúa Thánh Thần đến – và ngày lễ Kính Lòng Thương Xót, Ngày bát nhật Phục Sinh.

Liên quan về điều này, Đức Thánh Cha đã nói, trích lời đáp ca Thánh vịnh mà Giáo hội hát như nhận từ môi miệng của Chúa, lời của Thánh vịnh “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, đến muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương  Tv 118:1, sau đó, Đức Thánh Cha khai thác sự liên kết nhiều thêm nữa: “[Điều này đến] từ môi miệng của Chúa phục sinh, là Đấng mang thông điệp Lòng Thương Xót Chúa và trao việc phục vụ này cho các tông đồ ở Căn Phòng Lầu Trên: ”Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói Xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:21-23)

.

Qua những điều Đức Thánh Cha đã liên tục nhắn nhủ, cho thấy rõ tại sao Chúa Giêsu thường nhắc nhở hình ảnh cực thánh của chính Ngài là Lòng Thương xót Chúa cần được toàn thế giới sùng kính trong ngày lễ Chúa Nhật này (xin xem nhật ký số 49, 88, 299, 341, 570 và 742). Đức Thánh Cha tuyên bố: “Trước khi lên tiếng, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy dấu thánh nơi hai tay và cạnh sườn của Ngài. Ngài chỉ vào những vết thương cuộc Khổ Nạn, đặc biệt là vết thương trong trái tim của Ngài, chính là mạch nguồn tuôn chảy như sóng trào dâng lòng  thương xót đổ tràn trên nhân loại.

Từ trái tim đó, Sơ Faustina Kowalska, một chân phước từ giây phút này trở đi sẽ được chúng ta gọi là một vị thánh, đã nhìn thấy hai luồng ánh sáng phát xuất từ trái tim của Chúa và tỏa sáng trên toàn thế giới: ‘Hai luồng ánh sáng, biểu tượng cho máu và nước’, chính Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa về điều này cho Thánh Faustina. (Nhật ký, 299).

 

“Máu và nước! Ngay lập tức, chúng ta nhớ lại lời chứng từ của thánh Gioan tin mừng, “bấy giờ, một người quan lính lấy giáo đâm vào cạnh cườn sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra (cf. Ga 19:34). Hơn nữa, nếu máu là sự hy sinh của Chúa trên thánh giá và là của lễ của Thánh Lễ, thì nước, trong biểu tượng Johannine, tượng trưng không chỉ về Phép Rửa mà thôi, mà còn là quà tặng của Chúa Thánh Thần (cf Ga 3:5; 4:14, 7:37-39).

 

Lòng Thương Xót Chúa đến với nhân loại phát xuất từ trái tim của Chúa Giêsu trên thánh giá: Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh Faustina ‘Hỡi người con gái của Ta, hãy rao truyền, [cho tất cả mọi người] rằng chính Ta là [hiện thân] Thiên Chúa của Tình Yêu & Nhân Hậu (Nhật ký, số 1074). Chúa Giêsu đổ tràn đầy lòng thương xót của Ngài trên nhân loại qua việc gởi Thánh Thần Chúa, trong Ba Ngôi Thiên Chúa đến, là Người-Tình-Yêu. Và phải chăng tình yêu danh xưng thứ hai được hiểu trong khía cạnh sâu thẳm và dịu hiền nhất, là trong khả năng mang lấy trên mình gánh nặng của mọi nhu cầu và đặc biệt là trong khả năng bao la của sự tha thứ?

 

Qua sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha trong nghi thức trọng thể nhất của Ngài “hiện diện qua đời sống và bằng chứng của Thánh Faustina Kowalska chính là phần thưởng của Chúa gởi đến cho nhân loại vào thời đại này,” suy luận điều này cho thấy đây là thời điểm xứng đáng nhất, thích hợp nhất, để tôn vinh trọng thể Lòng Thương Xót Chúa  ngay vào đúng sau ngày lễ Phục Sinh, nhắc lại sự đạt đến cùng đích của Đấng Cứu Thế.

 

Thánh Augustine đã gọi tám ngày Phục Sinh (điều mà phụng vụ Giáo hội xem như là một ngày – (ngày của tạo dựng mới) là “ngày khoan hồng và ân xá.”  Thánh Augustine gọi Chúa Nhật Phục Sinh “Tóm lượt những ngày của lòng thương xót” (bài giảng 156, Dom. In Albis).  Đây cũng chính là điều mà Thiên Chúa nhắc nhở Thánh Faustina về lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa [nhật ký, số 88].  Vì thế cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Gioan Phao-Lô II tuyên bố trong cuộc hành hương viếng thăm mộ phần của Thánh Faustina vào ngày 7 tháng 6, năm 1997:  “Tôi dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa toàn năng vì Ngài đã cho cá nhân tôi được góp phần vào việc thành lập ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa một cách hòan hảo theo Thánh Ý của Chúa.”

