120 Thánh tử đạo tại Trung Quốc

Vào ngày 9/7 hàng năm, Giáo Hội cử hành lễ nhớ 120 thánh Tử đạo tại Trung Quốc. Việc tôn giáo bị bức hại có một lịch sử lâu đời tại Trung Quốc, đặc biệt là cuộc bức hại Kitô giáo, hàng ngàn người đã chết vì đức tin trong thiên niên kỷ trước.
120 Thánh tử đạo tại Trung Quốc
Vào ngày 1 tháng 10 năm 2000, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho 120 người – gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em – những người đã hy sinh mạng sống để minh chứng cho đức tin tại Trung Quốc, trong những năm từ 1648 đến 1930. Các thánh tử đạo nói trên bao gồm 87 người bản xứ Trung Quốc và 33 nhà truyền giáo nước ngoài. Phần lớn các ngài đã bị giết trong Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Rebellion) năm 1900.
120 Thánh tử đạo tại Trung Quốc
Theo Wikipedia tiếng Việt, Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn) là một phong trào bạo lực tại TQ (từ 11/11/1899 đến 7/9/1901) để chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo, trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt và kinh tế suy sụp.Quân nổi dậy xông vào các nhà thờ, giết hại hàng trăm nhà truyền giáo ngoại quốc. Hàng chục nghìn tín đồ Kitô giáo Trung Quốc, gồm Công giáo và Tin Lành đều bị giết phần lớn tại hai tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói trong lễ tuyên thánh: “Những người nam và nữ Trung Quốc, thuộc mọi lứa tuổi và chức vị, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả họ đều thể hiện cùng một đức tin, cùng một niềm vui. Họ đã hy sinh mạng sống để giữ sự trung thành tuyệt đối với Chúa Kitô và với Giáo hội.”

“Đáng chú ý trong số các vị tử đạo này, có 33 nhà truyền giáo nước ngoài đã rời bỏ quê hương, nhà cửa của họ và thể hiện ước ao đắm mình hoàn toàn tại Trung Quốc, rao giảng Chúa Kitô và phục vụ người dân nơi đây.”

Trong số 33 nhà truyền giáo ngoại quốc, phần lớn là linh mục và tu sĩ, bao gồm các tu sĩ của Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên, Dòng Donbosco và Dòng Thừa sai Phan Sinh của Đức Maria.

Một trong những vị tử đạo nổi tiếng người bản xứ Trung Quốc là cô gái tên Ann Wang. Cô bị giết trong Phong Trào Nghĩa Hòa Đoàn khi quyết từ chối không bỏ đạo. Cô dũng cảm chống lại những đe dọa của những kẻ tra tấn cô, và khi cô sắp bị chặt đầu, cô tuyên bố dõng dạc rằng: “Cửa thiên đang mở ra cho tất cả mọi người” và lặp lại tên Chúa Giêsu ba lần.

Một vị tử đạo khác là Chi Zhuzi, 18 tuổi, người đang chuẩn bị chịu Bí Tích rửa tội thì bị bắt trên đường. Ông bị ép phải thờ phượng các tượng thần, và vì từ chối làm như vậy cũng như tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nên ông bị chặt cánh tay phải, sau đó bị tra tấn, nhưng ông vẫn không chối bỏ đức tin của mình. Thay vào đó, ông không hề sợ hãi khi tuyên bố với những kẻ bắt cóc mình, trước khi bị thiêu sống: “Mỗi mảnh xác thịt của tôi, mỗi giọt máu tôi rơi xuống là lời tuyên xưng rằng tôi là Kitô hữu.”

Augustine Zhao Rong, vị linh mục bản xứ đầu tiên của Trung Quốc, cũng chịu tử đạo. Ngài sinh năm 1746, ngài từng đóng vai trò là lính hộ tống Đức Cha John Gabriel Taurin Dufresse đến chịu tử đạo ở Bắc Kinh. Sự dũng cảm của vị giám mục đã tác động khiến Augustinô muốn rửa tội năm 30 tuổi để trở thành người Công giáo. Năm năm sau đó, cha Augustinô được thụ phong linh mục và ngài chịu tử đạo năm 1815.

Trong thánh lễ tuyên thánh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cảm ơn Chúa vì đã ban phước cho Giáo Hội Trung Quốc, qua lời chứng anh hùng của 120 vị tử đạo, người mà ngài gọi là “tấm gương về lòng dũng cảm và sự kiên định cho tất cả chúng ta”.

Nguyên Prince (theo CNA)