 

Sự tôn sùng Ảnh Lòng Thương Xót Chúa

 

Hình ảnh Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót Chúa, phải có một nơi vinh dự nhất vào ngày mừng lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, hình ảnh của Ngài cũng nhắc cho ta tưởng nhớ về cuộc Khổ Nạn, sự Chết và sự Phục-Sinh mà Ngài đã trải qua vì chúng ta, và cũng để nhắc nhở điều mà Chúa đòi hỏi chúng ta đáp trả cho Ngài – tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và khoan dung với mọi người:

“Ta muốn hình ảnh Ta phải được tôn kính trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau Phục Sinh, và ta muốn điều này phải được tôn vinh một cách công khai để các linh hồn biết về điều này” (số 341)

 

Lời Hứa đặc biệt về Lòng Thương Xót Chúa

Chúa hứa ban ơn tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt cho chúng ta vào ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa đã được ghi lại 3 lần trong cuốn nhật ký của Thánh Faustina, mỗi lần một cách hơi khác nhau: “Ta muốn ban ân xá cho những linh hồn đã đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa trong ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa” (số 1109)

Bất cứ ai đến cầu xin Nguồn Mạch Sự Sống trong ngày này thì mọi tội lỗi và hình phạt sẽ được hoàn toàn tha thứ” (số 300)

“Những linh hồn đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa sẽ được đón nhận ơn tha thứ triệt để cho tội lỗi lẫn hình phạt” (số 699)”

 

Ân Huệ Đặc Biệt

 

Thiên Chúa nhấn mạnh, qua lời hứa, giá trị tột đỉnh của bí tích Hóa Giải và bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm từ  lòng nhân từ của Chúa.  Chúa muốn chúng ta ý thức điều này, Bánh Thánh chính là Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu, đó là “Nguồn Mạch Sự Sống” (số 300).  Phép Thánh Thể là Chúa Giêsu, chính Ngài là Chúa Sự Sống, mong mỏi đổ tràn đầy sự thương xót của chính Ngài vào trong tâm hồn của chúng ta.

Tại sao Thiên Chúa phải nhấn mạnh điều này?  Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thật sự ý thức về điều này.  Họ cảm thấy không cần thiết rước Mình và Máu Thánh Chúa hay lên rước lễ vì đó là một thói quen bình thường.  Như Thánh Phao Lô đã viết trong thư gởi đến tín hữu thành Côrintô, họ đã nhận lãnh Mình và Máu Thánh của Thiên Chúa một cách bất xứng, “vì họ không cảm nhận được đó là Mình và máu Thánh của Thiên Chúa” (I Cor 11:27-29)

 

Qua sự mặc khải của Ngài cùng Thánh Faustina, Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy rằng Ngài đã hiến thân cho chúng ta qua phép Thánh Thể và Ngài cảm thấy tổn thương khi chúng ta thờ ơ lãnh đạm trước sự hiện diện của Ngài.

“Niềm vui sướng nhất của Ta là được hợp nhất với các linh hồn… Khi Ta đến trong tâm hồn của loài người qua phép Thánh Thể, hai tay của Ta tràn đầy ân sủng khác nhau mà Ta muốn ban phát cho các linh hồn.  Nhưng những linh hồn không chú ý đến Ta; họ lãnh đạm bỏ mặc Ta và bận rộn với những việc riêng tư khác.  Ôi!  Ta rất buồn khi thấy những linh hồn không nhận biết được tình yêu của Ta!  Họ đối xử với ta như một vật vô tri (số 1385).

 

“Ta rất đau lòng khi các linh hồn lãnh nhận bí tích yêu thương như là một thói quen, hầu như họ không cảm nghiệm được của ăn này. Ta nhìn thấy được họ không có đức tin hay tình yêu đối với Ta trong trái tim của họ.  Tốt hơn hết là họ đừng đến nhận lãnh Ta.”(số 1288)

 

“Thật đau khổ cho Ta khi thấy rất ít linh hồn biết thường xuyên kết hợp họ với Ta trong phép Thánh Thể .  Ta chờ đợi họ, nhưng họ vẫn vô tình không nhận ra Ta.  Ta muốn đổ tràn ngập hồng ân trên họ, nhưng họ lại chối từ ơn này.  Họ xử với ta như vật vô tri, khi mà trái tim của Ta tràn đầy tình yêu và lòng khoan nhân.  Để có thể nhìn nhận được phần nào sự đau khổ của Ta, hãy hình dung qua hình ảnh người mẹ dịu hiền thương yêu con của mình tha thiết, nhưng những người con này lại chà đạp trên tình yêu của người mẹ.  Hãy thử tưởng tượng về nỗi đau lòng của người mẹ.  Không một ai có thể làm xoa dịu sự đau khổ của bà.  Tình yêu của Ta dành cho các con cũng giống như tình người mẹ nhưng mãnh liệt hơn rất nhiều. (số 1447)

 

Vì vậy lời hứa hoàn toàn tha thứ tội lỗi của Thiên Chúa là lời nhắc nhở cũng như lời kêu gọi chúng ta.  Ngài  muốn nhắc nhở chúng ta là Chúa Giêsu thực sự hiện diện và đang sống trong Bí Tích Thánh Thể, đầy lòng thương yêu chúng ta và đang chờ chúng ta quay trở lại với lòng tin tưởng nơi Ngài.  Ngài kêu gọi chúng ta rửa sạch tất cả tội lỗi trong Tình yêu của Ngài qua bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể – bất kể tội lỗi của chúng ta ghê gớm đến thế nào đi chăng nữa– và bắt đầu một cuộc sống mới.  Ngài ban cho chúng ta một khởi đầu mới.

 

Chuẩn Bị Tâm Hồn Cho Xứng Đáng

 

Nhận phép Hóa Giải là phương pháp duy nhất để chúng ta sửa soạn đón mừng ngày Chủ Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa.   Đức Hồng-Y Francis Macharski của giáo phận Krakow Ba-Lan đã giải thích trong thơ gởi cho giáo phận của ngài là chúng ta không phải chỉ được gọi để khẩn cầu sự khoan hồng trong đức tin nhưng chúng ta cũng cầu xin để có được lòng nhân hậu.

“Tính nhân hậu nơi chúng ta cần có sự chuẩn bị.  Nếu không thể hiện lòng khoan nhân qua hành động thì sự nhất tâm ấy không chân thật.  Không những Chúa thể hiện lòng thương xót của ngài cùng chúng ta mà thôi, đồng thời Ngài còn đòi hỏi mọi người phải có cuộc sống tràn đầy yêu thương và lòng nhân hậu.  Đức Thánh Cha dạy rằng đây chính là điểm trọng tâm của Kinh Thánh  (Giàu lòng thương xót, 3)- đây chính là điều luật của tình yêu và sự hứa hẹn:  “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).  Hãy có lòng tha thứ và lòng nhân hậu chân thật, và toàn diện với lời nói tốt lành, qua hành động và lời cầu nguyện cho mọi người!”

 

Những lời Chúa gởi đến cho chúng ta qua Thánh Faustina về những điều kiện tối thiểu để nhận được lòng nhân từ rất rõ rệt và không thể nhầm lẫn hay hiểu sai lệch:

“Đúng vậy, Chúa Nhật đầu tiên sau Phục Sinh là lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, nhưng phải làm những việc có liên quan đến lòng khoan dung….Ta đòi hỏi nơi các con hành động qua cử chỉ nhân đạo và khoan dung, được nảy sinh ra từ lòng kính yêu Ta.  Các con luôn luôn phải có lòng nhân đạo đối với những người chung quanh các con, và khắp mọi nơi.  Các con không được chùn bước trong việc này hay tìm lý do bào chữa hay tự mình lẩn tránh trách nhiệm. (742).

 

Để xứng đáng mừng ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cần:

1.    Đón mừng lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chủ Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh (Chúa Nhật II Phục Sinh)

2.    Thành tâm thống hối ăn năn tất cả tội lỗi của chúng ta

3.    Đặt tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu

4.    Đi xưng tội, tốt nhất là nên xưng tội trước ngày Chúa Nhật của ngày lễ này

5.    Rước Mình và Máu Thánh Chúa trong ngày lễ này

6.    Tôn kính thánh ảnh Lòng Thương Xót Chúa

7.    Đối xử đầu thương xót với mọi người qua hành động, lời nói, việc làm và cầu nguyện cho thay cho họ.

 

Ơn Toàn Xá Ngày Kính Lòng Thương Xót Chúa

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá trong ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh. Quyết định trên đây được công bố trong sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao đăng trên báo Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh.

Sắc lệnh khẳng định rằng ơn toàn xá được ban với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha cho những tín hữu nào trong ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh tức là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa tại bất kỳ nhà thờ nào có lòng quyết tâm từ bỏ mọi quyến luyến tội lỗi kể cả tội nhẹ và tham dự vào các việc đạo đức tôn vinh lòng từ bi Chúa hay ít là đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính cùng với sự kêu cầu Chúa Giêsu từ bi trước sự hiện diện của Mình Thánh Chúa được trưng bày công khai hoặc giữ trong nhà tạm.